Nhạc Việt 2019: Nhiều cá tính nhưng chưa thoát nhục tính
- Nhạc Việt trong xu thế toàn cầu hóa
- MV nhạc Việt: Tìm về hồn xưa tích cũ
- Làm bản sao xứ người, nhóm nhạc Việt có đi được đường dài?
Các nghệ sĩ có chỗ đứng hay những gương mặt mới triển vọng liên tiếp cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc gây được tiếng vang trong dư luận. Trong đó, cổ trang, đồng tính và màu sắc văn hóa dân gian là 3 xu hướng chủ đạo của MV 2019, thay thế cho motif tiệc tùng, khoe đường cong, khoe hàng hiệu... như trước đây.
“Tấm áo mới” cho văn chương
Ngoài những câu chuyện tình tay ba lâm ly bi đát đầy nước mắt hay những khung trời thơ mộng ở các địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, thời gian gần đây, ca sĩ Việt có thêm một lựa chọn mới cho các MV của mình. Những hình ảnh giản dị, mộc mạc ở làng quê Việt Nam và chất liệu trong các tác phẩm văn học nổi tiếng được nhiều nghệ sĩ khai thác vô cùng sáng tạo, hấp dẫn.
Các MV đình đám như “Anh ơi ở lại” - Chi Pu, “Để Mị nói cho mà nghe” - Hoàng Thùy Linh hay “Hết thương cạn nhớ” - Chí Phèo đều lần lượt lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học “Tấm Cám”, “Vợ chồng A Phủ” và “Chí Phèo”. Hầu hết các tác phẩm này đều đưa ra những cách khai thác, góc nhìn mới không có trong nguyên tác.
Thực tế, những tác phẩm văn học này vốn chứa đựng rất nhiều chi tiết thú vị để khai thác, chuyển thể thành phim. Song, việc đưa tác phẩm văn học vào MV hiện không có quá nhiều ca sĩ trẻ để tâm đến. Chính vì vậy, những “món ăn” tưởng chừng xưa cũ này lại vô cùng hấp dẫn trong bữa tiệc âm nhạc “tràn ngập” sự xa xỉ, hào nhoáng một cách nhạt nhẽo trong thời gian qua.
Bằng chứng ở việc các MV này liên tục “oanh tạc” trên cuộc đua top trending (top thịnh hành) trên YouTube. Trong đó, “Anh ơi ở lại” nhanh chóng leo top 1 trending với 7 triệu lượt xem sau 2 ngày ra mắt. “Để Mị nói cho mà nghe” giữ vững top 1 sau 3 ngày ra mắt với gần 6 triệu lượt xem.
Trong khi đó, “Hết thương cạn nhớ” giành “ngôi vương” trên YouTube sau 2 ngày ra mắt với hơn 5 triệu lượt xem. Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng khi thị trường vừa có thêm những sản phẩm lôi cuốn, lại khiến bộ môn văn học vốn đơn điệu trên trang giấy nay thêm sinh động và thú vị hơn.
Trở lại đường đua Vpop với màu sắc mới mẻ nhưng vô cùng nhân văn, Hoàng Thùy Linh cho biết đây chính là “vũ khí” giúp cô đứng vững giữa dòng chảy âm nhạc thời đại 4.0. “Trở lại mạnh mẽ với hình ảnh ca sĩ gắn liền với những ca khúc có màu sắc văn hóa dân gian chính là vũ khí giúp âm nhạc của tôi trở nên đặc biệt trong một rừng ca sĩ trẻ hiện nay. Lượt xem lên đến gần 60 triệu view của MV càng khiến tôi bất ngờ”, giọng ca sinh năm 1988 chia sẻ.
![]() |
Cảnh trong MV “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc mang đến cái nhìn mới mẻ về các nhân vật trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. |
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên văn học Việt trở thành nguồn cảm hứng trong âm nhạc. “Chí Phèo” - Bùi Công Nam, “Mặt trăng” - Bùi Lan Hương, “Có chàng trai viết lên cây” - Phan Mạnh Quỳnh hay “Bánh trôi nước” của Hoàng Thùy Linh... đều là những tác phẩm được “thổi hồn” từ những tác phẩm văn học Việt Nam.
Cùng với đề tài văn học dân gian, MV Việt năm nay cũng chuộng bối cảnh cổ trang hơn hiện đại, như “Chuyện người con gái” - Thu Hằng, “Hai bàn tay” - Jun Phạm hay “Truyền thái y” - Ngô Kiến Huy và “Tự tâm” - Nguyễn Trần Trung Quân, “Nhấp chén đắng” - Adam Lâm... Nhìn chung, đây không phải là đề tài cũ, mang thông điệp tích cực nhưng đầy thách thức. Bởi lẽ, nếu ê-kíp chỉ chực “ăn theo” xu hướng mà không đủ am hiểu, cẩn trọng có thể sẽ tạo ra đứa con tinh thần lai căng, thảm họa, “bóp méo” văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đơn cử, MV “Nhấp chén đắng” của Adam Lâm nhận chỉ trích vì trang phục lai căng. Trong đó, từ form dáng đến cắt may đều có nét giống phục trang của nhà Thanh, Trung Quốc. Hay trang phục trong MV “Đêm tịch liêu” của Thanh Tâm bị chê phục dựng nửa mùa, không đúng phục trang triều đại nào nhưng vẫn đóng mác “cổ trang Việt”.
Hay, MV “Tự tâm” của Nguyễn Trần Trung Quân cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi màu sắc và phục trang hầu như được cho là lấy ý tưởng từ trang phục của Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Thậm chí, dù ê-kíp nhiều lần quảng bá đây là phục trang cổ trang của Việt Nam nhưng với những hình ảnh trong MV, khán giả sẽ nghĩ ngay đến các bộ cổ trang của Trung Quốc. Các bộ phim cổ trang Hoa ngữ hiện tại cũng sử dụng phục trang tương tự.
Người trẻ thường dũng cảm, dám thử nghiệm những cái mới nhưng biến những gia vị truyền thống trở thành phong cách âm nhạc cá nhân vẫn là bài toán khó cần thời gian để các nghệ sĩ tiếp tục giải mã. Trong hoàn cảnh văn hóa truyền thống đang dần bị mai một ở lớp trẻ như hiện nay thì đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận, tuy nhiên rất cần có sự tham vấn của các nhà chuyên môn một cách tích cực và hiệu quả sao cho các tác phẩm đến tay công chúng trở nên có giá trị thực sự chứ không chỉ vì lạ.
Đề tài đồng tính nở rộ
Năm 2019 cũng chứng kiến sự “nở rộ” của các MV tràn ngập yếu tố đồng tính và trở thành công thức thành công của nhiều nghệ sĩ trẻ. Trong đó có thể kể đến những tác phẩm như: “Sáng mắt chưa” - Trúc Nhân, “Người mình yêu chưa chắc đã yêu mình” - Gil Lê, “Đừng hỏi về anh” - Mai Tiến Dũng, “Nghe nói anh sắp kết hôn” - Văn Mai Hương, “Có người, Are you mine” - Vũ Cát Tường, “Tự tâm” - Nguyễn Trần Trung Quân...
Mở đầu cho những MV chủ đề này trong năm 2019 là “Người mình yêu chưa chắc đã yêu mình” hồi giữa tháng 5-2019 của Gil Lê. Đây là một bản ballad nhẹ nhàng về chuyện tình bách hợp của nữ ca sĩ với người con gái cô yêu.
![]() |
Poster MV “để mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh. |
Cũng trong tháng này, MV “Thật lòng” - Đào Bá Lộc lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của nam nghệ sĩ về chuyện tình đơn phương với cậu bạn cùng lớp, phải đến khi ra trường họ mới nhận ra tình cảm dành cho nhau. Tháng 6-2019, Mai Tiến Dũng tái xuất với bản ballad mang tên “Đừng hỏi về anh”.
Giai điệu nhẹ nhàng khắc họa nỗi đau của chàng trai khi người con gái mình yêu lại dành tình cảm cho... một người con gái khác. Đây cũng là cảm xúc tương tự với nhân vật trong MV “Sai nắng” của ST Sơn Thạch ra mắt sau đó không lâu. Đến cuối tháng 7, Vpop “đổi gió” khi Trúc Nhân bắt tay với Mew Amazing đem câu chuyện vạch mặt chàng người yêu cũ đang cố che đậy giới tính thật của mình bằng việc lấy vợ vào MV “Sáng mắt chưa”.
Sau MV “Màu nước mắt” nói về đồng tính nữ, Nguyễn Trần Trung Quân và Denis Đặng làm tiếp “Tự tâm” khai thác chủ đề đồng tính nam, nói về mối tình phức tạp giữa một vị hoàng đế, hoàng hậu và một nhạc công.
Chủ đề đồng tính gần như là gia vị lạ cho các MV. Chưa tính đến yếu tố âm nhạc hay hay dở, việc gắn chuyện tình đồng tính vào trong các sản phẩm đã dễ dàng thu hút sự chú ý, đặc biệt khi vấn đề giới tính ngày càng được nhìn nhận cởi mở hơn.
Nhờ hình ảnh đẹp, không ít cảnh khoe da thịt, yêu thương nóng bỏng của cặp đôi nam diễn viên, “Tự tâm” đã nhanh chóng leo lên top 1 thịnh hành của YouTube trong chưa đầy 24 giờ ra mắt. MV này không chỉ được chú ý trong phạm vi Việt Nam mà còn lan sang cả Trung Quốc, trở thành từ khóa hot được tìm kiếm tại quốc gia này. “Tự tâm” cũng lan truyền sang cả Thái Lan, Myanmar...
Trong khi đó, MV “Sáng mắt chưa” của Trúc Nhân giữ vững top 1 thịnh hành với 5,2 triệu lượt xem sau 4 ngày ra mắt. Đây là thành tích top 1 đầu tiên của nam ca sĩ. Sau 2 tuần ra mắt, MV “Nghe nói anh sắp kết hôn” của Văn Mai Hương cũng nhanh chóng đạt tới 6,7 triệu lượt xem trên YouTube.
Nói về thực trạng trên, đạo diễn của MV “Nghe nói anh sắp kết hôn” - Huỳnh Tuấn Anh thừa nhận, đề tài về LGBT là một sự tất yếu khi xã hội tiến dần tới những nhận thức văn minh, cũng như sự mở rộng đề tài của những người làm sáng tạo.
Đâu là giới hạn của nghệ thuật?
LGBT vốn là một đề tài nhạy cảm trong xã hội. Việc nhiều ca sĩ, nhạc sĩ bắt tay vào sáng tạo tác phẩm về đề tài này là một hình thức lan tỏa thông điệp ủng hộ, chia sẻ với những tâm tư, tình cảm của cộng đồng LGBT, giúp họ có được một cuộc sống bình đẳng trong xã hội. Các nghệ sĩ cần thấu hiểu để có thể khai thác một cách tinh tế, truyền tải những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống.
![]() |
Một cảnh trong MV “Tự tâm” của Nguyễn Trần Trung Quân. |
Tuy nhiên, cũng chính vì sức nóng của MV này mà việc đưa hình ảnh đồng tính vào âm nhạc trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt hơn bao giờ hết. Thậm chí, có MV bị cho là chạy theo trào lưu, lạm dụng yếu tố giới tính để “câu views”. Yếu tố đồng tính trong các sản phẩm âm nhạc vừa qua dường như chỉ khai thác ở bề mặt một cách trần trụi về mối quan hệ giữa những người LGBT.
Chẳng hạn, với “Tự tâm”, khán giả hứng thú với MV không chỉ là vì kỹ xảo hoành tráng, mà còn vì những phân cảnh “nóng bỏng mắt” giữa các nhân vật trong MV, điển hình là cảnh Denis Đặng và Trung Quân ân ái trên hồ sen. Hai người không ngại ngần trao nhau những ánh nhìn mê đắm và những cử chỉ tình tứ. Các khung hình đặc tả được sử dụng khá mạnh tay.
Ngoài ra, cảnh cưỡng hôn của nữ chính cũng là hoàng hậu với Denis Đặng cũng nóng bỏng không kém. Nhiều ý kiến cho rằng với những phân cảnh nóng bỏng như thế, đáng ra “Tự tâm” phải được gắn nhãn 18+ hoặc chí ít là 16+. Với những khán giả nhỏ tuổi, xem những cảnh quay này hoàn toàn không phù hợp. Chính vì vậy, việc gán mác những MV về đề tài LGBT hình ảnh, nội dung nhạy cảm là việc nên nghiên cứu và cần tiến hành.
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho hay: “Ở một góc độ nào đó, chúng ta nên nhìn họ là nhóm yếu thế để cổ vũ, đồng cảm và có cái nhìn nhân văn chứ không phải để miệt thị, xua đuổi, hay lợi dụng câu chuyện của họ trong khi bản thân chưa thực sự hiểu hết hoặc khai thác một cách quá đà. Chúng ta nên coi rằng những câu chuyện tâm lý, sinh lý của người đồng tính ở một mức nào đó vẫn là sự riêng tư và cần được tôn trọng. Chính vì vậy, nếu tần suất các sản phẩm nghệ thuật xuất hiện dày đặc, sẽ làm cho người ta cảm thấy rằng thực tế tràn ngập. Trong khi số lượng những người LGBT không nhiều như vậy. Đó còn chưa kể, có không ít sản phẩm nhấn nhá rất nhiều vào sự tương tác, gần gũi giữa các nhân vật đồng tính một cách trần trụi”.
Ông Trịnh Hòa Bình cũng thẳng thắn cho rằng chúng ta không thể núp dưới quan điểm là cần phải nhắc đến những người trong cộng đồng LGBT như một cách cảm thông, để xuất bản tràn lan, không có giới hạn. Đó là nguỵ biện. Bởi, nếu có quá nhiều sản phẩm nghệ thuật như vậy, trẻ em dễ sa vào “trận đồ” và nghĩ rằng câu chuyện đồng tính hay những sự tương tác trong mối quan hệ đồng tính mới là điều chuẩn mực để hướng tới, cần phải cập nhật.
Các sản phẩm âm nhạc và nghệ thuật nói chung với cùng một nội dung được khai thác tràn lan, thiếu tính nhân văn sẽ khiến các nghệ sĩ sớm đi vào ngõ cụt. Hay nói như PGS. TS Trịnh Hòa Bình: “Mặc dù, khi đẩy hướng sáng tạo tới đề tài đồng tính, LGBT có thể đạt được những thăng hoa trong nghệ thuật, hay thu hút sự chú của cộng đồng. Nhưng, nếu không thận trọng và tham lam, họ sẽ làm méo mó, sai lệch chuẩn mực của xã hội”.