Nhạc sĩ Phú Quang: Mẹ là nguồn cảm hứng vô bờ

Thứ Sáu, 09/02/2018, 09:05
Nhạc sĩ Phú Quang bảo, trong âm nhạc của anh, hiện lên rõ nét hai mảng đề tài là tình yêu và mẹ, bởi vì, nguyên mẫu có thật trong những ca khúc ấy, có hình ảnh sâu đậm về người mẹ dấu yêu của anh, một người mà đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến, đều khiến anh thương nhớ khôn nguôi và xúc động như một đứa trẻ lên ba ngày thơ bé ấy...

Nhắc đến nhạc sĩ viết về Hà Nội và mùa đông, có lẽ không thể không kể đến nhạc sĩ Phú Quang. Thậm chí có ai đó còn ví von rằng, cả anh và Hà Nội đều nương tựa vào nhau mà sống, ca ngợi nhau một cách chân thành nhất. Tôi đem điều này nói với Phú Quang, anh cười, nụ cười sâu thẳm bên trong là những ký ức yêu dấu về một Hà Nội ở đó có mẹ, có những tình yêu đầu đời.

Anh bảo, trong âm nhạc của anh, hiện lên rõ nét hai mảng đề tài là tình yêu và mẹ, bởi vì, nguyên mẫu có thật trong những ca khúc ấy, có hình ảnh sâu đậm về người mẹ dấu yêu của anh, một người mà đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến, đều khiến anh thương nhớ khôn nguôi và xúc động như một đứa trẻ lên ba ngày thơ bé ấy...

Nhạc sĩ Phú Quang.

Nhạc sĩ Phú Quang kể rằng, khi anh sinh ra, là lúc cả gia đình anh đã rời Hà Nội đi tản cư theo kháng chiến tại phố Cầu Tây, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Ngày mẹ anh nhận ra mang thai Phú Quang, bà đã 46 tuổi. Bố anh lúc đó cũng đã 49 tuổi. Sau này mẹ anh kể lại rằng, cái tuổi đó, thời của bà, đã được mọi người xếp vào hàng "các cụ". Bởi thế khi thai được 3 tháng, bụng đã "nhú lên" một ít, bà rất xấu hổ và không dám ra đường.

Mãi đến khi sinh Phú Quang được 3 tháng, vào ngày 13-10-1949, bà mới đến văn phòng ông chủ tịch xã kháng chiến để xin giấy khai sinh. Ông chủ tịch xã ghi vào trong tờ khai sinh là Phú Quang sinh ra đúng ngày đi làm giấy. Người mẹ ngỡ ngàng nói với ông ấy rằng, Phú Quang đã được sinh cách đây 3 tháng, ngày 8-7-1949, nhưng ông chủ tịch cứ khăng khăng, đi xin ngày hôm nay thì làm hôm nay, không thì thôi, nếu bà không đồng ý thì con bà không có giấy khai sinh.

Bà đành ngậm ngùi ra về và chấp nhận con mình có một ngày sinh không phải của mình. Khi 1 tuổi, sau trận sốt cao, Phú Quang lả đi, mọi người đặt tờ giấy mỏng cuốn thuốc lá trên mũi để kiểm tra thì không thấy động đậy gì nữa. Mẹ Phú Quang có người bạn thân là một bà sơ, bà bảo, chắc Phú Quang khó qua khỏi, để bà ấy mời cha đến rửa tội để cháu có thể thanh thản lên thiên đàng. Mẹ nhạc sĩ trong lúc hoảng loạn, không biết bấu víu vào đâu, gật đầu đồng ý.

Sau khi cha xứ rửa tội và đặt tên thánh là Phê-rô thì anh trai nhạc sĩ, khi ấy đã là một bác sĩ của Việt Minh, phi ngựa về. Anh sờ vào người Phú Quang và nói rằng, có một loại thuốc đặc biệt mà nếu mẹ Phú Quang đồng ý sẽ tiêm thẳng vào tim em. Một là em sẽ sống lại, còn nếu không may, khi rút mũi kim ra, Phú Quang sẽ chết. Cũng không còn sự lựa chọn nào khác, bà đã gật đầu cho một “canh bạc” cuối cùng. Không biết nhờ trời hay nhờ mũi tiêm mà sau đó Phú Quang tỉnh lại.

Lời bài hát "Mẹ" của nhạc sĩ Phú Quang.

Phú Quang chia sẻ rằng, cha mẹ anh rất nuông chiều vì anh là con út. Cha anh là người ham vui, dành rất nhiều thời gian để chơi bời, đàn hát nên mẹ anh là người trực tiếp ảnh hưởng đến anh, từ cách cư xử trong đời sống và sau này, hình thành nên nhân sinh quan theo anh suốt cuộc đời.

Bà vốn là con gái quan Huấn đạo của tỉnh Hưng Yên (tương đương giám đốc sở giáo dục bây giờ) nên bà được dạy dỗ rất chu đáo về chữ nghĩa và phép tắc công, dung, ngôn, hạnh. Bà thường dạy Phú Quang bằng thơ, bằng ca dao, tục ngữ.

Một câu nói mà bà đã dạy Phú Quang từ bé tí cho đến giờ ông vẫn ám ảnh, đó là câu: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Nhạc sĩ Phú Quang đã viết: "Chỉ có mẹ thôi, chỉ có mẹ thôi dẫu là con đớn đau, dẫu là con lạc lối/ Trái tim của mẹ dù xót xa vẫn thương con/ Chỉ có mẹ thôi không bỏ con bơ vơ giữa cuộc đời/ Chỉ có mẹ thôi che chở con trong bão tố dập vùi/ Trái tim của mẹ trái tim dịu dàng chan chứa yêu thương...".

Nhạc sĩ Phú Quang bảo rằng, mẹ anh là người phụ nữ đầu tiên trong đời đã cho anh niềm tin và sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khó. Không hiểu sao, hồi đó, mẹ anh lại có thể là một người phụ nữ mạnh mẽ như thế. Trước nỗi đau khổ của con, bà không im lặng mà cũng không nói những lời cưng nựng, bà chỉ đúng cái hay cái dở của việc bại thành mà khuyên con mình hãy tiếp tục đứng dậy.

Phú Quang cũng không thể ngờ rằng, cách giáo dục của mẹ lại có thể ảnh hưởng đến tính cách và lối sống của anh sau này nhiều đến thế. Đó là thời điểm anh tìm đến cái chết, năm 14 tuổi. Năm ấy, anh được lên trung cấp trước 3 năm so với chương trình học tại trường âm nhạc. Anh được nhà trường đưa vào danh sách của những học sinh đi học nước ngoài nhưng vì tiêu chí chỉ là đoàn viên mới được cử đi học nước ngoài mà anh bị loại. Phú Quang 14 tuổi, vẫn ở tuổi thiếu niên.

Đêm đầu tiên sau khi tiễn các bạn đi du học bằng tàu hỏa qua đường Trung Quốc, khi những tiếng còi tàu rúc lên báo hiệu chuyển bánh, anh buồn vô cùng. Nửa đêm anh len lén ấy chìa khóa mở cửa đi ra ngoài.

Lời đề dẫn tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang.

Nhà ở Khâm Thiên nên anh lang thang suốt đêm. Phải hơn một lần anh định nhảy vào những đoàn tàu đi qua ngã tư Khâm Thiên. Nhưng rồi người đầu tiên anh nghĩ đến là mẹ. Anh sợ mẹ anh sẽ không sống nổi. Nên gần sáng, anh lại len lén trở về, mở cửa chui vào gác xép nằm. Nằm đến tận trưa nhưng mẹ anh vẫn không gọi Phú Quang dậy ăn.

Đợi các anh chị đi làm hết thì mẹ mới gọi anh xuống: "Chuyện của con, mợ đã biết rồi. Nhưng con đừng hy vọng là mợ sẽ dỗ dành hay an ủi. Suốt đêm qua cho đến lúc con về mợ cũng không ngủ. Mợ chỉ hỏi con câu này, có bao giờ con nghĩ rằng việc con chăm chỉ học hành hơn người cộng thêm một chút thông minh nữa là đủ đáng ghét trong mắt những kẻ ghen tị không?".

Bỗng nhiên Phú Quang chợt ngộ ra điều mẹ dạy, và tự an ủi mình: Nếu mình cố gắng, dù đi bộ sẽ chậm hơn những người đi xe, nhưng với sự cần cù thì chắc chắn rồi sẽ đến được đích mà mình mơ ước và nhảy xuống nhà ăn như một kẻ chết đói.

Sau này, mỗi lần có chuyện buồn, Phú Quang đã trở về với mẹ: "Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về, lấy cho mình dù chỉ là một chút bóng đêm trên dường phố quen, dù chỉ là một chiều sương giăng phố cũ. Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ...".

Hay sâu xa hơn nữa, là tiếng gọi mẹ khản giọng trong những xa cách và nhớ thương: "Còn mãi với con lời ru ngày xưa ấy/ Còn mãi với con vòng tay mẹ âu yếm.../ Bây giờ mỏi cánh phiêu du con tìm về chốn cũ/ Bây giờ mẹ đã khuất xa, chỉ còn gặp trong giấc mơ/ Để từng chiều lại nghe lòng cồn cào thương nhớ/ Con gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi...".

Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ rằng, trong cuộc đời thực và trong cả chuyện tình yêu với cha anh, mẹ anh là một người đàn bà... vĩ đại. Có lẽ bởi thế mà viết về mẹ, anh đều dành hết mọi tâm sự, lòng kính yêu vô hạn và thương nhớ vô bờ bến. Cha nhạc sĩ Phú Quang lấy mẹ anh là người thứ ba, vợ đầu của ông đã mất, người vợ thứ hai thì đã nhiều tuổi. Khi sinh xong Phú Quang, bà đã 47 và biết được chồng mình là người ham vui, nên mẹ anh đã tìm vợ thứ tư cho ông. Người vợ thứ tư không có con, nên mẹ Phú Quang cho anh làm con nuôi của “bà tư”, cùng sống hòa thuận trong một nhà.

Phú Quang có 2 người mẹ. Nhưng kỳ lạ là mẹ anh chưa lần nào thể hiện sự thiếu tôn trọng hay ghen tuông gì. Cuộc sống của bà giản đơn là lo lắng mọi điều để Phú Quang trở thành một người có ích. Sau này, khi bước vào đời, gặp được mối tình đầu, anh thường nghĩ về hình ảnh của mẹ. Dù mẹ không nghĩ ngợi, nhưng anh cho rằng, đã là phụ nữ, chắc cũng có sự ích kỷ và nỗi đau trong lòng khi chia sẻ tình cảm cho một người đàn bà khác.

Phú Quang thấm thía, mối tình sâu đậm là mối tình đã làm cho mình đau. Chỉ có mối tình đau mới làm người ta nhớ lâu. Trong đời Phú Quang, có một mối tình đau như thế với một hoa khôi của trường Nguyễn Bá Tòng (TP Hồ Chí Minh). Mối tình bắt đầu khi anh vừa bước chân vào Sài Gòn sau ngày giải phóng. Khi yêu cô, anh gặp sự phản đối từ gia đình cô gái, dù mẹ cô là một người miền Bắc di cư vào Nam.

Nhưng trước tình yêu đầy mãnh liệt, si mê của hai người, bà mẹ không còn ngăn cản nữa, thậm chí sau này, khi gia đình cô sang định cư tại Mỹ, bà còn nói sẽ bảo lãnh cho Phú Quang đi cùng nếu anh thích. Nhưng anh không thể ra đi. Việt Nam mới là mảnh đất để anh cắm rễ sâu và uống suối nguồn tươi mát của dòng cảm xúc.

Thời gian trước khi ra đi, cô gái dẫn Phú Quang cùng vào nhà thờ và nói, cô chỉ có Chúa trời và anh, nếu anh không đi được thì cô gửi mình cho Chúa. Rồi cô đi tu. Ngày cô rời khỏi Việt Nam là ngày tâm hồn anh trống rỗng. Anh đã chịu nhiều nỗi đau nhưng khó có thể nghĩ đến một lúc nào đó tâm hồn mình lại cô đơn đến vậy. Người nhạc sĩ trút hết cả vào âm nhạc, viết tặng cô 13 ca khúc “13 chuyện bình thường”.

Thời điểm ấy, Phú Quang nhận được bức thư của cô ấy nói về chuyện cô ấy rất ân hận vì đã rời xa anh, cô ấy cảm thấy rất có lỗi... Phú Quang cũng đã viết lại một bức thư, đại ý nói rằng, giữa câu chuyện của họ, không ai có lỗi cả, khuyên cô đừng day dứt mà làm gì. Cũng như “lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Đó chỉ là câu chuyện của số phận.

Sau này, gặp lại người em gái của cô ấy, Phú Quang biết rằng, khi nhận được bức thư của anh, cô ấy đã đi dưới mưa cả một đêm ròng và về ốm mất một tháng. 13 năm kể từ ngày xa nhau, cô lấy chồng. Cô đã xin phép chồng được đeo trên tay 2 chiếc nhẫn, một chiếc là nhẫn cưới của cô và một chiếc nhẫn là của Phú Quang tặng cô ngày chia tay.

Anh đã viết chuyện bình thường cuối cùng để khép lại một đời yêu xa xót: “Có những khi về qua phố/ Phố quá đông không thấy mặt người/ Chợt gặp mình cười như đá ngây ngô/ Một sớm mai nào thấy mình trong gương, tóc mờ như sương/ Có những khi về trong gió/ Gió xót xa thương mối tình hờ/ Có những khi chiều nghe nhớ, nỗi nhớ xưa nay vẫn nhạt mờ/ Chợt gặp niềm đau vẫn như đợi chờ...”. Người đàn bà đầu tiên ấy đã khiến trái tim Phú Quang hằn một vết thương khó lành dù đến nay đã đi hết quá nửa cuộc đời dù đã trải qua rất nhiều câu chuyện tình yêu, số phận khác nhau của đời sống.

Nhạc sĩ Phú Quang có một thói quen hằng ngày, là ngồi trong quán cà phê quen thuộc trên phố Lý Thường Kiệt, điếu cigar phả ra làn khói mờ ảo, thơm lừng trong cái rét mướt của mùa đông Hà Nội. Nhạc sĩ Phú Quang đã ở tuổi ngoài 70, sức khỏe ông yếu đi nhiều sau những trận ốm. Ông là người luôn biết mình, biết người, luôn thông minh để nhận ra cái lẽ ở đời.

Nhưng trước tuổi tác, trước ký ức, trước nỗi nhớ về quá khứ, Phú Quang bảo, tất cả những ca khúc của anh, dù đó là đề tài nào đi chăng nữa cũng là điệu tâm hồn anh gửi trọn cả ở từng góc phố, hàng cây nơi có mẹ và dấu ấn tuổi ấu thơ, có những tình yêu... để mỗi khi cần sự vấn an của tâm hồn thì anh chạy về như một chốn nương thân vào ký ức.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.