Nhạc sĩ Hoàng Vân trong lòng bè bạn

Thứ Tư, 07/02/2018, 14:17
Khoảng 4 giờ sáng chủ nhật, ngày 4-2-2018, nhạc sĩ Hoàng Vân đã trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi nhẹ tựa một áng mây vàng trôi về nơi xa, hưởng thọ 88 tuổi. Ông từ giã cõi đời, nhân dân và những người yêu nhạc mất đi một tài năng, nhưng những gì ông để lại sẽ mãi còn nguyên giá trị trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam với những khúc tráng ca đi cùng năm tháng...

NSND Quang Thọ, một người bạn vong niên, một người học trò, một người em rất mực yêu quý nhạc sĩ Hoàng Vân dường như vẫn chưa quen nổi với cảm giác buồn và tiếc thương. Ông bảo, hơn nửa thế kỷ, ông đã được đồng hành cùng nhạc sĩ Hoàng Vân trong chặng đường âm nhạc của đời mình. Ông vẫn nhớ như in cái ngày gặp nhạc sĩ Hoàng Vân tại Quảng Ninh. Đó là sau sự kiện 2 máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Bái Tử Long, Quảng Ninh (ngày 5-8-64).

Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nhạc sĩ Hoàng Vân cùng một đoàn 12 nhạc sĩ ở Hà Nội về Quảng Ninh đi thực tế sáng tác (khoảng tháng 10-1964). Đoàn do nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc đó là Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm trưởng đoàn, về thực tế sáng tác ca khúc cho Quảng Ninh.

Nhạc sĩ Hoàng Vân lúc ấy viết 2 bài hát, một bài “Tôi là người thợ lò” (sau này mới đổi thành “Tôi là người thợ mỏ”) và một bài ca ngợi những cô gái ở mỏ than Cửa Ông. Thời điểm sáng tác ca khúc “Tôi là người thợ lò”, nhạc sĩ Hoàng Vân đã xuống mỏ than Cọc 6.

NSND Quang Thọ lúc ấy đang là công nhân làm việc tại mỏ than Cọc 6, dù không được chứng kiến trực tiếp nhưng nghe những người công nhân Cọc 6 kể lại rằng, họ mô tả về cuộc sống, làm việc như thế nào để nhạc sĩ Hoàng Vân nghe và vì ông là một trí thức học rộng, hiểu biết nên chỉ cần nghe qua, ông đã hình dung được công việc của những người thợ lò như thế nào.

Nhạc sĩ Hoàng Vân có trí tưởng tượng rất phong phú nên ông viết rất thành công ca khúc “Tôi là người thợ lò” làm say lòng bao nhiêu công nhân và những người sống làm việc tại mỏ than.

Chính ca khúc ấy là một nhân duyên để thay đổi số phận và cuộc đời người thợ mỏ Quang Thọ. Trong cái đêm nhạc sĩ Hoàng Vân vừa ôm đàn ghi-ta vừa trực tiếp hát bài đó thì cậu công nhân mỏ than Quang Thọ, vốn là một ca sĩ nghiệp dư được cử đến gặp để nghe và sau đó hát thử ca khúc “Tôi là người thợ lò”.

Ngay khi giọng hát của Quang Thọ cất lên, nhạc sĩ Hoàng Vân đã bảo: “Cậu có một giọng hát rất đặc biệt đấy, cậu nên về Hà Nội đi học hát đi!”. Câu nhận xét và cũng là lời khuyên đầy thân ái ấy đã nuôi dưỡng trong tâm hồn người công nhân mỏ Quang Thọ một niềm hy vọng và sự đinh ninh sẽ phải thay đổi cuộc đời theo một cách khác.

Thời điểm ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân đang làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng rất tình cờ, cuối năm 1964 thì Quang Thọ cũng từ Quảng Ninh về Hà Nội thu thanh một số bài hát về vùng mỏ. Nhạc sĩ Hoàng Vân lại tiếp tục khuyên Quang Thọ nên đi học ở Nhạc viện Hà Nội để phát huy tuyệt đối âm giọng opera của mình.

Nhạc sĩ Hoàng Vân viết thư pháp.

Từ lời khuyên của nhạc sĩ Hoàng Vân, cuộc đời của người công nhân mỏ Cọc 6 đã thay đổi hoàn toàn. Ông trở thành người của công chúng, một NSND có chất giọng cao vút trời mây, đoạt các giải thưởng lớn như trong các cuộc thi hát nhạc thính phòng cổ điển ở những quốc gia được coi là cội rễ của nhạc opera.

Nhớ về nhạc sĩ Hoàng Vân, NSND Quang Thọ xúc động nghẹn ngào. Nhạc sĩ Hoàng Vân là một tài hoa, một trí thức của Việt Nam, một tài năng âm nhạc. Hơn nửa thế kỷ làm bạn cùng người nhạc sĩ tài ba, người em thân thiết của nhạc sĩ, NSND Quang Thọ đã trưởng thành và thành đạt một phần lớn nhờ vào lời động viên ban đầu của nhạc sĩ Hoàng Vân. Sau này, Quang Thọ trở thành đồng nghiệp, thành người em thân thiết của nhạc sĩ.

Nếu như trước đây, người ta biết đến cặp bài trùng Hoàng Vân - ca sĩ Trần Khánh thì sau đó vài năm, sau khi Quang Thọ lên Hà Nội thì có thêm một người ca sĩ chuyên hát những khúc tráng ca và hùng ca về người cách mạng, về nhân dân và tôn nó lên trở thành những ca khúc bât hủ của âm nhạc cách mạng Việt Nam, đó là âm nhạc Hoàng Vân - ca sĩ thể hiện: Quang Thọ.

Sau khi viết về người thợ mỏ, ông viết “Quảng Bình quê ta ơi”... Rồi sau giải phóng miền Nam, ông viết nhiều ca khúc mà Quang Thọ đều là người đầu tiên được nhắc đến mỗi khi cần hát những bài hát mới như: “Người chiến sĩ ấy”, “Bài ca cây lúa”...

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha từng có 6 năm làm việc tại Hội Nhạc sĩ cùng nhạc sĩ Hoàng Vân (từ 1990 đến 1996 thì nhạc sĩ Hoàng Vân về nghỉ hưu). Khi đó nhạc sĩ Hoàng Vân là Trưởng Ban sáng tác của Hội còn nhà thơ Nguyễn Thuy Kha làm tạp chí Âm nhạc. Hai anh em thường ngồi nói chuyện về cuộc đời, về âm nhạc. Nhạc sĩ Hoàng Vân là một người mẫn tiệp, hóm hỉnh, có gu thẩm mỹ và ăn mặc có gu, nói năng đàng hoàng, khúc chiết.

Nhạc sĩ Hoàng Vân và vợ - bà Ngọc Anh.

Nhạc sĩ Hoàng Vân thường bàn câu chuyện về âm nhạc, cởi mở trong giao tiếp. Và hóa ra, ông viết thư pháp rất đẹp, từng tặng nhà thơ một chữ “Nhã” rất đẹp. Nhạc sĩ Hoàng Vân bảo, Kha không phải nhẫn, mà là “nhã”. Trong sáng tác, ông sử dụng quãng 8 rất lợi hại. Lâu đài âm nhạc của ông được dựng bằng những cột trụ âm nhạc của quãng 8 đúng, tạo ra những cao trào và chất tráng ca. Bên cạnh âm nhạc kinh điển thì ông mang âm nhạc dân gian vào âm nhạc của mình nên các ca khúc của ông vừa rất bác học vừa rất gần gũi với nhân dân.

Điều đặc biệt nhất ở người nhạc sĩ Hà Nội lịch lãm ấy là người đã sống với đời sống âm nhạc trọn vẹn và ông đã vẽ nên một bức tranh về nhân dân, về người nông dân, về người công nhân đúng thật như vốn vậy, nên tác phẩm của ông sống mãi trong lòng nhân dân cũng là điều dễ hiểu. Ông viết những ca khúc đậm tính bác học mà cũng rất gần đời sống như “Bài ca xây dựng”, “Tình ca Tây Nguyên”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”...

Hầu hết người ta tìm thấy mình trong âm nhạc của Hoàng Vân. Không chỉ thế, nhạc sĩ Hoàng Vân là người độc đáo trong việc dùng nhịp điệu, âm hưởng để đưa vào các tác phẩm của mình. Không chỉ trên phương diện ca khúc, ông cũng đóng góp lớn trong hợp xướng, giao hưởng viết cho dàn nhạc, nhạc phim, nhạc vũ kịch... Ông là một người đa năng, vừa chỉ huy, vừa phối khí dàn nhạc.

Điều đặc biệt thể hiện một Hoàng Vân đằng sau tất cả là một Hoàng Vân rất yêu con, ông viết nhạc thiếu nhi là vì yêu con. “Em yêu trường em”, “Con chim vành khuyên”... Chính vì thế sau này ông rất hạnh phúc vì các con nối nghiệp cha. Lê Phi Phi, Lê Y Linh đều là những người thành công trong âm nhạc.

NSND múa Chu Thúy Quỳnh thì xúc động khi nhắc về người nhạc sĩ mà mình đã có nhiều năm gắn bó, thuộc lòng các ca khúc cũng như sử dụng nhiều giai điệu âm nhạc của ông trong nghệ thuật múa như “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca xây dựng”... Dù không có nhiều thời gian chuyện trò, gặp gỡ người nhạc sĩ tài ba Hoàng Vân, song ấn tượng về ông đối với NSND Chu Thúy Quỳnh là sự ngưỡng mộ hết mực. Ông đa tài, viết các giai điệu cho múa và nhiều ngành nghệ thuật khác đều tạo cảm hứng cho người diễn viên trên sân khấu. Những giai điệu của ông tình cảm, cuốn hút và sâu lắng. Ông có một tâm hồn đẹp.

Nhiều lần gặp, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng có nhã ý nếu cần ông viết cho các tiết mục biên đạo thì ông sẵn lòng giúp đỡ và đối với NSND Chu Thúy Quỳnh, ông như một người thân. Ông vừa giỏi, vừa lịch lãm nhưng lại được nhiều văn nghệ sĩ trân trọng vì sự đứng đắn và yêu thương gia đình hết mực. Ngoài sự cống hiến hết mình cho công việc, ông không có bất cứ một điều tiếng nào, đó là điều khiến cho nhiều thế hệ ngưỡng mộ và tôn sùng ông bởi tài năng và đức độ...

Nhà thơ Vương Tâm, một người làm việc nhiều năm tại Báo Hà Nội Mới kể lại câu chuyện vào những năm đầu thập niên 90, khi đó nhạc sĩ Hoàng Vân thỉnh thoảng đến Báo Hà Nội Mới gặp ông và nhà văn Lê Tấn Hiển trò chuyện. Ông rất thích chuyên mục “Những bài hát được nhiều người yêu thích” của Báo Hà Nội Mới cuối tuần. Ông khích lệ và còn gửi bài cho báo.

Nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai - nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Nhà thơ Vương Tâm may mắn được trò chuyện cùng ông về công việc làm báo và những câu chuyện về âm nhạc. Cảm nhận thật bất ngờ đổi với ông là chuyện chữ nghĩa trong thơ ca, câu đối và thư pháp của nhạc sĩ Hoàng Vân lại hết sức phong phú và uyên bác. Nhạc sĩ Hoàng Vân từng kể về thú chơi thư pháp được nảy mầm từ thời thơ bé. Một tuổi thơ chuyên mài mực cho bố viết chữ Hán Nôm, nên nhạc sĩ học được nhiều kỹ năng và rèn luyện tâm khí, mỗi khi thảo nét chữ đầu tiên.

Khi nghe ông tâm sự, các anh chị em trong tòa soạn mới hay một đời rèn luyện thư pháp luôn gắn liền với những sáng tác âm nhạc của ông. Bởi lẽ chỉ riêng chuyện mài mực cho bố thôi, cậu bé Hoàng Vân đã có bài học đầu tiên về âm nhạc. Đó là câu “Mài mực ru con - mài son đánh giặc”. “Mài mực ru con” nghĩa là phải nương ngón tay nhẹ nhàng đều đặn, mềm mại như người mẹ ru con đi vào giấc ngủ ngon. Vội vã là bị vẹt thỏi mực, chỗ đặc chỗ loãng, nét bút sẽ không đều và sắc nét. Hồn chữ bị chệnh choạng.

Mối liên hệ giữa âm nhạc và thư pháp bắt đầu từ đó chăng. Thêm nữa “mài son đánh giặc”, ông giảng giải cụ thể, son đỏ là để tác giả thư pháp đóng dấu triện, nên khi mài son, không những cũng phải nhịp nhàng, mà còn phải miết xuống lòng đĩa thật đều tay, bởi thỏi son khá cứng. Khi đó người mài son lại mang một tâm thế khác, mạnh mẽ kiên trì với một nhịp điệu khỏe và tươi sáng.

Hóa ra sự bắt đầu của những nhịp phách, giai điệu và tâm hồn người nhạc sĩ lại có sự hòa nhập hết sức tự nhiên và hình thành từ một công việc đầu tiên của việc luyện chữ của ông. Có lẽ phong cách âm nhạc sang trọng và hào sảng của nhạc sĩ Hoàng Vân khá gần gũi với tài hoa đặc sắc của ông về thư pháp.

Ca sĩ trẻ Việt Hoàn, một người đã từng hát nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân trên sân khấu, xúc động khi nhắc về người nhạc sĩ đã từng ôm lấy anh, ca sĩ Đăng Dương và Trọng Tấn phía sau sân khấu Nhà hát Lớn. Hồi đó trong một chương trình ca nhạc, ông tình cờ thấy 3 anh em trước phòng hóa trang, ông ôm, vỗ vai bảo, các cháu đã làm sống lại các ca khúc của một thời hào hùng. Điều đó khiến cho các ca sĩ trẻ tự tin hơn.

Ca sĩ Việt Hoàn cho rằng, nhạc sĩ Hoàng Vân khi viết không chỉ hiểu đối tượng mình viết, mà còn hiểu được ca sĩ, ông viết để các ca sĩ đều thể hiện được khả năng thanh nhạc và phát huy hết năng lực vốn có của mỗi người. Ông là một người Hà Nội hào hoa chắt lọc được tinh túy của nhân dân, của mọi ngành nghề để viết nên những bản hùng ca, tráng ca mang tính lạc quan cách mạng rất lớn. Ông ra đi là một tổn thất lớn cho giới nghệ sĩ, song chắc chắn, những gì ông để lại cho đời, thì còn ngân mãi những âm vang...

Trần Thiên
.
.