Nhà văn và câu chuyện cái danh xưng

Thứ Năm, 01/09/2016, 15:10
Từ xưa đến nay, trong quan niệm của mọi người, cái danh xưng nhà văn vẫn luôn là cao quý. Nó đồng nghĩa với tài năng, đức độ và nhân cách… Trong góc nhìn ấy, nhà văn được coi như những bậc thầy, không chỉ về tri thức, chữ nghĩa mà còn về đạo lý làm người. Nhưng có phải chăng bây giờ đã khác?

Dường như chúng ta trở nên dễ dãi hơn với danh xưng này mà không biết để thực sự là một "nhà văn" là điều không hề đơn giản?

Không có nhà văn chuyên nghiệp

Thực tế, trước đây và hình như cả bây giờ, ở nước ta không có những người chỉ sống để viết văn, nói theo định nghĩa hành chính là không có nhà văn chuyên nghiệp. Hầu như tất cả đều là cán bộ hoặc làm một ngành nghề gì đó, họ sống bằng ngạch bậc lương cán bộ và làm việc trong một cơ quan nào đó. Mỗi người có một cách riêng để viết ra tác phẩm, nhưng trước hết và thường xuyên, họ phải hoàn thành tốt việc chuyên môn được phân công.

Nghề nghiệp gần gũi nhất thì cũng phải làm biên tập viên ở một nhà xuất bản, một tờ báo hoặc tạp chí nào đó, nếu không thì cũng phải có một vị trí nào đó trong cơ quan văn phòng của Hội Nhà văn. Họ sống và nuôi vợ con bằng đồng lương hành chính đó. Tuy nhiên, thời trước, ai có tác phẩm được in, có nhuận bút là cuộc sống, mức sống được cải thiện rất đáng kể bởi nhuận bút sách báo thời đó rất cao.

Những năm 1970, một bài nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học được nhuận bút 36 đồng, đủ tiền ăn cả tháng và lương sinh viên ra trường lúc đó khoảng 57 đồng. Những tập sách của các nhà văn, nhuận bút mua được hơn 7 cây vàng.

 Giờ thì đời sống ai cũng được cải thiện. Chỉ có điều nhuận bút thì thấp xuống một cách thảm hại. Phần lớn ai ra sách mà nhuận bút mua được sách biếu cũng là tốt lắm rồi. Thời bao cấp các nhà văn được chăm lo để yên tâm mà viết, họ được cấp nhà, tăng tiêu chuẩn thuốc lá… họ viết khỏe, viết nhiều, ngoài động lực chính là làm nhiệm vụ của một người cầm bút, có trách nhiệm, thì bản thân viết tác phẩm được in đã là một cách làm kinh tế chính đáng, trong sạch, hiệu quả và sang trọng.

Còn nay, động lực tinh thần đang có vấn đề, cảm hứng sáng tác không phải ai cũng nuôi dưỡng được. Và gia đình nào mà có một vài nhà thơ, thậm chí cả nhà văn vài năm in một tập khoảng dưới nghìn bản, thì chủ nhà phải lo sốt vó, vì nhuận bút không đủ mua sách tặng, không kể phần lớn phải tự bỏ tiền nhà ra in để bố cáo với mọi người về sự tồn tại của mình. Tất nhiên đây là nói số nhiều, thuộc thế hệ làng nhàng.

Vẫn có không ít nhà văn sống ung dung vì viết nhiều, viết hay và có số lượng in lớn. Thì cũng đều là chất xám cả. Nhưng đa phần nếu gọi đó là văn chương, thì còn phải… từ từ.

Nhà văn Hà Đình Cẩn.

Danh, lộc không phải là động cơ cầm bút

Cũng bởi vì thế mà trước đây, những nhà văn thuộc một đẳng cấp khác, được tôn trọng và quý mến. Bởi trong quan niệm của mọi người, để trở thành một nhà văn, trước hết phải là một người có tài năng xuất chúng… nhưng bây giờ đã khác, dường như chúng ta trở nên dễ dãi hơn với danh xưng nhà văn.

Thời xưa, nhà văn được coi như những bậc thầy, không chỉ về tri thức, chữ nghĩa mà còn về đạo lý - "Văn dĩ tải đạo" mà. Rồi nhà văn là "kỹ sư tâm hồn", là "thư ký của thời đại"… Uy tín văn chương làm nên danh giá cho người được nghề văn chọn lựa. Một xã hội giàu tính lý tưởng lại tạo nên nền tảng văn hóa để nghề văn và người làm văn được tôn trọng.

Những năm gần đây, con đường phát triển ngập ngừng trong nhiều lựa chọn. Lý tưởng nhân văn xưa đã trở nên mơ hồ mà hiện thực phía trước thì đầy bất trắc. Bạn xưa thù cũ đang chuyển đổi vị trí, mỗi người tự tìm chỗ đứng, công việc để kiếm sống, lo lắng về kinh tế, về vật chất đang lấn át những không gian văn hóa cần thiết cho sự phát triển cân bằng của xã hội. Vị trí nhà văn và văn học đang trở nên gần gũi trong một xã hội dân chủ, mất đi nét thiêng liêng, thần bí từng có một thời.

Mặt khác, một khi mặt bằng văn hóa xã hội đã được nâng cao, nhiều người thuộc nhiều nghề nghiệp, nhiều lứa tuổi có khả năng diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ, sự từng trải của mình qua các hình thức văn chương nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm độc đáo, xuất sắc, thì sáng tác văn chương không còn là độc quyền của những ai được gọi là nhà văn nữa. Nếu chỉ căn cứ vào số lượng đầu sách để kết nạp thì không thể từ chối các nhà văn tài tử đó.

Điều cần khẳng định là trong một xã hội dân chủ, thì không thể coi một nghề nào là sang hay hèn, mà chính nhân cách, phẩm chất, tài năng và kết quả công việc từng cá nhân mới làm nên giá trị từng người.

Đồng ý rằng không có ai dám vỗ ngực nói rằng mình không cần "cái danh", ai nói vậy hẳn là dối trá. Bởi ai ai cũng muốn mình có "danh gì với núi sông", được công nhận, được xưng tụng và được ngợi khen. Chính vì thế, chúng ta cũng đã có những danh hiệu để công nhận những đóng góp. Tuy có đôi chỗ chưa hợp lý, nhưng đó là cách đánh giá được coi là khách quan và chuẩn mực hiện nay.

Thế nhưng, bên cạnh những danh hiệu được phong chính danh, không ít người lại tự phong danh. Viết được vài ba tác phẩm tự in cũng tự xưng nhà văn. In được tập thơ thì gọi là nhà thơ. Có trường hợp gọi là nhà thơ, học hàm học vị về thơ hẳn hoi mà chẳng ai biết lấy một bài thơ nào, mà chỉ giỏi đi cạnh khóe xung quanh?

Chính những hiện tượng đó đã tạo nên chuyện ồn ào và tạp nham trong giới gọi là nhà văn. Đến mức đi đâu cũng gặp "nhà văn", "nhà thơ". Chưa kể trong số đó có không ít "nhà văn", "nhà thơ" sau khi được kết nạp thì tác phẩm cũng như tên tuổi mất hút trên văn đàn, chỉ còn lại cái danh xưng để… đi làm việc khác.

Nhà văn thì cũng chỉ là một danh xưng. Đó không phải là "chiếc áo rộng" mà ai cũng có thể cố co kéo cho vừa người. Vẫn biết rằng cái danh xưng không có tội. Nhưng phàm đã là người lao động nghệ thuật thì rất cần phải biết cái gì của mình, cái gì của người chứ không nên mờ mắt vì danh xưng hão.

Nhà văn Ngô Thảo.

Nhà văn sống được bằng nghề?

Không có thống kê, nên có lẽ ngay lãnh đạo Hội Nhà văn cũng khó trả lời câu hỏi này. Vả lại, cho đến nay, những người chỉ chuyên viết văn mà không làm gì khác cũng không có nhiều. Chỉ sống bằng nghề viết thì rất khó, chỉ một số ít có khả năng này.

Tuy biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ngày xưa ưu ái nếu có chăng là để nhà văn có cái ăn, cái mặc, nơi ở mà viết, mà làm công tác chính trị xã hội. Nhưng những thứ đó chưa bao giờ là vấn đề của người viết. Thậm chí cả trợ cấp sáng tác, hay mời đi trại viết, không phải ai cũng mặn mà. Lòng tự trọng của nhà văn không cho phép họ bị ràng buộc trong sáng tạo chỉ vì một ít quyền lợi vật chất cỏn con. Danh tiếng, lợi lộc có khi cũng không phải là động cơ khi cầm bút.

Nói thật ra là hiện nay Nhà nước chưa chính thức có một chế độ nào đặc biệt đối với nhà văn. Ngày xưa, một số hội viên Hội Nhà văn một năm có được nghỉ vài tháng để viết (cũng chỉ một số ít thôi). Vài năm gần đây, một số nhà văn cao tuổi, bệnh tật, khó khăn được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng khoảng 1 triệu. Còn thì trợ cấp sáng tác, đi trại viết, giải thưởng tác phẩm hàng năm thì các hội văn học nghệ thuật đều có.

Vấn đề lúc này nên đặt ra không phải là một vài đặc cách, mà phải có một chiến lược chung để phát hiện, bồi dưỡng (văn hóa, ngoại ngữ, chính trị, triết học, kỹ năng nghề nghiệp…) tạo môi trường, điều kiện để có một lực lượng sáng tạo văn học nghệ thuật trong đó có nhà văn, đủ sức, đủ lực, đủ tài năng, tâm huyết, tầm nhìn để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam hiện đại, xứng tầm với vị trí đất nước ta trong thế kỷ mới.

Không thể đào tạo ra một nhà văn, nhưng những người đã có năng khiếu văn chương vẫn rất cần được có điều kiện học tập, mở mang tầm nhìn, sự trải nghiệm để có vốn sáng tạo. Mà trong văn học nghệ thuật, không thể là tập họp của một đám đông, một dàn đồng ca, mà phải là của nhiều, rất nhiều những cá tính, cá nhân có bản sắc riêng khó lẫn. Một ngành kinh tế mạnh, có thể xây dựng trong năm, mười năm.

Nhưng để có một nền văn hóa cần thời gian dài lâu hơn nhiều. Chúng ta, xem ra đang nặng về xây dựng kinh tế và các ngành khác, mà không chú trọng xứng đáng về văn hóa. Hệ lụy về đạo đức xã hội thì ai cũng thấy rõ. Nhưng đó là một câu chuyện dài.

Nhà văn Ngô Thảo: Danh xưng không làm nên uy tín cho ai

Xã hội bây giờ khiến cho con người ta trở nên háo danh. Không chỉ nhà văn mà nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, cũng đầy rẫy đó thôi. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng nhiều người viết bây giờ không có tiêu chuẩn, không tự định lượng được, cứ viết là tự xem như nhà văn nhà thơ. Nhưng thực tế cuộc sống cũng chứng minh rằng nhà văn bây giờ cũng chỉ được xem như là người có kĩ thuật tốt chứ không hẳn là nhà tri thức như trước đây. Tất nhiên kĩ thuật tốt thì cũng rất đáng quý.

Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận trong xã hội bây giờ danh xưng cũng chỉ có ước lệ tượng trưng, mà xã hội đòi hỏi thước đo cụ thể chứ  không chỉ đòi hỏi những danh xưng. Và không ít nhà văn bây giờ họ viết là để tự thỏa mãn chính mình chứ không có nhiều ý nghĩa xã hội như trước đây. Sức nặng của một tác phẩm đóng góp cho xã hội ngày cũng ít đi. Quá nhiều những vấn đề xã hội nhưng văn chương không thể hiện được cũng như nhà văn cũng không còn quan tâm đến. Hầu hết những vấn đề nóng hổi của đất nước đã không còn có.

Đã khá lâu rồi cái tên nhà văn không còn làm nên uy tín cho ai cả. Thực tế độc giả bây giờ rất thông minh, họ mua sách bởi chất lượng chứ không phải cái tên. Bản thân tôi thì không quan trọng có nhiều nhà văn hay ít nhà văn. Cũng không câu nệ chuyện ai cũng tự xưng là nhà văn. Nhà văn nhiều cũng tốt, bởi khi người người đều chịu viết có nghĩa là họ còn yêu thích văn chương, yêu chữ nghĩa…

Danh xưng bây giờ chỉ "lừa" được số ít người mà thôi, cho nên với những người thực sự cầm bút, điều đó đã không còn quan trọng. Cách đây ít lâu bạn không thấy nhiều người có tên tuổi cũng xin ra khỏi Hội Nhà văn đấy thôi… Điều mà những người cầm bút lâu năm như chúng tôi mong muốn chỉ là phải có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại bám sát hiện thực cuộc sống mà thôi.

Nhà văn Hà Đình Cẩn: Nhà văn cần nổi tiếng bằng tác phẩm

Lớp học viên Nguyễn Du khóa 2 chúng tôi nhiều anh em đã là Hội viên Hội Nhà văn rồi mới đi để học về văn hóa, lý luận, chính trị và nghề nghiệp. Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một trong những thầy mà chúng tôi hết sức kính trọng. Tôi nhớ thầy dạy chúng tôi, cửa vào Hội Nhà văn rất rộng, ai cũng có thể bước vào được vì thường "canh gác" không nghiêm ngặt lắm, cũng không xét nét về lý lịch, vì thế nhiều người dễ bước vào. Ai ngờ vào tưởng đã thành nhà văn mà đi hết cuộc đời vẫn thấy mình đứng ngoài ngưỡng cửa, chứ chưa vào hẳn trong "nhà" của Hội Nhà văn được.

Lời thầy hôm nay vẫn đúng, nhất là trong lúc các giá trị lộn tùng phèo đúng đúng, sai sai, hay hay, dở dở lẫn lộn, vàng thau khó phân biệt. Nhà văn thực ra không cần tung hô, bạn đọc đánh giá, chứ riêng anh nhà văn tự đánh giá sao được. Điều này, tôi nhớ ông Ăng- ghen nói câu rất hay, đại ý, bởi vì người ta không sinh ra đồng thời với chiếc gương ở tay, nên để hiểu mình, phải soi vào người khác. Nhà văn thì soi vào bạn đọc, chứ không thổi phồng mình lên được là vậy.

Cách nay mấy chục năm anh Trần Đăng Khoa còn là chú bé tám tuổi, đi chăn bò chưa xong, chỉ biết làm thơ chứ có biết PR cho mình đâu, thế mà tiếng nổi như cồn. Thế mới biết văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung nổi tiếng bằng tác phẩm chứ không nổi tiếng bằng những việc làm ngoài tác phẩm....

Lâm Chi
.
.