Nhân Nick Vujicic đến Việt Nam: Hãy tự mình trở thành phép màu!

Thứ Tư, 05/06/2013, 18:05

Nick Vujicic (từ đây, tôi sẽ gọi anh là Nick - PV) vừa có buổi diễn thuyết rất thành công được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp vào đêm 22/5 vừa qua tại TP HCM.
Nick, được phần lớn người hâm mộ trên thế giới nhìn nhận là một tấm gương phi thường về nghị lực sống. Tìm hiểu về Nick trên mạng Internet, đủ thấy sức hút của Nick đối với đám đông. Nick đi diễn thuyết ở nước này, nước khác… Nick nói chuyện ở nhiều nơi, tại những địa điểm quan trọng. Có lần, anh diễn thuyết tại một nhà thờ ở Đức.
Và khi Nick đến Việt Nam, không là một ngoại lệ, anh được đám đông đón chào nồng nhiệt đến độ, chính Nick phải thừa nhận "Không đâu đón tiếp tôi nhiệt thành như ở Việt Nam".

1. Nick Vujicic sinh năm 1982 tại Brisbane, Australia. Ngay khi chào đời, Nick đã gặp khiếm khuyết về cơ thể. Nick hoàn toàn không có hai chi trên, hai chi dưới của anh bất bình thường đến độ, dường như là không có hẳn.

Chính vì sự khiếm khuyết này mà ban đầu, luật pháp tiểu bang Victoria không cho phép Nick đi học ở những trường chính thống. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực của cá nhân và người thân lẫn cộng đồng, Nick đã trở thành một trong những học sinh khuyết tật đầu tiên được đến trường. Điều đáng tiếc, chính vì hình thể kỳ lạ so với bạn bè cùng trang lứa, Nick bị chế giễu nhiều đến mức anh rơi vào trạng thái u uất nặng. Năm 8 tuổi, Nick đã có ý định sẽ tự giải thoát bằng cái chết. Hai năm sau, Nick cố gắng tự tử bằng cách dìm mình trong bồn tắm. May mắn, cha mẹ của Nick phát hiện kịp thời và cứu sống anh.

Theo những gì Nick viết trong câu chuyện của đời mình, thì sự buồn chán của Nick kết thúc khi mẹ anh cho anh đọc một bài báo viết về nghị lực của một người đàn ông cũng gặp tình cảnh khiếm khuyết về mặt cơ thể như Nick. Từ đây, Nick nhận thức, không chỉ mình Nick đối mặt với sự khó khăn này mà còn rất nhiều người khác cũng đã phải chịu đựng như Nick. Khác biệt lớn nhất giữa Nick và họ chính là, họ đã tìm cách vượt qua, còn Nick thì luôn nghĩ đến cái chết. Nick quyết định, mình phải thay đổi tư duy.

Nick dần tìm ra cách thích nghi với một cuộc sống đầy đủ, theo cách mà một người không có tứ chi như Nick có thể cố gắng. Nick viết bằng ngón chân, Nick cũng sử dụng máy tính và có thể gõ đến 45 từ mỗi phút bằng cách sử dụng phương pháp "gót chân và ngón chân". Anh cũng học cách ném bóng quần vợt, chơi trống có bàn đạp, mang cốc nước, chải tóc, đánh răng, trả lời điện thoại và cạo râu.

Ngoài ra, Nick còn tham gia chơi golf, bơi và thậm chí là cả nhảy dù với sự trợ giúp của người khác. Khi còn học trung học, anh được bầu là đại diện cho học sinh Trường trung học MacGregor State tại Queensland. Anh làm việc với hội đồng học sinh ở những sự kiện gây quỹ cho các tổ chức từ thiện địa phương và các cuộc vận động vì người khuyết tật.

Năm 17 tuổi, anh bắt đầu những buổi nói chuyện với số đông và sau đó sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Life without Limbs (Cuộc sống không tay chân). Nick tốt nghiệp Đại học Griffith năm 21 tuổi với tấm bằng kép ngành kế toán và lập kế hoạch tài chính. Sau đó, anh trở thành nhà diễn thuyết truyền động lực, đi đến nhiều nước trên thế giới và chủ yếu nói chuyện về những vấn đề của tuổi vị thành niên. Anh đã nói chuyện với hàng triệu người tại 46 quốc gia và Việt Nam là nước thứ 47.

Nick hiện đang định cư ở Los Angeles, California, Mỹ. Ngày 12/2/2012, anh kết hôn với vị hôn thê của mình là Kanae Miyahara. Ngày 13/2/2013, con trai họ là Kiyoshi James Vujicic chào đời với cân nặng 3,9 kg. Cho đến giờ, Nick vẫn giữ quan điểm nếu anh sinh ra tại một quốc gia thuộc thế giới thứ ba thì tình trạng khuyết tật của anh sẽ bị xem là một lời nguyền hay nỗi ô nhục của cha mẹ, và anh sẽ bị giết từ lúc ra đời.

Tất nhiên, chỉ với bấy nhiêu từ thì không thể nào diễn tả được hết những khó khăn mà Nick đã đối mặt, những nỗ lực đến kỳ diệu của bản thân khiến Nick trở thành biểu tượng của nghị lực sống tại thời điểm này.

Gia đình Nick.

2. Nick đến Việt Nam theo lời mời của một công ty xuất bản sách kết hợp với một tập đoàn kinh doanh. Trước khi Nick đến Việt Nam vào tháng 5 này, nhiều tháng trước, đã có những sự kiện truyền thông làm bước đệm để chào đón Nick. Nick được trân trọng.

Ở đất nước mình, chúng ta đã từng được chứng kiến những tấm gương về nghị lực sống, vượt qua nghịch cảnh thân phận để chạm đến điều tốt đẹp trong đời sống.

Có lẽ, chính vì điều này, ngoài sự nồng hậu của đám đông chào đón Nick, thì vẫn có những ý kiến trái chiều. Có nhà báo viết trên facebook cá nhân của mình, bài viết nhan đề "Bụt nhà không thiêng". Có nhà báo phản ứng với số tiền gần 32 tỉ đồng để đưa Nick sang Việt Nam. Có nhà báo "ném đá" Nick… Trong một xã hội với những cá nhân khác nhau, điều viễn tưởng nhất chính là ý nghĩ, sẽ thống nhất được toàn bộ các quan điểm.

Nick có những giá trị của riêng Nick, mà chúng ta phải thừa nhận. Cũng như, những tấm gương nghị lực của nước mình có những giá trị đã được đồng thuận. Điểm chung của Nick và những cá nhân vượt qua chính mình khác, đó là, họ cho phép chúng ta có đủ thời gian để nhìn lại, để suy xét lại hành vi, suy nghĩ… như khi Nick nói với đại ý "Đừng nghĩ về những thứ bạn không có, hãy nghĩ về những điều bạn đang có". Ý này không mới, kiểu như khi chúng ta nói, "Vấn đề nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận theo chiều hướng nào".

Tôi không tán đồng quan điểm của ai đó khi so sánh, nếu để gần 32 tỉ đồng mời Nick sang Việt Nam hãy dành số tiền đó cứu giúp những người khuyết tật, sẽ thiết thực hơn. Bởi, có những giá trị mà chúng ta không thể đo bằng vật chất. Tôi vẫn tin, một buổi nói chuyện hay một cơ duyên được trao đổi gặp gỡ đúng người, họ sẽ góp phần thay đổi cuộc đời bạn. Giá trị này, không thể cân đo đong đếm bằng tiền bạc hay vật chất được. Giá trị tinh thần là thứ giá trị vô cùng hữu dụng, tiền tài không mua được.

Một bài báo có thể thay đổi cả cuộc đời của Nick, thì những câu chuyện rất thật về cuộc đời của Nick do Nick chuyển đến đám đông, tại sao lại không thể thay đổi tư duy của những người có cơ hội nghe Nick nói theo chiều hướng tích cực(!). Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, thì đó là chữ "Ngộ". Mà đã là chữ "Ngộ", thì không gì lại có thể so sánh được.

Nick Vujicic được chào đón trân trọng tại sân bay.

Mới đây, trên các trang báo mạng đang lan truyền câu chuyện về bé gái có tên Lan Chi. Cô bé 8 tuổi, ở Hà Nội. Bé có cơ thể gần như Nick. Bé không có hai chi trên lẫn hai chi dưới. Bé ao ước được gặp Nick, để củng cố niềm tin của chính mình. Mặc dù trước đó, khi chưa biết Nick là ai, bé vẫn sống lạc quan, vui vẻ.

Bài báo có đoạn: "Như hiểu được lòng mẹ, bé Linh Chi rất ngoan. Ngày còn nhỏ xíu, bé đã cố gắng tự làm những việc cá nhân để bố mẹ khỏi lo lắng. Bé cố gắng dùng mẩu tay ngắn ngủn của mình để bê nước uống, tự xúc cơm để ăn… Với những đứa trẻ bình thường bằng tuổi bé, cũng khó khăn lắm mới làm được những việc như thế, thì với Linh Chi, những việc này lại trở nên khó gấp nhiều lần. Để có thể ôm được cốc nước, bát cơm cũng là sự khổ luyện của bé và mẹ. Có những lúc, đôi tay ngắn ngủn của bé mỏi rã, đồ vật cứ thế rơi ra, không theo sự điều khiển của bé.

Nhưng rồi được sự khích lệ và kiên nhẫn của mẹ, dần dần bé cũng tự làm được những việc của cá nhân. "Linh Chi chịu khó lắm, chỉ khi nào việc gì quá khó cháu mới nhờ bố mẹ. Chẳng hạn như phải gãi lưng, cháu cũng tìm cách để di lưng vào bàn, ghế cho khỏi ngứa. Còn việc ăn uống, cháu cũng tự mình làm. Chúng tôi cũng cố gắng động viên và dạy bé tự lập, để sau này lớn lên, bé sẽ không phải làm phiền nhiều người", mẹ bé tâm sự".

Nick Vujicic và bé gái Linh Chi.

3. Tôi muốn kể lại câu chuyện của chính cá nhân mình. Năm má tôi 5 tuổi, do mũi tiêm bị lệch ven, một chân của má tôi cứ teo dần đi. Vài năm sau, má gần như chỉ còn một chân. Má không đi lại như người bình thường được, dáng đi xiêu vẹo bởi cái chân lành lặn còn lại phải gánh hết sức nặng của cơ thể. Nhưng có sao, má vẫn nuôi bốn anh em chúng tôi khôn lớn, vào đại học. Má dựng vợ gả chồng cho từng đứa, má chăm bẵm cho các thành viên trong gia đình từng chút một.

Trong mắt tôi, má chưa bao giờ là một người khiếm khuyết về mặt cơ thể. Má là một bà mẹ vĩ đại như bao bà mẹ khác. Khoảng 6 năm trước, bởi cái chân lành lặn đã gánh hết sức nặng của cơ thể nhiều năm liền, thêm làm lụng vất vả, má không thể đi lại được nữa. Mà ngồi một chỗ, sinh hoạt cá nhân thường phải nhờ đến sự trợ giúp của ba hoặc anh chị em chúng tôi. Ngay cả thời điểm đó, tôi vẫn nghĩ má tôi là một người bình thường. Và không chỉ tôi nghĩ, má tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến khiếm khuyết cơ thể của chính má.

Xin lỗi bạn đọc nếu tôi đưa ra nhận định này khiến bạn đọc phật lòng. Tôi nghĩ, Nick cũng như những cá nhân không may gặp phải khiếm khuyết cơ thể khác, ngay trong tư duy của chính họ, họ là những người bình thường. Họ cố gắng thích nghi với đời sống bằng những gì họ đang có. Với chính cá nhân họ, họ không hề khiếm khuyết. Nỗi mặc cảm (nếu có) của họ, chính là do đám đông mang lại, chính là do chúng ta, với những tư duy của một người may mắn được lành lặn, đủ chân đủ tay, đủ linh hoạt của trí não mang đến… Bản năng của con người, là thứ bản năng vô tận. Bản năng mạnh mẽ đến độ, chính cá nhân có được bản năng ấy cũng không thể khám phá hết được.

Nick không đáng bị "nhận đá" từ những người không quý mến anh. Bởi ngay cả khi không được một ai thừa nhận về nghị lực của chính mình, thì Nick vẫn có quyền tự hào vì Nick đã có được cuộc sống của một con người bình thường như bao người khác. Nếu không muốn nói, Nick vĩ đại hơn chúng ta rất nhiều lần. Như Nick từng đưa ra lời khúc chiết: "If you can’t get a miracle, become one", tạm dịch, "Nếu bạn không thể có một phép màu, hãy trở thành chính nó".

Chúng ta may mắn được là người bình thường, nên chúng ta đâm ra không nghĩ đến điều may mắn mà chúng ta đang sở hữu. Chúng ta dễ buồn chán, dễ buông xuôi, dễ suy nghĩ tiêu cực… Chúng ta đã quen nhìn lên, chúng ta không biết cách nhìn xuống. Những thứ bình thường cúa chúng ta, lại chính là sự khát khao của những con người như Nick. Và khi anh (lẫn những người khiếm khuyết cơ thể khác) cố gắng vượt qua chính mình để trở thành những cá nhân như chúng ta, thì chúng ta phải thừa nhận điều đó chứ. Tại sao lại đi "ném đá" hay xét lại theo kiểu "bụt nhà, bụt người" với một cá nhân mà chúng ta nhất thiết phải trân trọng.

Cuộc sống vốn dĩ không có cổ tích, chỉ có cá nhân mới tạo nên được cổ tích. Bụt, không hiện ra và dùng quyền năng để ban cho bất cứ ai đó một phép màu, nếu cá nhân không tìm kiếm phép màu bằng chính nghị lực của mình

Ngô Nguyệt Hữu (ngokinhluan83@gmail.com)
.
.