Nhật Bản: Điều tra mở rộng về dịch bệnh ung thư tuyến giáp

Thứ Năm, 11/10/2012, 21:40

Sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima do sóng thần gây ra vào ngày 11/3/2011, nhiều người dân Nhật Bản luôn nơm nớp lo sợ mắc bệnh ung thư. Đợt xét nghiệm tuyến giáp thực hiện đối với khoảng 80.000 trẻ em ở Fukushima không phát hiện thấy có dấu hiệu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện số 1. Nhưng các chuyên gia cho biết ung thư tuyến giáp chỉ phát triển từ 4 đến 5 năm sau khi bị nhiễm phóng xạ.

Và, theo nhận định của tiến sĩ Fred Mettler - chuyên gia về phóng xạ dẫn đầu cuộc nghiên cứu về những tác hại đến sức khỏe con người sau thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986, nguy cơ ung thư từ thảm họa hạt nhân là rất thấp.

Tháng 6/2011, giáo sư Shunichi Yamashita ở Đại học Y khoa ở Fukushima lãnh đạo cuộc điều tra sức khỏe quy mô về hậu quả của phóng xạ đối với sức khỏe con người. Cuộc điều tra được chia ra làm 2 giai đoạn: lần thứ nhất đối với 38.114 trẻ và lần thứ hai mở rộng đối với 42.060 trẻ khác. Và, một năm rưỡi sau thảm họa hạt nhân, một trường hợp ung thư tuyến giáp chính thức được công bố vào ngày 11/9 vừa qua.

Mặc dù vậy, Edwin Lyman - nhà vật lý làm việc cho Hội Liên hiệp các khoa học liên ngành (UCS), tổ chức chủ trương an toàn hạt nhân - cho rằng việc không phát hiện thấy những dấu hiệu ung thư trong các nghiên cứu điều tra "không có nghĩa là bệnh ung thư không hiện diện ở Fukushima và cũng không có nghĩa là không có gì để quan ngại".

Chính quyền Nhật Bản cũng đã triển khai chương trình nghiên cứu dài hạn đầu tiên để phân tích những tác hại do thảm họa hạt nhân. Tổng cộng khoảng 2 triệu người dân trong khu vực Fukushima sẽ được theo dõi chặt chẽ trong vòng 30 năm tới. Những người bị ảnh hưởng phóng xạ nhận được bảng câu hỏi chi tiết cùng với xét nghiệm tuyến giáp thường xuyên và scan toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, khoảng 360.000 trẻ em dưới 18 tuổi được kiểm tra tuyến giáp 2 năm 1 lần cho đến 20 tuổi và sau đó là 5 năm 1 lần.

Một người dân Nhật Bản được kiểm tra tuyến giáp sau thảm họa hạt nhân.

Bắt đầu từ tháng 2/2012, 60 chuyên gia quốc tế về phóng xạ đã có cuộc bàn luận về những kết quả nghiên cứu ban đầu ở thành phố Vienna nước Áo. Chính quyền Fukushima đã cho phân phối những thiết bị theo dõi phóng xạ cho 280.000 học sinh tiểu học và trung học. Nhiều trẻ chỉ được phép chơi đùa bên ngoài khoảng 2 hay 3 giờ/ngày. Các trường học cũng tiến hành bóc bỏ tầng đất phía trên của sân chơi để giảm bớt nguy cơ độc hại và Bộ Y tế Nhật Bản cũng cung cấp cho các thầy cô sách cẩm nang về phóng xạ.

Được biết sau thảm họa hạt nhân, hàng ngàn trẻ em được sơ tán khỏi Fukushima chủ yếu vì lo sợ phóng xạ. Nhưng Michiaki Kai, giáo sư y tế môi trường Đại học Y khoa Noita, cho biết các xét nghiệm hiện nay cho thấy chỉ có một số công nhân nhà máy điện bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm mà thôi.

Theo các chuyên gia y tế, các tai nạn hạt nhân có nguy cơ cao gây ra bệnh ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, may mắn là bệnh này dễ dàng được chữa khỏi và hiếm khi làm chết người. Ung thư tuyến giáp là bệnh thường xảy ra cho người lớn trên 40 tuổi. Vào tháng 4/2011, Ủy ban khoa học của Liên Hiệp Quốc về ảnh hưởng phóng xạ nguyên tử (UNSCEAR) có báo cáo kết quả điều tra về thảm họa hạt nhân Chernobyl.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ trực tiếp  giữa thảm họa Chernobyl và hơn 6.000 trường hợp mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở trẻ em và thanh niên. Trong khi đó, các nhà khoa học không tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh được thảm họa Chernobyl gây ra các dạng bệnh ung thư khác. Nhưng, mối đe dọa ung thư tuyến giáp có vẻ như rất nhẹ ở Nhật Bản, nơi chính quyền theo dõi mức độ phóng xạ hàng ngày và trẻ em được uống sữa có kiểm soát.

Trẻ em được kiểm tra phóng xạ trước khi bước vào trung tâm sơ tán ở Fukushima, ngày 1/4/2011.

Theo các nhà khoa học, sự sợ hãi của người dân Nhật Bản về bệnh ung thư hiện vẫn chưa được chứng minh bằng bằng chứng khoa học và trong vòng 30 năm tới, người ta gần như không thể xác định được nguyên nhân ung thư bởi vì ngoài phóng xạ còn có rất nhiều yếu tố khác dẫn đến nguy cơ mắc bệnh. Chuyên gia phóng xạ Mỹ Fred Mettler hy vọng thảm họa Fukushima sẽ không làm tăng tỉ lệ mắc bệnh ung thư nói chung ở Nhật Bản và nếu có thì con số là rất nhỏ.

Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ mong muốn chính quyền Nhật Bản có sự minh bạch trong chính sách thông tin về thảm họa hạt nhân Fukushima. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng, hậu quả về mặt tâm lý sau thảm họa là vô cùng lớn: có nhiều người sơ tán bị rơi vào tình trạng stress và trầm uất nặng cần được chữa trị.

Eisuke Matsui - chuyên gia ung thư phổi và cựu giảng viên Đại học Y Gifu - nhận định chính quyền Nhật Bản nên mở rộng điều tra đến những nguy cơ sức khỏe khác do phóng xạ như bệnh tiểu đường, đục thủy tinh thể và bệnh tim

Duy Minh (tổng hợp)
.
.