Nhạc sĩ Phong Nhã: Trọn cuộc đời ca khúc tuổi thơ

Thứ Bảy, 12/04/2008, 13:30
Gần trọn cuộc đời lao động nghệ thuật nghiêm túc với thế hệ trẻ, vào tuổi "xưa nay hiếm", ông Nguyễn Văn Tường vẫn lạc quan yêu đời. Ngoài những người cùng thế hệ, ít người biết tên thật của ông, vì bút danh Phong Nhã đã in đậm trong tâm hồn thiếu nhi Việt Nam với những ca khúc nổi tiếng: "Nhanh bước nhanh nhi đồng", "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", "Đội ta lớn lên cùng đất nước", "Hành khúc Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh"...

Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông có khoảng 250 bài hát. Nhiều người thời thơ ấu hát nhạc của Phong Nhã, lúc trưởng thành nghe con cháu hát  vẫn dành tình cảm mến mộ ông, bởi ông là nhạc sĩ đã hiến trọn đời nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng từ khi còn là cậu học trò nghèo trong phố phường Hà Nội.

Tài năng sớm lộ

Ông cụ thân sinh của Phong Nhã đi kiếm sống từ nhỏ. Cụ làm nhiều nghề: buôn bán nhỏ, đan mây – nghề truyền thống của quê hương - làng Ngọc Động, xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam. “Gia nhập” tầng lớp dân nghèo thành thị cùng ông, về sau có thêm ba người vợ và một đàn con.

Nhà thiếu thốn nhưng chả bao giờ cậu Nguyễn Văn Tường lại nghĩ đến chuyện bỏ học. Nhất là lúc nào Tường cũng dành hết say mê cho mấy cây đàn, ống sáo.

Có lần bài văn tả người của cậu được điểm cao nhất lớp - viết về một ông già người Hoa bán lạc rang. Với cậu, ông già ấy hấp dẫn nhất ở điểm, mỗi người đến mua lạc, ông lại thổi sáo “khuyến mại”. Ông già còn tặng cậu một cây sáo.

Thầy Phan Văn Hoan phát hiện Tường (Phong Nhã) có năng khiếu, đã lập ra đội nhạc của trường và “bổ nhiệm” cậu vào “chức” quản ca. Cậu mải mê đi chọn những chiếc sáo hay về dạy cho các em lớp dưới.

Một người bạn của bố có dàn nhạc Vĩnh Tường ở phố Vĩnh Tường. Ông quý mến cậu, tặng cho nhị và đàn để bổ sung cho dàn nhạc, dạy các chữ nhạc dân tộc xang, xế, hồ, xừ,... Những cây sáo của Phong Nhã cũng dùng âm theo hệ này.

Nhờ chiếc sáo do người bạn ở Phát Diệm cho, có nốt theo thang âm đồ, rê, mi, pha..., cậu lấy dùi sắt nung nóng để chỉnh các lỗ sáo, sau đó còn khoét được sáo theo đúng thang âm này.

Còn bé nhưng Phong Nhã đã thích nghe “cải lương hí viện” của cụ Nguyễn Đình Nghị, trong dàn nhạc có cụ Vũ Tuấn Đức (về sau là giảng viên Nhạc viện Hà Nội), cụ kéo nhị rất hay.

Lại còn dạo học ở Trường Đỗ Hữu Vị, Phong Nhã dám “vặn vẹo” thầy giáo nhạc Robert. Chả là thầy sáng tác một bài cho thanh thiếu niên nhà trường, trong đó một câu khi dịch sang tiếng Việt có nghĩa là: “Chúng ta là học trò và chúng ta đang là trẻ con”.

Phong Nhã hỏi luôn: “Sao thầy nói chúng tôi là trẻ con? Chúng tôi không phải là trẻ con. Chúng tôi lớn rồi. Chúng tôi là những người trẻ tuổi!”.

Hỏi thế mà thầy không giận. Cuối năm, Phong Nhã vẫn được giải về nhạc của nhà trường và được thầy đốc học tặng cho một lô sách.

Những năm ấy, Phong Nhã tham gia phong trào Hướng đạo ở Hà Nội. Cậu nổi tiếng với các bài ca “đội ca”. Mỗi đội thành viên của tổ chức Hướng đạo lấy tên một con vật và phải có tiếng hô riêng, bài ca riêng thể hiện được đặc trưng con vật đó để đón chào các huynh trưởng mỗi lần xuống giao lưu.

Thấy Phong Nhã viết bài hát cho đội Gà hay quá, các đội Cò, Hươu, Sơn ca v.v... thi nhau nhờ cậu sáng tác hộ. Đó là cuộc tập dượt thú vị cho những ca khúc chính thức và nổi tiếng sau này.

Những bài ca nổi tiếng

Đó là năm 1944, chàng thanh niên mảnh khảnh về nông thôn tham gia hoạt động thiếu nhi. Lúc này phong trào yêu nước đang lan rộng, anh dạy trẻ con một số bài hát, lập ra đội của làng Ngọc Động quê mình, được Việt Minh xã Hoàng Động kết nạp vào tổ chức.

Phong Nhã cứ băn khoăn mãi về chuyện chưa có một bài ca kêu gọi, cổ vũ lớp măng non với khí thế thật sôi nổi. Bài hát “Nhanh bước nhanh nhi đồng” ra đời trong những ngày tháng đó.

Phong Nhã viết ngay ở làng, nhanh chóng, gọn gàng và tươi tắn như những bài hát “tập sự” trước kia. Các em nhỏ trong vùng nhanh chóng được học và hát vang đầy hào hứng: “Nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng. Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ sông núi...”.

Bài thứ hai, cũng nổi tiếng ngay lập tức là “Kim Đồng”, được sáng tác trong những ngày Phong Nhã mang sáo, cùng cây violon Huy Du hoạt động trong Đội nhạc miền Bắc của Trường Mạc Đĩnh Chi trên Yên Phụ.

Hồi ấy, có phố Nguyễn Thái Học chạy qua Trường Mạc Đĩnh Chi nên đội thiếu nhi ở đây còn được gọi là đoàn Nguyễn Thái Học (nay là phố Phó Đức Chính). Qua bài viết của Tô Hoài và các nguồn khác, thanh thiếu niên được nghe kể về gương Kim Đồng ở Cao Bằng, đi liên lạc, dũng cảm hy sinh, quyết giữ bí mật của cách mạng.

Những ngày tưng bừng chuẩn bị cho Quốc khánh 2/9/1945, Phong Nhã cùng các bạn tập hợp đội kèn Tây, trống đồng, là những chiến lợi phẩm thu được của giặc Nhật, thêm kèn, sáo, tập các bài hát của mình, của Huy Du và Hướng đạo sinh. Kể cả bài “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao và “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi.

Bài hát “Hồ Chí Minh muôn năm” của nhạc sĩ Minh Tâm ra đời, Phong Nhã lại tự thôi thúc: “Đấy là bài cho “người lớn”, phải làm một bài cho “trẻ con” không thua bài “người lớn!”.

Và bài hát bất hủ “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” ra đời vào những ngày cuối năm 1945 đã trở thành biểu tượng chung cho lòng yêu kính Bác Hồ của thiếu nhi Việt Nam. Ngay đầu năm 1946, bài hát được giải Nhất trong cuộc thi do Ban Khuyến nhạc Hà Nội tổ chức. Hồi đó, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phụ trách Ban giám khảo.

Phong Nhã nhớ lại: “ngày 19/5/1946, sinh nhật Bác Hồ được tổ chức lần đầu tiên ở Hà Nội, bài hát đã vang lên. Đại diện bên Tàu Tưởng sang chúc mừng Bác Hồ cũng được nghe”. Về sau, nhạc sĩ Văn Chung nhận xét: “Ba bài hát đầu tiên, ra đời trong bối cảnh lúc bấy giờ là một thành công lớn của Phong Nhã”.

Tất nhiên là ông còn rất nhiều bài rất hay, rất đáng nhớ khác. Các bài “Lê Văn Tám”, “Anh còn sống mãi”, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Em yêu Đội nhi đồng”, “Bác sống đời đời”, “Hành khúc Đội”, “Đi ta đi lên”, “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh” v.v... đều đã thể hiện được sức trẻ, sự vui tươi, niềm say mê lý tưởng cao đẹp của thiếu nhi Việt Nam.

Sau giải phóng miền Nam, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từ trong Nam ra Bắc năm 1976, đến tìm Phong Nhã ở phố Nguyễn Đình Chiểu và phấn khởi nói: “Cậu là vua âm nhạc thiếu nhi!”.

“Cõi riêng” ấm áp

Nhạc sĩ Phong Nhã cười hóm hỉnh khi nhớ lại những ngày trẻ trung năm ấy. Ngoài 30 tuổi ông mới gặp bà. Bà Đàm Thị Sản vợ ông là cán bộ trong đội du kích phụ nữ xã bên cạnh, chỉ cách xã ông nửa kilômét.

“Hồi đó trông bà ấy cũng “khá”!” - ông cười: “Tôi về làng công tác, anh em có giới thiệu. Chúng tôi thì chả đặt vấn đề giàu hay đẹp làm gì, mà chỉ trọng đức độ thôi!

Đám cưới giản dị lắm! Cô dâu mặc áo nâu bình thường. Có ông bạn ở Hà Nội tặng một bó hoa. Cầm hoa thì người ta mới biết đó là cô dâu. “Cỗ” làm có 20 mâm, gọi là “cỗ” cho oai! Còn bà con thì mời đến đình thôn Duy Minh, còn gọi là làng Chuông, liên hoan kẹo với “thuốc lá xoàng”...

Nhưng “cõi riêng” của nhạc sĩ không chỉ có nghĩa là gia đình hạnh phúc và đầy cảm thông. Mà với người nhạc sĩ này, cái riêng còn là khi được hòa mình vào dòng chảy của “Thời thanh niên sôi nổi”, của phong trào cách mạng, kháng chiến đầy những hoài bão đẹp.

Suốt những năm chống Pháp, Phong Nhã đi nhiều, hoạt động ở vùng địch hậu, phụ trách các đội liên lạc, viết ca khúc về thanh thiếu niên vùng tạm chiếm, vùng du kích, được trẻ em các nơi rất thích...

Bác Hồ từng nói với nhà thơ Tố Hữu là phải có báo cho thiếu niên. Và Phong Nhã là người được giao phó trách nhiệm, trở thành Tổng biên tập đầu tiên của Báo Thiếu niên tiền phong khi báo ra đời năm 1954.

Ông khuyến khích các nhạc sĩ khắp nơi viết cho thiếu nhi, gây dựng một phong trào sáng tác sâu rộng mà có lẽ bây giờ, thiếu nhi của thời đại mới cũng phải “ghen tị” với cha anh mình, những thế hệ được sống với hàng loạt ca khúc trong sáng, hiền hòa, thắm thiết tình yêu quê hương, đất nước.

Phong Nhã là đồng nghiệp góp ý cho nhiều ca khúc của các nhạc sĩ Hoàng Giai, Quang An, Lê Minh Cường, Hà Hải, Vĩnh Cát, Lôi Thanh, Cầm Bích...

Trong căn nhà giản dị ở phố Thanh Nhàn, ông bộc bạch nỗi lòng: “Ngày trước, Hội Nhạc sĩ có Ban Sáng tác thiếu nhi. Tôi, Lê Bùi, Trần Viết Bính, Hoàng Lân, Hoàng Long..., cũng làm được khá nhiều việc. Bây giờ thì không còn ban nữa, mà bài hát cho thiếu nhi thì ít người quan tâm nên gần như đã thành một mảng trống.

Gần đây có một số bài hát cho trẻ con, vận dụng pop, rock... Cũng được, nhưng phần nào hụt hẫng và khó phổ biến. Nếu đi vào dân tộc, vào truyền thống thì có thể hợp hơn”. Ông cũng cởi mở cho rằng, không nên ngại tìm tòi cái mới lạ, chỉ đừng có chép lại nhạc của nước ngoài mà thôi!

Ngày ngày, nhạc sĩ Phong Nhã vẫn chơi sáo và măngđôlin tìm cảm hứng và giai điệu sáng tác. Trong ông luôn lấp lánh nụ cười của một cậu bé bên những ống sáo, hơ nóng dùi để chỉnh âm thanh, rồi lấy những cây sáo ấy, dạy cho các lớp trẻ theo sau, hay tự mình gọi ra những giai điệu phấn khởi của tuổi thơ mà chỉ riêng mình biết được

Hải Châu
.
.