Nhà văn Tô Hoài: Người đồng hành với tuổi thơ nhiều thế hệ
- Nhà văn Tô Hoài “làm hàng tết”
- "Vợ chồng A Phủ" và duyên nợ Tô Hoài – Mai Lộc
- Nhà văn Tô Hoài và những chuyện về Tết
Tại đây, sẽ ra mắt loạt sách của nhà văn Tô Hoài, trong đó nổi bật có loạt ấn phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" với các phiên bản minh họa của nhiều thế hệ họa sĩ. Tọa đàm chủ đề “Tô Hoài, nhà văn của mọi lứa tuổi” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, nhà báo, họa sĩ... để cùng tôn vinh một nhà văn lớn với sự nghiệp sáng tác đồ sộ trong hơn 80 năm cầm bút.
Buổi họa đàm sẽ diễn ra trong không gian trưng bày 100 bức chân dung Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp. Trong dịp này cũng sẽ diễn ra lễ ký kết ủy quyền của gia đình toàn bộ 200 tác phẩm của nhà văn Tô Hoài cho NXB Kim Đồng độc quyền khai thác và phát hành.
"Dế mèn phiêu lưu ký" - Dấu ấn một đời của nhà văn Tô Hoài
Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài tới đây, lần đầu tiên, NXB Kim Đồng in đầy đủ các đầu sách của nhà văn Tô Hoài bao gồm: Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi gồm 4 tập, in khổ lớn: Tập 1 "Truyện đồng thoại" (kịch), Tập 2 "Truyện sinh hoạt", Tập 3 "Truyện các gương anh hùng cách mạng", Tập 4 "Một trăm cổ tích" (Chuyện ngày xưa), được xem là tổng hợp gần như đầy đủ nhất các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài viết cho thiếu nhi.
Nhiều tác phẩm trước đây chỉ xuất hiện trên bản in Tạp chí Truyền bá từ những năm 1941-1942, nay được đưa vào tuyển tập dày dặn của ông.
Nhà văn Tô Hoài. |
Anh Nguyễn Phương Vũ, con trai của nhà văn Tô Hoài và cũng là người đại diện gia đình kết nối các tác phẩm của ông đến với công chúng, đã chia sẻ: Thực ra, dịp này nhiều đơn vị muốn cùng với gia đình tổ chức chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh cho ông nhưng gia đình quyết định chọn NXB Kim Đồng vì nhiều lý do.
Thứ nhất, nhà văn Tô Hoài cũng chính là người đặt tên và là một trong những người đưa ra ý kiến đầu tiên về việc sáng lập NXB Kim Đồng dù ông chưa một ngày nào làm cán bộ của NXB.
Thứ hai, NXB Kim Đồng với sự đồng hành của tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" đã là một dấu ấn gắn bó tên tuổi nhà văn Tô Hoài cùng tuổi thơ nhiều thế hệ. Chương trình diễn ra trong khoảng 3 ngày nhưng sẽ là một không gian nhỏ, ấm áp và chất lượng.
Theo dòng hồi tưởng, anh Vũ kể lại một câu chuyện kỷ niệm của mình với tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của cha mình: "Thuở bé tôi không đọc “Dế mèn” mà “Dế mèn” do cha tôi kể trong những dịp được đi nghỉ cùng ông hay những lúc ông tranh thủ về thăm khi còn sơ tán, lúc tôi 5-6 tuổi đến khi tôi lên 9-10 tuổi. Ông kể những câu chuyện đồng thoại, chuyện thiếu nhi rất nhiều như: bụi đường phố, mẹ mìn bố mìn, bệnh ghẻ, chuột thành phố, đám cưới chuột, mèo lười... chứ không phải duy nhất chỉ có dế mèn. Lúc đó trong tâm trí tôi với những cảm nhận trẻ thơ tôi thấy ông giỏi quá, giỏi về trí tưởng tượng, giỏi về quan sát, giỏi về cảm quan và cách sắp xếp... Suy nghĩ tuổi thơ của tôi về ông, về dế mèn chỉ đơn giản là vậy. Nhưng khi lớn lên, trưởng thành và bây giờ... già đi, tôi nghiệm ra rằng, "Dế mèn phiêu lưu ký" không hẳn viết cho trẻ em, mà ông viết cho người lớn với những thông điệp lớn lao hơn nhiều.
Sau này, tôi cũng không có dịp đọc lại “Dế mèn”, có thể tôi không nhớ hết, nhớ từng chi tiết nhỏ nhưng dế mèn đã nằm sâu trong ký ức tôi từ những lời kể của cha cũng như lời ru của mẹ nếu ai đã trải qua mà chẳng nhớ.
Những câu chuyện, những ký ức, những cảm xúc, tâm trạng của tôi về dế mèn vẫn vẹn nguyên như ngày nào, chỉ có khác hơn là mỗi tuổi qua đi, được sống, được nghe cha tâm sự, sự cảm nhận và thấu hiểu của tôi lớn hơn, trưởng thành, sâu sắc hơn: Cảm phục về tài, trân trọng về nhân cách, tôn thờ về ý tưởng của cha tôi từ buổi đầu viết “Dế mèn phiêu lưu ký”. Có lẽ ít người biết rằng, cha tôi từng viết tác phẩm “Con dế mèn” rồi mới đến “Dế mèn phiêu lưu ký”.
Một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. |
Những năm 1936-1937, sau khi không đi học nữa, cha tôi đã tập tọe viết lách và xin đi làm. Thời điểm đó cha tôi đã có nhiều bài viết đăng trên Tân dân, Thứ bảy... vẫn chỉ là những câu chuyện cóp nhặt, mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hằng ngày nơi vùng ngoại ô. “Con dế mèn” cũng ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Ngoài thời gian viết, đi làm hay những lúc thất nghiệp, cha tôi vẫn thường xuyên cùng đám trẻ trong làng ra ruộng Nghĩa Đô hay bờ sông Tô Lịch đổ dế, bắt dế, chơi dế, chọi dế... Cha tôi kể: có khi những thú vui đó quên hết cả thời gian, quên cả ăn uống... Nhiều lúc ngồi ngắm con dế trong lọ hàng tiếng đồng hồ, đi ngủ phải để lọ dế đầu giường... Âu cũng chỉ là những trò chơi con nít thuở thiếu thời, nhất là trong bối cảnh cũng chẳng có gì để chơi ngoài những trò dân gian đời thường và tự nghĩ.
Với tài quan sát, trí nhớ và nếp nghĩ (quan điểm viết) cha tôi đã cho “Con dế mèn” ra đời và tự gửi đăng báo (phát hành nhiều kỳ). Năm 1938, phong trào Thanh niên phản đế, Ái hữu thợ dệt, Truyền bá quốc ngữ phát triển rầm rộ, cha tôi cũng là một người thanh niên hăng hái tham gia với tinh thần làm sao có một xã hội thay đổi, một thế giới khác mà cha tôi đã từng nghe, từng đọc đấy là: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Xây dựng một thế giới đại đồng, ở đó ai cũng có quyền sống, quyền bình đẳng như nhau.
Cùng lúc đó “Con dế mèn” rất cuốn hút người xem nên ông chủ nhà xuất bản đề nghị cha tôi viết tiếp phần hai “Con dế mèn” và ứng trước tiền cho cha tôi, vậy là “Dế mèn phiêu lưu ký” ra đời. Tâm thế người viết một câu chuyện về loài vật để phục vụ các bạn nhỏ kết hợp với tâm trạng của tác giả theo bối cảnh đất nước đã xây dựng nên một “Dế mèn phiêu lưu ký” hoàn chỉnh mà trong đó cha tôi muốn gửi gắm nhiều truyền tải, nhiều thông điệp đến trẻ con và cả người lớn: Biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực. Đấy là những thông điệp mà người lớn ở một tầng vỉa sâu hơn, mới thấu hiểu hơn".
Quỹ nhà văn Tô Hoài và "Thư viện Dế mèn"
Theo anh Nguyễn Phương Vũ, sinh thời, nhà văn Tô Hoài là người đi nhiều. Đi đến đâu ông cũng nắm bắt chi tiết phong tục tập quán của người địa phương nên tác phẩm của ông không lẫn vào nhau dù ông viết cho thiếu nhi hay người lớn, cho người dân tộc thiểu số hay cho người Hà Nội.
Nhà văn Tô Hoài cùng vợ và các cháu. |
Năm nay cũng là năm thứ 7 ông đi xa nhưng dường như sức sống của tác phẩm và đời văn Tô Hoài chưa bao giờ dừng lại. Anh Vũ cho biết, trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, mong muốn lớn nhất của nhà văn Tô Hoài là được đến lại những nơi ông từng sống và làm việc, đặc biệt là các tỉnh vùng cao và đồng bào bà con dân tộc nơi cha ông có nhiều kỷ niệm và tình thương cảm với cuộc sống của bà con.
Nhưng, vì tuổi đã cao nên nhà văn không thực hiện được mong muốn của mình. Ông đã để lại một di nguyện cho con rằng, hãy đến với bà con bằng tinh thần và chút ít vật chất nhỏ bé trong khả năng có được để tri ân, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh số phận của đồng bào vùng cao nơi ông đã coi như quê hương thứ hai của mình.
Quỹ nhà văn Tô Hoài và Thư viện Dế mèn đã ra đời từ đó. Cho đến nay, nhiều thư viện và tủ sách Tô Hoài đã được lập nên trên nhiều tỉnh thành cả nước. Anh Vũ cho rằng, mọi việc suôn sẻ là vì anh luôn có sự đồng hành của nhà văn Tô Hoài trên mọi bước đường.
Nhiều địa phương khi nhận được tủ sách đã mừng vui khôn xiết. Các cháu đến đọc sách, có cháu ở vùng sâu vùng xa lần đầu tiên được cầm một cuốn sách đẹp như thế trên tay. Nhìn thấy các cháu nâng niu, trân trọng, mê mẩn cuốn sách khiến công việc của người con, người đồng hành như anh Vũ cảm thấy xúc động và đầy tâm huyết để có thể làm thêm được nhiều tủ sách như vậy cho các cháu.
Sinh thời, khi còn khỏe mạnh, nhà văn Tô Hoài là người ưa xê dịch. Cuộc đời với ông là những chuyến đi mải miết lấy tư liệu để cho những trang viết rất đời của mình. Cả đời ông gắn bó với những trang văn và chưa một ngày rời xa nó cho đến khi không thể cầm bút viết được nữa. Bởi vậy, đối với độc giả của nhiều thế hệ, ông gắn bó mật thiết từ bé, đến lớn, từ những trang viết vui tươi ngộ nghĩnh đến những trang viết sâu sắc tình đời, tình người.
Anh Phương Vũ lặng người khi nghĩ về 7 năm trôi qua: "Khi tôi còn thanh niên, cha tôi đi công tác suốt, thời gian ông ở nhà rất ít, chủ yếu tôi gặp ông trên những tờ báo lớn, trong các bài viết ông đi khắp vùng miền viết lách, ghi chép gửi về đăng. Nhưng, điều lạ là chúng tôi lại cảm thấy ông như đang ở ngay cạnh mình vì thường ngày, cha tôi ít nói nhưng khi nói thì lại nhẹ nhàng, thâm thúy và hằn sâu trong tâm trí các con như một sự ghi khắc. Bởi vậy, dù bây giờ cha tôi đã mất nhưng tôi chỉ nghĩ, ông đang đi công tác xa. Cho nên mọi việc làm, suy nghĩ của tôi đều như đang có ông bên cạnh, vui và cảm thấy được an ủi rất nhiều. Đó là lý do tôi vẫn miệt mài cho Thư viện Dế mèn vì biết đó là mơ ước và tâm nguyện cả một đời viết văn của ông".
Một trăm năm - Những dấu ấn không thể mờ phai
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân, người họa sĩ vẽ bìa sách và các minh họa của cuốn sách "Dế mèn phiêu lưu ký" được xuất bản tại Nga (năm 1959). Lần đầu tiên vẽ bìa cho nhà văn Tô Hoài, đang ở Nga. Khi đọc sách, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cảm thấy thú vị vì được sống với thế giới loài vật thú vị, thậm chí có vài con vật trong sách ông còn chưa nắm bắt được hình thù như con "Gọng vó", thời đó, làm gì có internet để tra Google như bây giờ nên họa sĩ vẽ theo trí tưởng tượng của mình.
Tuy nhiên, nhà văn Tô Hoài lại rất thích và sau này, năm 1972 khi vẽ lại bìa và minh họa cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký" cho NXB Hà Nội thì họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã có dịp gặp gỡ, trao đổi và được nhà văn Tô Hoài góp ý tinh thần để sáng tạo nên những hình họa đẹp nhất về các nhân vật của "Dế mèn phiêu lưu ký". Cuốn sách ra đời đã có dấu ấn rất tốt cho bạn đọc.
Khi hai người đã trở thành bạn vong niên, tâm đầu ý hợp thì hầu hết các cuốn sách thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài ra đời đều có sự đóng góp lớn từ vẽ bìa và minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân như cuốn "Đảo hoang", "Đám cưới chuột".
Nói về nhà văn Tô Hoài, họa sĩ Ngô Mạnh Lân chia sẻ: "Nhà văn Tô Hoài là một nhà văn lớn và sâu sắc, làm việc với ông dễ chịu và cũng rất được trân trọng. Ông yêu các nhân vật của mình nên khi minh họa cho tác phẩm của nhà văn Tô Hoài phải nói được tinh thần ấy và cho các nhân vật khoác lên một tấm áo đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Thế giới các loài vật của nhà văn Tô Hoài cũng đã tạo cho tôi một hứng thú nhất định trong nghề nghiệp của mình cũng như khi trình bày các tác phẩm của ông".
Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài lần này, ngoài việc trưng bày các tác phẩm thì 100 bức ảnh qua các thời kỳ hoạt động của nhà văn cũng được ra mắt để các độc giả chiêm ngưỡng. Nói như nhà văn Nguyễn Phương Liên, một người nhiều gắn bó với nhà văn Tô Hoài, ông là một tài năng thiên bẩm mang dấu ấn Việt Nam.
Ông gần gũi với rất cả mọi người, từ ông tổ trưởng dân phố, từ một người bạn của bác xe ôm, chị bán rau nhưng trên bục văn chương thì ông đứng tầm thế giới, lịch lãm trong ngoại giao, điềm đạm trong ứng xử... Ông là một người thầy lớn đáng trân trọng, kính nể với nhiều thế hệ nhà văn, nhà biên tập và với độc giả thân thiết...