Nhạc sĩ Phú Quang: Một mình sẽ một mình thôi...

Thứ Tư, 10/04/2013, 18:30

Khi trời Tây không còn là mảnh đất màu mỡ để gặt hái, nhiều ca sĩ hải ngoại phải hồi cố hương để mưu sinh. Rồi dù căng băng rôn với những giới thiệu hoa lá đầy hứa hẹn thì một số liveshow vẫn bị lật nhào, đổ bể. Có lẽ, ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái cộng với những trận mưa show diễn tạp phế lù phần nào làm cho khán giả cảm thấy chướng tai gai mắt và khó lòng mở hầu bao mua một vé vào cửa để thưởng thức cái được gọi là âm nhạc. Trong lúc các chương trình ca nhạc đang hỗn loạn thì nhạc sĩ Phú Quang tổ chức liveshow ba đêm diễn liên tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội 1, 2, 3 tháng 4 với “Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể”.

Nhiều người bảo ông là “đánh quả liều”, “chơi ngông”, “chơi trội” nhưng, sự thật âm nhạc đích thực luôn có chỗ đứng. Ngay ngày đầu tiên số lượng vé bán ra đã hết hơn một nửa dù rằng giá vé của nhạc sĩ vẫn luôn thuộc loại “khủng”.

PV: Chúc mừng nhạc sĩ vì trong lúc  “thóc cao, gạo kém” mà nhạc sĩ lại tổ chức ba đêm nhạc của riêng mình tại một nơi sang trọng như Nhà hát Lớn và số lượng vé bán ra ngay từ ngày đầu đã rất chạy. Hẳn nhạc sĩ đã dự đoán được điều này,  đây có thể hiểu là một chiêu PR rất tốt hay tên nhạc sĩ đã được khẳng định bảo đảm như một thương hiệu?

NS Phú Quang: Trong âm nhạc, đi đến tận cùng của cảm xúc đó là những nỗi buồn, những niềm vui, những giấc mơ và cả hoài bão, trăn trở, ưu tư, day dứt, băn khoăn… mình sẽ đến được với mọi người. Mình nói tiếng nói của chính mình một cách chân thành nhất chứ không thể nào mà chiều những người này hay nói hộ những người khác. Và chỉ khi tôi nói những gì thật nhất của bản thân thì tôi mới phát hiện ra một điều là lúc đấy mình có thể gặp được mọi người. Trước khi làm liveshow này tôi đã nghe hàng trăm câu hỏi: "Sao chưa thấy anh làm liveshow?". Khán giả vẫn còn rất yêu quý mình. Không phải mình tài cán gì, mà chẳng qua được nhiều người thương.

PV: Âm nhạc có thể ví như một món ăn, nó có thể hợp với người này mà không hợp với người kia. Tựu trung lại khán giả thưởng thức nhạc của ông là thành phần nào? Chắc chắn không phải để dành cho người nông dân, công nhân. Nó thu gọn vào một bộ phận người trong xã hội, thường dành cho quý bà, quý ông?

NS Phú Quang: Không hẳn vậy đâu, tôi thấy các bạn trẻ sinh viên nghe nhạc tôi cũng nhiều lắm. Dân số tăng trưởng không ngừng thì càng ngày mình càng có nhiều khán giả chứ. Có những quý ông, quý bà đi từ nông dân mà lên. Nước mình là nước nông nghiệp nên lãnh đạo, doanh nghiệp hay trí thức cũng  rất nhiều người xuất thân từ nông dân. Không phải là nông dân "xịn" thì cũng có tuổi thơ là làm nông hay ông bà, bố mẹ, họ hàng dòng tộc ở quê.

Sau này mình có nhiều khán giả, càng ngày khán giả càng đông lên. Có những khán giả nói: "Ở nhà em cũng nghe nhạc của anh, đi ôtô em cũng nghe nhạc của anh.  Đấy là nhạc ta, còn nếu không thì em nghe nhạc tây". Tình yêu âm nhạc mà khán giả dành cho mình cũng đặc biệt, có vợ chồng một doanh nghiệp họ thuộc rất nhiều bài hát của tôi. Họ dứt khoát tặng tôi một cái đài đĩa vài nghìn euro để nghe nhạc và bảo: "Anh phải nghe cái này thì mới xứng". Tôi cũng ái ngại nhưng cả hai rất chân thành.

PV: À, có phải cái đài đĩa mà lúc nãy ông bật nhạc không? Quả là nghe rất hay thật là đáng đồng tiền bát gạo…

NS Phú Quang: Hàng mấy chục năm nay tôi vẫn duy trì mỗi ngày dành vài tiếng để nghe nhạc cổ điển. Khi vợ ở nhà thì không nghe được. Không phải ai cũng thích nhạc cổ điển. Nghe nhạc cổ điển mà bật bé quá thì lại không hay, âm thanh  phải tương đối như thế. Rất may vào các buổi chiều vợ tôi đi làm từ 1 giờ đến hơn 5 giờ mới về nên mình có mấy tiếng liền ngồi nghe nhạc mà mình thích.

PV: Hàng chục năm với thói quen nghe nhạc cổ điển như thế…?

NS Phú Quang: Khi nghe được nhạc cổ điển làm cho con người mình thánh thiện hơn, ít nhất sau khi nghe bản nhạc hay thì người ta cũng muốn làm điều gì đấy tốt đẹp. Có khi tâm hồn mình có cái gì đấy bấn loạn quá thì lúc đấy lại nghe nhạc của Tchaikovsky, Chopin.. để đỡ bức xúc, cũng là một cách giải tỏa.

Tôi thấy một điều là khi nghe nhạc cổ điển thật hay thì mình thấy rằng mọi thứ chả là cái gì cả. Cái gọi là vinh quang, thất bại, thắng thua, được mất tất cả chả có ý nghĩa gì.  Mình nhìn cuộc đời nó bình thản hơn.

PV: Ông ngộ ra điều này từ lâu chưa?

NS Phú Quang: Từ lâu lắm rồi, nói thật là khi 50 tuổi tôi không còn buồn vui lắm với những điều ở cuộc đời. Có khi hay cũng chả vui được lắm mà dở cũng chả thể buồn lắm. Từ lâu tôi đã tìm thấy chỗ cư trú trong nhạc cổ điển.

PV:  Là một nhạc sĩ có tài, giờ cũng đã có tuổi, sao ông không dừng lại việc sáng tác và kiếm tiền để có học trò cho riêng mình nhỉ?

NS Phú Quang: Mình cứ nghĩ giảng dạy thì quá dễ với một người được học nghiêm chỉnh như mình, nhưng giảng dạy thì mô phạm và khô cứng. Khi giảng dạy bắt buộc ngày nào cũng phải nói giống ngày nào. Và nếu như chỉ nói khác đi một tí thôi thì có khi chính mình phản mình. Có nhiều lời mời tại các trường nghệ thuật nhưng tôi chưa nhận lời giảng dạy vì mình vẫn muốn sáng tạo.

PV:  Trong âm nhạc của ông luôn bảng lảng một nỗi buồn sầu muộn đeo bám. Cả nỗi cô đơn trên hành trình dài muôn dặm…

NS Phú Quang: Cái kết của kịch bản lần này rất buồn. Sân khấu là con đường sâu hút vào nhà hát lớn, tôi mở rộng  rất nhiều, cuối cùng sẽ là một bài hát mà tôi tự hát lấy, lời được tổng hợp từ những câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang tôi chọn ra làm thành một bài hát: “Một mình sẽ một mình thôi. Tìm câu ca cũ hát chơi một mình. Một mình sẽ một mình thôi. Khi buồn lại hát những lời xót xa. Có phải biển không mà con sóng trào nỗi buồn rưng rưng bờ mi. Có phải biển không mà tôi khóc. Dã tràng ơi còn đâu cát mà xe…”. Bài ấy là cái kết rất khốc liệt và thật ấn tượng. Chưa ai làm cái kết như thế và chưa ai mở đầu như thế.

Tôi nghĩ bạn cũng sẽ đồng cảm với tôi được. Có những lúc giữa tất cả mọi người, tôi chả thiếu gì những chỗ ồn ào, chả thiếu gì những sự săn đón, thế nhưng đến một lúc nào đấy mình mới thấy rằng hóa ra cũng chỉ có một mình mình thôi.

PV: Người nghệ sĩ thường cô đơn. Ngay cả trong đám đông thì người ta đôi khi cảm thấy mình bơ vơ và lạc lõng.

NS Phú Quang: Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên, đã đến, đã đi qua cuộc đời mình với hy vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca được vang lên. Nhưng chính vào khoảnh khắc đầu tiên khi tôi nhận ra bài ca của tôi đã đến được với mọi người thì cũng là lúc tôi hiểu thêm một điều: "Kẻ đã trót dấn thân vào trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong cuộc kiếm tìm chẳng chút bình yên".

PV: Âm nhạc của ông luôn ẩn chứa nỗi cô đơn và sự giằng xé. Ở đó người ta thấy một tâm hồn không bình yên trong những bản nhạc da diết buồn. Người nội tâm, đa sầu, đa cảm thì hay dằn vặt, băn khoăn, day dứt. Nhạy cảm quá thì chỉ chuốc sầu chuốc khổ vào mình mà thôi!

NS Phú Quang: Tôi là người cứ bị ràng buộc bởi quá khứ. Tôi có trí nhớ hình ảnh như vừa mới xảy ra xong, cứ như là hôm qua hôm kia chứ không phải là từ rất lâu. Trí nhớ tốt cho mình làm âm nhạc, nhưng có cái dở cho đời sống, vì mình nhớ một niềm vui chỉ thoáng qua nhanh rồi lại tắt đi thôi, nhưng nỗi buồn thì cứ tươi rói thế cũng là bất hạnh. Nhưng ông trời buộc thế nào thì cũng phải như thế thôi.

PV: Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi. Mỗi năm lại qua đi, anh có cảm thấy oải về việc kiên trì sáng tác?

NS Phú Quang: Các cụ nói "Thầy già con hát trẻ". Năm tôi 27 tuổi có nhiều nhạc sĩ khuyên tôi: "Mỗi người chỉ có một thời thôi, Quang cố gắng tranh thủ gặt hái thời kỳ này đi" nhưng tôi không nghĩ thế: 27 tuổi tôi làm cho mọi người yêu mến được thì 37 tuổi  phải yêu hơn thế chứ. Và 47 tuổi nó còn hơn thế nữa chứ. Điều đó chỉ đúng với người diễn viên. Nhưng với ca sĩ mà được rèn luyện người ta cũng không thế. Có những người 60 tuổi hát vẫn rất hay. Có những người ngay từ trẻ cũng đã chẳng ra cái gì rồi.

PV: Anh có hứng thú với các chương trình âm nhạc hoặc giải trí tạp kỹ trên truyền hình?

NS Phú Quang: Nhiều chương trình truyền hình về âm nhạc nói thật là tôi thường phải tắt đi. Không hiểu sao mình nhớ đến một câu của nhạc sĩ nổi tiếng Chopin: "Đừng bao giờ nghe âm nhạc dở". Bạn là nghề viết mà cứ đọc những bài thơ rất chán hoặc những bài báo rất lởm thì bạn không muốn viết nữa. Nó tác động kinh khủng lắm. Truyền hình cũng mời mình làm cái này cái khác nhưng khi đến thấy chán nên tôi từ chối.

PV: Nhạc sĩ quả là người rất kỹ tính và cầu toàn?

NS Phú Quang: Đúng. Nếu đã thích thì mình phải thích những gì chi tiết. Bây giờ âm nhạc đang loạn. Đúng là vô chiêu. Nghệ thuật phản ánh nếu hạ tầng cơ sở đang loạn xạ thì thượng tầng đương nhiên cũng loạn. Chuyện như thế mình cũng không ngạc nhiên. Tuy nhiên, mọi cái sẽ qua đi, rồi đến một lúc nào đó sẽ quay lại những điều tử tế. Không biết tôi có lạc quan hay không nhưng có lẽ mình là người bình tĩnh và tôi nghĩ rằng mọi cái sẽ phải ổn định. Chương trình giám khảo cứ loạn cào cào. Ai cũng có thể nhận xét mà nói thì rất tự tin. Tốt nhất tôi cứ thấy chương trình ấy thì tắt đi cho đỡ chán.

PV: Trong các đêm diễn lần này có bài hát “Mẹ”, phải chăng trong sâu thẳm nỗi cô đơn, người ta thường hướng về mẹ, người đàn bà duy nhất bao dung và làm cho ta cảm thấy ấm lòng. Mẹå - nơi trú ngụ bình yên của tâm hồn người con đầy giông gió?…

NS Phú Quang: Chỉ có người mẹ là bao dung với những đứa con. Tôi đã từng chứng kiến trong phòng xử án của một phiên tòa khi người ta tuyên án một kẻ giết người cả căn phòng vỗ tay rào rào, duy chỉ có người mẹ là lặng lẽ khóc. Bà không nói gì, đặt bàn tay run rẩy lên vai kẻ tội phạm. Người con lầm lạc được tấm lòng người mẹ rộng lượng bao dung. Tôi hiểu một điều trong suy nghĩ của bà vĩnh viễn con bà là một thằng bé con. Cũng như ngày nào một người con còn sống, năm tháng có thể sẽ già đi, nhưng người mẹ vẫn coi con là thằng bé con. Những người mẹ vẫn có thể ngồi chờ cơm con. 

Người con 60 tuổi mà người mẹ ngoài 80 tuổi vẫn chờ cơm đứa con của mình. Tôi mới nghiệm ra một điều là khi mẹ mình mất đi rồi thì mình mới là người lớn được thôi, chứ không thì chả bao giờ là người lớn được cả. Bản thân tôi từ năm 17 tuổi đã đi làm kiếm tiền. Ngày đấy, bao giờ người ta cũng đón tôi bằng những bữa cơm ngon nhất. Vậy mà khi tôi về nhà trong một bữa ăn mẹ tôi xới những bát cơm đầu nồi ra còn đến bát cơm ở giữa nồi mới đưa cho mình.

Tôi  hỏi: "Sao mẹ phải khổ thế?". Rồi sau đó mẹ gắp cho mình một bát đầy thịt, cá. Tôi mới bảo: "Thế mẹ cứ nghĩ là con đói lắm à? Không được ăn gì à?". Mẹ nói: "Không. Mẹ muốn con ăn ngon". Mẹ cứ lo là mình không được ăn miếng gì ngon. Thật ra 17 tuổi tôi đã được làm thầy, thành ra tôi đi đâu cũng được quý trọng, mà ngày đó tiếp đãi là bằng bữa ăn.

PV: Lúc rảnh rỗi, ông vẫn trà dư tửu hậu với các nghệ sĩ trong giới chứ?

NS Phú Quang: Lúc tôi không làm việc thì chỉ thích ngồi với người bình thường, những giáo sư, bác sĩ, nhà doanh nghiệp, giáo viên, và đôi khi là người công nhân. Tôi thích họ, tôi ngồi nói chuyện với họ đỡ phải tranh cãi về nghề, đỡ phải thế này thế khác…

Mỹ Trân (mytrantcsk@yahoo.com)
.
.