Nhật Bản với chiến lược an ninh kinh tế

Thứ Năm, 25/06/2020, 19:20
Chính phủ Nhật Bản cho biết đã thành lập Tổ kinh tế mới trực thuộc Cục Đảm bảo an ninh quốc gia (NSS) phụ trách tổng hợp chính sách ngoại giao và đảm bảo an ninh, thực hiện quản lý thống nhất đối với các vấn đề kinh tế có liên quan, thông qua cơ quan này để tăng cường mô hình quản lý tập trung, xây dựng chính sách ngành nghề mang tính chiến lược từ góc độ an ninh quốc gia.

Được biết, cơ quan này được thành lập dựa trên sự tham khảo cơ chế của Ủy ban Kinh tế quốc gia Mỹ (NEC).

Bối cảnh của sự việc trên là cuộc đọ sức quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực thương mại và công nghệ cao khiến Nhật Bản nhận thức được vấn đề kinh tế và công nghệ luôn gắn chặn với lĩnh vực ngoại giao và đảm bảo an ninh. Để đảm bảo an ninh quốc gia, phải thống nhất và nhanh chóng xây dựng đối sách kinh tế. Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn thông qua xây dựng chiến lược đảm bảo an ninh kinh tế chủ động hơn để đẩy nhanh việc chuyển đổi chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Nhật Bản xưa nay vẫn được đánh giá là một đất nước coi trọng việc đảm bảo an ninh kinh tế. Vào cuối những năm 1970, học giả Mỹ Joseph Nye Jr đưa ra ý tưởng an ninh kinh tế tập thể, kêu gọi các nước cùng ứng phó với khủng hoảng năng lượng và lương thực. Chính phủ Nhật Bản hưởng ứng tư duy đảm bảo an ninh kinh tế của Mỹ, đề xuất khái niệm đảm bảo an ninh chung, phương châm chủ yếu là dựa vào biện pháp kinh tế để duy trì và tăng cường chức năng của hệ thống quốc tế, đảm bảo cung cấp ổn định các loại vật tư hàng hóa quan trọng, coi trọng vai trò của công nghệ...

Cơ chế đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật vẫn là "trục cơ bản để đảm bảo an ninh" đồng thời cũng là trụ cột trong chính sách an ninh kinh tế của Tokyo.

Căn cứ vào khái niệm đảm bảo an ninh chung với trung tâm là bảo đảm an ninh kinh tế, Nhật Bản đã xây dựng các chính sách đối ngoại. Một là coi viện trợ phát triển của chính phủ (ODA) là biện pháp quan trọng để triển khai ngoại giao cộng đồng, tích cực phát triển quan hệ đối ngoại, hai là triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao năng lượng, đảm bảo nguồn cung năng lượng ở trong nước, đồng thời xây dựng hệ thống dự trữ chiến lược để ứng phó với thiếu hụt năng lượng và đẩy mạnh việc khai thác những công nghệ năng lượng mới và sử dụng năng lượng thay thế.

Ba là tìm cách tham gia các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, hiệp định đối tác kinh tế (EPA), phát triển "đồng minh kinh tế" và tăng cường mở rộng đầu tư ở nước ngoài, xây dựng thực lực đảm bảo an ninh kinh tế.

Cuối năm 2013, trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai, ông Shinzo Abe đã công bố Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia và thành lập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) và NSS trực thuộc NSC, sau đó thành lập 2 cơ chế lớn là hội nghị 4 quan chức cấp cao với hạt nhân là Thủ tướng, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Chánh Văn phòng nội các cấu thành NSC, nắm quyền lực xử lý tình trạng khẩn cấp và những vấn đề mang tính chiến lược.

Tiếp theo đó là hội nghị 9 quan chức cấp cao bao gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Chánh Văn phòng nội các, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia... tham dự để đánh giá tổng hợp và quyết định phương châm cơ bản về quốc phòng và những vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh, thống nhất giám sát và quản lý vấn đề an ninh của các bộ, ngành. Là cơ quan trụ cột hoạch định chính sách cao nhất, NSS có thể coi là công cụ nền tảng để điều phối thông tin tình báo, hình thành chính sách và quản lý khủng hoảng.

Tổ kinh tế nằm trong NSS sẽ phụ trách việc thống nhất xây dựng quy hoạch chiến lược và chính sách pháp luật trên lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Theo các nguồn thạo tin, tổ kinh tế này sẽ được biên chế khoảng 20 quan chức đến từ các bộ, ngành khác nhau như Bộ Kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Nội các và cơ quan cảnh sát...

Nhật Bản cũng được cho là đã chủ động thực hiện một số biện pháp kinh tế mang tính chiến lược để hỗ trợ mục tiêu chính trị. Cuộc xung đột thương mại mới đây với Hàn Quốc được cho là một trong những biện pháp mạnh của chính quyền ông Shinzo Abe. Bên cạnh đó, Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách ngoại giao viện trợ tại Đông Nam Á.

Thực tế thì đây là hoạt động "đôi bên cùng có lợi" và người Nhật đã biết tận dụng nó. Các nước ASEAN có nhu cầu rất lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhật Bản đã tích cực thông qua cơ chế ODA để cung cấp vốn và công nghệ cho khu vực này, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vốn của doanh nghiệp Nhật Bản ở Đông Nam Á.

Trong tình hình dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế, Chính quyền ông Abe đã đưa các gói chính sách khẩn cấp với quy mô lớn chưa từng có tiền lệ, tích cực thông qua biện pháp kinh tế để duy trì an ninh chung của đất nước, bảo đảm kinh tế xã hội vận hành ổn định, như là xu hướng chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế của Nhật Bản. Tuy đại dịch đã gây trở ngại nhất định tới tình hình chung, song lại có vẻ như giúp Nhật Bản nhanh chóng công bố chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế mang tính chủ động hơn.

Đó là việc tăng cường có trọng điểm các biện pháp phòng vệ, thúc đẩy hợp tác xuyên quốc gia, kiện toàn cấu trúc và cơ chế bảo đảm an ninh kinh tế xung quanh các khía cạnh như an ninh thông tin và nhân tài trong công nghệ cao, quản lý xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng, đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản.

Cơ chế đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật là "trục cơ bản để đảm bảo an ninh" của Nhật Bản, đồng thời cũng là trụ cột trong chính sách an ninh kinh tế của Tokyo. Do đó, hai lĩnh vực kinh tế và an ninh trong đảm bảo an ninh của Nhật Bản là "ngọn giáo" và "tấm khiên". Tấm khiên là đồng minh quân sự Nhật - Mỹ, đảm bảo an ninh lãnh thổ. Ngọn giáo là đảm bảo an ninh kinh tế, xây dựng môi trường bên ngoài có lợi.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.