Nhật Bản: Nỗ lực tẩy độc các nông trại sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima
Sau trận động đất cùng với sóng thần năm 2011 tàn phá Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (hay còn gọi là Fukushima Dai-ichi) nằm ở quận cùng tên trên đảo Honshu và sau đó lan đến Nhà máy Fukushima 2 nằm cách đó 11,4km về phía nam thuộc sự quản lý của Công ty Điện lực Tokyo Nhật Bản (TEPCO) dẫn đến... "thảm họa hạt nhân không có chiến tranh hạt nhân", chính quyền nước này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và nhanh chóng cho sơ tán các khu dân cư quanh những nơi xảy ra sự cố hạt nhân.
Và, cũng kể từ đó, sự mất lòng tin vào thực phẩm Nhật Bản ngày càng tăng cao. Tẩy độc cho các vùng đất nông trại là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và dễ gây nản chí do nguồn ủng hộ tài chính không đủ. Tháng 10/2012, Dự án kiểm tra Đất nông nghiệp (SSP) ra đời với sự tham gia nhiệt tình của các chủ nông trại...
Đây là dự án phối hợp giữa các hợp tác xã tiêu dùng và nông nghiệp dưới sự chỉ đạo của Đại học Fukushima. Mỗi năm, Các Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản Shin Fukushima (JA Shin-Fukushima) thanh toán khoản tiền 20 triệu USD cho dự án. JA Shin-Fukushima cũng cố gắng thuyết phục TEPCO gánh vác gánh nặng tài chính của dự án nhằm để đền bù thảm họa môi trường song đã bị từ chối.
Toàn cảnh nhà máy Fukushima Dai-ichi nhìn từ trên không. |
Sử dụng một thiết bị gọi là "Rocket", các chuyên gia của dự án SSP tiến hành kiểm tra mức độ ô nhiễm phóng xạ của các nông trại. Sau đó, dữ liệu được dùng để thiết lập một bản đồ chỉ ra những khu vực và các mức độ phóng xạ được ghi nhận. Tiến trình này có thể so sánh như công việc của một bác sĩ căn cứ vào những kỹ thuật chẩn đoán để điều trị cho bệnh nhân. Kế đến, những phép tính được thực hiện để đánh giá các loại cây trồng đã hấp thu chất đồng vị phóng xạ phân rã nhanh cesium-134 với tỷ lệ như thế nào nhằm chuẩn bị cho công tác khử nhiễm.
Dự đoán, dự án SSP có thể hoàn tất vào tháng 4/2014. Được chọn lọc cho dự án SSP là 28.392 cánh đồng lúa và 10.058 vườn cây ăn quả. Ngoài công việc thu thập dữ liệu và đánh giá mức độ nhiễm cesium-134, SSP hy vọng sẽ cung cấp cho công chúng thông tin chính xác về những khu vực nào an toàn để sinh sống, từ đó giúp "tái lập" lòng tin của người dân vào chính quyền. Đó là lý do mà các chính quyền địa phương cố gắng thành lập các nhóm kiểm tra đất trồng và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tạo ra "các bản đồ phân bố vật liệu phóng xạ".
Các phương pháp được sử dụng sẽ thay đổi tùy theo từng khu vực khác nhau. Tuy nhiên, để tránh làm phức tạp thêm tình hình, các nhóm kiểm tra từ chối chia sẻ dữ liệu với nhau cho nên dẫn đến việc các bên thiếu tin tưởng nhau. Ngoài ra, việc không chia sẻ dữ liệu bị cho là do các chủ nông trại và các cộng đồng muốn che giấu sự thật về các cây trồng bị nhiễm xạ nhằm mục đích bảo vệ nguồn thu nhập và kinh doanh thực phẩm. Sự thật cho thấy sau thảm họa động đất và sóng thần, các kênh bán lẻ bị sụt giảm doanh thu đáng kể do người tiêu dùng lo sợ về các thực phẩm nhiễm xạ.
Tháng 9/2013, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Lưu trữ MPRA của Đức công bố sách trắng về Nhật Bản với tựa đề "Thảm họa hạt nhân Fukushima tác động đến nông nghiệp và các kênh bán lẻ thực phẩm".
Tài liệu MPRA kết luận: 62% các nông trại bị thảm họa hạt nhân tác động vẫn chưa được phục hồi và còn trong tiến trình khử nhiễm. Thậm chí, 2 năm sau thảm họa Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, 154.148 người dân vẫn còn rời bỏ quê hương. Hiện nay, mặc dù có một số khu vực được cho là đã an toàn cho cuộc sống nhưng vẫn ít có ai dám quay trở về.
Mối lo ngại về an toàn thực phẩm đang tăng ở Nhật Bản. |
Sau 3 năm chống chọi với thảm họa, cho đến nay Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được vấn đề ô nhiễm phóng xạ cực kỳ nguy hiểm. Trong thời gian qua, Cơ quan Điều hành hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã cho nâng cấp báo động lên cấp 3 theo thang quốc tế Sự kiện Phóng xạ và Hạt nhân (INES) bao gồm 7 mức theo tiêu chuẩn quốc tế sau khi khoảng 300 tấn nước (272.152 lít) nhiễm xạ cao trong bồn chứa (được thiết kế chứa 1.000 tấn nước) ở Nhà máy Fukushima 1 được cho là bị rò rỉ ra biển mỗi ngày.
Các xét nghiệm mẫu nước giếng quanh khu vực Nhà máy Fukushima cũng cho thấy mức phóng xạ vẫn còn cao gấp 100 lần mức an toàn cho phép uống được. Theo các báo cáo mới nhất từ Nhà máy Fukushima 1, một số lượng nước nhiễm xạ cao có thể đã ngấm vào đất và rò rỉ ra Thái Bình Dương, đe dọa trực tiếp đến các ngư trường. Để đối phó tạm thời, các công nhân Nhà máy Fukushima đã dùng bao cát phong tỏa bồn chứa để hút nước nhiễm xạ rò rỉ - đây là công việc được đánh giá là vô cùng nguy hiểm cho công nhân.
Ken Buesseler, nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Woods Hole, đã tiến hành phân tích hàng ngàn mẫu cá trong khu vực biển nhiễm xạ và vẫn tìm thấy mức cao cesium-134