Nhật Bản khiến CPTPP không chết yểu!

Thứ Tư, 07/03/2018, 16:49
Với việc công bố toàn văn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và kế hoạch chính thức đặt bút ký vào ngày 8-3 tại Chile, 11 nước thành viên CPTPP đã khẳng định được bản lĩnh cũng như vị thế của mình trong việc làm sống lại hiệp định thương mại, tưởng chừng có thể chết yểu sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này hồi đầu năm 2017.

Nhật Bản đã trở thành quốc gia có công lớn nhất trong việc hoàn tất CPTPP khi thúc đẩy thành công các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn tình hình cũng như bảo toàn phần lớn nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây.

Người tiên phong

Hiếm khi Nhật Bản chủ trì các cuộc đàm phán đa phương, song những gì diễn ra trong năm vừa qua cho thấy rằng sự vắng mặt của Mỹ tại TPP đã giúp Nhật Bản có nhiều “không gian” hơn để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc bảo toàn và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại quy mô toàn khu vực.

Giới phân tích cho rằng có một số lý do quan trọng khiến chính quyền Shinzo Abe muốn nhanh chóng triển khai CPTPP. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này hy vọng CPTPP với những tiêu chuẩn cao có thể trở thành hình mẫu cho nhiều thỏa thuận thương mại đa phương khác, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu, vốn đang “chậm” hơn CPTPP trong việc giải quyết các khúc mắc liên quan đến nhiều vấn đề như cắt giảm thuế, doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ người lao động, thương mại số, nhân quyền và môi trường. CPTPP sẽ củng cố uy tín của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán về RCEP.

CPTPP được thúc đẩy cũng là để chống lại chiến dịch xây dựng các thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) theo tôn chỉ “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Donald Trump. Đảm bảo sự thành công của CPTPP, Nhật Bản muốn nhấn mạnh rằng họ “sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào khác trong các cuộc đàm phán song phương sau đó với Mỹ ngoài những gì đã có trong CPTPP”.

Giới phân tích nhấn mạnh các nước CPTPP cần phải đề ra những điều khoản cho việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận này thay vì chỉ đơn giản là khôi phục TPP. Theo một số chuyên gia, việc Mỹ trở lại TPP là cần thiết để các nguyên tắc của thỏa thuận đạt được tiêu chuẩn cao hơn về tự do hóa, nhất là khi các nước nhất trí các nguyên tắc và tiến hành cải cách ở trong nước để đảm bảo đủ tiêu chuẩn bước chân vào thị trường Mỹ.

Các quan chức thương mại 11 nước thành viên CPTPP trong cuộc họp tại Nhật Bản.

Hợp tác quốc tế có sự tham gia của Mỹ cũng là điều cần thiết để gia tăng áp lực cải cách đối với Trung Quốc. Tokyo hy vọng rằng Washington sẽ tham gia CPTPP khi thỏa thuận này có hiệu lực để không gì khác ngoài mục đích hạ nhiệt các áp lực đòi hỏi phải tham gia đàm phán FTA song phương.

Nhiều nhà ngoại giao Nhật Bản kín đáo cho rằng một trong những mục tiêu quan trọng của CPTPP là “kiềm chế Trung Quốc”, quốc gia luôn muốn có các nguyên tắc thương mại với tiêu chuẩn thấp để bảo vệ các doanh nghiệp và nền công nghiệp nội địa.

CPTPP mới vẫn mang dáng vẻ của TPP

Với tên gọi ban đầu là TPP-11, thỏa thuận đã được đổi thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nội dung dự thảo CPTPP cho thấy 22 điều khoản (trong tổng số hơn 1.000) của TPP đã bị “đình chỉ” chứ không phải bị xóa bỏ. Điều này là nhằm đề phòng việc Mỹ có thể quay trở lại.

Các nội dung bị đình chỉ chủ yếu là trong chương về quyền sở hữu trí tuệ. Một số điều khoản cực đoan mà Mỹ muốn áp đặt (nhưng nhiều quốc gia khác lại không đồng tình) không được triển khai trong CPTPP sắp tới. Hầu hết các điều khoản bị đình chỉ khác đều không quá quan trọng và đa phần nội dung TPP được duy trì trong thỏa thuận mới.

Cụ thể: Tự do hóa đầu tư - Các nước phải mở cửa cho các công ty và nhà đầu tư thuộc các nước thành viên CPTPP. Các đối tượng này có thể hoạt động tương tự các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ nội địa; Bảo vệ nhà đầu tư - Nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện chính phủ nước chủ nhà lên tòa án quốc tế vì thiệt hại quyền lợi, lợi nhuận cùng giá trị tài sản ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai nếu chính phủ đó đưa ra các chính sách về kinh tế, xã hội và môi trường ảnh hưởng đến công việc kinh doanh hay thậm chí là kế hoạch kinh doanh của họ; Mua sắm chính phủ - Chính phủ của hầu hết các quốc gia đang phát triển thường ưu ái doanh nghiệp trong nước khi đấu thầu các dự án cũng như mua sắm nguyên liệu và dịch vụ.

Lợi thế này sẽ giảm bớt khi các doanh nghiệp nước ngoài được đối xử công bằng trong lĩnh vực mua sắm chính phủ theo khuôn khổ CPTPP; Doanh nghiệp nhà nước - tại nhiều quốc gia, SOE đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề kinh tế và xã hội.

Theo các quy định của CPTPP, vị thế này sẽ bị thu hẹp bởi các quy định mới hạn chế hoặc giảm thiểu các lợi thế bất công dành cho SOE, hoặc ngăn SOE trao lại các ưu đãi cho doanh nghiệp địa phương. Điều này nhằm mục đích tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp nước ngoài và SOE; Sở hữu trí tuệ - Mặc dù có một số điều khoản bị đình chỉ, song CPTPP vẫn còn những điều khoản có thể có ảnh hưởng tiêu cực như chi phí thuốc men, thiết bị giáo dục và các nguồn đầu vào cho canh tác nông nghiệp tăng cao.

Tuy nhiên, hiện vẫn cần phải hoàn thành những phân tích về lợi ích của CPTPP, bởi lợi ích chính của TPP (việc mở cửa của thị trường Mỹ) không còn nằm trong các điều khoản CPTPP nữa. Liệu cái giá mà các nước phải trả (khả năng và sự tự do trong việc xây dựng chính sách riêng phù hợp với các ưu tiên và mục tiêu quốc gia) để có được những cơ hội mới nhưng giới hạn hơn trước có đáng hay không?

Câu hỏi này là chính đáng bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, những cơ hội mới bị hạn chế hơn nhiều bởi sự vắng mặt của nhân vật lớn nhất là Mỹ. Thứ hai, xuất khẩu nhiều hơn song song với những dòng nhập khẩu mới, do đó, lợi ích đạt được có thể ít ỏi, hoặc thậm chí là tiêu cực nếu tình trạng nhập siêu diễn ra.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.