Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Chỉ còn tiếng dương cầm lặng lẽ…

Thứ Tư, 20/04/2016, 14:35
Cả cuộc đời ông luôn bị ám ảnh bởi những nốt nhạc buồn. Số phận đã buộc chặt ông với sợi âm thanh của những giai điệu du dương bên phím dương cầm cho đến hết cuộc đời. Có lần phỏng vấn, ông từng chia sẻ với tôi rằng, nếu được chọn để ra đi, ông vẫn muốn được gục xuống trên chiếc dương cầm đã gắn bó cả cuộc đời ông, sau một bản nhạc cuối thăng hoa hết mình.

Ông đã không được thỏa ước nguyện ấy bởi căn bệnh của tuổi già và ông đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Tất cả rồi có thể chìm vào hư vô, nhưng chắc chắn, gia tài âm nhạc mà ông để lại cho nền âm nhạc nước nhà, thì sẽ luôn còn mãi trong trái tim những người yêu nhạc.

Lần cuối cùng tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là trong Liveshow Kỷ niệm, diễn ra vào hai ngày 16 và 17/5/2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hồi đó, trông ông đã yếu đi nhiều bởi tuổi tác, bệnh tim và bệnh hen quái ác hành hạ. Ông bảo có nhiều lý do, nhưng cơ bản là do thói quen hút quá nhiều thuốc lá từ thời trẻ. Ông đã từng sang Mỹ để chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu nên bệnh tình cũng không thuyên giảm được bao nhiêu.

Ông sụt cân nhiều, nói chuyện một lúc đã phải dừng lại để thở sâu, thậm chí là ho rất nhiều. Có lúc ông vừa chuyện, vừa đùa “Trông bố mặc áo vào che hết đi chứ tay bố còm nhom toàn xương không thôi à!”. Rồi nhạc sĩ nói “gở”, không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng chỉ cần còn tồn tại trên cuộc đời, ông vẫn gắn bó với cây đàn piano, say sưa với âm nhạc và muốn được cống hiến nhiều hơn cho khán giả.

Hai đêm liveshow của ông chật kín khán giả, nhiều tràng vỗ tay và hoa đã gửi đến người nhạc sĩ già của những tình khúc được nhiều người yêu quý như “Không”, “Ai đưa em về”, “Tình khúc chiều mưa”, “Mùa thu cánh nâu”, “Lời cuối cho em”, “Buồn ơi, chào mi”…

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nhiều nắng gió Phan Rang, Ninh Thuận. Gia đình ông cũng khá giả nên ngay từ khi các con hiểu biết, ba ông đã mua cây đàn cho anh chị tập, còn ông thì bị cấm tuyệt đối, ba ông muốn ông sẽ chăm lo chuyện học hành.

Như một tơ duyên, dù bị cấm đoán nhưng cậu bé Nguyễn Ánh 9 đã học “lỏm” anh chị, tự vẽ bàn phím dương cầm để tập những nốt nhạc. Sau này, khi lớn hơn, Nguyễn Ánh 9 đã có cơ hội được chơi dương cầm trong thời gian học ở Đà Lạt khi quen biết nhạc sĩ Hoàng Nguyên (tác giả của ca khúc “Ai lên xứ hoa đào”). Chính nhạc sĩ Hoàng Nguyên dìu dắt ông vào con đường âm nhạc.

Sau khi tốt nghiệp tú tài 2, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài Phát thanh Sài Gòn và Đài Phát thanh Đà Lạt. Ông cũng cộng tác với chương trình Tiếng hát Sinh viên do Duy Trác thực hiện. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.

Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc một cách rất tình cờ, trong một chuyến đi Nhật để chơi đàn cho ca sĩ Khánh Ly biểu diễn. Sau buổi diễn tại hội chợ Osaka, khi đang cùng Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy người bạn mình mang vẻ mặt buồn buồn, Khánh Ly lên tiếng hỏi: “Còn thương nhỏ đó không bạn?” (Khánh Ly có biết chuyện ông vừa chia tay một người bạn gái).

Sẵn cây đàn guitar trên tay, Nguyễn Ánh 9 trả lời bằng cách gẩy đàn rồi cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...”. Tưởng là một ca khúc đã hoàn chỉnh nên đến hôm sau, sau khi hát xong bài “Diễm xưa” (Trịnh Công Sơn), Khánh Ly cần một ca khúc với tiết tấu nhanh hơn để hát cho khán giả Nhật, đã bảo Nguyễn Ánh 9 đưa bài hát “hôm qua bạn hát” để trình diễn. Vậy là từ giai điệu hát vui để trả lời câu hỏi của bạn về mối tình của mình, ngay trong khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, Nguyễn Ánh 9 đã hoàn thành ca khúc “Không” để Khánh Ly hát tại Nhật.

Khi trở về nước, ca khúc này đã được Khánh Ly thu lần đầu trên đĩa nhựa “Tình ca quê hương”. “Không” cũng đã trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của ca sĩ Elvis Phương cùng một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 được Elvis Phương trình bày thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee vào đầu thập niên 1970 như “Ai đưa em về”, “Lời cuối cho em”, “Chia phôi”...

Nếu như mỗi nghệ sĩ sinh ra đều có những lý do để sáng tác những tác phẩm của đời mình, thì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có rất nhiều nỗi lòng trắc ẩn để viết nên những ca khúc ghi dấu ấn đời mình. Gần như tất cả những ca khúc ông viết, đều là dành cho một mối tình đầy không đến được với nhau.

Thời còn thanh niên, cha mẹ ông từng mong muốn ông sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, chứ không muốn ông trở thành nghệ sĩ. Ông đã đứng trước những sự lựa chọn: một là làm theo lời ba mẹ, hai là ra khỏi nhà. Ông đã chọn cách thứ hai. Và mối tình đầu đẹp như mơ của ông cũng bị ngăn cấm dù nó đẹp, lãng mạn. Gia đình cô gái không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo, sống lang bạt kỳ hồ. Ngăn cản mãi không được, cha mẹ cô dùng kế ly gián, gây nghi ngờ, hờn giận cho hai người, rồi đưa cô gái sang Pháp sống biền biệt, xa xăm.

Mối tình đầu tiên không thành đã trở thành vết sẹo đau đớn trong ký ức của người nhạc sĩ vốn đã quá nhạy cảm và đa cảm. Ông từng kể: “Ngay cả cái tên Nguyễn Ánh 9 cũng là cái tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên hiệu của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi thế nên tôi đã lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9”.

Rất nhiều ca khúc của ông đã được viết riêng tặng cho mối tình dang dở ấy, điển hình là ca khúc “Cô đơn”, một ca khúc đã được ông thai nghén và viết trong vòng 5 năm với chất nhạc bán cổ điển, nhẹ nhàng, mang ảnh hưởng dòng nhạc cổ điển của Chopin: “Hạnh phúc như đôi chim uyên/ tung bay ngập trời nắng ấm/ Hạnh phúc như sương ban mai/ long lanh đậu cành lá thắm/ Tình yêu một thoáng lên ngôi/ nhẹ nhàng như áng mây trôi/ Dịu dàng như ánh trăng soi êm êm thương yêudâng trong hồn tôi.../ Người hỡi! Cho tôi quên đi/ bao nhiêu kỉ niệm xa xưa/ Người hỡi! Cho tôi quên đi/ bao nhiêu mộng đẹp nên thơ/ Tình yêu đã chết trong tôi/ nụ cười đã tắt trên môi/ Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ/ tiếng hát lạc loài...”.

Sau này, khi nhạc sĩ đã lấy vợ, sinh con, gặp lại cô gái thì mới vỡ lẽ rằng, trước đây, cô ấy bị bố mẹ giấu hết thư từ và không cho liên lạc với ông. Đến thời điểm ấy, sau bao nhiêu năm, cô gái vẫn sống một mình với dư âm mối tình đầu với chàng nhạc sĩ nghèo bé nhỏ. Đó là một mối tình buồn của hai người yêu nhau không đến được với nhau, điều khiến cho người nhạc sĩ ấy, trong suốt cả cuộc đời mình cứ như bị giời đày, đặt bút là viết để trả nợ cho sự đau khổ chia ly ấy. Dù có lúc ông kêu gọi lòng mình hãy giã từ nỗi buồn, giã từ khỏi sự thảng thốt của trái tim lỗi nhịp, nhưng không thể: “Buồn ơi! Ta xin chào mi, khi người yêu đã bỏ ta đi. Buồn ơi! Ta xin chào mi, khi tình yêu chấp cánh bay đi. Buồn ơi! Ta đang lẻ loi. Buồn hỡi, ta đang đơn côi. Buồn hỡi! thế nhân là thế, sao người yêu vẫn mãi đam mê...”.

Nỗi cô đơn làm nên âm nhạc của Nguyễn Ánh 9, nên âm nhạc của ông, dù ông khẳng định rằng, ông có những bài hát vui, nhưng mỗi lần nghe nhạc của ông, là được chìm vào tâm trạng của người nghệ sĩ trước những mất mát chia ly, nhưng không vì thế mà nó ảo não, thê lương. Những giai điệu âm nhạc của ông, tiếng dương cầm thánh thót của ông, như một dây tơ quyện vào lòng người những nỗi niềm trắc ẩn, đồng cảm: “Em về qua đường cũ/ Nghe nhịp bước chân bơ vơ/ Hàng cây ngày xưa/ Buồn trơ đón trên từng lá mong chờ/ Quán chiều ngủ say, giấc buồn trên cây/ Em nhìn thu vàng úa/ Nghe đời hắt hiu trên môi/ Mình em chiều quên/ Làm nghiêng bóng trên đường vắng âm thầm/ Xa cách rồi còn ai, thương giấc buồn trên tay/ Em lang thang một mình yêu thương trống vắng/ Mùa thu cánh nâu, vàng con lá sầu/ Thu mên man giọt sầu cô đơn trái chín/ Chiều lên gió cao, hú gọi tên nhau...”.

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - 50 năm ngày cưới.

Một khán giả yêu nhạc, đã chia sẻ những kỷ niệm về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khi biết tin ông mất: “Ông có lẽ là người nghệ sỹ - nhạc sỹ hồn hậu nhất mà tôi từng được biết tới. Nhạc của ông, thoạt nghe sẽ khiến nhiều người lầm tưởng là nhạc Pháp bởi ca từ tới giai điệu quá đẹp và lãng mạn, trong vắt như pha lê và đậm nét văn hóa, thậm chí là văn minh. Như ông nói, ông muốn tình yêu trong âm nhạc của mình nhẹ nhàng, ý nhị chứ không phải thứ tình sỗ sàng, bạo liệt. Con người nhỏ bé, mong manh ấy với những tác phẩm dung dị, hiền hòa xuyên suốt nửa thế kỷ, hóa ra lại là bất khả xâm lấn trước những cơn cuồng nộ thời cuộc. Nhân cách và âm nhạc của ông, cứ mãi đẹp lung linh như thế.

Nghe nhạc của ông, người ta chỉ có thể liên tưởng đến những điều-tử-tế. Cách đây 2 năm, nhờ nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Longmà tôi có dịp được thưởng thức tài đàn của ông, trong một đêm xuân mưa, và lạnh, giữa không gian ngoài trời của một khu vườn treo ở Hà Nội. Đẹp và lãng mạn có thừa. Nhưng thương ông không quen với cái lạnh miền Bắc. Một chiếc hỏa lò được nhen lên, đặt cạnh nơi ông ngồi cũng không ngăn được xuýt xoa. Không thể tưởng tượng được một ông già hơn 70 tuổi, nhỏ thó lại có nguồn năng lượng dữ dội đến thế. Chỉ với một cây upright piano tầm tầm, nhưng tiếng đàn lúc thầm thì như tiếng lòng, khi cuộn lên như dông tố. Nó cuốn cả không gian và thời gian vào một chiều kích chung, chiều của cảm xúc”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ rằng, trong số những ca khúc được nhiều người yêu thích của ông như “Không”, “Ai đưa em về”, “Tình khúc chiều mưa”, “Mùa thu cánh nâu”, “Lời cuối cho em”, “Buồn ơi, chào mi”… ông đều viết trong một tâm trạng cô đơn, thương nhớ khủng khiếp. Nỗi cô đơn ấy đôi khi đã nâng tâm hồn con người lên trong một cảm giác thăng hoa chứ không bi luỵ, ảo não:  “Tình lỡ nên tình buồn/ Tình xa nên tình sầu/ Tình yêu phai nhạt màu tình đau/ Lời cuối cho cuộc tình/ Dù đã bao muộn phiền/ Lòng vẫn yêu trọn đời người yêu ơi...”.

Sau những đắng cay của một thời tuổi trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 may mắn tìm được một người phụ nữ cho cuộc đời mình. Bà Ngọc Hân là một nghệ sỹ nhảy thiết hài (tap dance) xinh đẹp nổi tiếng. Họ gặp nhau khi cùng làm việc trong một vũ trường. Sau khi kết hôn, hai người con trai lần lượt ra đời, bà đã từ bỏ những bước chân sôi động trên sân khấu để bắt đầu sống với thực tại cơm áo đời thường. Bà là người hiểu, cảm thông và chia sẻ cùng ông mọi biến cố trong cuộc đời.

Bà đồng cảm cả với những mối tình ông dành cho người con gái đầu tiên trong cuộc đời đầy sâu nặng, nhưng bà chưa một lần trách móc, dằn vặt ông, chỉ lặng lẽ phía sau chăm lo con cái, chăm lo cho ông từng bữa ăn giấc ngủ để ông chuyên tâm với âm nhạc. Biết ông muốn mở phòng trà để được chơi đàn mỗi tối, bà đã cùng ông tìm cách thành lập phòng trà ca nhạc “Tiếng dương cầm”.

Nhưng rồi hai con người đầy nghệ sĩ ấy đã không thể đương đầu nổi với sự xô bồ của đời sống âm nhạc thị trường cũng như kiểu kinh doanh thời mở cửa, một thời gian sau phòng trà phải đóng cửa. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trở lại khách sạn Sofitel Plaza Saigon để chơi đàn mỗi tối. Bởi vì ông không thể ngừng chơi đàn một ngày. Âm nhạc không chỉ nuôi sống ông bằng những đồng tiền vật chất mà nó nuôi sống tâm hồn ông, trái tim ông khi ông được chạm vào mỗi “phím tơ loan”. Bởi vì đối với ông, âm nhạc không chỉ là cái nghiệp, mà nó là cuộc sống của ông.

Điều may mắn nhất của ông, là người con trai, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã theo nghiệp bố và đã dành trọn tâm huyết của mình chăm chút cho bố những ngày tháng cuối đời đẹp và êm ái như những tình khúc của ông. Anh tổ chức đêm nhạc cho bố, chăm sóc ông tận tình những khi đau yếu. Tôi vẫn nhớ hình ảnh hai cha con ông trên hai chiếc đàn dương cầm cùng hòa âm trong khúc nhạc du dương. Họ thăng hoa và gửi trọn niềm tin.

Ông ra đi, nhưng ông đã để lại hình ảnh nguyên bản của mình trong bóng dáng người con và cả một gia tài âm nhạc cùng những tấm lòng luôn tri ân, nhớ đến ông với tình cảm giản dị, mê đắm. Vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa và lặng lẽ. Chắc chắn âm nhạc của ông sẽ vẫn còn mãi những dư âm trong lòng người không chỉ bởi giai điệu mà còn vì tấm lòng ông đã viết, đã chơi nhạc, đã gửi gắm trong nửa thế kỷ âm nhạc của mình...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.