Đại hội Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ IV (2010-2015):

Nhà văn Công an phải là chiến sĩ Công an

Thứ Sáu, 02/07/2010, 16:30
Nhiệm kỳ III của Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực Công an đã khép lại với sự gia tăng cả về hội viên và số lượng tác phẩm. Là một chi hội nghề nghiệp về văn học, nhiều trong số những người viết văn trong Lực lượng Công an đang vừa sáng tác vừa đảm trách nhiệm vụ nòng cốt tại các cơ quan, đơn vị của lực lượng, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ bình yên cho nhân dân và xây dựng Lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

1. Đại hội Chi hội Nhà văn Công an kết thúc nhiệm kỳ III, mở đầu nhiệm kỳ IV giai đoạn 2010 đến 2015 diễn ra một ngày cuối tháng 6 tại Hà Nội. Trời không quá oi bức, nhưng cũng đủ để hâm nóng bầu không khí của đại hội với một nhiệm kỳ được đánh giá là thành công về nhiều mặt. Như thường lệ và gần như trong tất cả các cuộc họp có sự chủ trì, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước bao giờ cũng là người đến sớm nhất.

Nhiệm kỳ III cũng là nhiệm kỳ đầu tiên ông đứng ra đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an, bên cạnh bộn bề công việc của nhà quản lý cũng như một tác gia văn, thơ trong lực lượng. Đến dự và chỉ đạo có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Như những gì nhà văn Văn Phan thông báo, thì nhiệm kỳ III đã có những bước phát triển mạnh đối với Chi hội. Mở đầu nhiệm kỳ có 24 hội viên, qua 6 năm phát triển thêm được 8 hội viên quả là con số đáng mừng. Bên cạnh việc bổ sung 2 nhà văn Lương Sỹ Cầm và nhà văn Trần Hữu Tòng, việc có tới 6 nhà văn mới được kết nạp là nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nhà văn Phan Đình Minh, nhà thơ Hà Văn Thể, nhà văn Nguyễn Xuân Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Tửu, nhà biên dịch Phạm Văn Ba đã khiến cho hoạt động của hội thêm phần sung mãn.

Với một chi hội mà nòng cốt đa phần là cán bộ cao cấp, đang giữ những chức vụ quan trọng trong quản lý báo chí, xuất bản của lực lượng thì việc các nhà văn, nhà thơ có vốn sống, vốn tích lũy hiểu biết về Lực lượng Công an và có điều kiện sáng tác về đề tài này là lẽ đương nhiên.

Ra mắt Ban chấp hành khóa IV Chi hội Nhà văn Công an.

Hơn 80 bản thảo tiểu thuyết, trong đó đã xuất bản trên 60 tựa sách là một con số cụ thể không nhỏ đánh giá thành tựu lao động sáng tạo của các nhà văn trong chi hội của nhiệm kỳ vừa qua. Truyện ký vừa và ngắn có hơn 100 bản thảo với hơn 40 tập truyện được in, chưa kể số lượng in báo. Số lượng các tác phẩm thơ cũng xuất bản được 26 tập và hàng trăm bài in báo.

Mảng kịch bản sân khấu và kịch bản phim truyện, phim truyền hình tạm dừng ở con số 26, nhưng đã có những tác phẩm được đánh giá rất cao với giải thưởng danh giá. Trong đó phải kể đến thành công vang dội của loạt phim truyền hình nhiều tập "Chạy án" và bộ tiểu thuyết cùng tên phản ánh một cách chân thực mảng đề tài hình sự chống tham nhũng nóng hổi của nhà văn Nguyễn Như Phong được độc giả và công chúng đón nhận rất háo hức, để lại dấu ấn trong lòng người xem.

Nhiều nhà văn trong chi hội đã có các tác phẩm ra khá đều tay, thể hiện một sức sáng tạo sung mãn như nhà văn, nhà thơ Hữu Ước với các tập “Thơ chơi”, “Thơ - Nhạc - Họa”... Nhiều nhà văn có tới 3, 4 đầu sách hay như Lương Sỹ Cầm, Nguyễn Như Phong, Từ Kế Tường, Đinh Quang Tốn, Văn Phan, Vũ Xuân Tửu, Khổng Minh Dụ, Trần Hữu Tòng...

Qua đánh giá của bạn đọc cho thấy các tác phẩm của nhà văn Công an đều có nội dung lành mạnh, có tính nhân văn, tính chiến đấu cao, tập trung nhiều vào phản ánh cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đề tài lịch sử truyền thống của Lực lượng Công an trong đấu tranh cách mạng và hai cuộc kháng chiến cũng được các nhà văn quan tâm khai thác, điển hình là "Cây da xà" của Văn Phan...

Nhiều tác giả đi sâu khai thác lĩnh vực đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, đấu tranh cho công bằng, dân chủ, cho sự lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội với tinh thần đề cao pháp luật kỷ cương như "Cổ cồn trắng", "Bí mật những cuộc đời", "Chạy án" của Nguyễn Như Phong....

Xây dựng nhân vật công an, nhân vật chính diện, các tác giả đã nêu cao sự trung thành, dũng cảm, đạo đức truyền thống, biểu dương tinh thần quên mình vì phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích chung, phê phán tư tưởng phản nhân dân, phản cách mạng, những thói hư tật xấu, cảnh báo tội phạm. Không ít tác giả đã chú ý tới mảng đề tài đấu tranh xung đột danh - lợi, xung đột văn hóa thời hội nhập.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh tặng hoa 2 nhà văn Văn Phan và Trần Diễn.

Đáng chú ý có những tác giả đã để nhiều công phu tìm tòi mở rộng đề tài về mâu thuẫn nội tâm của người công an, đề tài lịch sử dân tộc và các đề tài khác để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc như tập thơ "Sống như không thể chết" của Hồng Thanh Quang; "Đất nóng", tiểu thuyết của Nguyễn Hồng Thái; "Lạy xin mây trắng", thơ của Hà Văn Thể, "Tình yêu vạn dặm", tập truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hải...

Theo nhà văn Văn Phan, chất lượng các tác phẩm của các nhà văn công an đã mang tính nghệ thuật và chuyên nghiệp hơn. Nhân vật trong các tác phẩm ấy cũng được tô đậm đa chiều, vì thế mà sống động hơn. Ngoài ra, có thể thấy rõ sức ép thị trường để dấu ấn ở cách đặt tên tác phẩm, cách trình bày bìa sách.

Một điểm đáng chú ý, đó là mảng phê bình văn học xưa nay vốn không được các nhà văn trong lực lượng quan tâm, thì trong nhiệm kỳ vừa qua đã đánh dấu sự thay đổi với tác phẩm đoạt giải lý luận phê bình của Hội Nhà văn năm 2009 của nhà thơ, nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn.

Như một lợi thế nhất định, những hội viên là phóng viên, biên tập viên đã luôn theo sát các hoạt động trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, các vụ án lớn, các điểm nóng. Vì vậy đã kịp thời viết bài phục vụ các mặt hoạt động của lực lượng. Qua đó anh chị em cũng tích lũy được vốn sáng tác sâu, ra sách, dựng phim mang đầy hơi thở cuộc sống sinh động được nhân dân và cán bộ chiến sĩ đón nhận. Những đêm nhạc, kịch đầy lòng nhân ái cũng có hiệu quả về nhiều mặt...--PageBreak--

2. Say sưa với bài phát biểu trong đó khẳng định các nhà văn trong Chi hội nhà văn Công an là "chỗ dựa" của Hội Nhà văn Việt Nam về mảng đề tài an ninh trật tự, trong cuộc đấu tranh của cái thiện chống lại cái ác, nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn không quên đề nghị các hội viên chi hội tham gia ý kiến đóng góp cho bản dự thảo báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2005 - 2010 và phương hướng nhiệm vụ phát triển văn học nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Hội Nhà văn sắp tới. "Bản này tôi sửa tới 6 lần rồi. Đi đến mỗi nơi, anh em góp ý lại sửa. Chắc từ giờ đến lúc đại hội, còn phải sửa vài lần nữa", ông Chủ tịch Hội Nhà văn thân thiện và hóm hỉnh nói.

Hơn 20 năm kiên trì một mảng đề tài, các nhà văn trong Chi hội Nhà văn Công an đã thực sự có những thành tựu văn chương nhất định trong nền văn học nước nhà, nhất định là thế. Liệt kê những loạt bài của Báo Văn nghệ Công an - diễn đàn văn học mạnh, "sân chơi" sảng khoái của những người cầm bút trong Lực lượng Công an - đã tham gia đấu tranh sắc sảo và rất kịp thời chống lại những tư tưởng xói mòn các giá trị văn hóa, hạ bệ dân tộc, ông Chủ tịch văn đàn lớn nhất cả nước còn đánh giá những tác giả trong Lực lượng Công an là một đội ngũ mạnh về chính trị lý luận trong tình hình hiện nay.

Bởi nói thì dễ, nhưng bây giờ tìm được những con người kiên định, vững vàng bảo vệ chân lý như thế thật là rất khó. Thời buổi bây giờ ai cũng muốn được yên thân, thì lấy ai ra mà đấu tranh vì sự thật, vì lẽ phải? Và ông Hữu Thỉnh đã phải nói "rất cảm ơn những con người dũng cảm ở Chi hội Nhà văn Công an!".

Nhà thơ Hữu Thỉnh nêu quan điểm: Chi hội Nhà văn Công an hiện có 32 hội viên. Nếu so với con số gần 1.000 hội viên của Hội Nhà văn thì có vẻ còn nhỏ quá, nhưng xét về mảng đề tài và vị trí của nó trong lòng bạn đọc thì lại chẳng nhỏ chút nào. Vì thế, trong 32 hội viên, dứt khoát phải có ít nhất 1 người tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa tới.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cám ơn Chủ tịch Hội Nhà văn và các anh chị em bên Hội đã động viên, giúp đỡ và ủng hộ các tác giả nhà văn Công an thời gian qua. Về công tác của chi hội, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu mong muốn Chi hội Nhà văn Công an ngày một lớn mạnh, phải là một địa chỉ tin cậy của những người cầm bút trong và cả ngoài lực lượng.

Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu khẳng định, sáng tác của các nhà văn Công an đã đóng góp rất xứng đáng vào công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng. Thay mặt  lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cám ơn Chủ tịch Hội nhà văn và các  anh chị em bên Hội đã động viên, giúp đỡ và ủng hộ các tác giả nhà văn Công an thời gian qua.

Về công tác của chi hội, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu mong muốn Chi hội Nhà văn Công an ngày một lớn mạnh, phải là một địa chỉ tin cậy của những người cầm bút trong và cả ngoài lực lượng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu lưu ý các nhà văn, nhà thơ cần nhận thức rõ là hội viên của Chi hội Nhà văn Công an thì phải xác định mình là một người chiến sĩ công an trước đã.

Về hỗ trợ sáng tác, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu đồng ý: "Các đồng chí cứ đề xuất. Nếu đề xuất hỗ trợ theo chương trình cụ thể như hỗ trợ xe cộ, phương tiện hay cơ chế để thâm nhập các đơn vị để có thực tế sinh động trong sáng tác, tôi tin là lãnh đạo Bộ Công an sẽ chẳng từ chối các đồng chí đâu!".

Các nhà văn trong một lần đi thực tế của Chi hội Nhà văn Công an tổ chức tại khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa.

Kết thúc nhiệm kỳ III Đại hội Chi hội Nhà văn Công an cũng để lại nhiều dấu ấn với phần tham luận của các nhà văn Tôn Ái Nhân, nhà văn Khổng Minh Dụ, nhà văn Phùng Thiên Tân, nhà văn Từ Kế Tường, Vũ Xuân Tửu...

3. 5 thành viên Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ IV, chỉ có 2 người tiếp tục cương vị. Đó là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng, nhà văn Hữu Ước vẫn được tín nhiệm với số phiếu tuyệt đối trong cương vị Chủ tịch Chi hội và Đại tá, nhà văn Ngôn Vĩnh. Hai lão nhà văn Văn Phan và Trần Diễn, mặc dù có nhiều đề cử, nhưng vẫn cương quyết xin thôi vì lý do tuổi cao sức yếu.

Thế mới thấy, vào Ban Chấp hành Chi hội đâu phải chỉ để... cho vui. Mà phải lo cho anh em. Như trong nhiệm kỳ vừa qua đấy, không chỉ tập trung sáng tác, Ban chấp hành đã phối hợp với các cơ quan báo chí, xuất bản tổ chức được 9 trại sáng tác về đề tài Bảo vệ An ninh quốc gia và bình yên cuộc sống, tạo điều kiện cho khoảng 270 lượt nhà văn trong và ngoài lực lượng về dự trại và tiếp xúc thực tế sáng tác.

Ngoài ra còn 16 chuyến đi thực tế cho các nhà văn trong và ngoài Lực lượng. Những việc làm đó đã trở thành kênh quan trọng làm cầu nối cho văn học trong Lực lượng Công an với bên ngoài, là một cách để đưa những mảng đề tài nghiệp vụ, trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự vốn khô cứng trở nên gần gũi với các tác giả, với công chúng.

Gần 12 giờ trưa của một buổi làm việc liên tục không có nghỉ giải lao, kết quả kiểm phiếu bầu Ban Chấp hành mới của một "Đại hội tưng bừng, náo nhiệt, sôi nổi, chất lượng" - như lời nhận xét tại chỗ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, mới được công bố.

Cùng với nhà văn Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, 3 nhà văn Phùng Thiên Tân, nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhà thơ Thái Kế Toại đã trúng cử vào Ban chấp hành khóa IV. Đa phần các đại biểu đều hài lòng và bày tỏ sự tin tưởng vào sự lựa chọn mới này. Thay mặt Ban chấp hành Chi hội khóa IV, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước hứa với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và lãnh đạo Bộ Công an sẽ cùng anh em cố gắng cải tiến, phát triển Chi hội tốt nhất

Việt Ba
.
.