Nhạc sĩ Doãn Nho: “Đừng say đến mức chủ quan!"
Vào một ngày trên những con phố Hà Nội, trong dòng người tấp nập ngược xuôi, bạn vô tình bắt gặp một ông già dắt một cháu trai nhỏ, độ 5 tuổi thong dong dạo bộ. Người ông tóc đã bạc, tay đã run thi thoảng quay ra nói dăm ba câu với cậu bé, hai ông cháu cùng cười vui vẻ và cái hình ảnh quen thuộc, quyến luyến ấy đều đặn đến độ, nếu hôm nào không trông thấy hai ông cháu thì người dân trên khu phố Hồ Tùng Mậu lại nôn nao nhớ.
Theo chân hai ông cháu về con ngõ sâu hút, ngoằn ngoèo trong căn xóm ấy là một ngôi nhà 3 tầng giản dị đã cũ và ngay ngoài cửa có một cái biển nhỏ ghi: "Nhà nhạc sĩ Doãn Nho". Thì ra, đây là nơi cư trú của người nhạc sĩ, chiến sĩ có những bài ca đi cùng năm tháng: "Tiến bước dưới quân kỳ", "Người con gái sông La", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"... Những ca khúc cách mạng hào sảng, thiết tha mang đầy cảm xúc, là tiếng nói cho cả một thế hệ ngày đó đã làm nên tên tuổi của người nhạc sĩ tài hoa. Và, hôm nay tôi đến thăm ông vào một ngày đầu xuân năm mới. Tết này, Tân Mão, nhạc sĩ Doãn Nho bước vào tuổi 79.
Căn nhà giản dị như chính chủ nhân, phòng khách chỉ có một bộ bàn ghế nhuốm màu thời gian, điểm nhấn trong căn phòng là một bức ảnh khổ to đen trắng rất đẹp được lồng vào khung kính treo trang trọng trên tường. Ảnh Bác Hồ bên các bạn trẻ Việt Nam, đứng cạnh Bác dễ dàng nhận ra nhạc sĩ Doãn Nho khi đấy còn một thanh niên đầy sức vóc, ông nói: “Tấm ảnh được chụp năm 1957, khi Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị sang biểu diễn ở 4 nước Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ và Liên Xô, chính ở tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) Đoàn đã vinh dự được gặp Bác Hồ khi Bác sang thăm các nước XHCN”.
Bất giác tôi liên tưởng đến một ca khúc rất nổi tiếng của ông, "Tiến bước dưới quân kỳ" chỉ sáng tác sau khi ông được gặp Bác Hồ một năm ở Bình Nhưỡng về. Đó là vào mùa hè năm 1958, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ đi thực tế ở chiến trường Điện Biên. Lúc đó hòa bình đã về với miền Bắc Việt Nam được 4 năm, bao cảm xúc của người nhạc sĩ đã thăng hoa kết nên thành giai điệu, lời ca, tiếng hát...
Nhạc sĩ Doãn Nho. |
Phóng viên (PV): Đã qua nhiều thập niên, nhưng "Tiến bước dưới quân kỳ" là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, và là bản nhạc không thể thiếu trong nghi lễ kéo cờ mỗi sáng tại Quảng trường Ba Đình. Xin tò mò tí chút, dù biết từ nhà nhạc sĩ ra Quảng trường không gần chút nào, nhưng lâu lâu ông có đến đấy để hưởng không khí rất đặc biệt của nghi lễ kéo cờ buổi sáng hay không?
Nhạc sĩ Doãn Nho: (Cất tiếng hát khe khẽ): "Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc đến chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim..." tôi viết đoạn giữa trước rồi mới viết đoạn đầu. Đoạn ấy viết trước vì quá xúc động, nghĩ đến đâu viết đến đó, nối hai đoạn lại có ý nghĩa là thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau tiến bước dưới ngọn cờ của Đảng. Chính vì thế bài hát mới có tên: "Tiến bước dưới quân kỳ". Thi thoảng tôi lại ra Quảng trường Lăng Bác, khi thấy đội quân cảnh đi đều ra đấy kéo cờ lên trong tiếng nhạc của mình sáng tác, trong lòng tôi xúc động, cảm xúc lạ lắm. Tôi nghĩ, mình đóng góp một tác phẩm được diễn ra hằng ngày ở một nơi thiêng liêng như thế này thì sung sướng vô cùng. Hạnh phúc của một người làm nghệ thuật như tôi, chính là những phút giây như thế này.
Cách đây mấy năm, khi tôi còn khỏe thỉnh thoảng đi xe máy ra Quảng trường, bây giờ tuổi đã cao, sức yếu rồi thì tôi đi xe ôm.
PV: Trong năm qua, nhìn vào khối lượng công việc của ông thì thấy ông quả là có năng lượng khổng lồ. Thanh xướng kịch 4 chương "Hoa Lư - Thăng Long. Bài ca dời đô" kịch bản, nhạc và lời đều do ông sáng tác đã diễn ra 3 đêm liền ở Nhà hát Lớn trong 10 ngày Đại Lễ Thăng Long - Hà Nội. Thế rồi cũng trong dịp trọng đại này, VTV1 trong chuyên mục "Tác phẩm mới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" giới thiệu ca khúc "Hoa Lộc vừng Hồ Gươm" hẳn ông đã lao động ghê lắm, quên đi tuổi tác, thời gian...
Nhạc sĩ Doãn Nho: Hiện tại tôi lao động hàng ngày như là người công nhân đi làm việc, chỉ có điều mình già rồi sức khỏe có hạn nên không thể dậy thật sớm mà đi làm theo ca như các bạn trẻ, nhưng mình phải linh hoạt trong giờ giấc. Bây giờ số giờ làm việc của mình ít đi một chút, mỗi ngày tôi ngồi vào bàn làm việc khoảng 6 - 7 tiếng thôi. Mấy năm trước còn có thể thức thâu đêm suốt sáng, bây giờ thì không dám cũng phải tỉnh táo để giữ sức bền của mình.
PV: Một người lao động hăng say như thế thì phải có niềm đam mê rất lớn. Không đam mê, không nhiệt huyết, không có lửa thì không bao giờ làm được cái gì ra trò cả, nếu có sáng tạo thì cũng chỉ ra những sản phẩm trung bình thôi...
Nhạc sĩ Doãn Nho: Nhất là với nghệ thuật, nghệ thuật mà không say thì chả sáng tạo ra được cái gì.
PV: Những người làm nhạc như nhạc sĩ thì dồi dào cảm xúc lắm, nếu trơ lì cảm xúc thì chắc chắn cũng không sáng tạo ra được một sản phẩm âm nhạc lý thú nào cả đâu. Nhưng để mà nuôi dưỡng lửa trong con người thì...
Nhạc sĩ Doãn Nho: Người sáng tác không đợi cảm xúc đâu, phải luôn luôn tạo cho mình cảm xúc. Bên cạnh cái say của văn học nghệ thuật thì vẫn còn cái tỉnh của khoa học kỹ thuật, anh sử dụng kỹ thuật thủ pháp như thế nào để thể hiện cái cảm xúc ấy.
Kỹ thuật để thể hiện cái cảm xúc đó. Nhiều khi cảm xúc rất lớn nhưng trình độ hiểu biết về chuyên môn yếu không tìm ra thủ pháp để thể hiện cái mà mình định thể hiện thì tác phẩm vẫn không thành công mặc dù cảm xúc rất mạnh. Người sáng tác phải rất tỉnh táo, rất trí tuệ để học, và khi cảm xúc của anh dâng lên thì anh biết cách sử dụng kỹ thuật học được vận dụng đưa cảm xúc vào tác phẩm một cách trọn vẹn nhất.
PV: Trong 7 hội: Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Hội Mỹ thuật, Hội Múa, Hội Nhiếp ảnh, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh thì Hội Nhà văn ồn ào ầm ĩ, còn Hội Nhạc sĩ xem ra có vẻ an lành, đúng không thưa nhạc sĩ?.
Nhạc sĩ Doãn Nho: Đúng, do đặc thù tính cách của người nhạc sĩ, nhưng không có nghĩa là người viết nhạc không khỏe, không mạnh đâu. Như vừa rồi Ban chấp hành của Hội trẻ hóa, vẫn tiến lên thôi.
PV: Qua quan sát thì thấy nhạc sĩ có vẻ như nói nhiều hơn họa sĩ nhưng nói ít hơn nhà văn?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Không biết nhạc sĩ có nói nhiều hơn họa sĩ không nhưng nói ít hơn nhà văn là đúng đấy, thể loại nó tạo ra như vậy. Rõ ràng không phải ở nước mình, mà theo tôi hiểu nhiều nước cũng như vậy thôi, giới văn mà nói theo cách gọi của người lính thì là binh chủng, nói vui là "Anh cả đỏ". Văn học khỏe, khơi mào, dẫn đầu tạo ra nền tảng sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung. Không chỉ riêng tôi mà trong giới nhạc sĩ, hội nhạc sĩ luôn luôn tôn trọng và theo dõi văn học vì qua văn học chuyển đến cho mình những nhận thức mới. Hội văn học có vị trí đứng đầu của nó. Âm nhạc lại đứng đầu ở một khía cạnh khác như thể loại ca khúc nằm trong âm nhạc...
Nhạc sĩ Doãn Nho và con trai - nhạc sĩ Doãn Nguyên trong đêm biểu diễn thanh xướng kịch "Hoa Lư - Thăng Long. Bài ca dời đô" tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong dịp Đại lễ 2/10/2010. |
PV: Các bộ môn nghệ thuật đôi khi liên quan đến nhau, ông có hứng thú với phim truyện không? Chuyện "chán nội sính ngoại" trong phim ảnh vẫn là đề tài rôm rả của báo chí cũng như của các khán giả trong cả nước...
Nhạc sĩ Doãn Nho: Phim Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng có nhiều cố gắng, bây giờ ta gọi là cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, người ta thờ ơ với tác phẩm này, lưu luyến với tác phẩm kia đấy là quyền mình phải tôn trọng. Nhưng làm sao giới sáng tạo văn học nghệ thuật phấn đấu để có tác phẩm hay, thu hút được sự chú ý của khán thính giả.
Như vừa qua có "Bí thư tỉnh ủy" là phim hay, tôi thích những bộ phim dựa trên những câu chuyện có thật, nên tính thời sự ở trong này rất rõ. Nhưng tính thời sự được nâng lên mang tính văn học, mang tính nghệ thuật nhiều hơn. Những vấn đề sống. Những phim truyện xuất phát từ sáng tạo hết sức chủ quan hoặc bắt chước của tác giả thì xem rất khó vào, cứ trật đi đằng nào ấy... Mà sáng tạo dựa trên câu chuyện lịch sử, và thật sự có sự sáng tạo ví dụ phim làm kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long "Khát vọng Thăng Long" tôi cho đấy là một phim hay.
Nói rồi, người nhạc sĩ lật dở cuốn album cho tôi xem bộ ảnh ông vừa có vào dịp Đại Lễ, thanh xướng kịch "Hoa Lư - Thăng Long. Bài ca dời đô" qua các tối biểu diễn ở Nhà hát Lớn tháng 10 vừa qua. Khán phòng chật kín khán giả. Và, trong thanh xướng kịch với quy mô đồ sộ và hoành tráng này, con trai của nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Doãn Nguyên đã chỉ huy dàn nhạc giao hưởng trong vở diễn của cha mình làm tác giả kịch bản, nhạc và lời. Trong tôi có đôi chút ngạc nhiên còn nhạc sĩ thì không giấu được sự xúc động. Có lẽ, ông có niềm tự hào, vui sướng riêng khi được hưởng trọn vẹn cái cảm giác cha - con cùng nhau góp sức trong sản phẩm âm nhạc độc đáo trên sân khấu vào giờ phút linh thiêng chuyển giao của đất trời, của thời gian vừa vặn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
PV: Được biết, nhạc sĩ Doãn Nguyên đang chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong gia đình có không khí của âm nhạc như vậy, chắc hẳn chuyện san sẻ và tìm được tiếng nói chung trong nghề nghiệp là điều vô cùng lý thú.
Nhạc sĩ Doãn Nho: Tôi có được tác phẩm mới nào thì bao giờ con mình cũng đọc đầu tiên, hai cha con trao đổi. Ngược lại, con trai cũng vậy. Sáng tác của tôi ngoài đưa cho con, tôi đưa cho nhà tôi. Nhà tôi trước là ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Quân đội, nên về âm nhạc cũng hiểu biết lắm. Những lời đóng góp, nhận xét trong gia đình rất quan trọng. Điều đó cũng là một sự động viên rất lớn để hiểu biết lẫn nhau, mỗi tác phẩm âm nhạc ra đời đều có góp ý, gợi ý và phản biện lẫn nhau. Làm cái gì cũng cần phải có phản biện, yếu tố khách quan, tôi tôn trọng ý kiến của mọi người.
Những người làm sáng tạo nghệ thuật là hay chủ quan lắm, vì anh say mà, không say thì làm sao sáng tác được, chính vì thế nên rất say. Nhưng cái gì cũng có giới hạn, anh say đến mức chủ quan, anh cứ tưởng thế là hay, thực ra là dở, nhưng nhờ có sự phản biện bên ngoài mà anh tỉnh lại. Làm cái gì thì cũng rất cần sự phản biện.
PV: Người nghệ sĩ cái tôi cá nhân rất lớn, mình sáng tạo ra mà có người chê thì cũng không thích đâu...
Nhạc sĩ Doãn Nho: Trời ơi cái chuyện người ta chê mà mình vẫn thấy rằng mình đúng thì bản lĩnh của mình là ở chỗ đó. Tôi rất lắng nghe, rất tôn trọng nhưng tôi khẳng định tôi đúng thì tôi vẫn "đi" chứ. Chứ nếu không còn gì là bản lĩnh nữa. Ai nói thế nào bào hao thấy vậy thì còn ra cái thể thống gì. Nhưng mà sự phản biện là cực kỳ quan trọng giúp cho mình say nhưng trí tuệ vẫn tỉnh. Trí tuệ tỉnh táo rất cần cho sáng tạo mà mình vẫn còn phải tiếp tục khám phá nữa...
PV: Trong sự nghiệp sáng tác nhạc ông đã trở thành một nhạc sĩ rất được kính trọng nhờ những ca khúc cách mạng đầy ấn tượng, độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn và đồng thời nhạc sĩ luôn được hưởng không khí trọn vẹn của gia đình hạnh phúc, đến giờ ông còn mong muốn điều gì không?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Đến giờ tôi vẫn còn tâm nguyện là viết, kịp viết những điều mà mình ấp ủ. Vì mỗi tuổi một khác chứ, 70 tuổi khác và bây giờ lên tuổi 80, khác lắm. Nên luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe, còn làm việc, tôi tập thể dục hằng ngày, nhưng trong tiết trời khắc nghiệt như thế này, lạnh cắt da cắt thịt, tôi chỉ tập thể dục trong nhà vì đảm bảo ấm, an toàn mà tập nhẹ rồi sau đó mới tập như người bình thường. Trước kia thì còn có thể chạy được nhưng bây giờ nên đi bộ cũng đã là tốt, hạn chế chạy thậm chí không chạy...
Nói rồi ông tìm trên mặt bàn một tờ giấy có những nốt nhạc, bài hát này có tên: "Mướp con", ông bảo: "Mồng 4 Tết năm nay khai bút viết cho cháu nội vì cháu nó tuổi mẫu giáo. Có bài hát mới, cháu nội, cháu ngoại xúm lại, ông dậy các cháu hát, cả nhà cùng vui...