Nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn Thanh Hương: Tình yêu như một trang sách

Thứ Tư, 16/03/2016, 18:55
Gần đây, hàng ngày trên mặt báo nhan nhản scandal tình ái của các cặp nghệ sĩ nổi tiếng. Công chúng có vẻ như ái ngại khó tin vào sự bền vững của gia đình, nhất là của những cặp đôi nghệ sỹ.

Bắt đầu từ số này, Chuyên đề ANTG sẽ đăng tải những câu chuyện tình yêu, hôn nhân của một số nghệ sĩ nổi tiếng từng “vang bóng một thời”. Những câu chuyện tình yêu cảm động, những cuộc hôn nhân vượt qua bao thử thách để đi bên nhau trọn cuộc đời sẽ là một góc tiếp cận khác về hôn nhân nghệ sĩ xưa và nay.

Mối duyên thiên định

Căn nhà của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam – Thanh Hương ở phố Vạn Bảo lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Không gian nhỏ nhưng bởi được ông bà hàng ngày chăm chút nên mọi thứ đều sạch sẽ, tươm tất. Lúc tôi đến thăm, ông bà chuẩn bị đi tập thể dục. Ở tuổi 87, hai ông bà vẫn hàng ngày dắt tay nhau đi bộ để giữ gìn sức khỏe, bà nhanh nhẹn hơn nên đi tìm mũ cho ông, họ xưng “anh – em” rất ngọt ngào, âu yếm.

Quan sát họ, tôi cảm nhận được rằng, dường như, đối với họ, thời gian không phải là thước đo của hạnh phúc, mà thời gian, chính là sự làm bền hạnh phúc. Họ đã đến với nhau từ những ngày gian khổ trong chiến tranh, cùng nhau lập nghiệp, trưởng thành cùng trang viết, bà là độc giả đầu tiên của ông và ngược lại, ông là độc giả đầu tiên của bà.

Họ cũng là một trong những cặp vợ chồng hiếm hoi cùng thành đạt trong chức vụ: Nhà văn Thanh Hương nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam và nhà văn Vũ Tú Nam nguyên là Tổng thư ký Hội Nhà văn VN khóa IV. Nói như cách nói của lớp trẻ hiện đại thì họ là đôi vợ chồng sinh ra để dành cho nhau.

Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam cùng các con cháu.

Nói về cuộc gặp gỡ với người vợ của mình, nhà văn Vũ Tú Nam kể: “Chúng tôi quen và thân nhau từ 1949 ở Thanh Hóa. Ngày 1-6-1952, chúng tôi đính ước ở Việt Bắc, và cưới nhau ngày 3-2-1954 tại cơ quan Cục Tuyên huấn Quân đội. Tôi vẫn thầm cảm ơn những tháng ngày làm báo “Chiến sĩ” ở khu 4 đã mang đến cho tôi sự gặp gỡ tình cờ với người con gái làm công tác phụ nữ duyên dáng, xinh đẹp của xứ Nghệ. Mặc dù trong thời gian quen biết và dẫn tới hôn nhân, chúng tôi thường xuyên phải xa nhau vì nhiệm vụ công tác nhưng trong sự xa cách, chúng tôi lại có một niềm tin vào tình cảm đã dành cho nhau.

Chúng tôi viết thư trao đổi về công việc, về các sáng tác, dường như từ những ngày đầu mới quen nhau ấy, chúng tôi đã là độc giả đầu tiên của nhau. Chúng tôi giúp đỡ, động viên nhau sáng tác. Chúng tôi hiểu nhau, tôn trọng nhau và chẳng giấu diếm nhau điều gì, nên ít có những chuyện hiểu nhầm xảy ra. Là những độc giả đầu tiên của nhau, cùng góp ý, cũng tranh luận và điều đó làm chúng tôi sống thoải mái với nhau. Tôi quan niệm, tình yêu cũng như một trang sách mở, phải lật giở từ trang đầu đến trang cuối, không giấu diếm. Cuốn “Hồi ức tình yêu” cũng là một cách chúng tôi cảm ơn cuộc sống, người thân, bạn bè và tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi trong cuộc sống để đến được với nhau”.

Nhà văn Thanh Hương thì tâm sự: “Thời chúng tôi, tình yêu không còn đơn thuần là tình cảm nam nữ mà còn gắn liền với lý tưởng, với nhiệm vụ. Tôi vốn là một cán bộ phụ nữ cho nên cũng thường xuyên phải đi xa, phải vào tuyến lửa, đôi lúc cận kề hiểm nguy nhưng dường như trong khoảng cách ấy, chúng tôi lại thấy gần nhau hơn. Thời ấy, những bức thư có lẽ là niềm động viên duy nhất để chúng tôi tin tưởng vào nhau, chờ đợi nhau, yêu thương nhau để có một ngày được sum vầy sau những tháng năm xa cách”.

500 bức thư tình thời chiến

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, có nhiều thời gian họ ở cách xa nhau về khoảng cách địa lý, song, dường như, không có khoảng cách của tình yêu và sự quan tâm chăm sóc, bởi họ đã viết cho nhau hàng trăm bức thư trong suốt những năm tháng ấy. Để rồi bây giờ, sau những ngày tháng nhàn rỗi, họ ngồi tìm lại kỷ niệm đã có của đời mình, và không kể những bức thư đã thất lạc, gia tài thư tình của ông bà đã in lại được một tập “Hồi ức tình yêu” dày dặn, như là một báu vật của gia đình để truyền lại cho con cháu mai sau.

Trong một bức thư đề ngày 27/05/1957, nhà văn Thanh Hương viết: “Nam ơi, mỗi lúc nghĩ đến Nam, trong lòng H. lộn xộn nhiều thứ. Muốn nói với N. rất nhiều. Chính những lúc N. ốm này, H. mới thật thấy ít giúp gì được N., quan hệ giữa hai đứa chưa thực là quan hệ vợ chồng. Chỉ chung những ngày vui, những lúc đi chơi, mà chưa chung chịu những ngày đau yếu, những lúc N. cần đến H. nhất. Nam có nghĩ gì, có trách gì H. không? H. thấy bứt rứt vì ý nghĩ đó. Nam đừng suy nghĩ gì, đừng buồn, H. mong rằng tình yêu của chúng ta, của H. đối với N., hình ảnh của các con có thể là một sức mạnh đối với N. Trong những ngày đau yếu. Hôm qua, đọc nhật ký N., H. lạ là sao hay nghĩ đến những kỷ niệm buồn.

Riêng H, H. không nghĩ thế, H nghĩ đến những kỷ niệm tươi đẹp, êm ái giữa chúng ta. H. ân hận vì những lúc đã làm N. giận, bực mình hoặc buồn. H. nhớ những chiều thứ bảy N. đến (Từ khi về Hà Nội cho đến thời gian sau này Vũ Tú Nam và Thanh Hương vẫn chưa có nhà riêng, vẫn mỗi người ở chung phòng tập thể ở với những người khác - PV) . Những lúc gần nhau, những lúc chúng ta thỏa thuận với nhau rằng: hai đứa sẽ cùng chết một lần! Những lúc rất trẻ con, mà cũng rất người lớn. Bởi vì tình yêu của chúng ta không những chỉ có âu yếm, yêu đương, giận dỗi, buồn vui, trách móc... Tình yêu của chúng ta còn có những thông hiểu giữa hai người đồng chí, giữa hai người cán bộ giữa hai người bạn cùng nghề nghiệp”.

Gia đình nhà văn Vũ Tú Nam (năm 1965).

Nhà văn Vũ Tú Nam cũng đã viết thư cho vợ: “Hương thân yêu. Cái khác hẳn và cao hơn hẳn của loài người với cây cỏ là họ có tình yêu. Ai mà có thể cắt nghĩa đầy đủ được hai chữ ấy! Chính vì tình yêu (theo nghĩa rộng nhất của nó) mà loài người trải qua bao nhiêu khổ đau, đã sống đến bây giờ. Mỗi năm đi qua, bên cạnh những kiểm điểm về công việc mình đã làm, những điều có ích mình đã thực hiện, mình thường có thói quen tự hỏi: Mình đã đem lại cho H. được những gì? Mình đã làm H. vui nhiều, hay buồn nhiều? Trước mắt mình, mình thấy rõ hình ảnh một người con gái tròn trĩnh, xinh xắn, thông minh mười hai tuổi mười ba tuổi, rồi mười tám tuổi như một con chim nhỏ lạc vào vườn hoa với tất cả mơ ước, nhiệt tình của một tâm hồn trẻ tuổi.

Rồi cái buổi nào đó, rất nhiều ánh sáng, và không khí dịu mát, mình đã đến với H. H. đã đến với mình. Chỉ cần gặp H. một lần, thì lịch sử đã chép chung hai cuộc đời làm một rồi. Mình nói thế, không phải là “chủ quan”. Tất nhiên, còn phải “chép” bao nhiêu thứ lặt vặt khác trong cái “lịch sử” ấy, như hai năm nào đó v.v... Nhưng thử hỏi xem: Cuối cùng chúng ta vẫn đến với nhau như thế nào? Và sẽ còn đi với nhau đến tận bao giờ?

Là một tâm hồn bạn của H., mình cũng mơ ước những mơ ước của H., xót xa những xót xa của H., có điều là mình bước theo H. những bước thường là im lặng, như một ngọn gió mát - mà không phải là bão táp theo H. trong cái hương thơm của một vừng đông nào...”.

Vì hai người vốn là bạn, nên ban đầu họ xưng với nhau bằng tên, mãi sau này khi hai người con Vũ Huy và Vũ Hương Giang của họ đã lớn, họ mới xưng “anh em” cùng nhau. Nhà văn Thanh Hương bảo, quan trọng không phải là cách xưng hô, bởi vì là bà luôn kính trọng và yêu thương ông, ngược lại, ông cũng chăm chút, bao bọc bà, đó là cách để các con nhìn vào và cảm nhận.

Nói về chuyện dạy con, nhà văn Vũ Tú Nam chia sẻ: Từ những ngày trẻ tuổi bắt đầu kết hôn, hai ông bà đã thống nhất cách dạy dỗ con cái. Nhà văn Thanh Hương, tuy bận rộn với công tác phụ nữ; và sau này, bà còn làm quản lý, nhưng bà quan niệm, dù là gì thì người phụ nữ vẫn phải làm tròn nhiệm vụ trong gia đình, với chồng, con. Phải “nuôi dưỡng” ngọn lửa tình yêu và hạnh phúc bằng những bữa cơm ngon sum họp, bằng sự gọn gàng sạch sẽ, ngăn nắp, bằng những lời khen ngợi, động viên và sẻ chia trong cuộc sống.

Với gia đình bà, còn là sự tôn trọng nhau trong thế giới riêng của mỗi người khi ngồi bên trang viết. Đọc của nhau là để cảm nhận cái hay cái đẹp, để biết đời sống tinh thần của nhau, để yêu quý và nâng niu nhau hơn chứ không phải để soi mói, ghen tuông hay nghi ngờ nhau.

Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và cháu gái Hà Anh.

Bởi thế, dường như trong mắt của nhà văn Vũ Tú Nam, chẳng ai có thể so sánh với người vợ đảm đang, tháo vát như nhà văn Thanh Hương và ngược lại, bà đã là một “hậu phương” vững chắc để nhà văn Vũ Tú Nam yên tâm công tác trên những cương vị lớn là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Không ai khác, chính bà cũng là một “bác sĩ tại gia” chuyên chăm lo đến sức khỏe của ông: không thức quá 22 giờ đêm, không sử dụng đến các chất xúc tác như rượu, thuốc lá, cà phê.

Bà thường tìm các câu chuyện vui, những câu chuyện của con cháu để kể cho ông nghe để ông khuây khỏa trước những áp lực của công việc và cuộc sống làm ảnh hưởng đến sự điều độ của mình ngay cả thời kỳ ông làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi vì, như ông bà quan niệm, phải chấp nhận mọi tính cách, mọi lối sống trong cuộc đời và nên nhìn nhận con người ở mặt tốt đẹp, mặt đáng yêu, đáng trọng và ít ra trong cái chưa được, có cái đáng thương, có cái đáng nể trọng và cho mình học tập, không ai hoàn thiện được tất cả.

Giờ đây, ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông bà có niềm vui an ủi tuổi già là sự thành đạt của các con cháu. Đặc biệt là cô cháu gái cưng Hà Anh, người mẫu và cũng đang trải nghiệm nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau như ca hát, viết lách (Hiện Hà Anh đã có hai đầu sách xuất bản).

Người ta vẫn nói, hạnh phúc thường giản dị, nhưng để đạt được sự giản dị ấy cũng cần có những trái tim, một tâm hồn đồng cảm, sẻ chia và sống vì nhau. Có lẽ, vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương đã đạt được điều đó vì họ đã luôn thực sự sống vì nhau, sống cho nhau, và sống cần nhau… Họ đã làm đúng được như những lời tâm giao đã viết cho nhau trong năm trăm bức thư tình thời chiến, dù giờ đây, những bức thư ấy đã mờ nét chữ, đã úa màu thời gian, nhưng tình cảm của họ thì vẫn tươi mới và son sắt.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.