Nhân chuyến đi với một cựu bộ trưởng và những ý tưởng gợi mở trên đường…

Thứ Bảy, 20/12/2014, 10:55
Mùa tri ân các Thương binh – Liệt sĩ năm nay, tình cờ chúng tôi đã có một chuyến đi hành hương về chiến trường xưa đầy ý nghĩa với nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Ngọc Hoàn. Hơn thế, sau gần một tuần đi thắp hương ở khắp các Nghĩa trang Liệt sĩ thuộc Khu 4 cũ và đọc đường mòn Trường Sơn năm xưa… những ý tưởng chợt nảy ra, gợi mở nhiều điều và chúng tôi xin được mạnh dạn đề xuất.

Từ việc tổ chức bản thảo một cuốn sách…

Giữa năm 2012, tôi có may mắn được Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập Báo Người Cao Tuổi, giới thiệu với Kỹ sư Lê Ngọc Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), để giúp ông tổ chức một cuốn sách nhỏ về cuộc đời mình. Thật ra, đây chỉ là nguyện vọng của bạn bè và người thân trong gia đình, chứ vị Cựu Bộ trưởng vốn tính khiêm nhường, xưa nay rất ít nói về mình, lại chưa muốn vậy.

Hồi đó, sau vài lần tôi được dẫn đến thăm nhà riêng của Kỹ sư Lê Ngọc Hoàn ở phố Trần Quang Diệu, cạnh Gò Đống Đa – Hà Nội; được nhiều lần trò chuyện với phu nhân của cựu Bộ trưởng - bà Phạm Thị Bích Bài, một cựu Thanh niên Xung phong của chiến trường Khu 4 ác liệt năm xưa. Biết tôi cũng là một cựu chiến binh, trước khi làm nghề báo và viết văn, ông bà đã nhanh chóng coi tôi thân thiết như con cháu trong nhà.

 Một lần, Cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn đã điện thoại mời tôi đến dự một buổi tọa đàm về chủ đề “Chữ Việt Cổ và Giáo dục thời Hùng Vương”, của Nhóm nghiên cứu Chữ Việt cổ, do nhà văn Khánh Hoài - Đỗ Văn Xuyền chủ biên; được tổ chức tại nhà riêng của ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ở khu Tập thể Trung Tự… Tôi đã nêu ý kiến đề nghị được làm sách về Kỹ sư Lê Ngọc Hoàn.

Tất cả bạn bè ông đều hoan nghênh và ủng hộ. Vị cựu Bộ trưởng đã đồng ý. Nhưng ông xin chỉ kể về những chuyện mang tính cá nhân, quan hệ trong gia đình; đặc biệt là phần nhớ lại tuổi thơ gian khó, nhớ lại thời bom đạn ác liệt, khi ông bà cùng là Thanh niên Xung phong đi mở đường Trường Sơn… Phần đóng góp của ông trên cương vị Bộ trưởng xin để người khác đánh giá cho khách quan.

Vào dịp kỷ niệm những ngày truyền thống của đất nước, gia đình Cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn thường dành thời gian vào Khu 4 cũ và đi chiến trường xưa, để viếng mộ các nghĩa trang, thắp hương, tưởng nhớ tri ân các liệt sĩ... Mùa tri ân liệt sĩ năm 2014 này, tôi đã được gia đình ông mời đi cùng một chuyến như thế, để kết hợp lấy tư liệu cho cuốn sách nêu trên.

Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội bằng phương tiện xe ô tô 7 chỗ. Xe chạy theo đường Hồ Chí Minh, con đường đã ghi dấu ấn và có sự đóng góp quan trọng của Kỹ sư Lê Ngọc Hoàn, khi ông còn đương nhiệm Bộ trưởng. Trước khi lên đường về lại chiến trường xưa, chúng tôi đã vào thắp hương tại Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) và Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình).

Chỉ trong thời gian chưa đầy một tuần, cả đoàn đã đi hàng chục Nghĩa trang Liệt sĩ, Đài tưởng niệm, hàng ngàn kilomet đường mòn Trường Sơn năm xưa giờ đã thành quốc lộ và tỉnh lộ. Những địa danh như: Đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám Cô, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Ngã Ba Đồng Lộc… đã gợi bao kỷ niệm một thời hoa lửa không thể nào quên…

Trước khi kết thúc chuyến đi, cả đoàn đã dừng lại, để chụp ảnh ở Cột mốc Số 0 đường Hồ Chí Minh - Nơi Kỹ sư Lê Ngọc Hoàn đã phát lệnh khởi công năm nào…

Từ trái qua: Nhà báo Kim Quốc Hoa, vợ chồng cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn và tác giả bài viết thắp hương tại Di tích Bia Tưởng niệm Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc.

Đến ngành Giao thông vận tải nên có bảo tàng!

Trong suốt chuyến đi, Cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn rất kiệm lời nói về mình, nhưng khi đề cập đến vấn đề lịch sử truyền thống của Ngành GTVT, thì ông sôi nổi hẳn: “Thế hệ chúng tôi, thời tuổi trẻ chủ yếu là ở chiến trường và mở đường cho những đoàn xe ra trận…”.

Chúng tôi đã cùng mạnh dạn nêu ý tưởng, và thống nhất là nên kiến nghị với Bộ trưởng đương nhiệm Đinh La Thăng: Chúng ta không nên chỉ bằng lòng dừng lại với các Phòng Truyền thống ở các cơ quan đơn vị, mà cần phải có một Bảo tàng Lịch sử Giao thông Vận tải Việt Nam xứng tầm với truyền thống 70 năm. Lợi thế nhất của Bảo tàng Ngành này là đã có truyền thống lịch sử cả ngàn năm dựng nước và giữ nước, với nhiều hiện vật hình khối lớn hấp dẫn (phương tiện, công cụ chuyên dụng, tàu thuyền, máy bay…) mà các ngành khác không thể có. Muốn vậy, cần sớm phát động một “Cuộc vận động Sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật lịch sử GTVT Việt Nam” trên quy mô cả nước và thậm chí là quốc tế.

Với kinh nghiệm đã có, là tác giả ý tưởng và người khởi xướng các cuộc vận động đầy ý nghĩa: “Sưu tầm và Giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến (2008 – 2010)” của Bộ Quốc phòng; “Sưu tầm và Tuyên truyền Những Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (2012 – 2015)” của Bộ Công an… chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải, xây dựng và tổ chức thực hiện đề án một cuộc vận động tương tự nêu trên. Cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn đã rất tâm đắc với ý tưởng và đề xuất này.

Để ý tưởng về “Cuộc vận động Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật lịch sử GTVT Việt Nam” sớm trở thành hiện thực, ông đã tìm số, rồi nối máy cho tôi nói chuyện trực tiếp với một lãnh đạo đương nhiệm của Văn phòng Bộ GTVT. Chúng tôi đã hẹn sớm gặp nhau, khi điều kiện cho phép để bàn những việc cụ thể...

Nhân đó, ông đã tìm lại trong ví, rồi chuyển giao cho tôi một kỷ vật độc đáo: Đó là một chiếc thẻ “Bảo vệ đặc biệt” do Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cấp, mang số 62B, ngày 6 tháng 9 năm 1997. Một mặt của thẻ có biểu tượng của Lực lượng An ninh Việt Nam và mũi tên xanh; mặt kia, có dòng chữ đỏ, ghi rõ nội dung mang tính mệnh lệnh: “Cho đi ngay, bảo đảm an toàn!”.

Cựu Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn cho biết: Ông mới sử dụng quyền đặc biệt của chiếc thẻ này đúng một lần duy nhất. Đó là vào một ngày cuối tuần và cuối năm 1998. Khi vừa từ nhiệm sở của Bộ về tới nhà riêng, chuẩn bị cùng gia đình ăn cơm tối, thì bất ngờ nhận được điện thoại di động của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tổng Bí thư cho biết: Đoàn công tác của ông trên đường từ Thanh Hóa về Hà Nội, đã bị kẹt xe và tắc đường ở khu vực Thường Tín hàng tiếng đồng hồ. Yêu cầu Lãnh đạo Bộ GTVT có biện pháp giải tỏa ùn tắc ngay!

Cân nhắc rất nhanh trong giây lát, Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn quyết định bấm máy điện thoại cho đồng chí Lê Thế Tiệm (tức Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Thế Tiệm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) đề nghị cho lực lượng phối hợp. Còn ông lên xe ngay tới khu vực Thường Tín.

Khi xe của Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn còn cách Thường Tín khá xa, đã thấy đoàn xe ô tô nối dài hàng cây số, gần như kẹt cứng. Tối hôm đó, thời tiết xấu, đang có mưa nhỏ và từng cơn gió mùa thổi lạnh buốt. Vị Bộ trưởng lập tức bỏ xe ô tô. Không sợ nguy hiểm, ông vẫy một chiếc xe ôm và giục anh này lái xe bằng mọi cách tìm đường tắt, luồn lách đi ngay cho kịp.

Vừa tới nơi, ông rút ngay chiếc thẻ “Bảo vệ đặc biệt”, tự giới thiệu mình, rồi đề nghị các đồng chí Cảnh sát Giao thông giúp đỡ, can thiệp và dẹp đường ùn tắc, tạo điều kiện cho đoàn xe của Tổng Bí thư có thể tiếp tục hành trình…

Và ý tưởng về một công trình văn hóa tâm linh các liệt sĩ CAND…

Chỉ nhờ sau chuyến đi nêu trên, tôi mới nhận ra một điều thiêng liêng: Xét về số lượng các Liệt sĩ và Nghĩa trang, có lẽ Ngành Giao thông Vận tải chỉ đứng sau Quân đội, với rất nhiều Nghĩa trang Liệt sĩ riêng của ngành. Sự hi sinh cống hiến của lực lượng Dân công Hỏa tuyến trong Kháng chiến chống Pháp và Thanh niên Xung phong trong Kháng chiến chống Mỹ là quá lớn, không gì có thể bù đắp được và công việc “đền ơn đáp nghĩa” sẽ không bao giờ là đủ!

Là một cán bộ CAND, tôi chợt bùi ngùi: Cũng là lực lượng vũ trang, tuy đã có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; cùng hàng trăm chiến sĩ hi sinh trong đấu tranh với các loại tội phạm hình sự trong thời bình, nhưng không hiểu sao, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một nghĩa trang riêng nào mang tên Nghĩa trang Liệt sĩ CAND?

Những năm gần đây, hầu như năm nào Lực lượng Công an cũng có những cán bộ chiến sĩ hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm hình sự. Sau lễ truy điệu long trọng, mộ các anh thường được an táng rải rác tại các địa phương. Chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng thiết kế, xây dựng một nghĩa trang riêng và xứng tầm cho các Liệt sĩ CAND; rồi quy tập hài cốt các anh về, với nghi thức thiêng liêng và trang trọng, dành cho những người đã hi sinh vì nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống nhân dân hôm nay!

Bởi thế, vào dịp kỷ niệm 69 năm truyền thống của Lực lượng CAND, tôi đã viết một đề xuất ý tưởng gửi Lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND, về việc cần tổ chức vận động xây dựng Cụm công trình Văn hóa tâm linh mang tên “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” bao gồm: Nghĩa trang Liệt sĩ CAND, Tượng đài “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vườn tượng các Anh hùng Liệt sĩ CAND” và “Đền Thánh Võ”; bằng nguồn kinh phí “Nhà nước và nhân dân cùng làm”… Đồng chí Trung tướng, Anh hùng LĐ Nguyễn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng và đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng, đã nhiệt tình ủng hộ và đồng ý tham gia Ban Vận động cho đề án.

Chúng tôi mơ ước: Các liệt CAND đã hi sinh phòng chống tội phạm sẽ được quy tập hài cốt về một nghĩa trang chung. Để nghĩa trang sống động, ấm cúng và nâng tầm ý nghĩa văn hóa tâm linh, cần xây dựng “Đền Thánh Võ” thờ các Võ tướng có công với nước và các Liệt sĩ CAND. Đền này hoạt động theo tinh thần xã hội hóa, do nhân dân tự nguyện duy trì. Đây cũng là nơi cho thân nhân, đồng đội các Liệt sĩ CAND thắp hương vào các ngày thiêng trong tháng, theo truyền thống của người Việt (mùng Một, ngày Rằm) và ngày giỗ của từng Liệt sĩ CAND đã hi sinh.

Bên cạnh Đền Thánh Võ là Sân khấu ngoài trời, đủ sức chứa cho hàng ngàn người cùng lúc. Đây cũng là địa điểm có thể tổ chức các “Lễ hội Thánh Võ” và các Cuộc thi sáng tác Tượng các Anh hùng liệt sĩ CAND… diễn ra thường niên; do các đơn vị Báo chí – Truyền hình CAND phối hợp tổ chức; nhằm tôn vinh truyền thống thượng võ của các dân tộc Việt Nam nói chung và truyền thống CAND nói riêng.

Chúng tôi tin rằng: Bằng các hoạt động thực tế, sinh động với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, diễn ra hằng năm… sẽ là cách giáo dục truyền thống tốt nhất cho thế hệ trẻ CAND hôm nay và mai sau.

 

Hà Nội, tháng 10 năm 2014

Đặng Vương Hưng
.
.