Nhà văn khiếm thị: "Vịn câu thơ đứng dậy"

Thứ Sáu, 27/07/2018, 07:39
Họ là những người đàn ông viết văn khiếm thị đã vực dậy sau những mất mát, đổ vỡ của hôn nhân, của tình yêu để có được trong tay mình một thứ tài sản vô giá và sẽ không bao giờ bị đánh mất, đó là văn chương.

Nhà thơ Nguyễn Việt Anh (35 tuổi), người đã có 3 tập thơ riêng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Lê Trung Cường, một thầy giáo khiếm thị ở Hải Phòng, vừa xuất bản tập sách riêng của mình "Trong mắt trái tim". Họ là những tấm gương về sự nỗ lực ở cuộc đời, để thấy rằng, ánh sáng luôn ở phía mà mình sẽ bước chân được tới nơi để nắm giữ nó.

Lê Trung Cường bên chiếc máy tính ngồi viết văn.

Mơ về "Tiếng sáo trên thảo nguyên"

Thầy giáo Lê Trung Cường, sinh năm 1977, tại Bắc Sơn, An Dương, Hải Phòng. Thầy Cường sinh ra và lớn lên khỏe mạnh như nhiều trẻ em bình thường khác, rồi đến tuổi đi học thì được đến trường như tất cả bạn cùng trang lứa. Nhưng rồi, như là định mệnh, mùa hè năm anh 7 tuổi, vừa học xong lớp 1, đôi mắt anh bị bệnh, thị lực giảm một cách nhanh chóng.

Chưa học chưa hết lớp 2, anh đã phải nghỉ học. Cha mẹ anh dù nghèo nhưng đã tìm mọi cách chữa chạy cho con, song mọi thứ đều vô vọng. 13 tuổi Cường được nhận vào trường khiếm thị học lại lớp 1. Sau đó 2 năm, ánh sáng vĩnh viễn rời xa anh, khi ấy, Cường bước vào tuổi 15, đẹp đẽ nhất của tuổi học trò.

Dù đầy hụt hẫng và mất mát kể từ khi trước mắt mình là một màu đen thăm thẳm nhưng anh vẫn nỗ lực không ngừng để hoàn thành các cấp học. Năm lớp 11, Cường được đi thi học sinh giỏi toán và sử thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên Cường được vào phòng thi cùng với những người sáng mắt. Kì thi học sinh giỏi đó, em đã được giải 3 môn sử.

Học xong cấp III, Cường thi và tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm của Trường Đại học Hải Phòng vào năm 2005. Ra trường, anh trở thành giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, được cử đi học tin học dành riêng cho người hỏng mắt. Năm 2011, anh trở lại Trường Đại học Hải Phòng tham gia khóa học chuyên tu lên đại học. Học xong, anh lại trở về làm giáo viên dạy tin học cho trẻ khiếm thị tại Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng.

Khi đã ổn định công việc, Lê Trung Cường tìm được một người phụ nữ của đời mình, một cô gái bình thường như bao cô gái khác. Tưởng rằng, cô sẽ cùng anh chia ngọt sẻ bùi để bù đắp lại những mất mát của cuộc đời, nhưng duyên phận giữa chừng đứt gánh. Năm 2013, sau khi hôn nhân đổ vỡ, để anh nguôi nỗi buồn, gia đình và nhà trường đã giúp đỡ anh một chuyến du lịch ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Những ngày trên đảo, anh được người thân dẫn đi chơi khắp nơi. Dù không nhìn thấy nhưng anh cảm nhận được tất cả qua âm thanh, qua cảm giác. Từ lúc mặt trời chưa mọc, anh đã dậy sớm để cảm nhận không khí của buổi sáng bình yên trên đảo. Anh đã ghi lại những gì cảm nhận được sau mỗi ngày bằng chữ Braille, sau đó về cơ quan, anh viết bài kí có tên: "Cô Tô trong mắt người khiếm thị". Đầu tiên, anh viết chỉ để cho vui nhưng một người thân đọc được bài kí đó đã giúp chuyển tới tạp chí "Cửa biển".

Nhà văn, nhà giáo Lê Trung Cường.

Bài kí được đăng và được nhận giải tác phẩm ấn tượng năm 2013. Được sự động viên của các nhà văn Hải Phòng và các biên tập viên của một số tờ báo tại Hải Phòng, anh tiếp tục viết những bài về gương người tốt việc tốt và hoàn cảnh của những học sinh trong trường gửi cộng tác với các báo. Mỗi người sinh ra đã được số phận an bài, dường như ông trời thử thách họ rất nhiều nhưng cũng cho họ rất nhiều. Lê Trung Cường đã tìm được niềm vui trong con chữ. Sau những bài báo, anh đã viết truyện ngắn.

Truyện ngắn "Tiếng sáo trên thảo nguyên" của anh đã được in vào trang nhất Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh bảo, ban đầu anh viết văn với mong muốn giúp cộng đồng hiểu thêm về người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Các nhân vật truyện ngắn cũng chủ yếu là những người khuyết tật hoặc có nội dung về người khuyết tật.

Cuối năm 2017 vừa qua, anh được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản cuốn sách "Trong mắt trái tim", một cuốn sách anh viết về tình yêu với văn chương, với học sinh. Qua câu chuyện của “Trong mắt trái tim”, bạn đọc hiểu về chữ Braille, hình dung được khu vườn thơ bé, ngày cuối tuần của những người khiếm thị với ngôi trường yêu thương. Và cũng cảm nhận được tình cảm, tâm tư, hình dung của những người không nhìn thấy ánh sáng về ngày có nắng, ngày có mưa, nắng mùa đông, mùa thu của Hải Phòng, mùa xuân gõ cửa...

Qua lời văn mộc mạc của Lê Trung Cường, thế giới hiện lên ngập tràn màu sắc, tiếng cười và ánh sáng. Anh cảm nhận bằng tai, tưởng tượng bằng trí óc và nỗi nhớ từ thuở ấu thơ khi chưa mất đi ánh sáng. Người đọc được chứng kiến cây bàng phố cổ đỏ lá, sóng nước Cô Tô, thấy được núi Cô Đơn, hồ Ba Bể, cả Đồ Sơn mùa nước lợ hay đóa hoa sen Đồng Tháp...

Việt Anh tham gia sân thơ trẻ tại Văn Miếu rằm Nguyên Tiêu.

Đọc những câu chuyện của Lê Trung Cường, đôi lúc không thể nhận ra anh cảm thụ ánh sáng bằng đôi mắt trái tim. Anh đưa thế giới thần tiên đến với bạn đọc của mình từ đôi mắt ấy rồi đưa người đọc đến với thế giới mộc mạc và lời lẽ chân thành của mình.

Sắp tới, Lê Trung Cường mong muốn sẽ ra mắt một tập truyện ngắn riêng và vẫn tập trung công việc tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng. Công việc ở đây có ý nghĩa với anh vô cùng vì hằng ngày anh được giảng dạy, vui chơi, giúp đỡ những người đồng đẳng như mình, chứng kiến sự trưởng thành của các em học sinh.

Ngoài ra, trong môi trường giáo dục của trường khiếm thị, anh đã có những người thầy, người bạn thông cảm và sẻ chia với người khuyết tật. Họ nương tựa vào nhau và cho nhau niềm tin trong cuộc sống. Những câu chuyện, những bài thơ, câu văn của Lê Trung Cường, không chỉ chắp cánh cho riêng anh, mà còn là một đôi cánh nhỏ nuôi dưỡng ước mơ, niềm tin cho những em nhỏ tại ngôi trường anh đang làm thầy giáo.

Lê Trung Cường bảo rằng, không ai sinh ra muốn mình gặp phải những điều không may mắn, nhưng nếu số phận đã như vậy thì chỉ có cách tự tạo cho mình những lối đi khác, tạo ra sự gắn kết tình yêu, tình bạn... để giúp những người anh sống tốt hơn, tạo ra niềm đam mê cho cuộc sống và là mục đích phấn đấu. Con đường dù rất dài nhưng anh luôn tin rằng, anh sẽ đi được đến đích vì bên cạnh anh còn có cả một đội ngũ những học sinh đang ngày đêm chiến đấu với niềm tin và nghị lực của mình.

“Thì tôi chọn cách đi bằng mắt em”

Tựa đề tập sách, cũng là tựa đề một bài thơ mới của Nguyễn Việt Anh, nhà thơ khiếm thị. Trong tập thơ có những câu thơ lục bát đầy ám ảnh: "Mắt này không thể dung dăng/ Thì tôi chọn cách đi bằng mắt em/ Đường kia biết chẳng bình yên/ Sẽ chông gai, sẽ qua miền trầm luân...".

Nguyễn Việt Anh sinh ra trong một gia đình người Hà Nội gốc ở phố Hàng Bồ. Là con đầu cháu sớm, nên Việt Anh được tận hưởng tuổi thơ viên mãn, đủ đầy trong một gia đình có "của ăn của để". Chưa bao giờ trong suốt tuổi thơ ấu của mình, Việt Anh thiếu thốn điều gì, dẫu hồi đó cuộc sống của người Hà Nội đầy khó khăn.

Bố anh là một công nhân của Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, mẹ anh, vốn là một cô sinh viên Trường Sân khấu điện ảnh, phải lòng người chồng hào hoa nên đã bỏ dở nghiệp cầm ca như ông bà ngoại Việt Anh, chấp nhận ở nhà sinh con, làm cô thợ uốn tóc. Mọi việc cũng sẽ êm đẹp nếu như không có một biến cố khi Việt Anh đang học lớp 7, một lần trong khi đùa nghịch thì bị bạn xô ngã, đập phía sau đầu vào bàn học. Cú ngã mạnh ấy đã khiến Việt Anh bị ảnh hưởng dây thần kinh thị giác.

Do bị cận thị từ trước, đôi mắt vốn đã yếu, dây thần kinh tổn thương nặng khiến Việt Anh bị thoái hóa võng mạc, giác mạc dần bị bong và không thể phục hồi lại được. Dù đã được chữa chạy khắp mọi nơi, sang cả những nước tiên tiến nhất như Pháp, Mỹ chữa trị cả tháng trời nhưng mọi việc đều hoài vọng. Dường như đó là số phận đã an bài. Cả gia đình nhìn đứa con thơ bé phải chịu cảnh thức cùng bóng tối, đau đớn nhưng cũng đành bó tay.

Khi không thể chữa lành đôi mắt cho con, gia đình Việt Anh đã cho anh mọi tình cảm, vật chất để con vui và hạnh phúc. Việt Anh được bố mẹ chuyển từ Trường THCS Tân Trào sang học Trường Nguyễn Đình Chiểu và cấp 3 thì học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở ngay cạnh nhà. Nhưng rồi cuộc đời không như là giấc mơ, trong chuỗi ngày vô vọng lo toan cho con, đối mặt với tất cả những xáo trộn, có nhiều bất đồng đã xảy đến trong ngôi nhà có nhiều thế hệ sinh sống đặc trưng của phố cổ.

Việt Anh hồi bé đi học chữ nổi.

Bố mẹ Việt Anh chia tay nhau, mẹ về nhà ngoại, Việt Anh ở cùng bố và bà nội. Nhớ mẹ, Việt Anh như một đứa trẻ rơi tận đáy nỗi buồn. Sau này, nhớ lại thời kỳ ấy, Việt Anh viết: "Chong đèn người thấy rõ đêm/ Chong đêm tôi thấy ánh đèn rạng soi/ Người bảo đèn sáng còn tôi/ Tin rằng đêm sáng đâu lời đúng sai...".

Nhưng rồi, có một sức mạnh từ bên trong đã vực Việt Anh trở lại. Anh bắt đầu đi học nghề bấm huyệt châm cứu tại Trường Y học Tuệ Tĩnh. Việt Anh là người thông minh nên học rất nhanh, vừa học vừa làm và kiếm được tiền đưa về cho gia đình. Rồi duyên số cũng đã mang đến cho anh một người vợ xinh xắn, lần lượt sinh cho anh hai người con.

Tưởng rằng, câu chuyện của Việt Anh sẽ có được một kết thúc tốt đẹp, nào ngờ một thời gian sau, gia đình riêng của Việt Anh cũng găp chuyện trục trặc. Họ chia tay. Việt Anh lại đơn độc với cuộc đời, số phận mình và tập quen với việc, sẽ không có một người bạn đồng hành mãi mãi như cách mà anh mong ước. Người khiếm thị như anh, đôi khi gặp phải rất nhiều ngáng trở trong cuộc đời, điều mà người phụ nữ bình thường vẫn mong ước đối với một người chồng, một người sáng mắt.

Việt Anh bảo, có lẽ là mình sẽ thế này thôi, với những mơ ước về con đường văn chương của mình. Sống và viết văn, làm thơ đối với anh, như có cả thế giới. Thơ văn là nơi anh ký thác nỗi buồn, chia sẻ những điều cô đơn, những tâm trạng để từ đó, nói lên được một khao khát cháy bỏng về niềm tin, về tình yêu, về cuộc sống.

Song hành với làm thơ tình, anh viết cho các con mình như là cách anh tìm lại được niềm vui và sự an ủi trong đời sống. Chỉ có thể có tình yêu mới mang lại được những điều kỳ diệu trong cuộc sống, nhất là đối với anh, một người cha không thể nhìn thấy điều gì đang diễn ra, nhưng sẽ cảm nhận được qua tất cả những lăng kính khác, lăng kính của trái tim mình.

Việt Anh đã viết cho các con 2 tập thơ “Bầu trời nhỏ” (2015) và “Nhân đôi bầu trời” (2017) để mai này, nó là kỷ vật duy nhất anh muốn các con sẽ gìn giữ về những tháng ngày tuổi trẻ của ba nó, đã từng sống, yêu thương và hạnh phúc... "Ai bảo rằng đá vô tri/ Đặt tay lên thấy xù xì nếp nhăn/ Điều gì khiến đá trở trăn/ Giấc mơ hóa ngọc còn lằn trong tim”.

Thiên Kim
.
.