Nhạc sĩ Trần Tiến và những chuyến du ca bất tận

Thứ Sáu, 06/10/2017, 09:35
Việt Nam có hàng nghìn nhạc sĩ nhưng nếu đặt câu hỏi ai là người gắn liền với những chuyến du ca thì Trần Tiến vẫn là người nổi tiếng hơn cả.


Những bài hát nằm trong ngăn kéo

Nếu tính số lượng bài của Trần Tiến có bao nhiêu bài thì ông có bấy nhiêu những chuyến du ca, thậm chí nhiều hơn. Nhưng ngoài những ca khúc được công bố trên báo chí, Trần Tiến còn có hàng trăm ca khúc vẫn còn nằm trong ngăn tủ hoặc ở một xó xỉnh nào đó trong nhà ông. Đơn giản, ông tâm niệm, viết nhạc là để cho mình chứ không phải để cho một ai đó. Việc công bố hay không, được ca sĩ nào đó thể hiện hay không đều không quá quan trọng với ông.

Mỗi chuyến du ca, với Trần Tiến là một lần được sống, được sẻ chia và gặp gỡ với những cuộc đời, những số phận.

Người yêu nhạc vẫn thân mật gọi ông là nhạc sĩ du ca là vì thế. Một cuộc đời du ca với cây đàn và tâm hồn lãng tử, Trần Tiến đã thực sự chạm đến cùng để chia sẻ và yêu thương với hàng trăm cuộc đời khác.

Âm nhạc của ông thường viết về những kiếp người. Là số phận của “Chị tôi”, một người đàn bà quá lứa lỡ thì; của người mẹ tảo tần; của những người nông dân; cả những người trẻ, cả em bé; thậm chí giang hồ, những cô gái thân phận bi đát... Tất cả đều trở thành nhân vật đẹp trong những sáng tác âm nhạc, ở những góc nhìn nhân văn và lạc quan của Trần Tiến.

Ông khóc cười với những nhăng nhố, bài hát ông viết về cô gái giang hồ, làm nghề bán hoa trên chiếc thuyền lênh đênh bên bờ sông. Sự động lòng của những kẻ phiêu bạt đã thực sự làm ấm lòng và xúc động người nghe nhạc. Dường như Trần Tiến chưa bao giờ dùng sự tài hoa, thông minh hay nổi tiếng của mình để với lên một thứ gì đó. Trái lại, ông luôn cúi mình xuống để chạm đến với những cuộc đời ở dưới, yêu thương, che chở và đùm bọc họ.

Bài hát “Chị tôi” Trần Tiến viết về người chị gái ruột của mình nhưng lại trở thành hình ảnh “kinh điển” của hàng triệu người chị khác. Và mỗi lần giai điệu ấy cất lên lại thực sự lay động lòng người.

Ông còn mơ “Giấc mơ Cha-Pi” với những con người lao động trên vùng núi cao. Ông miêu tả cuộc sống của họ chỉ bằng duy nhất một tiếng đàn. Tiếng đàn của tình yêu, của niềm tin. Tiếng đàn ấy cũng thổi hồn vào những giai điệu, ca từ đẹp đẽ của bài hát để từ đó những nhọc nhằn, nghèo khó của cuộc sống bỗng trở nên lãng mạn, lạc quan, bay bổng.

Âm nhạc của ông vì thế không mang một màu như nhiều cây viết khác. Nó có mọi cung bậc. Từ khổ đau, tuyệt vọng đến trong trẻo, lạc quan, vui tươi. Có lẽ chất du ca, sự nếm trải cuộc đời đã mang đến cho ông cái nhìn đa chiều về cuộc đời.

Người khóc cười với những chuyến đi

Nhiều năm nay, Trần Tiến sống ở Vũng Tàu. Với ông, đó là một nơi để ẩn dật những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Một ngôi nhà giản đơn bên một bãi biển vắng lặng. Nơi ông còn cảm thấy có chút gì đó bình yên, dù không nhiều. Sài Gòn hay Hà Nội giờ đã là nơi ông chỉ ghé qua như quán trọ, chỉ để nhâm nhi tách cà phê đắng hay cốc bia cay nồng. Nhưng như ông nói, chưa bao giờ và không bao giờ ông xa rời Tổ quốc, rời bỏ cuộc đời yêu thương và thân thiết này.

Với Trần Tiến, người viết may mắn được làm quen với ông nhiều năm nay, có đôi chút kỉ niệm nho nhỏ với ông. Đó là một may mắn.

Ấy thế mà mới cách đây mấy ngày, gọi cho ông theo số cũ đến cả chục lần vẫn không thấy ông cầm máy. Viện nhờ đến anh trai của ông, NSND Trần Hiếu. Hóa ra Trần Tiến đổi số điện thoại. Một điều lạ với ông. Trước khi gác máy, NSND Trần Hiếu còn dặn: “Có gọi điện cho Trần Tiến thì gọi buổi sáng hoặc cuối giờ chiều vì buổi trưa ông thường ngủ rất lâu”.

Bấm những dãy số mới để nghe một giọng nói cũ, tự nhiên lại thấy xúc động, như lại tìm về một điều gì đó sau quãng thời gian xa cách.

Từ Hà Nội, gọi điện cho nhạc sĩ Trần Tiến. Ông nói hồ hởi khi nhận ra người quen, một cô nhà báo đã từng phỏng vấn ông nhiều năm trước đây và may mắn được ông lưu lại trong tâm trí.

Buổi sáng nói chuyện với ông, Trần Tiến hồ hởi, “anh đang chạy xe ngoài đường” nhưng “lịch cố định” vào buổi chiều của ông thường là một quán nhậu nào đó. Có lẽ vì thú vui thích xê dịch nên thói quen chạy xe ngoài đường đã gắn bó với Trần Tiến mấy chục năm nay. Lúc nào cũng thấy ông “đang chạy xe”, lang thang ở một chỗ nào đó như dân du mục. “Anh đang du ca mà, anh luôn du ca, ở Vũng Tàu, bên bờ biển vắng… Suốt ngày chạy xe lông nhông ngoài đường, tìm kiếm điều gì đó hay hay. Đến chiều thì ghé quán bia với mấy người bạn”, ông nói với tôi qua điện thoại.

Với Trần Tiến, ông thích du ca bởi lẽ ông mê cuộc sống của những cao bồi miền Tây nước Mỹ. Ông cũng không thích truyền hình mà chỉ mê du ca, đi đến đâu thì sáng tác đến đó, viết và hát. “Hồi trẻ, tôi được nghe kể nhiều về Lobo và nhiều nhạc sĩ Mỹ chuộng phong cách du ca. Họ là những người không thích sân khấu. Cuộc đời họ là những chuyến đi, lang thang, hát trên những cánh đồng, chơi đàn trên thảo nguyên, trên yên ngựa. Đi đến đâu sáng tác và hát ở đó, không quan tâm đến sự nổi tiếng, không thích ai hỏi thăm mình. Từ đó tôi ôm mộng du ca. Đi, sáng tác và hát, chỉ thế thôi… cho sướng”. Đó cũng là lý do mà ông sáng lập ra nhóm Du ca Đồng nội nức tiếng một thời.

Trần Tiến nói, mười mấy năm nay ông không xem truyền hình. Hứng thì viết, viết rồi để đấy. Có những ca khúc của ông nằm trong ngăn kéo mười mấy năm, tưởng đã quên đi thì có người lại tìm đến và làm cho nó trở nên nổi tiếng.

Chút duyên thầm của người lính tình nguyện

Chuyến du ca đầu tiên trong cuộc đời Trần Tiến là sang Lào và suýt thành con rể ở đây. Đó cũng là những ký ức đẹp đẽ nhất trong quãng thời gian ra trận tuyến.

“Sang Lào, viết “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” và thành nổi tiếng, nhưng hồi đó tôi mới chỉ là ca sĩ thôi. Trước đó là mê học toán và nghĩ là sẽ thành nhà khoa học, không ngờ cuộc đời biến đổi thế nào sau đó lại đi làm hầu đài cho Đoàn Văn công Hà Nội. Ngoài kế mưu sinh còn là cơ duyên trong đời. Làm hầu đài thì không biết gì về âm nhạc, hát lại càng không hát, nhưng thấy người ta hát thì mình hát theo.

Anh Hiếu (NSND Trần Hiếu – PV) thấy tôi có giọng trầm trầm, thế là đưa vào hát trong dàn đồng ca bè trầm của đoàn. Từ đó tôi bắt đầu học lỏm. Thấy cô Minh Đỗ tập đàn, tôi lên xin tập nhờ, luyện giọng. Nhờ mọi người, một năm sau thì được hát tốp ca, rồi lên song ca và cuối cùng là đơn ca. Đại loại là tình cờ như thế, từ một người không hiểu, không biết gì âm nhạc lại trở thành một ca sĩ. Tự nhiên cuộc đời lưu chuyển.

Nhưng cũng chỉ được một năm thì sang Lào, 17 tuổi và viết bài “Thanh niên ra tiền tuyến”. Viết mà không biết nốt nhạc, phải nhờ anh bạn kéo Coóc-đê-ông (Arcodeon) ghi lại nốt nhạc cho. Anh Đỗ Nhuận tình cờ nghe được, bảo rằng “Sao có bài hay thế” và gửi lên Ban giám khảo của Cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom, do Hội Nhạc sĩ và Đài tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ tổ chức. Tự nhiên tôi được giải nhất. Một hôm đến đoàn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận bảo “Tiến có giải đấy”. Tôi hỏi lại: “Giải gì ạ?”. “Bài “Thanh niên ra tiền tuyến” cậu viết phải không”? “Vâng, nhưng em có dự thi gì đâu?” Thế mà vẫn được giải”.

Sau đó nhạc sĩ Đỗ Nhuận bảo, thằng này sáng tác được, viết hay dù không biết nhạc. Tôi cứ hay nghêu ngao trước mọi người. Sau đó không lâu, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đưa tôi sang chiến trường C ở chân núi Phu Then, Lào. Chúng tôi ở trong một cái hang, đi hát và biểu diễn khắp các chiến trường. Hồi đó, chúng tôi được xem chung là lính tình nguyện Việt Nam. Tôi được đặt tên Lào là Xổm-bun, do cô công chúa Lào, con gái Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đặt cho. Tôi còn nhớ cô ấy hơn tôi hai tuổi, nhưng có hề gì vì nàng rất đẹp...

Trần Tiến nói “chuyện chỉ có vậy”. Nhưng tôi hiểu, câu chuyện được ông kể nhiều, nhắc đến nhiều và mỗi lần nhắc đến đều khiến ông miên man, trầm tư trong dòng ký ức cách đây hơn nửa thế kỷ là bởi sự ám ảnh của nó vẫn còn nguyên vẹn, tươi mới.

Sinh ra trong những ngày tháng vui buồn của đất nước. Khi vịnh Bắc Bộ bị ném bom, chiến tranh phá hoại miền Bắc bắt đầu, Trần Tiến vừa mới tốt nghiệp lớp 10. “Thanh niên hồi đó vừa mới rời ghế nhà trường là ra tiền tuyến hết. Đi lính hay thanh niên xung phong hay đội cầu, thế hệ chúng tôi là vậy. Những bàn chân học trò bước vào chiến tranh, chưa học bắn súng, chưa học đi một hai, cứ thế ào ào lên đường. Kỷ niệm về người lính ám ảnh với những vui buồn và cho đến tận bây giờ. Sự ám ảnh ấy không chỉ về mặt tâm lý mà còn là bởi một lời thề của tôi với bè bạn, rất nhiều người đã ngã xuống, rằng tôi phải học nhạc để viết về những người bạn, những người lính đã hi sinh thầm lặng”.

Và trong cái quá khứ ngổn ngang, ám ảnh mà ông tự nhận càng về già ông càng bấu víu vào nó thì những ca khúc đầy ân tình như “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp” chính là những khoảnh khắc tươi vui, đẹp đẽ nhất.

Ông hát qua điện thoại nhưng những âm điệu, cảm xúc thì vẫn bay bổng vô cùng: “Những cánh đồng rạ thơm ngát, con đường bụi đỏ mịt mờ, những bản làng cháy rụi, tiếng trống lăm-vông bập bùng, mặt trời ngày đó như đỏ hơn, eo lưng con gái Lào ngày đó hình như cũng cong hơn. Trong bộ đồ áo lính tình nguyện rộng thùng thình, chúng tôi cùng nhảy múa, hát ca và bập bẹ tỏ tình bằng tiếng người bản xứ. Chiến tranh như chưa bao giờ xảy ra. Anh thì nghịch ngợm và hư hơn người ta, xấu trai hơn người ta mà lại còn nghèo. Con voi anh cưỡi đến đây cũng mượn của người ta. Em thì đẹp thế, eo lưng thì tròn lẳn thế, cánh tay trần của em cứ múa làm cho dãy núi Pu-then phải nghiêng phải ngả. Nhưng thôi mai anh đi rồi, kỷ niệm biết bao giờ mới trở lại... anh múa cùng em”.

Âm nhạc của Trần Tiến là một sự ám ảnh về chiến tranh, nhuốm màu đau buồn, mất mát nhưng là những mảng màu ám ảnh đẹp đẽ, lãng mạn, lạc quan. Ngẫm lại những chuyến du ca của ông, càng thấy điều này là đúng.

Có một giai thoại vui về Trần Tiến rằng, những đêm nhạc Trần Tiến ở Sài Gòn cách đây hai thập kỷ, phụ nữ ào ào ra phủ kín chiếc Vespa ghẻ của ông bằng những vết son môi. Chuyện có thể có thật hoặc không nhưng như thế cũng đủ biết, vẻ bề ngoài xù xì của ông lại có sức hấp dẫn những người khác giới như thế nào.

Dẫu vậy, Trần Tiến vẫn khẳng định, mối quan tâm lớn nhất của cuộc đời ông chính là âm nhạc. Ông cho rằng, chuyện đàn ông, đàn bà là những thứ phù du. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó chính là sự đồng cảm của ông dành cho phụ nữ.

Ca khúc ông viết về họ bao giờ cũng là những dòng tâm sự sẻ chia về số phận cay đắng, những thiệt thòi, vất vả, hi sinh mà phụ nữ phải chịu đựng. Trần Tiến cho rằng, tình yêu ấy đã vượt qua ranh giới nam nữ thường tình. Nó trở thành thứ tình cảm thiêng liêng mà ông luôn trân trọng dành cho phái nữ.

Đào Nguyên
.
.