Nhà văn hóa Hữu Ngọc - một đời lãng du giữa văn hóa Việt Nam
- Nghệ sĩ Lê Vượng đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái ở tuổi 98
- Hai người nước ngoài được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 9
Với một sự nghiệp mang bề dày thời gian của một trí thức uyên thâm, ông xứng đáng được tôn vinh như một trong những đại diện tiêu biểu của văn hóa Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, một nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới và nối văn hóa thế giới với Việt Nam. Cả 34 cuốn sách mà ông là tác giả đều đi sâu về những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, trong đó, văn hóa Hà Nội chiếm vị trí quan trọng.
Người con của Hà Nội
Trong ngôi nhà nằm bên con đường Trung Yên xanh mát bóng cây, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn say mê làm việc, vẫn dành trọn tâm huyết cho những trang giấy viết về Hà Nội với một tình yêu vô bờ. Trên chiếc bàn nhỏ giữa căn phòng đầy sách, một tập bản thảo lớn và dày mang tên "Ngẫm chuyện xưa nay" của ông đang viết dở. Tôi thật sự ngạc nhiên khi đã ở tuổi 98, ông vẫn rành mạch nhớ từng chi tiết về Hà Nội, về những công trình mà ông đã làm bằng tất cả tình yêu với mảnh đất ông gắn bó ngót một thế kỷ qua trong niềm đam mê gieo trồng những con chữ.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận giải thưởng lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội". |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh nhưng sinh ra ở Hà Nội. Ký ức của ông khắc sâu hình ảnh về Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Khi đó, Hà Nội chưa phải là đô thị lớn như bây giờ, mọi sinh hoạt vẫn giống như một ngôi làng lớn. Những người dân tứ xứ tập hợp nhau thành từng cộng đồng nhỏ.
Bà con cùng quê Thuận Thành ra Hà Nội cũng quần tụ một bên dãy phố Hàng Gai trong nếp sống của mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Không gian đậm chất vùng quê Kinh Bắc đã nuôi dưỡng tâm hồn cậu bé Hữu Ngọc với bao kỷ niệm đầm ấm và thân thương, làm giàu thêm ký ức về Hà Nội.
Ngoài 20 tuổi, ông Hữu Ngọc mới rời Hà Nội để khởi nghiệp bằng công việc dạy tiếng Pháp ở một trường tư thục tại Vinh, rồi vào Huế. Toàn quốc kháng chiến, ông làm tờ báo tiếng Pháp "Tia lửa" để đưa vào vùng Pháp chiếm đóng.
Năm 1950, ông cùng đoàn quân cách mạng lên chiến khu Việt Bắc, rồi vào quân đội và với khả năng sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, ông trở thành Trưởng ban Tù hàng binh Âu Phi. Suốt những năm kháng chiến, càng giữa núi rừng gian khổ, ông càng quay quắt nhớ Hà Nội. Những con phố nhỏ bé rợp bóng cây. Hồ Gươm nước xanh màu ngọc. Những món ăn đậm hương vị Thủ đô. Để rồi, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hữu Ngọc trở về với mảnh đất Hà Nội trong vỡ òa nhung nhớ, yêu thương. Nhiều đêm, nằm giữa lòng Hà Nội mà ông vẫn thảng thốt, nhớ cồn cào như thể lại vừa xa Hà Nội...
Sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và chữ Hán, ông Hữu Ngọc trở thành Giám đốc NXB Ngoại văn và cộng tác với nhiều tờ báo tiếng Anh và Pháp. Ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới sang tiếng Việt, trong đó, có "Truyện cổ Grim" chuyển ngữ từ tiếng Đức.
Là người nghiên cứu sâu về văn hóa nước ngoài, lại hiểu rất kỹ văn hóa truyền thống của dân tộc nên Hữu Ngọc được đánh giá là nhà nghiên cứu văn hóa có phạm vi trải từ văn hóa các nước phương Tây sang các nước phương Đông. Những trải nghiệm về Hà Nội ngấm sâu trong ông, khiến tình yêu nồng nàn với Hà Nội ngày càng căng đầy và rồi dần được trải ra qua những trang giấy như một mạch nguồn trong veo và lắng đọng.
Ông nhận ra vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Hà Nội từ chính những điều đã quá quen thuộc với mọi người như tranh Hàng Trống, tháp Rùa, Văn Miếu, phố cổ Hà Nội, những món ăn tết cổ truyền Hà Nội, những lễ hội, phong tục tập quán hay giản dị là những hàng cây Hà Nội v.v... Với tất cả sự nâng niu, ông biến cảm xúc thành những bài viết sinh động về Hà Nội.
Hơn chục năm trời gắn với mục "Mạn đàm truyền thống" cho tờ tiếng Pháp Le Courrier Viet Nam và tờ tiếng Anh Vietnam News, ông đã cho người đọc được trải nghiệm sự phong phú và đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Giải "Lời vàng" của báo chí Pháp, giải Nhất toàn quốc về Thông tin đối ngoại từng được dành cho ông bởi những trang viết thấm đẫm tình yêu Hà Nội như thế.
Trong cuộc đời mình, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã làm tổng biên tập của 3 tờ báo đối ngoại: tờ Tia lửa (tiếng Pháp), Việt Nam tiến bước (Anh - Pháp - Esperanto) và Nghiên cứu Việt Nam (Anh - Pháp). Nhưng không chỉ viết báo, ông Hữu Ngọc còn là diễn giả của hàng trăm cuộc nói chuyện về văn hóa Việt Nam cho khách nước ngoài, trong đó, có nhiều nhân vật quan trọng đến thăm Việt Nam: vua và hoàng hậu Thụy Điển, vua và công chúa Na Uy, Thống đốc bang Hawaii (Mỹ), cựu Thủ tướng Brazil, giáo sư nhiều trường đại học trên thế giới, nhiều đoàn khách du lịch đến Việt Nam v.v... Ông bảo, đến nay, tổng cộng, ông đã nói cho hàng nghìn người nghe về văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội.
Dấu ấn về văn hóa Hà Nội
Năm 1997, Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hội nghị văn hóa quốc tế lớn đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Chính quyền bang Québec (Canada) muốn có một cuốn sách ảnh về Hà Nội viết bằng tiếng Pháp để làm món quà văn hóa tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị.
Một số cuốn sách về văn hóa của ông. |
Là một người có uy tín về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giỏi nhiều ngoại ngữ và am hiểu Hà Nội, ông Hữu Ngọc đã vinh dự được Bộ Ngoại giao lựa chọn để thực hiện công việc quan trọng này.
Ông chia sẻ, lâu nay, dưới con mắt của nhiều người phương Tây, văn hóa Việt Nam chỉ là hình bóng của văn hóa Pháp. Vì thế, nhân dịp này ông muốn thông qua những trang viết của mình, giới thiệu với bè bạn năm châu những nét đặc sắc, mang đậm bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam bằng cả lòng tự hào và tự tôn dân tộc.
Đó là thứ văn hóa vô cùng độc đáo: trong lịch sử hàng nghìn năm với bao lần bị giặc ngoại bang xâm lăng, nhưng mỗi khi bị đô hộ, văn hóa Việt Nam chẳng những không mất gốc, mà còn tiếp biến, chịu ảnh hưởng văn hóa nước ngoài để làm dày thêm, phong phú hơn văn hóa của dân tộc mình. Đó là sự giao thoa văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, là sự gặp gỡ của văn hóa Đông - Tây, là hợp lưu giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Ông bảo, chỉ cần đi vòng quanh Hà Nội sẽ thấy được điều này. Cuối thế kỷ 19, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam vẫn chỉ là chiếc áo tam thân, tứ thân rộng thùng thình. Khi người Pháp sang đô hộ, các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương phải vẽ những bức tranh nude và họ nhận thấy những đường cong của phụ nữ Việt Nam rất đẹp. Từ đó, các họa sĩ đã cải tiến chiếc áo dài tứ thân thành chiếc áo dài bó sát, để khoe được đường cong cơ thể người mặc. Hay những kiến trúc Pháp rất đặc trưng nhưng cũng được nhiều người pha trộn với kiến trúc Việt, để vừa đẹp mà giá trị sử dụng lại cao.
Ông nhớ lại, khi đó chỉ còn 3 tháng nữa là Hội nghị diễn ra nên ông đã phải làm việc không kể thời gian. Vốn kiến thức uyên thâm về Hà Nội đã giúp ông hoàn thành công việc xuất sắc, để hơn 200 trang của cuốn "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội" bằng tiếng Anh và Pháp ra đời đúng hạn, được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị. Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội cho người nước ngoài một cách hệ thống, được viết không chỉ bằng sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Hà Nội mà còn bằng những rung cảm của một người gắn bó cả cuộc đời với Thủ đô.
Trong công trình này, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc cho biết, ông muốn cho người nước ngoài thấy Hà Nội là một tấm gương phản ánh lịch sử của Việt Nam và chỉ cần thông qua hệ thống di tích lịch sử văn hóa là có thể hình dung được quá trình phát triển của Việt Nam trong mấy ngàn năm. Ở đây ông giới thiệu những nét mà ông cho là "dựng nên chân dung Hà Nội truyền thống" là kinh thành, đô thành, là khu phố Tây và cả những vùng nông thôn ngoại thành v.v...
Thời điểm Hà Nội 1.000 năm tuổi, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc lại được đặt hàng viết cuốn "Hà Nội truyền thống" bằng tiếng Anh và biên soạn bộ sách bỏ túi "Hanoi, who are you?" (Hà Nội, bạn là ai?) cũng bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Mỗi tập của "Hanoi, who are you?" đều giới thiệu từng nét văn hóa riêng của Hà Nội: ẩm thực, vui chơi, lễ hội, di tích v.v... và là cẩm nang quan trọng cho những du khách phương xa đến nơi này. Cũng thời điểm này, ông còn cho ra đời cuốn "Hà Nội của tôi" dày gần 500 trang, giới thiệu khá đầy đủ về Hà Nội, cùng với cuốn "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội" được tái bản.
20 năm qua, ông vẫn không ngừng viết để cho ra đời bộ sách "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" dày hơn 1.200 trang, được xuất bản bằng 3 thứ tiếng: Việt, Pháp và Anh. Cuốn sách là chia sẻ của ông về vốn sống, về văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dưới một góc nhìn riêng và bằng thứ ngôn ngữ giản dị, nhưng cực kỳ lôi cuốn. Mỗi bài viết như một chuyến lãng du với văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng: làng Việt, văn hóa tết, thú chơi cây cảnh ở Hà Nội, số phận xe kéo và xích lô, tục đốt vàng mã, chiếc áo dài v.v... Như những trang nhật ký sinh động về văn hóa dân tộc, cuốn sách đã giúp người đọc hiểu sâu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Một cách nhẹ nhàng, Hữu Ngọc đưa bạn đọc của ông dọc theo chiều dài của đất nước. Từ Lam Kinh in đậm dấu ấn của lịch sử đến ngôi làng Nhị Khê gắn với tuổi thơ Nguyễn Trãi, rồi về làng dệt lụa ở Vạn Phúc, Hà Đông, ghé sang Kinh Bắc nghe dân ca quan họ, lại về xứ Đoài viếng mộ Tản Đà. Hữu Ngọc còn dẫn dắt người đọc ngược lên vùng Tây Bắc xa xôi, rồi lại về Việt Bắc với ATK Định Hóa, ghé xứ Cao Bằng gạo trắng nước trong, thăm Lạng Sơn nghe câu lượn, câu sli... Ông cũng mang đến những hiểu biết về văn hóa gia đình, làng xã, những mối quan hệ thầy trò, bạn bè...
Nhà sử học Phan Huy Lê nhận xét: "Hữu Ngọc là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng về những tác phẩm giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Trong cuốn sách này, tác giả xuất phát từ hiện thực hằng ngày ở Việt Nam để đi ngược lại nguồn gốc và đi sâu tìm hiểu tính độc đáo của văn hóa Việt Nam".
Với nội dung đặc sắc, "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" trở thành cuốn sách viết bằng tiếng Anh đầu tiên được trao giải Vàng sách Việt năm 2006. Cho đến nay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần với số lượng in 2 vạn bản. Trong đó, 11 lần tái bản bằng tiếng Anh, 6 lần tái bản bằng tiếng Pháp và 4 lần tái bản bằng tiếng Việt. Tháng 8-2017, NXB Kim Đồng vừa ký hợp đồng với tác giả để tái bản "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" một lần nữa.
Một cuốn sách về văn hóa Việt Nam của ông đã được NXB Trường Đại học Ohio (Mỹ) xuất bản là "Việt Nam - truyền thống và đổi thay". Ông tiếp tục gây ấn tượng khi xuất bản cuốn "Hữu Ngọc - đồng hành cùng thế kỉ văn hóa - lịch sử Việt Nam" mới đây. Những cuốn sách của ông thực sự như một nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam ra thế giới và kéo gần hơn văn hóa thế giới với Việt Nam. Ông bảo, các cuốn sách về văn hóa của ông đều xuyên suốt ý tưởng chủ đạo là giới thiệu những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng.
Nhà văn Mỹ Lady Borton chia sẻ: "Nếu phải chọn một người để hướng dẫn những khách đến Việt Nam lần đầu tiên, tôi sẽ chọn ông Hữu Ngọc. Nếu phải chọn một cuốn sách cho những người sắp thăm Việt Nam hoặc cho những người không có dịp đến thăm Việt Nam, tôi sẽ chọn cuốn "Việt Nam - truyền thống và đổi thay".
"Hữu Ngọc đã thuyết phục độc giả là ở đất nước hơn 80 triệu dân này có một nền văn hóa độc đáo sẽ không bao giờ mất" - nhà báo Thái Lan Don Pathan nhận xét.
Quyết định lựa chọn trao Giải thưởng Lớn "Vì tình yêu Hà Nội" 2017 cho ông, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng bày tỏ sự trân trọng: "Kết quả này có lẽ không có gì phải bàn cãi, khi chúng ta đều biết, ông là một nhà văn hóa lớn của đất nước, với những đóng góp to lớn trên lĩnh vực văn hóa đối nội và đối ngoại. Nhưng chắc chắn kết quả này vẫn gây ngạc nhiên, trầm trồ bởi sự nghiệp của nhà văn hóa Hữu Ngọc dường như chưa được vinh danh đúng mức ở những đóng góp cho Hà Nội".
Ngoài các tác phẩm về văn hóa Việt Nam và văn hóa Hà Nội, nhà văn hóa Hữu Ngọc còn có nhiều tác phẩm tiêu biểu: "Phác thảo chân dung văn hóa Pháp", "Mảnh trời Bắc Âu", "Văn hóa Thụy Điển", "Hồ sơ văn hóa Mỹ", "Lãng du trong văn hóa xứ sở hoa anh đào" v.v… Với những cống hiến không mệt mỏi, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập. Ông còn được nhận Huân chương Ngôi sao phương Bắc của Chính phủ Thụy Điển cùng Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp. Năm 2008, tại lễ trao giải GADIF (Giải của các đại sứ thuộc tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp) cho ông Hữu Ngọc, Đại sứ Hy Lạp đã nhấn mạnh: “Ông là một trong những học giả được biết đến là người xây cầu nối văn hóa Việt Nam và thế giới”. |