Nhạc sĩ Doãn Nho: Tự hào tiến bước dưới quân kỳ
- Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: Trên 70 năm tiến bước dưới quân kỳ
- Nhạc sĩ Doãn Nho: “Đừng say đến mức chủ quan!"
- Nhạc sĩ Doãn Nho kể chuyện dời đô bằng âm nhạc
Trong những ngày khói lửa, bom rơi đạn trút trên dải đất miền Trung, Quảng Bình, Quảng Trị... máu của đồng đội nhuộm đỏ trên dòng sông Thạch Hãn, những bài hát của ông như tiếng kèn đồng hiệu triệu tăng thêm khí thế cho đoàn quân chiến sĩ giải phóng, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước tha thiết trong tim những người lính trẻ. Và ngay cả thời bình, những ca khúc đó, mỗi khi vang lên vẫn thấy rung động tận đáy lòng, khơi gợi niềm tự hào của dân tộc về một thời kì lịch sử cứu nước hào hùng.
Nhạc sĩ Doãn Nho. |
Đã từ lâu, vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho sống trong căn nhà 3 tầng nằm trong con ngõ ngoằn ngèo gần hồ Ba Mẫu. Ngoài cửa có tấm biển đã bạc màu thời gian ghi giản dị: “Nhạc sĩ Doãn Nho”. Trong căn phòng tiếp khách tầng 1 là những bức ảnh ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng trong quãng đời làm nghệ thuật của ông.
Chả ai có thể ngờ rằng, dù ở tuổi này nhưng hằng ngày ông vẫn đặt cho mình một thời khóa biểu, lịch làm việc khoa học đều đặn, hằng ngày ông vẫn miệt mài làm công việc sáng tác và vẫn thường đoạt giải thưởng âm nhạc, được vinh danh. Trong căn nhà đầy ắp không khí âm nhạc nghệ thuật ấy là tổ ấm giản dị, nhỏ bé của vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh.
Bà Nguyệt Ánh - người bạn đời của nhạc sĩ - hân hoan chia sẻ về thành quả của chồng khi ông vừa được nhận danh hiệu cao quý Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt vừa qua. Còn với ông giải thưởng lớn nhất của đời mình đó là được đi trên những cung đường đất nước để tận mắt chứng kiến những con người bằng da bằng thịt trong từng thời khắc lịch sử của dân tộc để từ đó những nốt nhạc cất lên thành dòng sông trữ tình đầy cảm xúc rồi theo dòng chảy của thời gian truyền lửa cho nhiều thế hệ khi xưa, ngày nay và mai sau.
Nhạc sĩ Doãn Nho là người Từ Liêm, xưa là ngoại thành Hà Nội. Ngày ấy nơi đó là bờ hoang vu rậm rạp cỏ lau ngút ngàn, tiếng dế kêu, tiếng ve sầu rả rích suốt những đêm hè oi ả. Sớm bộc lộ tư chất thông tuệ về âm nhạc từ năm lên 10, Doãn Nho đã được gia đình cho học violin, rồi sau đó, mùa hè năm 1945, cậu bé Doãn Nho mới lên tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, những năm tiếp theo ông tham gia vào Đội Tuyên truyền xung phong yêu nước. Năm 1951, vừa tròn 17 tuổi, Doãn Nho về Đội văn công trường Lục quân khóa VI, vừa học violin và sáng tác những ca khúc đầu tay.
Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho và nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (ngoài cùng bên trái). |
Cũng chính trong môi trường này, cậu thanh niên được gặp hai bậc đàn anh là hai trung úy trẻ Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận, hai cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc Việt Nam. Cậu được hai người anh chỉ bảo tận tình và trong quãng đời sáng tác âm nhạc của mình vẫn văng vẳng tiếng nói của hai bậc tiền bối đi trước sáng tác gì cũng phải hiểu dân ca, thấm đẫm dân ca, dựa trên chất liệu âm nhạc dân ca Việt Nam, mình sáng tác ca khúc cho đồng bào mình, dân tộc mình.
Trong những bài ca đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Doãn Nho không thể không kể đến ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” cho đến bây giờ vẫn là một ca khúc vang khắp toàn quân vào mỗi dịp trọng đại của đất nước và là bản nhạc không thể thiếu trong nghi lễ kéo cờ thường xuyên tại Quảng trường Ba Đình. Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Doãn Nho kể: “Tôi viết ca khúc này trên đỉnh đồi A1 vào năm 1958, “Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc đến chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim...”, tôi viết đoạn giữa trước rồi mới viết đoạn đầu.
Đoạn ấy viết trước vì quá xúc động, bao nhiêu đồng đội của mình đã hi sinh, đã ngã xuống và nằm lại vĩnh viễn dưới mảnh đất này... nghĩ đến đâu viết đến đó, nối hai đoạn lại có ý nghĩa là thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau tiến bước dưới ngọn cờ của Đảng. Chính vì thế bài hát mới có tên “Tiến bước dưới quân kỳ”.
Trước đây, tôi còn khỏe thì thỉnh thoảng lại đi xe máy ra Quảng trường Ba Đình, bây giờ tuổi đã cao, sức yếu rồi thì tôi đi xe ôm, taxi ra đấy mỗi khi thấy đội nghi lễ đi đều kéo cờ lên trong tiếng nhạc của mình sáng tác, trong lòng tôi xúc động, cảm xúc lạ lắm. Tôi nghĩ, mình đóng góp một tác phẩm được diễn ra hằng ngày ở một nơi thiêng liêng như thế này thì sung sướng vô cùng. Hạnh phúc của một người làm nghệ thuật như tôi, chính là những phút giây như thế này”.
Ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ Doãn Nho nhận giải Cống hiến Âm nhạc 2014. |
Trong cuộc đời sáng tác của người nhạc sĩ - chiến sĩ ông đã để đời nhiều ca khúc vừa trầm hùng hào sảng, lại tha thiết trữ tình và không kém phần phiêu linh lãng mạn. Và, ở mỗi ca khúc lại gắn với một câu chuyện, một địa danh mà ông đã từng đặt chân đến, cảm nhận từng hơi thở nóng hổi chất liệu từ đời sống. Và cũng nhờ có âm nhạc đã cho ông không chỉ thăng hoa trong nghệ thuật mà trong cả tình yêu đôi lứa.
Vợ ông, bà Nguyệt Ánh là một trong đồng chí, đồng đội của ông cùng công tác ở Đoàn văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội). Ông bảo bà Nguyệt Ánh có nghĩa là ánh trăng, mà ánh trăng thì đương nhiên là rất đẹp, ít ra là với riêng ông. Bà là người Hà Nội gốc, nhà ở phố Yết Kiêu, một tiểu thư khuê các Hà thành, con nhà gia giáo nền nếp. Họ yêu nhau vì cảm mến nhau. Bà Nguyệt Ánh lúc đó là ca sĩ ở đoàn vì rất hâm mộ tài năng của người sáng tác bài hát “Sóng Cửa Tùng” rồi cảm mến chủ nhân của bài hát. Nhạc sĩ Doãn Nho thì say đắm dung nhan của Ánh Trăng - Nguyệt Ánh, sự dịu dàng, tinh tế của cô gái Hà Nội.
Nói đến bài hát khiến đã kết đôi cho hai người, chàng nhạc sĩ trẻ Doãn Nho và cô gái văn công Nguyệt Ánh, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại: Năm 1954, ông cùng đoàn nghệ sĩ đi thực tế để sáng tác.
Trên cầu Hiền Lương, giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam Bắc. Hôm đấy, người nhạc sĩ trẻ ngồi trông ngóng trong đêm đến tờ mờ sáng dân chài lưới đổ ra Cửa Tùng để đánh những mẻ cá đầu tiên. Trên cao bầu trời sao sáng lấp lánh và dưới này ánh sáng lập lòe trên những con thuyền bập bềnh sóng nước. Không gian vũ trụ mênh mông huyền diệu đẹp như một bức tranh sơn thủy, xa xa vang lên những câu hò và gió sông miên man thổi hồn người nhạc sĩ để rồi cảm xúc ấy, tinh thần ấy đã viết ra hợp xướng “Sóng Cửa Tùng”.
Năm 1960, hai người nên duyên vợ chồng. Cuộc sống khi ấy khó khăn và thiếu thốn trăm bề, cô gái khuê các Hà Nội đã phải thay chồng chăm bẵm các con. Cuộc hôn nhân vốn dĩ bắt nguồn từ sự lãng mạn đầy thi vị và khi lấy nhau thì kéo về thực tế chuyện đời sống vật chất, nhưng may thay cả hai đều là những con người tinh tế, họ cùng nhau vượt qua sóng gió để đi đến bến bờ của hạnh phúc. Vì cả hai vợ chồng đều công tác ở cùng một đơn vị nên cả thường có thời gian đi công tác cùng nhau. Họ đã sát cánh bên nhau trong những ngày đạn bom, khói lửa ở chiến trường và giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Khi trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt ở miền Trung, nhạc sĩ đã bắt gặp ý thơ hay của nhà thơ Hữu Thỉnh và ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” ra đời. Rồi khi có dịp đi thực tế đến vùng đất Đồng Lộc huyền thoại, dựa trên câu chuyện có thật về 10 cô gái thanh niên xung phong đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và cuộc gặp gỡ đầy cảm động với anh hùng La Thị Tám, nhạc sĩ Doãn Nho đã viết ca khúc “Người con gái sông La” bất hủ. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc xã Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).
Trong chiến tranh, nơi đây được ví như túi bom khổng lồ. Chỉ tính riêng trong 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1968, không quân địch đã trút xuống mảnh đất này 48.600 quả bom các loại. Nhiệm vụ của La thị Tám là đứng trên đồi cao vào những lúc máy bay Mỹ ném bom, để đếm số lượng bom trút xuống. Với chiếc ống nhòm nhỏ, cô gái Việt Nam mảnh mai hồn hậu ấy đã từng giây từng phút căng mắt nhìn quả nào đã nổ, quả nào chưa phát nổ, để ngay sau khi máy bay Mỹ đi, La thị Tám chạy xuống ngã ba Đồng Lộc cắm lá cờ tiêu cho công binh, thanh niên xung phong đến phá bom mở đường.
Nhạc sĩ sáng tác ca khúc mà khi giai điệu này cất lên đã ca ngợi vẻ đẹp thanh tân trong sức sống và tâm hồn của người con gái Việt Nam: “Em vừa tròn 18 đẹp như xuân sang/ Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp lên cái chết dáng em hiên ngang/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam...” bài ca mang âm hưởng của dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.
Ngay khi ra đời, “Người con gái Sông La” được thể hiện qua giọng ca của NSND Tường Vi đã thu hút con tim hàng triệu khán giả. Sau này nhiều ca sĩ trẻ Anh Thơ, Việt Hoàn, Đăng Dương... thể hiện ca khúc này rất thành công. Không chỉ có thành tựu về sáng tác ca khúc mà nhạc sĩ Doãn Nho cũng đã gặt hái thành công to lớn về sáng tác khí nhạc.
Người vợ đầu gối, tay ấp, bà Nguyệt Ánh là người sát cánh bên chồng trong suốt con đường sáng tác âm nhạc của ông. Ông thừa nhận: “Tất cả tác phẩm của tôi đều có hình dáng và tấm lòng của vợ. Nguyệt Ánh đã nhiều năm trời âm thầm hy sinh chịu thiệt thòi về phần mình để lo cho tôi, để cho tôi yên tâm làm công việc sáng tác”. Ông cho biết, cả thời trai trẻ, những ngày dài liên miên đi thực tế ở chiến trường, vợ ông đã phải thay chồng chăm sóc đàn con thơ, cho đến khi ông được nhà nước cử đi học ở trời Tây, bà Nguyệt Ánh lúc đó cũng được cử đi học nhưng bà tình nguyện không đi, lùi về hậu phương, chăm sóc các con, vun vén cho gia đình nhỏ của mình.
Đã có lần vợ ông bệnh nặng, bác sĩ bảo chỉ sống được vài năm nữa, vậy mà ơn trời từ ngày nghe “bản tuyên án” của bác sĩ đến nay đã vài chục năm vợ ông vẫn khỏe mạnh. Đã 20 năm nay, vợ chồng ông tham gia các hoạt động ứng dụng dưỡng sinh tâm thể để rèn luyện sức khỏe. Vợ chồng ông cũng thường làm những chương trình từ thiện. Trong không gian của ngôi nhà đó ấm áp tiếng nói tiếng cười của vợ chồng người nhạc sĩ, chiến sĩ và các con, các cháu. Kể từ ngày thành gia thất cho đến nay gần 60 năm gắn bó họ vẫn ríu rít như chỉ vừa mới đây thôi là những người lính trẻ. Nhạc sĩ Doãn Nho và vợ, nữ nghệ sĩ Nguyệt Ánh vẫn trìu mến thương yêu nhau nồng đượm như thuở ban đầu đầy lưu luyến ấy.
Cả ba người con của ông bà đều đi theo con đường nghệ thuật của cha mẹ. Những sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho, bao giờ vợ và các con ông cũng sẽ là khán giả và nhà phê bình góp ý đầu tiên. Ngay kể cả bây giờ lẽ ra ông hoàn toàn có thể buông bỏ không phải cần mẫn sáng tác, nhưng với tinh thần của người chiến sĩ và sự say mê của người nghệ sĩ sáng tác, nhạc sĩ tài hoa vẫn cặm cụi bên bàn làm việc để rồi những nốt nhạc lại cất lên thánh thót không ngừng ghi dấu ấn...