Nhạc sĩ Thuận Yến trong ký ức vợ và các con
Vào những ngày này, con ngõ nhỏ ở Đê La Thành chật kín người qua lại. Những người bạn, người thân của gia đình nhạc sĩ Thuận Yến từ trong Nam, ngoài Bắc, cả ở nước ngoài đều về để tiễn đưa ông lần cuối. Căn nhà đượm vẻ u buồn nhưng không tang thương, bởi nó như được nhen lên sự ấm áp bởi những kỷ niệm từ quá khứ ùa về trong ký ức của những người thân thiết bên ông, người nhạc sĩ tài hoa và có nhiều nhạc phẩm đã sống cùng năm tháng.
Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương, người vợ đã gắn bó hơn 50 năm cuộc đời bên cạnh nhạc sĩ Thuận Yến ngồi lật giở từng tấm hình, từng bản nhạc mà người chồng yêu quý của mình đã viết trong suốt những tháng năm qua. Trên gương mặt bà nỗi buồn như chắt lại khi nhắc về những kỷ niệm chưa bao giờ mờ phai trong tâm trí bà.
Bà kể: "Chuyện tình của chúng tôi dài và ly kỳ lắm. Hồi đó anh Công (tên thật của nhạc sĩ Thuận Yến là Đoàn Hữu Công) là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V và theo học lớp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam.
Hồi đó tôi cũng đang học đàn tranh lại trường. Chúng tôi đã gặp nhau như một định mệnh của số phận, cùng nhau vào chiến trường và đến năm 1968 thì tổ chức đám cưới. Nhưng chưa ở được với nhau bao lâu thì chúng tôi phải chia xa vì tôi phải ra Bắc để chữa trị bệnh đau khớp gối. Ngày chia tay ở ngã ba Đường 9 đầy nhớ thương và đau khổ, bởi ngày ấy còn chiến tranh, đó là cuộc chia tay không hẹn ngày gặp lại. Nhưng những ký ức đó sau này đã giúp anh Thuận Yến viết bài hát "Chia tay hoàng hôn".
Nhạc sĩ Thuận Yến, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cũng đã chia sẻ rằng, năm 1991 khi đọc bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của nhà thơ Hoài Vũ, ông như được gặp lại kỷ niệm xưa, để rồi ông viết thành nhạc: "Tôi đã chọn 6 câu thơ của Hoài Vũ để viết nên bản tình ca “Chia tay hoàng hôn”. Với mỗi câu thơ mà tôi biến đổi như: Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi thành hoàng hôn yên lặng cũng theo về, hay xa vườn xưa chim chiền chiện tha mồi thành xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi... đều gắn với một kỷ niệm thực của vợ chồng chúng tôi. Nhất là khi điệp khúc chia tay anh chia tay hoàng hôn được cất lên, tôi như được nghe lại tiếng gọi tha thiết của Thanh Hương khi tôi cất bước vào chiến trường. Thanh Hương đã gọi tên tôi kéo dài mãi trong không gian cho đến khi tôi không còn nghe thấy gì nữa".
Nghệ sĩ Thanh Hương chia sẻ rằng, khi sáng tác xong một tác phẩm, bà thường là người đầu tiên được thưởng thức. Hai ông bà không chỉ là bạn đời, mà còn là những người tri kỷ. Mỗi bài hát của ông đều chiếm được cảm tình của khán giả, không chỉ là với khán giả lớn tuổi mà nhiều khán giả trẻ tuổi, bởi vì, ông luôn trẻ trung hiện đại, không chỉ trong cách sống mà trong cả các sáng tác, đó là lý do những tác phẩm của ông sống được trong lòng khán giả. Ông luôn quan trọng cảm xúc trong các sáng tác cũng như tình yêu và sự mãnh liệt luôn sẵn có trong cảm xúc của ông, và có lẽ vì thế mà các nhạc phẩm của ông đồng cảm được với đại đa số độc giả.
Tôi hỏi bà, nhạc sĩ Thuận Yến viết nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng có ca khúc nào dành riêng tặng bà mà bà tâm đắc? Nghệ sĩ Thanh Hương không chút nghĩ suy, trả lời "Tiếng đàn thập lục", đó là bài hát ông ấy viết dành riêng cho tôi mà tôi thích nhất.
Rồi bà cất lên bằng giọng hát đầy biểu cảm: "Cây đàn Thập lục mười ngón tay đan/ Bàn tay thoăn thoắt tiếng đàn ngân vang/ Như là nắng tỏa như là sương lan/ Cây đàn Thập lục mười ngón tay đan/ Em làm chớp rạch bầu trời râm ran/ Em làm chim hót gọi mùa Xuân sang/ Mười sáu giây tình tiếng tơ tiếng trúc/ Lời em khoan nhặt sao trời lung linh/ Đầu nguồn suối hát giữa đời mông mênh/ Mười sáu dây tình tiếng tơ tiếng trúc/ Tiếng em thánh thót gọi một tình anh/ Tiếng em dìu dặt đợi một tình anh/ Tiếng em dìu dặt đợi một tình anh…”.
Trong những ngày này, NSƯT Thanh Lam là người vất vả nhất vì chị phải cùng người em trai, DJ Trí Minh, lo hậu sự cho ba. Là người phụ nữ đầy mạnh mẽ, quyết đoán, chị chạy đôn chạy đáo lo lắng mọi bề để người cha đáng kính của mình mát lòng nơi chín suối. Chị bảo, có ngày chị chẳng thiết ăn uống gì, ăn vài cái bánh quy chống đói tất bật lo mọi điều trọn vẹn cho ba mình để không ân hận điều gì.
Chị chia sẻ: “Tôi ảnh hưởng từ ba nhiều điều nhưng lớn nhất là sự khắc nghiệt với bản thân, sự đòi khỏi cao với bản thân mình. Ông không chỉ là một người cha, mà còn là một người bạn, một người đồng nghiệp. Từng ngày sống bên cạnh ông, ông đã truyền cho tôi một ngọn lửa vô hình về sự khát vọng vượt qua chính mình. Bài học lớn nhất mà ông truyền lại cho tôi về cuộc đời cũng như về nghệ thuật là sự chăm chỉ để đạt những những hoài bão. Tôi chưa từng thấy một người nào chăm chỉ như cha mình, ông giúp tôi cảm nhận được cuộc sống đích thực là phải lao động và tôi luôn luôn noi theo tấm gương của ông.
Đối với tôi, những ngày gần gũi ông đều là những kỷ niệm. Có những năm tháng hai chị em tôi đều sống một mình với ba vì mẹ đi công tác ở Sài Gòn, đêm đến ông kể chuyện, hát những bài hát của ông. Đặc biệt là ông thường hát bài "Trời xanh", bài hát viết riêng cho tôi năm tôi 7 tuổi. Ông cũng là người dạy tôi nốt nhạc đầu tiên, là người hàng đêm đưa đón tôi đi hát. Có những đêm trời mưa tầm tã bố tôi đi xe máy và đã đâm phải cả một bãi rác và hai bố con bị ngã chỏng chơ, tôi bị bỏng bô xe máy và vết bỏng ấy đến bây giờ vẫn còn. Vui lắm. Thời điểm cả nước nghèo khổ, tôi vẫn nhớ ba dắt tôi đi chơi trong khu tập thể ở Triều Khúc và hai cha con hái rau tập tàng về nấu canh ăn với cơm. Đó là những giây phút bình dị, lãng mạn của đời sống và điều đó chắc chắn sẽ mãi in đậm trong tâm trí của tôi”.
Nhạc sĩ Thuận Yến cùng vợ con trong những năm kháng chiến chống Mỹ. |
Ca sĩ Thanh Lam chia sẻ rằng, nhạc sĩ Thuận Yến là người khá kỹ tính trong âm nhạc nhưng ông không bao giờ áp đặt và thường để cho các ca sĩ thả sức trong sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt đối với chị, khi chị hát tác phẩm của cha mình thì ông đặt niềm tin và sự kỳ vọng tuyệt đối sự sáng tạo từ con gái. Hai cha con họ ít khi phải nói với nhau nhiều điều vì đôi khi chỉ cần nhạy cảm và tinh tế là đã hiểu hết ý nghĩ của nhau. Và có lẽ cũng chỉ ông là người nhạc sĩ duy nhất chấp nhận toàn bộ sự sáng tạo, phá cách mạnh bạo của Thanh Lam, yêu chị tuyệt đối, vô điều kiện cũng như luôn luôn đón nhận mọi tình cảm mà chị dành cho các tác phẩm của ông.
Đối với ông, ca sĩ Thanh Lam có một vị trí đặc biệt trong lòng, chị không chỉ là một người con gái đầy số phận mà ông đã sinh ra trong những giây phút hai vợ chồng phải chia xa trong những điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của đời sống chiến tranh, mà chị là một nghệ sĩ dám dấn thân và chịu đựng mọi va vấp. Nhưng quan trọng là ông tin tưởng vào Thanh Lam nên những vui hay buồn, những may mắn hay bất hạnh, những cái được mất ông đều tin vào quyết định của Thanh Lam.
Dù trong một lần trả lời phỏng vấn ông đã chia sẻ: "Cuộc sống cũng có nhiều điều khiến con người ta phải băn khoăn về những đứa con của mình, nhưng mãi mãi trong tôi, Thanh Lam vẫn là cô con gái bé bỏng, chịu thương chịu khó đã cùng cha mẹ vượt qua khó khăn của cuộc sống để học hành và trưởng thành. Đấy là những buổi sáng Lam thức dậy từ 4 giờ để học bài. Đấy là những lần Lam còng lưng gánh nước giúp ba mẹ...".
Ca sĩ Thanh Lam thì khẳng định, ông viết nhiều, bài hát nào cũng có khán giả nhưng bài hát chị yêu nhất của ông mà mỗi khi buồn chị đều nghĩ đến đó là "Em tôi". Bởi vì đây là một ca khúc đầy triết lý nhưng gần gũi với mình, dù rất ít lời nhưng đây là một trong những ca khúc khi hát chị cảm nhận được sự đồng cảm trong từng giai điệu: "Mây buồn, giấu nắng ở đâu/ Để mưa nặng hạt em lâu chưa về/ Mây buồn, giấu nắng ở đâu/ Để mưa nặng hạt em lâu chưa về/ Ước gì là gió mùa hè/ Xua mây mưa để nắng về em tôi/ Ước là gió thổi mây trôi/ Để cho tôi ngắm một trời em tôi/ Mây buồn, giấu nắng ở đâu/ Để mưa nặng hạt em lâu chưa về/ Ước gì là gió mùa hè/ Xua mây mưa để nắng về em tôi/ Ước là gió thổi mây trôi/ Để cho tôi ngắm một trời em tôi/ Ước gì là gió mùa hè/ Xua mây mưa để nắng về em tôi/ Ước là gió thổi mây trôi/ Để cho tôi ngắm một trời em tôi".
Đang học về thiết kế nội thất từ nước Úc xa xôi, Thiện Thanh, cháu ngoại nhạc sĩ Thuận Yến và chồng bay về ngay khi nghe tin ông ngoại qua đời dù chị đang phải giữ gìn sức khỏe vì đang mang bầu những tháng đầu tiên.
Thiện Thanh chia sẻ: "Tôi sống với ông bà từ khi còn nhỏ nên ông như người ông, người cha, người bạn thân, sáng nào cũng đưa đi học đón về, cuối tuần rảnh hai ông cháu đi uống bia hơi, ông một cốc bia cháu một đĩa lạc. Có khi để cháu vui, ông mua cho một quyển truyện tranh để đọc. Đến lúc lớn, khi tôi biết đi xe đạp rồi thì ông không rủ đi uống bia nữa mà ông bảo tôi đi mua bia về cho ông uống. Cứ hàng tuần vào thứ 3 có truyện tranh thì mỗi buổi chiều ông đến đón tôi đi học về thì bao giờ ông cũng mua một cuốn truyện tranh tặng tôi.
Nhưng cho đến khi ông biết là đọc truyện tranh nhiều không tốt thì ông không mua cho nữa. Vì gia đình có truyền thống âm nhạc nên ông rất muốn tôi theo con đường âm nhạc, tuy nhiên, tôi là người thích thiết kế thời trang, nhà cửa từ bé rồi nên muốn chọn con đường mình yêu thích nên không học đàn nữa, ông cũng buồn nhưng vẫn chiều theo ý cháu. Trong ký ức của tôi, ông là một người ông tuyệt vời, gọn gàng, ngăn nắp và chăm sóc gia đình, con cháu cẩn thận. Ngoài tình yêu của bố mẹ, thì tình yêu thương của ông bà khiến chị em chúng tôi cảm thấy được bao bọc, chở che trước những khăn của cuộc sống".
Nhạc sĩ Thuận Yến có một cuộc đời khá bình dị và yên ấm, như chính cái biệt danh Thuận Yên (Hai từ ghép của quê cha Đông Yên và quê mẹ Phúc Thuận, Quảng Nam) mà thuở đầu tiên ông đã tự đặt cho mình (sau này một biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhầm lẫn sửa thành Thuận Yến).
Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng gia tài âm nhạc với những ca khúc nổi tiếng như "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Miền Trung nhớ bác", "Vầng trăng Ba Đình", "Gửi em ở cuối sông Hồng", "Màu hoa đỏ", "Con gái mẹ đã thành chiến sĩ", "Chia tay hoàng hôn", "Tình yêu không lời", "Khát vọng", "Đi trong hương Tràm"… đã khiến ông trở thành bất tử trong lòng những người yêu nhạc…