Nhạc sĩ Quốc Trung: Chi tiền "khủng" để quốc tế hóa âm nhạc Việt Nam

Thứ Tư, 31/08/2016, 14:30
Từ ngày 21 đến 23 tháng 10 tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ Hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa 2016 (Monsoon Music Festival - viết tắt là MMF). Một lễ hội được chờ đợi bởi có sự góp mặt của ban nhạc rock Scorpions đến từ Đức. ban nhạc thành công vang dội với những ca khúc "Rock You Like a Hurricane", "Big City Night", "Holidays", "You And I", "Wind of Change" và "Still Loving You" không chỉ Châu Âu mà trên toàn thế giới.

Ban nhạc được xếp thứ 46 trong Danh sách những Nghệ sĩ Hard Rock xuất sắc nhất. 50 năm qua, họ đã chơi hàng ngàn buổi biểu diễn, bán được hơn 100 triệu album trên toàn thế giới. Hành trình tới Việt Nam lần này nằm trong chuyến lưu diễn kỉ niệm 50 năm thành lập.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn chương trình MMF 2016 với điểm nhấn chính là ban nhạc Scorpions.

- PV: Thưa nhạc sĩ Quốc Trung, có thể nói, lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2016 (Monsoon 2016) dù tới tháng 10 mới bắt đầu diễn ra, song ngay từ bây giờ đã được nhiều khán giả chờ đợi và hỏi mua vé. Có điều này là do BTC, đại diện là anh, nhạc sĩ Quốc Trung, đã mời được nhiều ban nhạc quốc tế tham gia, đặc biệt là đã mời ban nhạc rock nổi tiếng Scorpions đến Việt Nam trình diễn. Anh có thể cho biết, ý tưởng ban đầu của việc mời ban nhạc này và để mời được họ đến Việt Nam tham gia có những khó khăn, vất vả như thế nào?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Ngoài việc từng bước xây dựng và mở rộng quy mô để đưa lễ hội trở thành một sự kiện thường niên được khán giả đón chờ, chúng tôi cũng muốn tạo nên những thói quen thưởng thức âm nhạc văn minh như đặt mua vé sớm, sử dụng vòng đeo tay... Muốn thu hút công chúng thì luôn cần có những ngôi sao hàng đầu. Từng bước, chúng tôi xây dựng uy tín, chuẩn bị các kế hoạch liên quan để có thể mời được những ngôi sao và ban nhạc nổi tiếng hơn. Khó khăn lớn nhất là cần có kế hoạch và triển khai từ rất sớm.

Nhạc sĩ Quốc Trung.

- PV: Họ là một ban nhạc nổi tiếng và khi đến Việt Nam hẳn sẽ có một số yêu cầu nào đó trước hết về vấn đề an ninh. Tiếp sau đó là những vấn đề liên quan đến chuyên môn như âm thanh, ánh sáng dành cho việc biểu diễn... Anh có thể cho biết, họ mang tất cả những thứ đó từ Đức sang Việt Nam hay sử dụng các dịch vụ của chúng ta?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Bên cạnh những yêu cầu cơ bản của các nghệ sĩ thì từng ban nhạc hay nghệ sĩ đều có những yêu cầu tỷ mỷ và chi tiết riêng mà ban tổ chức phải đáp ứng. Từ việc đi lại chi tiết từng giờ đến từng đồ ăn thức uống, các chi tiết kỹ thuật lại càng tỷ mỷ hơn và đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ. Ngoài phần nhạc cụ và thiết bị riêng của ban nhạc lên tới vài chục tấn được mang theo trong suốt tour diễn Scorpions còn có một danh sách yêu cầu về thiết bị âm thanh ánh sáng đồ sộ. Phần âm thanh đã được Công ty FSL tại Việt Nam đáp ứng đủ nhưng ánh sáng thì chúng tôi phải nhập từ nước ngoài về mới đáp ứng được.

- PV: Có tất cả những yêu cầu này để biểu diễn trong thời gian bao nhiêu lâu, thưa anh?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Phần biểu diễn có thời lượng từ 90 đến 120 phút.

- PV: Và để có 120 phút này thì ban nhạc Scorpions sẽ lưu lại Việt Nam trong thời gian bao lâu?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Ban nhạc sẽ ở tại Hà Nội không quá 48 tiếng.

- PV: Anh có thể chia sẻ về mức kinh phí để mời được ban nhạc Scorpions tham gia lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa năm nay?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Chúng tôi không được phép tiết lộ cát-sê của ban nhạc nhưng riêng phần này đã chiếm tới gần 50% ngân sách của toàn bộ chương trình năm nay.

- PV: Ngoài ban nhạc Scorpions, còn có nhiều ban nhạc đến từ nhiều nước khác nhau, anh có thể chia sẻ đôi chút về các ban nhạc ấy và những yêu cầu, những lo lắng của họ khi tới Việt Nam?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Chúng tôi cũng mời được nhiều ban nhạc và nghệ sĩ tài năng từ nhiều nước tới cho lễ hội năm nay. The Last Train là ban nhạc rock trẻ hay nhất của Pháp năm 2014 hiện đang đi diễn mở màn cho ban nhạc nổi tiếng Muse; Saveus là ca sĩ kiêm nhạc sĩ dòng nhạc điện tử đến từ Đan Mạch; ban nhạc Goodluck với phần biểu diễn sôi động và vui nhộn đến từ Nam Phi; ban nhạc rock điện tử Idiotape đến từ Hàn Quốc và còn rất nhiều ban nhạc, nghệ sĩ, DJ đến từ Anh quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức... Khi chúng ta mời họ đến đất nước của chúng ta thì có nghĩa là sẽ đảm bảo được những tiêu chí mà cả hai bên đưa ra nên có lẽ tất cả những lo lắng sẽ dồn cho việc làm thế nào để có một lễ hội thành công nhất và để lại những dư âm trong lòng người yêu nhạc.

- PV: Với chủ đề "Văn hóa giao thông", lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa năm nay muốn đề cập đến những ý tưởng nào để có sự kết nối giữa văn hóa giao thông và âm nhạc?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Chúng tôi muốn tiếp tục tuyên truyền và khẳng định các thông điệp văn minh về lối sống tích cực, giá trị sống hiện đại của cộng đồng, MFF 2014 nêu cao chủ đề là Môi trường, năm 2015 là Văn hóa ứng xử cộng đồng... Chủ đề đồng hành của MMF 2016 là văn hóa giao thông, được xác định là chủ đề xuyên suốt cùng chương trình trong 5 năm (từ 2016 đến 2020).

Thông điệp văn hóa giao thông được đưa ra để khơi gợi ý thức tham gia giao thông của mọi người, thông qua âm nhạc, mang lại không khí chia sẻ với cộng đồng, niềm vui cho mọi người và khi cảm thấy vui, hứng khởi, họ sẽ yêu cuộc sống của mình hơn, yêu mọi người xung quanh và yêu thành phố mình đang sống. Và chỉ khi có tình yêu như vậy, họ mới ý thức được việc tham gia giao thông, khi người ta tham gia một cách có văn hóa, có ý thức thì sẽ giảm được các vấn nạn. Đây là một chủ đề khó nên chúng tôi đưa ra lộ trình 5 năm, đầu tiên là thay đổi nhận thức của mọi người, tham gia giao thông ý thức như thế nào, ứng xử với nhau thế nào.

Lộ trình thứ hai sẽ có những thay đổi về hành động và thứ ba là những cam kết của cộng đồng về văn hóa giao thông. Thông điệp chính của chương trình - văn hóa giao thông năm 2016 là "Tôi tham gia" và một trong những chủ đề hoạt động của MMF năm nay là: "Đã uống bia, rượu - không lái xe".

- PV: Được biết, năm nay biểu diễn trong lễ hội chỉ có 3 đại diện Việt Nam tham gia là ca sĩ Mỹ Linh, Tùng Dương và nhóm PN Nation. Có nhiều người cho rằng, ca sĩ "nội" bị lép vế so với ca sĩ ngoại trong một lễ hội âm nhạc tổ chức tại Việt Nam, anh nghĩ về điều này như thế nào với tư cách là một vị tổng đạo diễn?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Lần này chúng tôi chỉ bỏ đi phần gala, còn số lượng nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn chính vẫn như vậy. Như tôi đã chia sẻ, nghệ sĩ bây giờ thường chạy show hoặc cho ra vài bài hát đơn lẻ. Rất khó để tìm được một nghệ sĩ hay nhóm/ban nhạc Việt nào có được một dự án nghệ thuật đúng nghĩa và mới lạ để có thể giới thiệu trong MMF. Một số thì không đủ kỹ năng hát live trong một show diễn 30 phút giống như hát phòng thu, do đó chúng tôi không có nhiều lựa chọn.

Ở mùa MMF 2016, ca sĩ Mỹ Linh sẽ giới thiệu dự án âm nhạc "Chat với Mozart 2", hiện đang được nhạc sĩ Anh Quân hoàn thiện và chỉnh sửa. Ca sĩ Tùng Dương sẽ hát một nửa album "Rễ cây" chưa ra mắt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, PB Nation sẽ là gương mặt của phần biểu diễn Lucky Duck, lấy cảm hứng từ "Truyện cổ Andersen".

Mỹ Linh và Tùng Dương là hai ca sĩ tham gia lễ hội âm nhạc.

- PV: Giá vé của lễ hội năm nay sẽ như thế nào để những người có thu nhập thấp nhưng yêu thích ban nhạc Scorpions cũng có thể mua để vào xem chương trình?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Trong những ngày không có Scorpions biểu diễn, chúng tôi vẫn giữ giá vé như năm ngoái là 220 nghìn đồng và chúng tôi bán vé combo 3 ngày với giá 780 nghìn. Tôi nghĩ giá vé này phù hợp để mọi người tham gia với điều kiện là phải mua vé sớm vì nếu sát ngày thì giá vé sẽ tăng lên và vé riêng buổi biểu diễn của Scorpions sẽ không còn.

- PV: Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa đã vượt qua những trở ngại ban đầu và trở thành một lễ hội âm nhạc được chờ đợi, có uy tín trong dòng chảy âm nhạc nhiễu loạn hiện nay. Theo anh, để có được một trong những thành công này, điều quyết định là gì?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Mục đích của chúng tôi là mang lại một lễ hội âm nhạc đúng nghĩa cho mọi người và cho cộng đồng, vì vậy nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, nghệ sĩ và khán giả.

Các thành viên ban nhạc Scorpions.

- PV: Các anh đã nghĩ đến những gì cho lộ trình dài lâu của lễ hội âm nhạc này chưa, cho sang năm chẳng hạn?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Chúng tôi đã đệ trình kế hoạch 5 năm cho lễ hội và nhận được sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như UBND TP Hà Nội. Để có những kế hoạch chuẩn bị sớm, chúng tôi cũng đã xin phép tổ chức với ngày giờ ấn định cho cả 5 năm từ 2016 tới 2020 để có thể chuẩn bị tốt hơn, mời được những nghệ sĩ nổi tiếng và tài năng hơn đem lại những phần biểu diễn đặc sắc hơn để có thể thu hút công chúng không chỉ riêng Hà Nội mà của cả nước và trong khu vực.

- PV: Âm nhạc Việt Nam thời gian gần đây có nhiều khởi sắc. Không thể phủ nhận là tài năng âm nhạc ngày càng được phát hiện nhiều. Anh đánh giá như thế nào về các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ của Việt Nam cũng như xu hướng của âm nhạc đương đại Việt Nam trong thời gian tới?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Hiện nay đã có nhiều ca sĩ kiêm nhạc sĩ tự sáng tác và biểu diễn tác phẩm của mình. Nó cho thấy sự chuyên nghiệp hơn và tạo ra được nhiều cá tính riêng biệt hơn. Tuy nhiên, sự đa dạng về phong cách và tính cập nhật mới mẻ vẫn còn hạn chế. Nếu thị trường âm nhạc có được sự phát triển chuyên nghiệp, tôn trọng và đề cao sáng tạo thì hy vọng sẽ có nhiều tài năng thật sự với những phong cách hiện đại hơn xuất hiện.

- PV: Người ta cho rằng, nhạc sĩ Quốc Trung từ trước tới nay vẫn luôn là một người khó tính và kỹ tính trong âm nhạc theo một cách khá cực đoan. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này? Và anh có thể tự bạch một chút về bản thân mình đối với những quan niệm cố hữu khi nói về âm nhạc, một thứ mà cả đời anh đam mê theo đuổi?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi thật sự không thấy mình khó tính và chưa đủ khắt khe trong khi làm việc. Có thể chúng ta còn đang làm âm nhạc một cách quá dễ dãi nên mọi người đánh giá như vậy. Nếu ai đó có cơ hội làm việc tại những nền âm nhạc phát triển thì sẽ thấy họ đòi hỏi sự hoàn hảo và tính độc đáo như thế nào. Còn nếu làm âm nhạc và nghệ thuật mà không cực đoan, theo đuổi những mục tiêu nghệ thuật và thêm nữa là phải cực kỳ chăm chỉ, lao động khổ cực thì không bao giờ thành công, ý tôi nói là trong nền âm nhạc của thế giới. Ở Việt Nam thì đôi khi không theo quy luật nào cả nhưng tôi có tiêu chí của riêng mình nên không thể dễ dãi hơn được.

- PV: Anh đã có những dự án âm nhạc cá nhân như thế nào trong thời gian tới?

- Nhạc sĩ Quốc Trung: Tôi có vài dự án cho riêng mình nhưng quả thực chưa có thời gian để thực hiện. Hy vọng sẽ làm được trong thời gian tới.

- PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.