Nhật Bản muốn tiên phong “cứu TPP”

Thứ Hai, 19/12/2016, 16:15
Quốc hội Nhật Bản ngày 9/12/2016 đã thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong bối cảnh trước đó, ngày 22/11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, trong một đoạn băng khẳng định sẽ rút khỏi TPP trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Phải chăng nước Nhật muốn “cứu” TPP, đúng như lời Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Nobutera Ishihara được Japan Times trích lời nói rằng: “Nhật Bản cần đóng vai trò dẫn đầu để thông qua hiệp định TPP và tạo ra một lực đẩy trong nội bộ nước Mỹ”.

TPP “sống” giúp Nhật Bản hội nhập sâu

Về phía Nhật Bản, có thể dễ hiểu tại sao nước này thông qua TPP, bởi Nhật Bản, trước hết là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP chính thức được thông qua và thực thi. Chính vì vậy Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không ngừng thúc đẩy 12 nước ký kết TPP thông qua hiệp định này, ngay cả khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không ngừng khẳng định cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP ngay sau khi ông chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào tháng 1/2017.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, TPP giúp Nhật Bản có được vị trí thuận lợi nhất trong cuộc cạnh tranh hội nhập kinh tế khu vực. Bởi, Nhật Bản không chỉ tham gia TPP mà còn tham gia Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), như vậy Nhật Bản là thành viên của cả TPP lẫn RCEP.

Trong khi đó, nếu Mỹ có thay đổi và tham gia TPP thì cả Mỹ hay Trung Quốc cũng chỉ tham gia một trong hai hiệp định kinh tế quan trọng này. Hơn nữa, Nhật Bản còn tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Trung-Hàn-Nhật, mà còn là một bên trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản, và sẽ là một thành viên của Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.

Nếu TPP được thông qua sẽ giúp hàng hóa dễ dàng tới được các nước thành viên. Ảnh: gmipost.com.

Theo lý luận “trung tâm và các vệ tinh” trong các thỏa thuận thương mại tự do, thì Mỹ, EU và Nhật Bản là trung tâm, còn các nước khác đều là các vệ tinh. Do đó, Nhật Bản trở thành quốc gia tham gia hội nhập kinh tế với tất cả các nước trong khu vực.

Không chỉ có vậy, TPP cung cấp cơ chế giúp Nhật Bản thúc đẩy cải cách. Trong khuôn khổ TPP, Nhật Bản xóa bỏ hầu hết mức thuế cho nông nghiệp và gia tăng số lượng hạn ngạch thuế quan, thị trường sản phẩm nông nghiệp được mở cửa. Ngoài ra, TPP giúp Nhật Bản giành được những lợi ích kinh tế nổi trội.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), Nhật Bản sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thành viên TPP. Đến năm 2025, xuất nhập khẩu hàng năm của Nhật Bản sẽ tăng thêm 140 tỷ USD, và GDP hàng năm sẽ tăng thêm hơn 100 tỷ USD. Trước hết, việc nới lỏng các quy định tham gia thị trường của doanh nghiệp Nhật Bản giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Một điều cũng hết sức quan trọng nữa là các lợi thế của Nhật Bản trong chiến lược quốc gia và mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Nhật Bản các nước trong khuôn khổ TPP cũng giúp củng cố quan hệ đồng minh quân sự, quan hệ an ninh-quốc phòng được thắt chặt.

"Thương lượng lại"

Viện Nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích của bà Mireya Solis, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á đề cập đến triển vọng của TPP, trong đó nhấn mạnh, thời gian xem xét TPP đối với Mỹ đã chấm dứt, bởi các nghị sĩ lãnh đạo đảng Cộng hòa khẳng định sẽ không đưa TPP ra bỏ phiếu trong thời gian chuyển giao quyền lực - còn gọi là "giai đoạn vịt què". Nhưng với châu Á thì dường như "công việc" này vẫn tiếp diễn.

Bà Mireya Solis chỉ rõ, tương lai của TPP chỉ có thể là "thương lượng lại" nội dung của hiệp định này. Nhưng việc đàm phán gần như không nằm trong chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump. Khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước thành viên còn lại cần mang lại một "cuộc sống mới" cho TPP. Điều này có thể tác động khiến ông Donald Trump thay đổi trong một giai đoạn nào đó trong nhiệm kỳ.

TPP ngay từ khi bắt đầu được hình thành đã được xác định rất thận trọng về quy mô và tầm vóc. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi bởi kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ. Không nên kết luận ngay rằng một TPP không có Mỹ sẽ là vô giá trị đối với các nước thành viên còn lại. Việc tái khởi động TPP có thể là cách tốt nhất cho các nước thành viên còn lại áp dụng một thực tế mới của thương mại quốc tế.

Bà Mireya Solis phân tích, trong trung hạn, ông Donald Trump muốn thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương hơn các thỏa thuận đa phương. 11 nước còn lại tham gia đàm phán TPP có cơ hội để thương lượng về một thỏa thuận thương mại có thể đảm bảo lợi ích kinh tế của chính họ mà không cần phải nhượng bộ. Trong khi đó, một TPP "mới" có thể tăng cường vai trò của các nước chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản trong các cuộc thương lượng về thương mại trong tương lai.

Thứ hai, việc hồi sinh TPP sẽ giúp các nước thành viên tận dụng được các quy định trong TPP về thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu. Thêm vào đó, việc TPP được thực hiện với các tiêu chí rõ ràng trong việc giảm các chi phí thương mại sẽ có tác động tốt, cổ vũ mở rộng các điều kiện tự do hóa hơn nữa.

Và cuối cùng, theo bà Mireya Solis, nếu “chôn vùi” TPP, những nước thành viên còn lại cũng sẽ vẫn duy trì một giải pháp mở cho sự quay lại của Mỹ. Bởi các công ty Mỹ có lợi ích từ việc thực hiện các quy định của TPP trong khu vực nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng lưu thông các dòng chảy dữ liệu, cải thiện luật cạnh tranh...

Nhiều nước khẳng định tiếp tục theo đuổi TPP

Không chỉ Nhật Bản, nhiều nước đã xác định rõ tầm quan trọng của TPP. Nhiều nước thành viên TPP đã lên tiếng khẳng định tiếp tục đưa hiệp định này đến đích cuối cùng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu rõ: "Nếu các nước thành viên ngừng thủ tục trong nước, thì hiệp định TPP sẽ chết hoàn toàn".

Khẳng định quan điểm sẽ theo TPP tới cùng, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh dù Mỹ có tham gia TPP hay không, các nước thành viên vẫn nhất trí sẽ đưa hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này đến thành công với quyết tâm và thiện chí cao.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Peru Eduardo Ferreyros đã lập tức nêu đề xuất điều chỉnh TPP nhằm cứu vãn hiệp định này sau những tuyên bố của ông Trump. Ông cho rằng mặc dù tuyên bố rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đã thay đổi cục diện, song điều này không đồng nghĩa với việc TPP sẽ bị "khai tử".

Trái lại, theo Bộ trưởng Ferreyros, các nước thành viên vẫn có thể hợp tác để điều chỉnh các điều khoản TPP và sửa đổi một số chi tiết để phù hợp với các nước còn lại.

12 nước thành viên TPP. Ảnh: xeneta.com.

Còn tại Malaysia, một trong những nước tham gia TPP, nước này cũng nhấn mạnh nếu tiến hành sửa đổi một số điều khoản của TPP, hiệp định này vẫn có thể tiếp tục mà không có sự có mặt của Mỹ. Theo Bộ trưởng Công nghiệp và ngoại thương Malaysia, ý định rút khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Trump chỉ là tầm nhìn tạm thời, và có thể vị doanh nhân đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ nhận ra những lợi ích hữu hình của TPP và thay đổi quyết định của mình.

Có thể có TPP mà không có Mỹ?

Nhận thức rõ tầm quan trọng, ảnh hưởng và tác động của TPP với thế giới và khu vực, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao cũng đã hối thúc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi hiệp định này với vai trò đứng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch ADB tuyên bố khu vực này vẫn sẽ xúc tiến các thỏa thuận quan trọng bất chấp quyết định rút khỏi TPP của ông Trump.

Phát biểu tại Manila (Philippines), ông Nakao lưu ý rằng "nếu Mỹ không tham gia, có thể còn rất nhiều cách tiếp cận (thỏa thuận TPP)". Ông viện dẫn Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là các thỏa thuận thương mại khu vực vẫn có thể phát triển được nếu TPP đổ vỡ.

Trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực và chưa có quyết định chính thức về tương lai TPP, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về tương lai của một TPP có thể có trong tương lai mà không có sự tham gia của Mỹ.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói ông hy vọng ông Trump sẽ thay đổi ý định và ủng hộ TPP, hoặc hiệp định này sẽ được duy trì dưới một dạng nào đó. Về phần mình, New Zealand đề nghị nên thương thuyết lại để đạt một hiệp định không có sự tham gia của Mỹ. Còn Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, nước Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt với TPP.

Một số nhà phân tích ở Australia đồng ý với ông Abe, cho rằng TPP được thiết lập dựa trên thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ, nếu Mỹ rút lui, thì hiệp định này coi như tan vỡ. Tuy nhiên, ông Tim Harcourt, một chuyên gia kinh tế của Trường Kinh doanh thuộc Đại học New South Wales, thì cho rằng vẫn có cách có thể hồi sinh hiệp định này.

Những lựa chọn thay thế

Cùng với việc triển vọng của TPP trở nên ảm đạm, các sáng kiến nhất thể hóa kinh tế khu vực khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng bày tỏ hy vọng cùng với các bên liên quan tại Hội nghị phi chính thức các nhà lãnh đạo APEC tại Peru thảo luận hành động tiếp theo, thúc đẩy tiến trình FTAAP không ngừng giành được tiến triển.

Ngoài FTAAP, RCEP cũng được các nước tính tới. Ngày 15/11, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia Mustapha Mohamed cho biết nếu xác nhận được việc TPP không thể thực hiện, Malaysia sẽ tìm kiếm lựa chọn khác. RCEP là một lựa chọn.

RCEP do 10 nước ASEAN phát động, mời Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ cùng tham gia (10+6), với mục đích là thông qua cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, xây dựng hiệp định thương mại tự do có thị trường thống nhất gồm 16 nước. RCEP bao phủ gần 3,5 tỷ người, chiếm khoảng một nửa dân số thế giới; tổng lượng GDP khoảng 23.000 tỷ USD, chiếm gần 30% toàn thế giới; tổng kim ngạch thương mại khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 30% thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop nói: “Chúng tôi cho rằng TPP là biểu hiện kinh tế quan trọng của Mỹ tồn tại ở khu vực chúng tôi, nếu không thể thúc đẩy, thì khoảng trống mà TPP tạo ra rất có thể sẽ do RCEP lấp vào”. Ngoài Australia và New Zealand, Peru cũng đưa ra đề nghị tham gia RCEP, mong muốn trở thành thành viên đầu tiên của khu vực Mỹ Latinh tham gia hiệp định này.

TPP có sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đã chính thức được các bộ trưởng từ 12 quốc gia trên ký kết hồi tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán. TPP hiện đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Nếu có hiệu lực, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Hòa
.
.