Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, người kết nối nhạc dân tộc và thế giới

Thứ Bảy, 30/07/2016, 15:15
Bay từ trời Tây về Việt Nam để chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật độc đáo "Nón" ra mắt khán giả Hà Nội vào tối 21/7/2016 và TP HCM 26, 27/7/2016, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang lại có dịp tung tẩy với âm nhạc đậm chất dân gian kết hợp với múa đương đại của biên đạo - diễn viên múa Vũ Ngọc Khải.

Sự kết hợp của "Nón" thể hiện vừa khái quát, vừa cụ thể những hình ảnh đẹp nhất, đặc trưng nhất của con người và văn hóa Việt Nam trong đó có hình ảnh nón, áo dài, bánh chưng, bánh giầy... và cả cách tư duy, thể hiện tình cảm, khát vọng của người Việt trong cuộc sống.

Người nhạc sỹ trẻ gắn cuộc đời mình với âm nhạc dân tộc.

Ngô Hồng Quang sinh năm 1983 tại Hải Dương. Bố làm trong lực lượng cảnh vệ bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mẹ là giáo viên. Từ nhỏ Quang đã được kết nối với âm nhạc qua ông nội của mình - một người chơi đàn nhị có tiếng trong gánh hát. Chính nhờ có ông mà cậu bé Quang đã say mê tiếng đàn nhị và dần dà tiếp thu, cảm thụ một cách tinh tế những làn điệu hát chèo, chầu văn, xẩm...

Quang nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với dòng nhạc chứa đựng tâm hồn dân tộc và được cha mẹ cho theo học nhị tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ sơ cấp đến đại học.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và cây đàn quen thuộc của anh.

Tình yêu âm nhạc và quãng thời gian dài khổ luyện, Ngô Hồng Quang đã trở thành một nhạc công sử dụng thành thục, và ngạc nhiên hơn, dưới ngón tay điêu luyện tài tử của mình anh đã biến cây nhị mà nhiều người vẫn quan niệm là một nhạc cụ giản đơn, nghèo sắc thái thành âm nhạc đầy biến ảo giàu sắc thái.

Sau khi tốt nghiệp, Ngô Hồng Quang được giữ lại Nhạc viện làm giảng viên Khoa Âm nhạc dân tộc. Thế nhưng, anh không bó mình trong nghề dạy mà nung nấu khát vọng phát triển thế mạnh của cây đàn nhị cũng như các nhạc cụ dân tộc khác để truyền đến khán giả trong, ngoài nước những giá trị độc đáo trong văn hóa, nghệ thuật của người Việt. 

Anh và những người bạn cùng chí hướng, Nguyễn Xuân Hưng - đàn bầu, Nguyễn Đức Minh - đàn môi, thành lập ban nhạc mang tên "Hồn tre" tham gia vào các hoạt động sáng tác, biểu diễn âm nhạc của giới trẻ. Ngày đó, thị trường âm nhạc Việt Nam đang sôi động với nhiều xu hướng khác nhau, nhiều dòng nhạc mang yếu tố ngoại nhập thịnh hành, chiếm thị phần lớn và dễ dàng được khán giả, đặc biệt là giới trẻ, đón nhận thì việc kiên trì theo đuổi âm nhạc dân tộc là một thử thách.

Ban nhạc "Hồn tre" vẫn tồn tại và trở thành một nét đáng chú ý trong đời sống âm nhạc hiện đại. Năm 2007, "Hồn tre" được một đạo diễn phim truyền hình chuyên về đề tài nông thôn mời tham gia sáng tác nhạc cho bộ phim dài 24 tập của mình - phim "Ma làng".

Đạo diễn NSND Nguyễn Hữu Phần đã có lần trả lời câu hỏi "Vì sao ông lại mời một nhóm nhạc còn non trẻ như "Hồn tre" sáng tác nhạc phim?" rằng: "Vì họ là "Hồn tre", vì họ mang âm hưởng dân gian gần gũi với bộ phim của tôi và hơn thế nữa, họ còn rất trẻ, rất nhiệt tình, chưa "xạo" đến mức làm nhạc phim bằng cách sử dụng nhạc “ngăn kéo””. Nhạc "ngăn kéo" chỉ loại nhạc dùng cho phim, kịch do nhạc sỹ chuyên nghiệp nhưng làm ẩu bằng cách có sẵn những đoạn nhạc theo tính chất, trạng thái như vui, buồn, yêu, ghét... Khi gặp những đoạn phim có nội dung tương tự họ lấy (từ ngăn kéo) ra, gắn vào là xong.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và những người bạn.

"Đêm cuối cùng của mùa đông" - ca khúc mở đầu mỗi tập phim "Ma làng" đã tạo được ấn tượng khá sâu sắc trong lòng khán giả phim truyền hình bởi chất ma mị và giai điệu làng quê đã đóng góp đáng kể vào thành công của bộ phim. Phần nhạc không lời của bộ phim cũng được các tác giả thể hiện hầu hết bằng nhạc cụ dân tộc (nhị, đàn môi, tiêu, sáo, đàn bầu...) thực sự hòa nhập vào diễn biến và tâm trạng các nhân vật trong phim.

Sau này, một tuần trước lúc lên đường nhập học tại Hà Lan, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang bằng tình yêu Hà Nội sáng tác ca khúc "Tìm" cho Gameshow "Hà Nội ba sáu phố phường" do NSND Nguyễn Hữu Phần làm tổng đạo diễn. Chương trình phát sóng trên VTV3.

Đưa âm nhạc dân gian, văn hóa Việt ra thế giới

Câu chuyện khi xưa ùa về, kể từ ngày đó, cách đây đã chục năm, năm 2006, 2007 là hai mùa hè đáng nhớ nhất Ngô Hồng Quang có 2 chuyến lưu diễn, mỗi chuyến kéo dài 3 tháng tại 5 nước châu Âu: Ireland, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan. Trong chuyến đi ấy, anh biểu diễn các nhạc cụ và hát dân ca, khán giả là người Việt xa xứ và người bản địa. Âm nhạc như cầu nối gắn kết yêu thương. Người bản địa cực kì ngạc nhiên với âm nhạc dân tộc Việt, họ chăm chú lắng nghe suốt 90 phút và sau đó đặt ra câu hỏi lí thú, điều đó càng kích thích anh tìm tòi trên con đường âm nhạc của mình sau này. 

Nhờ sự khích lệ ấy, Quang thấy mình có duyên trong việc biểu diễn nhạc cụ dân tộc cho người nước ngoài. Một cơ duyên đưa đến, bước ngoặt trong cuộc đời Quang, đó là Tết Nguyên đán 2008, anh đến Hà Lan và có màn biểu diễn ấn tượng nhất tại Nhà hát Hoàng gia Hà Lan chỉ với 15 phút âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Anh thổ lộ: Có nhiều khán giả Hà Lan cảm động, tình cảm quá khiến anh không thể nào quên. Anh còn có nhiều buổi diễn dành cho các em nhỏ cấp I và các cụ già trong trại dưỡng lão. Mà trong đó, các cụ hầu hết ngồi xe lăn nhưng vẫn rất lắng nghe âm nhạc dân tộc Việt và đưa ra nhiều câu hỏi thú vị. Có một nơi tại xứ sở hoa tulip mà Quang rất thích đến, đó là Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan. Trong ngôi trường này, Quang tận mắt chứng kiến buổi biểu diễn tác phẩm của các sinh viên làm theo hướng âm nhạc hiện đại.

Trở về Việt Nam, Quang luôn trăn trở với con đường mình đang theo đuổi, chưa từng được học sáng tác một cách bài bản ở nhạc viện, Quang chỉ được học chuyên ngành biểu diễn nhưng cuối cùng anh quyết định "đánh quả liều", cho ra đời cùng lúc ba tác phẩm: "Thiền", "Sắc tộc", "Thường xuân". Đó thực thụ là sự biến ảo âm nhạc đa sắc với tiếng đàn bầu, đàn tam, chuông mõ, sáo, tiêu, đàn môi, nhị, thập lục, cồng...

Anh gửi đĩa CD sang Hà Lan dự thi và qua vòng sơ tuyển, sau đó ít lâu, anh được thư gọi sang thi tuyển trực tiếp. Thời gian gấp rút, và với một nghệ sĩ theo ngành âm nhạc dân tộc thì kinh tế cũng chẳng dư giả gì, vấn đề sang Hà Lan để thi cũng là điều phải nghĩ, đúng lúc đó Quang nhận lời mời của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tham dự Festivan Hề thế giới tổ chức tại Paris vào tháng 6/2009.

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang trong chương trình nghệ thuật “Nón”.

Một điều may mắn là sau buổi Festivan kết thúc thì mới đến thời gian Quang tham dự vòng thi trực tiếp nên ngay sau đó anh đã có mặt tại phòng thi.

Sau khi thi lý thuyết âm nhạc bằng tiếng Anh, tới phần thi ghi âm và xướng âm không được chuẩn bị trước. Mỗi thí sinh có 25 phút để trình bày ý tưởng. Quang vào trình bày chừng 10 phút, các thầy hỏi: "Tại sao em có thể sáng tác được những tác phẩm này?". Quang thành thật trả lời: "Đây là tất cả vốn liếng của em về âm nhạc dân tộc Việt Nam và những gì em đã xem tại Học viện trong những lần tới Hà Lan biểu diễn, sau đó em mới có ý tưởng để sáng tác".

Các thầy nhìn cậu học trò người Việt bảo: "Đây hoàn toàn là bản năng nhưng tính âm nhạc rất cao". Ngay sau đấy Quang được mời ra ngoài và chỉ ít phút sau Quang được gọi vào thông báo: "Chúc mừng em đã vượt qua kì thi, hy vọng sẽ gặp lại em trong năm học mới",  Quang vỡ òa vì hạnh phúc.

Nhận được học bổng của Nhạc viện Hoàng gia Hà Lan (Royal Academy of Music Netherlands) ở thành phố La Hay (Den Haag) về sáng tác âm nhạc hiện đại trong thời gian hai năm. Không phải lo tiền học nhưng còn tiền nhà, ăn, ở, khiến chàng nhạc sĩ trẻ trở nên xông xáo, năng động. Quang làm hướng dẫn viên du lịch, làm món sallade tại một nhà hàng Ý, rồi làm tại nhà hàng sushi cho người Việt...

Năm 2014, Ngô Hồng Quang có một dự án mới "Nghiên cứu về văn hóa Mông, khía cạnh ngôn ngữ, âm nhạc của họ" gửi sang Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan. Dự án mới của Quang được các giáo sư nhiệt tình ủng hộ. Ngô Hồng Quang được cấp học bổng toàn phần cho một khóa học sáng tác nhạc đương đại. Thế là Quang lên đường sang Hà Lan lần thứ hai.

Lần này, anh có một vị thế khác, Học viện tạo điều kiện để ngoài việc nghiên cứu dự án anh còn được tự do sáng tạo, tham gia biểu diễn ở Hà Lan và các nước trên thế giới. Các giáo sư Hà Lan rất coi trọng khả năng biểu diễn, cũng như tính độc đáo, khác biệt của Quang, họ coi anh như một cộng sự, một đối tác trao đổi, học tập chứ không đơn thuần là một sinh viên, nghiên cứu sinh.

Trong 2 năm vừa qua, Quang được tham gia nhiều hoạt động chuyên môn, quen biết, giao lưu, trao đổi, học hỏi với nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp trên thế giới. Được tham gia nhiều cuộc biểu diễn cá nhân hoặc kết hợp với các nhạc sỹ, nghệ sỹ biểu diễn quốc tế cũng như Việt kiều.  

Trong nghiên cứu về văn hóa người Mông, Ngô Hồng Quang muốn kết hợp các yếu tố ngôn ngữ (nói), nhạc cụ và sự kết hợp giữa ngôn ngữ - âm nhạc tạo ra nền âm nhạc mang sắc thái riêng của dân tộc này.

Để thực hiện dự án, Ngô Hồng Quang phải tự học tiếng, đọc nhiều sách nghiên cứu, gặp gỡ trao đổi thư từ với cộng đồng người Mông ở nước ngoài để hiểu biết về dân tộc, ngôn ngữ của họ. Kết quả nghiên cứu của Ngô Hồng Quang không chỉ thực hiện bằng luận văn mà còn là các sản phẩm sáng tạo âm nhạc mang sắc thái văn hóa Mông.

Trong những lần biểu diễn tại nước ngoài, Ngô Hồng Quang đã mời một nghệ sỹ da đen cùng thể hiện. Tác phẩm tốt nghiệp của Ngô Hồng Quang mang tên "Ông trời" là một bản nhạc thể hiện đầy đủ sắc thái ngôn ngữ - âm nhạc của người Mông. Tác phẩm sử dụng 10 nhạc cụ khác nhau, đều là nhạc cụ phương Tây như: Sáo pylist, clalilet, đàn dây... và cũng có những đoạn nghệ sỹ biểu diễn phải nói tiếng Mông để tạo không gian, không khí, đời sống và sự hòa quyện với những giai điệu âm nhạc đặc trưng của dân tộc được các thầy giáo và khán giả đón nhận đầy hào hứng.

Những dự án hiện tại và tương lai

Ngoài việc nghiên cứu và sáng tạo cho dự án, Ngô Hồng Quang còn kết hợp với các nghệ sỹ khác sáng tạo, thực hiện nhiều sản phẩm âm nhạc độc đáo, cuốn hút, gây ngạc nhiên với khán giả nước ngoài. trong đó có sự kết hợp với nhạc sỹ Nguyên Lê (SN 1959) một nhạc sỹ nhạc Jazz người Pháp gốc Việt, rất yêu Việt Nam và văn hóa Việt.

Gần đây ông muốn đi sâu nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn âm nhạc dân gian Việt. Cuối năm nay một đĩa nhạc song tấu giữa Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang mang tên "Duet Hà Nội" hoặc “Hà Nội”... được phát hành trên toàn thế giới và được biểu diễn tại Việt Nam.

Trong lần về Việt Nam này, nhạc sỹ Ngô Hồng Quang và nhạc sỹ Nguyên Lê sẽ cùng thực hiện một dự án kết nối với các nghệ nhân âm nhạc dân tộc các dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam, nghiên cứu những thành tựu âm nhạc và khả năng sáng tác, biểu diễn của các nghệ nhân nhằm xây dựng một số chương trình nghệ thuật để biểu diễn, giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc Paris - Đây cũng là một trong những công trình giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Mùa hè năm nay nắng quá rực rỡ, ngoài đường lắm khi như chảo dầu sôi sục, và nơi đây có người nhạc sĩ của dòng âm nhạc dân tộc đầy nhiệt huyết và máu lửa như thứ ánh sáng chói chang, chan chứa ngoài kia.

Mỹ Trân
.
.