Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Tìm về Hà Nội thuở hào hoa

Thứ Sáu, 15/02/2019, 13:44
Đối với Nguyễn Trương Quý, Hà Nội là khung trời quyến rũ, là bầu không khí nuôi mạch sống, dưỡng nguồn sáng tạo. Rất nhiều cuốn sách về Hà Nội, như những khúc tâm tình, những lát cắt mà Nguyễn Trương Quý gọi đó là “vi lịch sử” được anh gửi gắm: “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Còn ai hát về Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”, “Hà Nội là Hà Nội”...

“Huyền thoại Đoàn Chuẩn trong một thời gian dài đã được đồng nhất với huyền thoại Hà Nội hào hoa xưa cũ. Và cho đến tận hôm nay, khi các dấu tích vật thể của Hà Nội cũ có xu hướng bị biến mất, các “dấu chân hóa thạch” phi vật thể như các tình khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn – Từ Linh hay chính huyền thoại về cuộc đời tác giả trở nên đáng kể trong việc kể lại lịch sử thành phố...”, Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã viết lời mở đầu như vậy cho cuốn du khảo “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” để “dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai”: Hà Thành lịch lãm, mơ màng có chàng nhạc sĩ si tình ôm đàn ngồi hát...

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh thời trẻ.

Đối với Nguyễn Trương Quý, Hà Nội là khung trời quyến rũ, là bầu không khí nuôi mạch sống, dưỡng nguồn sáng tạo. Rất nhiều cuốn sách về Hà Nội, như những khúc tâm tình, những lát cắt mà Nguyễn Trương Quý gọi đó là “vi lịch sử” được anh gửi gắm: “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Còn ai hát về Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”, “Hà Nội là Hà Nội”...

Thuở đôi mươi, Nguyễn Trương Quý mê mẩn những giai điệu đầy tình tự và diễm ảo của “Thu quyến rũ”, “Tà áo xanh”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”... Nó gợi cho anh hình dung về một Hà Nội cổ kính, xa xăm và mỹ lệ với tà áo giai nhân mà những người lớn tuổi vẫn nhắc với sự thán phục không giấu giếm. Nhưng cái tên tác giả Đoàn Chuẩn – Từ Linh vẫn là một bí ẩn mơ hồ.

Một lần đi khu chợ Giời, anh mua băng cassette của ca sĩ Khánh Ly thể hiện những bài ca Đoàn Chuẩn. Từ đó, âm nhạc tự sự gợi về một Hà Nội lãng đãng, sang trọng và u uẩn cứ như chất men mãi lên hương trong anh. Tình cờ biết người nhạc sĩ tài hoa còn sống, anh rủ thêm vài người bạn đến phố Cao Bá Quát để kính ngưỡng. Mặc dù sức khỏe đã yếu nhiều, cách phát âm khó khăn sau cơn tai biến nhưng chủ nhân căn nhà số 9 vẫn phấn khích khi có người đến thăm. Ông ân cần tiếp đón lũ trẻ nồng hậu và giải đáp mọi thắc mắc của họ về hoàn cảnh ra đời của mỗi bài hát. Anh bất ngờ khi mọi sinh hoạt của người nhạc sĩ già đều gắn với khoảng không gian 4m² xung quanh chiếc giường sắt kiểu Pháp trong ngôi biệt thự 3 tầng.

Ca sĩ Mộc Lan thời trẻ.

Từ cái duyên kỳ ngộ năm 1996 ấy, Nguyễn Trương Quý bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về người nhạc sĩ được mệnh danh là lữ khách dạo chơi qua khu vườn âm nhạc. Và anh ngộ ra, Đoàn Chuẩn không đơn thuần chỉ là một công tử nhà giàu học nhạc để làm phong phú đời sống tinh thần mà ông có những mạch cảm hứng nuôi dưỡng đời sống này kéo dài suốt thời tuổi trẻ. Đoàn Chuẩn xác định âm nhạc là một cuộc chơi nhưng đó phải là một cuộc chơi đẹp.

Các con của ông cho biết, cha mình không hề biết kinh doanh như truyền thống gia đình mà ông chỉ có một niềm say mê duy nhất: say mê âm nhạc hồn nhiên như một đứa trẻ. Và dạy con, ông cũng rất nghiêm khi muốn mỗi đứa con đều phải biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ. “Cha tôi bảo rằng, loại nhạc cụ hay nhất trên đời này là giọng hát con người. Nhưng nếu trời không phú cho con giọng hát hay thì con phải chơi được một loại nhạc cụ, chơi làm sao mà thanh âm ấy phải nghe như tiếng hát con người thì lúc đó mới là tuyệt bích” – nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai Đoàn Chuẩn nhớ lại.

Điều quan trọng hơn, Đoàn Chuẩn chính là đại diện điển hình cho một thế hệ trải qua sự chuyển hóa đời sống giải trí đô thị Hà Nội giai đoạn bản lề trước và sau năm 1954, với phần trung tâm là các hoạt động âm nhạc. Ông là dấu ấn cuối cùng của tân nhạc lãng mạn (hay nhạc tiền chiến) hội tụ đủ ba yếu tố: tác phẩm, cuộc sống và sự gắn bó với Hà Nội để Nguyễn Trương Quý chọn là nhân vật trung tâm của “Một thời Hà Nội hát”. “Một đô thị quyến rũ là nơi tồn tại những huyền thoại phố phường, những vẻ đẹp lãng mạn được truyền tụng. Đoàn Chuẩn là một phát ngôn viên, một sứ giả cho vẻ đẹp ấy” - anh lý giải.

Ca sĩ Thanh Hằng (tức Lê Hằng) năm 1968.

Từ những lần trò chuyện với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn; các cuộc phỏng vấn nhân vật liên quan; khảo sát tư liệu, báo chí những năm 1940, 1950..., Nguyễn Trương Quý bắt tay thực hiện cuốn sách. Bằng phương pháp khảo cứu tỉ mỉ kết hợp với bút pháp văn chương riêng biệt, anh từng bước bóc tách, giải mã những bí ẩn xoay quanh huyền thoại âm nhạc Đoàn Chuẩn một cách lý thú.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001) sáng tác không nhiều, nếu không muốn nói là cực kỳ khiêm tốn. Suốt cuộc đời ông chỉ có vỏn vẹn 20 bài và cũng chỉ công bố lúc sinh thời chừng 16 bài. Nhưng hơn quá nửa các bài hát nhanh chóng nổi tiếng. Người ta nhớ mãi những cung bậc dìu dặt, buồn hư ảo mà đẹp sang trọng như áng văn Tự Lực Văn Đoàn: “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Chiếc lá cuối cùng”, “Lá thư”, “Lá đổ muôn chiều”, “Vàng phai mấy lá”... 

Trong quá trình khảo cứu, Nguyễn Trương Quý phát hiện ra rằng dù bắt đầu sáng tác năm 1947 với bài “Tình nghệ sĩ” nhưng hơn một nửa sáng tác được phổ biến của Đoàn Chuẩn lại ra đời sau năm 1954 - thời kỳ cuộc đời sáng tác và hoạt động âm nhạc của Đoàn Chuẩn sôi động nhất bởi nó gắn với khung cảnh đổi thay của Hà Nội. Đó là sự chuyển hóa của một đô thị thuộc địa sang thủ đô một chính thể mới (mặc dù Hà Nội đã là thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ 1945 nhưng thời kỳ tạm chiếm hơn 8 năm vẫn mang màu sắc thuộc địa).

Khi các nhạc sĩ lãng mạn khác di cư vào Nam hoặc bắt đầu chuyển hướng sáng tác những bài ca ái quốc kháng chiến thì Đoàn Chuẩn vẫn trung thành với trường phái lãng mạn. Và vì thế ông vô tình trở thành người cuối cùng sáng tác theo trường phái này của tân nhạc ở miền Bắc. Ngay cả khi là chủ rạp chiếu bóng Đại Đồng (giai đoạn 1955-1956), ông vẫn duy trì các buổi biểu diễn ca nhạc kết hợp xen kẽ giữa nhạc kháng chiến là nhạc lãng mạn.

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, những sự biến động cả về âm nhạc lẫn tình cảm của Đoàn Chuẩn dường như là tấm gương phản chiếu mạch văn nghệ và tâm tình người Hà Nội giai đoạn ấy. Dù tình hình chiến sự đầy biến động và cố gắng thích ứng với những biến đổi, thị dân Hà Thành vẫn không rũ bỏ hoàn toàn nhu cầu giải trí, không từ bỏ mối quan tâm về những mốt thời trang hay thưởng thức phim, nghe nhạc – thú tiêu khiển quen thuộc của họ từ ảnh hưởng văn minh Âu hóa cũ. Lấy Đoàn Chuẩn làm trục xoay, Nguyễn Trương Quý khắc họa lại những chân dung văn nghệ và không khí sáng tác văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc lúc ấy. Giới nghệ sĩ Hà Nội rối bời tâm tư và vẫn mơ hồ giao thoa giữa hai ý niệm: lãng mạn – ái quốc.

Bìa cuốn sách “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý.

Nhạc Đoàn Chuẩn không đơn thuần mang không khí Hà Nội xưa cũ mà nó đậm đặc đến nỗi chỉ nhắc đến nhạc ông, người ta sẽ nhớ ngay Hà Nội hào hoa, quyến rũ. Bởi từng nốt nhạc, từng phím ngân, từng câu chữ được chắt ra từ một lối sống và quan niệm thẩm mỹ của một thế hệ Âu hóa, yêu cái đẹp lãng mạn.

Những ca khúc của Đoàn Chuẩn đều nhắc về mối tình dang dở có thật. Là cậu ấm nhà giàu, lại tài hoa đa tình nên Đoàn Chuẩn có vô số giai thoại “chất chơi” không kém cạnh công tử Bạc Liêu như tiền tiêu không tiếc, đổi xe hơi như thay áo, ở biệt thự sang trọng, giỏi thể thao, chơi đàn Hawaii hay... Và nếu chỉ dừng lại ở huyền thoại về Hà Nội hào hoa thì các tình khúc của ông không có sức phổ biến rộng lớn như vậy. Nó được người đời truyền tụng còn bởi giai thoại những mối tình như mơ.

Sinh thời, ông có không ít câu chuyện tình có liên quan tới những nàng ca sĩ xinh đẹp. Mộc Lan, Thanh Hằng là hai nàng thơ hữu danh của Đoàn Chuẩn. Người ta đồn rằng, vì mê đắm người đẹp, có lần ông bao luôn rạp hát chỉ để một mình mình nghe nàng hát. Rồi đến chuyện ông săn đón Mộc Lan bằng cách dùng xe nhà binh chặn đường để mở đường cho chiếc Cadillac “bắt cóc” nàng đi Đồ Sơn chơi.

Dù sau này khi được hỏi, các bà vẫn một mực cho rằng mình và Đoàn Chuẩn chỉ là tình bạn, tình nghệ sĩ đơn thuần thì các ca khúc của ông đã phần nào là chứng nhân. Rất nhiều sáng tác của Đoàn Chuẩn dành cho hai nàng thơ đời mình như: “Chiếc lá cuối cùng”; “Tà áo xanh” viết về cuộc chia tay với Thanh Hằng. Riêng Mộc Lan là cảm hứng cho bài “Chuyển bến” (đầu đề bản nhạc chép tay có câu: “Để nhớ một kỷ niệm với V.P và M.L, Thu 1952”); “Dạ lan hương” (đề từ ghi: “Thu 1953, Kỷ niệm M.L. 1953-1977”); “Gửi gió cho mây ngàn bay”…

Một lần đến thăm nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Nguyễn Trương Quý được ông cho xem tấm ảnh của một người phụ nữ lớn tuổi tóc trắng như cước, mặc bộ quân phục có đôi mắt sắc và nụ cười rất đẹp. Chân dung bà lão trong tấm ảnh chứng tỏ thuở thiếu nữ, đó là một giai nhân sắc nước hương trời.

Qua cách diễn đạt đứt quãng khó nhọc của ông, Nguyễn Trương Quý nghe được loáng thoáng rằng đó là một nguyên mẫu trong các tình khúc để đời của Đoàn Chuẩn. Đó cũng là người đã đến thăm ông và tặng một gói nho khô cùng giỏ hoa pensée bằng lụa mà ông đang bày trân trọng trong tủ kính.

Anh chưa kịp hỏi rõ hơn về nguyên mẫu này thì vợ Đoàn Chuẩn – bà Nguyễn Thị Xuyên đi vào phòng khách. Nhanh như cắt, Đoàn Chuẩn úp tấm ảnh xuống bàn nước. Hành động đó khiến anh không khỏi thắc mắc và tò mò thêm. Sau này, khi gặp bà Lê Hằng (tức ca sĩ Thanh Hằng) vào năm 2017, anh mới “à” lên rằng, thì ra bà chính là người trong tấm ảnh mà Đoàn Chuẩn nâng niu gìn giữ.

Nhưng trớ trêu, bà Thanh Hằng xác nhận rằng mình chưa bao giờ hát nhạc Đoàn Chuẩn. Tiết lộ này làm người đời vô cùng ngạc nhiên bởi Đoàn Chuẩn là ông chủ rạp Đại Đồng có tiếng ở Hà Nội. Việc những cô ca sĩ ở rạp Đại Đồng hát nhạc của ông là điều dễ hiểu. Nhưng Đoàn Chuẩn không bao giờ dùng sân nhà để bắt ép ca sĩ khoe tác phẩm của mình. Ngày còn là ca sĩ hát nhạc lãng mạn ở rạp Đại Đồng trước khi lên đường theo đoàn văn công kháng chiến, Thanh Hằng thích bài gì thì cứ thoải mái chọn bài đó, nhưng cô chẳng bao giờ chọn bài của người theo đuổi mình. Và với Đoàn Chuẩn, ông dựng nên rạp Đại Đồng cốt để tôn vinh tài nghệ của các nàng thơ mà ông trân quý dẫu tình có quay gót.

Bây giờ, người ta cũng khó mà biết đâu là chuyện thật, đâu chỉ là giai thoại thuần túy. Cũng có thể vì quá ái mộ một Hà Nội đẹp đẽ, hào hoa, phóng khoáng mà Đoàn Chuẩn thuộc về, người ta dệt nên những câu chuyện mờ ảo để ông mãi mãi là huyền thoại của Hà Nội thuở ấy. “Đô thị nào cũng có một nhân vật riêng của mình, còn Hà Nội ngoài Đoàn Chuẩn ra còn nhiều nhân vật khác. Dải phổ huyền thoại Đoàn Chuẩn có thể bị thu hẹp nhưng câu chuyện của ông là yếu tố bất biến khi các thành phố không bao giờ từ bỏ tham vọng tạo ra huyền thoại của chúng.

Sở dĩ Hà Nội vẫn còn hấp dẫn bởi sự quyến rũ của những huyền thoại phố phường. Vắng những huyền thoại này, các đô thị sẽ mất đi giá trị khu biệt của mình”  - Nguyễn Trương Quý.

Mai Quỳnh Nga
.
.