Nhật Bản trong chiến lược tiểu vùng sông Mekong

Thứ Ba, 12/03/2019, 16:49
Kể từ sau Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 hồi tháng 10-2018 tại Tokyo, Nhật Bản ngày càng thể hiện rõ thái độ và bày tỏ mong muốn can dự nhiều hơn vào khu vực này. Khu vực Đông Nam Á trong đó có 5 nước tiểu vùng sông Mekong được đánh giá là một trong những khu vực sôi động và có tiềm năng phát triển kinh tế nhất trên thế giới hiện nay.

Chiến lược dài hơi

Tuy về địa lý Nhật Bản không có lợi thế liền thổ, song từ lâu nay đất nước mặt trời mọc vẫn tỏ rõ thiện chí và thái độ, cụ thể là các chiến lược đầu tư, để tìm cách có mặt ngày càng nhiều hơn ở khu vực này. Bắt đầu từ năm 1991, Nhật Bản thành lập dự án khai thác tiểu vùng sông Mekong bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Tháng 12-2003, Nhật Bản tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt lần đầu tiên với 10 nước ASEAN, cam kết sẽ hỗ trợ 1,5 tỷ USD trong 3 năm cho 5 nước tiểu vùng sông Mekong phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Nhật Bản còn là nước đưa ra quan điểm mới về phát triển khu vực sông Mekong.

Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 3 đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018.

Năm 2007, Nhật Bản công bố kế hoạch quan hệ đối tác Nhật Bản – khu vực sông Mekong, đưa ra chính sách hợp tác mới bao gồm 3 mục tiêu, 3 trụ cột lớn mới và 3 biện pháp mới mà trọng tâm của nó là phải thông qua mô hình hỗ trợ phát triển “ba hợp một” giữa hỗ trợ, thương mại và đầu tư, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong, tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của nước này trong khu vực.

Năm 2008, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức ở Tokyo đã xác lập quan điểm chủ yếu tăng cường hợp tác với trọng tâm “tin tưởng, phát triển và ổn định”. Năm 2009, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức ở Tokyo, hợp tác Mekong – Nhật Bản đã đi đến cơ chế hóa. Từ đó đến nay, hai bên đã lần lượt thông qua Chiến lược Tokyo 2012, Chiến lược Tokyo mới 2015 và Chiến lược Tokyo 2018 để dẫn dắt hợp tác Mekong – Nhật Bản trong 3 năm tiếp theo.

Ý đồ chiến lược của Nhật Bản can dự vào hợp tác của khu vực sông Mekong ngày càng rõ rệt, đó là bảo đảm lợi ích kinh tế của Nhật Bản và phát huy vai trò chủ đạo trong quan hệ kinh tế chính trị. Diện tích lãnh thổ của 5 nước tiểu vùng sông Mekong là gần 1,94 triệu km2, với dân số vào khoảng 240 triệu người, có nguồn tài nguyên phong phú. Đây cũng là khu vực Nhật Bản hướng tới với nguồn nguyên liệu phong phú và thị trường xuất khẩu quan trọng.

Những năm gần đây, với những chính sách liên tục đẩy mạnh mức độ cải cách mở cửa, kinh tế tăng trưởng nhanh, mức tiêu thụ trong nước tăng lên, mức độ trao đổi kết nối được nâng cao và có nhu cầu thị trường rất lớn trên các phương diện như cơ sở hạ tầng, y tế và kinh tế xanh… nên sức hút của khu vực này với tư cách là thị trường xuất khẩu, đối tượng đầu tư và thị trường tiêu thụ tăng lên đáng kể.

Tiểu vùng sông Mekong đang được đánh giá là khu vực có nền kinh tế năng động với nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác hấp dẫn.

Trái lại, Nhật Bản cũng như một số nước phát triển khác, đang phải đối diện với khủng hoảng xã hội do vấn đề già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng, sức lao động và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm xuống. Từ khi nhậm chức thủ tướng lần thứ hai đến nay, ông Shinzo Abe lấy ngoại giao để thúc đẩy kinh tế, coi việc đầu tư 30.000 tỷ yen cho cơ sở hạ tầng nước ngoài vào trước năm 2020 là trụ cột quan trọng của chiến lược tăng trưởng kinh tế, nỗ lực mở rộng thị trường ở nước ngoài của Nhật Bản.

Khu vực này không chỉ là thị trường quan trọng để Nhật Bản xuất khẩu các sản phẩm cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà còn là khu vực quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản thúc đẩy chiến lược “Thái Lan + 1” – mở rộng ưu thế kinh tế trước đây xây dựng ở Thái Lan đến các nước láng giềng khác – ưu hóa bố cục đầu tư ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường vai trò đầu mối then chốt của vận tải trên biển và trên đất liền, xây dựng trụ cột xuất khẩu hướng ra toàn cầu.

Liên tục đổi mới

Chiến lược Tokyo 2018 đã xác định các nước tiểu vùng sông Mekong là trung tâm của thị trường mới nổi rất lớn ở châu Á, đồng thời trên cơ sở ban đầu thông qua biện pháp cứng và mềm tăng cường sự kết nối của khu vực này, đề xuất phải tăng cường trao đổi kết nối trên phương diện ngành nghề trong đó có thúc đẩy đầu tư và phát triển đặc khu kinh tế, những điều này đã thể hiện rõ ý đồ chiến lược của Nhật Bản coi khu vực sông Mekong là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Lâu nay, Nhật Bản luôn dốc sức chuyển hóa ảnh hưởng kinh tế thành ảnh hưởng chính trị, nâng cao quyền phát ngôn trong các công việc của khu vực Đông Nam Á, giành lấy sự ủng hộ của các nước đối với việc Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tìm kiếm địa vị nước lớn về chính trị.

Từ năm 2013 đến nay, ông Abe được cho là tích cực thúc đẩy quan hệ ở khu vực này, tuyên truyền các quan niệm hỗ trợ của Nhật Bản như an toàn của con người và nỗ lực tự giúp mình, mở rộng phương thức hỗ trợ, giành lấy quyền chủ đạo và quyền phát ngôn trong hợp tác chính trị, kinh tế ở khu vực.

Một trong những động thái khá rõ của Nhật Bản nói chung đó là tìm cách giành lấy sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với việc nước này chuyển đổi mô hình an ninh. Đặc biệt, trong xây dựng chương trình nghị sự, Nhật Bản liên tục tăng thêm các nội dung liên quan đến tình hình quốc tế và an ninh khu vực, đưa các vấn đề như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tự do hàng hải ở Biển Đông, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào thảo luận, tăng cường hợp tác an ninh với các nước trong khu vực. Những điều này đã chứng tỏ ý đồ chiến lược của Nhật Bản muốn mở rộng ảnh hưởng an ninh và chính trị ở khu vực này, bên cạnh các lợi ích kinh tế thấy rõ.

Ngã ba sông biên giới Lào – Thái Lan – Myanmar thuộc tiểu vùng sông Mekong trong chiến lược hợp tác của Nhật Bản.

Chiến lược Tokyo 2018 cũng đã đưa ra 3 trụ cột lớn mới của hợp tác Mekong – Nhật Bản, nội hàm của nó cũng được đánh giá là rất phong phú, trong đó có thực hiện sự kết nối có hiệu quả, xây dựng xã hội lấy con người làm trung tâm, thực hiện vùng sông Mekong xanh. Chiến lược này còn đề xuất việc thực hiện kế hoạch hành động sau này phải kết hợp với Chương trình phát triển bền vững 2030 của Liên Hiệp Quốc; thực hiện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở; chiến lược hợp tác kinh tế ba con sông Ayeyarwaddy – sông Mekong – sông Chao Phraya.

Xem xét quá trình 10 năm phát triển của Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Nhật bản có thể nhận thấy kết hợp sự thay đổi của môi trường chiến lược quốc tế và nhu cầu chiến lược phát triển kinh tế chính trị trong nước, Nhật Bản đã liên tục đổi mới con đường hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong và điều này rõ ràng mang đến lợi ích cho cả hai phía.

Điều đầu tiên, Nhật Bản không ngừng đẩy mạnh mức độ hỗ trợ chiến lược. Mức hỗ trợ cho 5 nước tiểu vùng sông Mekong với kỳ hạn 3 năm mà Nhật Bản đưa ra kể từ hội nghị cấp cao lần thứ nhất đang tăng dần lên, tăng từ 500 tỷ yen năm 2012 lên 750 tỷ yen năm 2015. Còn tại hội nghị lần 3, ông Abe tuy không đưa ra mức hỗ trợ cụ thể, nhưng hai phía đã xác định 3 năm tới sẽ tận dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản để tiến hành hợp tác trong hơn 150 dự án lớn nhỏ, vượt xa kế hoạch hợp tác 63 dự án mà năm 2009 đã đạt được.

Hiện nay, Nhật Bản đã trở thành nước hỗ trợ lớn nhất của cả 5 nước tiểu vùng sông Mekong. Và theo khẳng định của người đứng đầu chính quyền Nhật Bản, thì sự hỗ trợ kinh tế này vẫn sẽ còn tăng lên nữa, đồng thời nhấn mạnh hơn nữa sự phân phối mang tính chiến lược của nguồn vốn ODA trong các vấn đề có tính thời sự như nâng cao năng lực an ninh trên biển hay giúp đỡ cải cách hành chính công, hoàn thiện hệ thống pháp luật…

Một trong những sự khác biệt từ những dự án đầu tư đến từ Nhật Bản, đó là luôn chú trọng vấn đề chất lượng cao và coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường như là một cách để tỏ rõ sự khác biệt đối với những hoạt động đầu tư của nhiều nước khác chỉ mang tính khai thác là chính. Từ khi đề xuất lấy châu Á làm trọng điểm để thúc đẩy quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao vào năm 2015 đến nay, ông Abe không những nhấn mạnh phải tăng cường xuất khẩu cơ sở hạ tầng chất lượng cao, mà còn nhấn mạnh phải thực hiện tăng trưởng chất lượng cao ở khu vực sông Mekong.

Chiến lược Tokyo 2018 đề xuất phải coi sự mở cửa, minh bạch, khả thi về kinh tế, coi trọng trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, sự kiện toàn tài chính của nước được hưởng làm tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cũng như cùng phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao với 5 nước tiểu vùng sông Mekong.

Công nhân đóng gói hàng hóa trong một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản tại khu kinh tế đặc biệt ở Phnom Penh, Campuchia.

Ngoài ra, Nhật Bản còn dự định nâng cấp sáng kiến “Thập kỷ Mekong xanh” đến kỳ hạn vào năm nay,  2019 thành sáng kiến Mekong – Nhật Bản hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, phát huy vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực.

Cuối cùng, đó là chính sách coi trọng giao lưu thanh niên, hướng tới thế hệ tương lai của cả 2 bên. Nhật Bản luôn coi trọng giao lưu thanh niên với các nước Đông Nam Á nói chung, trong đó có các nước tiểu vùng sông Mekong. Thông qua việc thu hút lưu học sinh các nước, thực hiện chương trình giao lưu thanh thiếu niên, trực tiếp phát triển sự nghiệp giáo dục tiếng Nhật Bản ở Đông Nam Á, nỗ lực tạo ra một thế hệ nhân tài mới hữu nghị với Nhật Bản.

Chiến lược Tokyo 2018 đề xuất Nhật Bản sẽ đào tạo cho 5 nước tiểu vùng sông Mekong 30.000 nhân tài thuộc các ngành nghề trong 3 năm tới, đồng thời lấy năm giao lưu thanh niên Mekong – Nhật Bản vào năm 2019 và Thế vận hội mùa hè vào năm 2020 làm cơ hội, thúc đẩy giao lưu nhân viên đi vào chiều sâu hơn nữa.

Thành quả và triển vọng

Tóm lại, cùng với việc đẩy mạnh mức độ đầu tư của Nhật Bản, quan hệ Mekong – Nhật Bản giành được tiến triển nhất định. Tại hội nghị cấp cao lần 3 vừa rồi, Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ nâng cấp mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong thành quan hệ đối tác chiến lược.

Điều này rõ ràng một mặt dựa vào quan hệ kinh tế song phương giành được những tiến triển vượt bậc, mặt khác đó là hình tượng quốc gia và ảnh hưởng chính trị của Nhật Bản ở khu vực này không ngừng tăng lên. Kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng sông Mekong tăng từ 52,6 tỷ USD năm 2009 lên 89,4 tỷ USD năm 2017.

Mức đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào 5 nước này trong 3 năm qua cũng đạt hơn 2.000 tỷ yen. Cơ sở hạ tầng được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản cũng như việc đơn giản hóa thủ tục hải quan đều đã phát huy vai trò thúc đẩy tích cực cho khu vực sông Mekong tăng cường kết nối trong nội bộ và với bên ngoài.

Năm 2018, đã có hơn 4.300 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong, tăng 30% so với năm 2014. Bên cạnh đó là thương hiệu của Nhật Bản và sức mạnh mềm quốc gia cũng ngày càng thể hiện rõ. Các nước đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trước đề xuất mạnh mẽ của Nhật Bản, chiến lược Tokyo 2018 đã bao gồm và được thống nhất các nội dung như các nước cùng thúc đẩy việc thực hiện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, xác định rõ tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy tự do hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.