Nhiều khu đô thị “trắng” trường công lập

Thứ Ba, 27/08/2013, 16:40

Thiếu trường công lập, trong khi đất quy hoạch xây trường thì bỏ hoang cho cỏ mọc là câu chuyện không mới, nhưng luôn là vấn đề thời sự tại các khu đô thị (KĐT) mới trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng nói là nhiều KĐT đã đi vào hoạt động hàng chục năm nhưng chủ đầu tư vẫn không xây trường, thậm chí ngay cả khi chính quyền địa phương đề nghị bàn giao lại diện tích đất này để địa phương xây dựng trường từ vốn ngân sách nhưng chủ đầu tư cũng không bàn giao… 

Khu đô thị kiểu mẫu cũng trống trường công lập

Khởi công xây dựng từ năm 1997 với quy mô 200 ha, KĐT mới Linh Đàm (quận Hoàng Mai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, gồm 3 dự án thành phần: Khu nhà ở Bắc Linh Đàm, Khu nhà ở bán đảo Linh Đàm và Khu nhà ở Linh Đàm, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Theo quy hoạch, KĐT Linh Đàm có quy mô dân số 25.000 người; tổng diện tích sàn nhà ở: 990.000m2. Từ nhiều năm nay, Linh Đàm luôn là biểu tượng thành công của HUD trong việc đầu tư xây dựng KĐT mới, bởi sau thành công của dự án này, HUD đã triển khai nhiều dự án KĐT mới ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.

Vì vậy, ngày 22/1/2009, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký Quyết định số 74/QĐ-BXD công nhận KĐT mới Linh Đàm là KĐT mới kiểu mẫu. Ngày 8/7/2009, tại KĐT mới Linh Đàm, HUD đã tổ chức Lễ đón nhận Quyết định công nhận KĐT kiểu mẫu và Lễ gắn biển Công trình "Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Nhưng, mặc dù là KĐT kiểu mẫu với số dân sinh sống lên tới cả vạn người, nhưng ở KĐT Linh Đàm, các công trình hạ tầng xã hội, công trình công cộng lại không được triển khai xây dựng đồng bộ với nhà ở. Theo báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội công bố tháng 4/2013 thì tại đây "hầu hết các dự án chỉnh trang, hệ thống cây xanh hiện mới đang triển khai, hạ tầng xã hội triển khai chậm, đặc biệt là trường học chưa triển khai thực hiện". 

Hệ quả của tình trạng này là các gia đình có con trong độ tuổi đi học ở Linh Đàm phải chấp nhận hai phương án: nếu muốn con học gần nhà thì cho con vào học ở trường quốc tế Bill Gate ngay trong KĐT nhưng học phí không dễ chịu, hoặc chỉ có cách xin học trái tuyến trong các trường của phường Đại Kim, Hoàng Liệt.

Cách Linh Đàm không xa, nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, kề cận giữa quốc lộ 1A và 1B, KĐT mới Pháp Vân -  Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng do HUD làm chủ đầu tư được khởi công năm 2002 với tổng diện tích 51 ha; quy mô dân số: 6.700 người; tổng diện tích sàn nhà ở: 235.000m2 hiện cũng đã cơ bản hoàn thành nhưng cũng đang trong tình trạng "trắng" trường công lập.

Theo thống kê của UBND quận Hoàng Mai, trên địa bàn quận hiện có các KĐT: Đại Kim - Định Công, Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Đền Lừ, Vĩnh Hoàng, trong đó hiện duy nhất KĐT Đền Lừ có trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS), còn lại hầu hết các KĐT chưa có trường công lập. Ngoài ra trên địa bàn quận có rất nhiều dự án chung cư đã đưa vào sử dụng và hàng loạt dự án xây dựng nhà cao tầng của các chủ đầu tư đang triển khai đã gây áp lực thiếu lớp học trên địa bàn quận.

Do các KĐT đều thiếu trường học hoặc chủ yếu chỉ là trường dân lập dẫn đến các trường công lập xung quanh đó phải "gánh" thêm số lượng học sinh từ các KĐT dẫn đến quá tải.

Mấy năm trước, do số lượng học sinh tăng đột biến bởi đều là con em các gia đình sống tại các KĐT mà Trường tiểu học Định Công đã phải xin kinh phí xây thêm cả 1 tòa nhà 3 tầng thì mới có chỗ để nhận thêm học sinh.

Nhưng, không chỉ các KĐT mới ở Hoàng Mai mới có tình trạng này. Hiện KĐT mới Thạch Bàn (quận Long Biên) cũng không có trường công lập.

Tại huyện Từ Liêm, các KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 cũng đang trong tình trạng đất xây trường bị bỏ hoang.

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị huyện Từ Liêm, KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh do Công ty Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, mặc dù đất quy hoạch để xây dựng trường học với tổng diện tích hơn 12.000m2 đã được giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư cũng bỏ hoang nhiều năm. KĐT mới Nghĩa Đô cũng vậy, mặc dù có quỹ đất để xây trường mẫu giáo, tiểu học, THCS với tổng diện tích hơn 15.000m2 nhưng hiện vẫn đang bỏ không. 

Tại xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) nơi từ nhiều năm nay có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Hà Nội với khoảng 50 khối nhà chung cư cao tầng, bởi ngoài những dự án chung cư đơn lẻ xen kẽ với khu dân cư còn có 2 KĐT mới: Mỹ Đình 1 (có tổng diện tích hơn 22 ha, quy mô dân số khoảng 9.000 người, do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư) và Mỹ Đình 2 (có diện tích 26 ha; quy mô dân số: 5.540 người, khởi công năm 2002 và hoàn thành năm 2006, do HUD làm chủ đầu tư) với dân số hàng vạn người. Điều đáng nói là dân số rất đông như vậy  nhưng ở cả hai khu đô thị này không hề có trường công lập nào mà chỉ có các trường dân lập với học phí rất cao và không phải ai muốn cho con vào học cũng được vì phải tuyển đầu vào với số lượng rất hạn chế.

Trong khi rất nhiều nhà cao tầng mọc lên với hàng vạn người sinh sống ở Linh Đàm thì các công trình hạ tầng xã hội lại triển khai rất chậm.

"Cuộc chiến" giành đất xây trường giữa chính quyền và chủ đầu tư  

Với mục tiêu đầu tư, phát triển mạng lưới trường, lớp đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân; xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo; mạng lưới trường học của các cấp, các ngành ở Hà Nội phải đảm bảo

Khả năng phục vụ học sinh học và hoạt động 2 buổi/ ngày tại trường cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và phát triển các trường học có bán trú; giảm dần số học sinh bình quân trên lớp… ngày 12/7/2012, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký quyết định số 3075 phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", trong đó đề ra chỉ tiêu: mỗi xã, phường thị trấn, KĐT có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học công lập và 1 trường THCS công lập. 

Do thời gian gần đây Hà Nội đô thị hóa quá nhanh và dân số cơ học tăng ở một số khu vực nội thành và KĐT (số dân trên địa bàn phường quá đông) dẫn đến thiếu cục bộ một số trường mầm non, tiểu học, THCS công lập. Vì vậy, tại Quyết định 3075, UBND TP Hà Nội đã đề xuất giải pháp đến năm 2030 Hà Nội cần xây mới 1.215 trường học các cấp và đề xuất ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học…

Hà Nội hiện có khoảng 152 KĐT mới (có quy mô trên 20ha), với diện tích khoảng 44.406 ha, dân số khoảng 2 triệu người. Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, tại 10 KĐT mới (khoảng 466 ha) đã đưa vào sử dụng, gồm: Yên  Hòa, Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mỹ Đình- Mễ Trì (huyện Từ Liêm); Dương Nội, Văn Quán - Yên Phúc, Văn Phú (quận Hà Đông); Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai); Thạch Bàn (quận Long Biên) trong khi một số chủ đầu tư đã bàn giao đất cho UBND các quận, huyện để triển khai xây trường công lập thì tại KĐT mới Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2, tuy dân số rất đông nhưng không hề có trường công lập. Mặc dù UBND thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư bàn giao diện tích đất đã quy hoạch xây trường học cho UBND huyện Từ Liêm đầu tư xây trường nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện. 

Vì sao lại có chuyện lạ lùng này? Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Đỗ Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Từ Liêm, cho biết: theo Quyết định 5123/QĐ-UB ngày 25/7/2002 của UBND TP Hà Nội, khu đất ký hiệu 2.B.VIII diện tích khoảng 6.607m2 tại KĐT Mỹ Đình 1 (do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư) được quy hoạch là trường học.

Đầu năm 2012, UBND huyện Từ Liêm và Tổng công ty đã làm việc và thống nhất để xây dựng trường công lập. Tại buổi làm việc này đã thống nhất phía Tổng công ty sẽ xin ý kiến Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng trường công lập để phục vụ nhân dân của KĐT  và khu vực liền kề. Trước ngày 15/6/2012, nếu Bộ Quốc phòng không bố trí được ngân sách để đầu tư xây dựng thì sẽ bàn giao lại UBND huyện khu đất trên để huyện xây trường công lập theo quy định.

Ngày 18/6/2012, UBND huyện Từ Liêm có văn bản đôn đốc chủ đầu tư có ý kiến bằng văn bản về việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng với khu đất có ký hiệu 2.B.VIII để UBND huyện có căn cứ báo cáo UBND thành phố nhưng không nhận được phản hồi. Ngày 8/8/2012, UBND huyện Từ Liêm tiếp tục gửi công văn đề nghị chủ đầu tư trả lời về việc triển khai thực hiện đầu tư. Tuy nhiên cũng không nhận được phản hồi.

Ngày 8/1/2013, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 265/UBND-KH&ĐT, trong đó yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất ký hiệu 2.B.VIII cho UBND huyện Từ Liêm đầu tư xây dựng trường công lập. Thực hiện chỉ đạo này, ngày 21/3/2013, UBND huyện Từ Liêm tiếp tục phát văn bản lần thứ 3 yêu cầu Tổng công ty bàn giao cho UBND huyện khu đất trên trước ngày 5/4/2013. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Tuấn cho tới thời điểm này mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ".      

Tại KĐT Mỹ Đình 2 (do HUD làm chủ đầu tư) cũng vậy. Do tại đây chỉ có các trường dân lập với mức học phí rất cao nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế cho con theo học. Vì vậy, ngày 7/6/2012, Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh đã ký văn bản báo cáo việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thuộc các KĐT trên địa bàn huyện. Trong đó, ông Vinh khẳng định theo Quyết định số 72 năm 2002 của UBND TP. Hà Nội, khu đất CC3 diện tích khoảng 8.363m2, chức năng sử dụng là đất công cộng cấp thành phố và khu vực. Tuy nhiên, ngoài 1.700m2 xây dựng làm văn phòng Ban Quản lý dự án (QLDA) và trạm điện, diện tích còn lại HUD đã chuyển nhượng từ năm 2007 cho 3 doanh nghiệp khác.

Tháng 9/2012, trong công văn gửi UBND TP Hà Nội và Sở Kế hoạch- Đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư đã "đề nghị UBND thành phố xem xét và yêu cầu HUD bàn giao lại cho UBND huyện khu đất CC3 đã được giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 5 năm và đã được chuyển nhượng cho 3 chủ đầu tư khác không đúng quy định (chủ đầu tư chưa triển khai hoàn thiện các thủ tục về đất đai và đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật) để UBND huyện đầu tư xây dựng trường học công lập nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của nhân dân". 

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, đầu năm 2013, UBND TP có văn bản giao Thanh tra thành phố và Sở Tài nguyên Môi trường cùng UBND huyện và các đơn vị liên quan rà soát việc sử dụng đất tại khu đất CC3 này và cho đến nay vẫn chưa có kết luận nên mọi việc vẫn còn phải chờ. 

Không chỉ ở Từ Liêm, tại quận Hoàng Mai, sau khi tiến hành rà soát các ô đất theo quy hoạch xây dựng trường học đã được giao chủ đầu tư nhưng hiện nay vẫn để trống chưa đầu tư, mới đây UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản báo cáo thành phố và các sở, ngành liên quan xem xét thu hồi giao cho quận làm chủ đầu tư và đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Trong đó tại KĐT dịch vụ tổng hợp hồ Linh Đàm do HUD làm chủ đầu tư, UBND quận đề nghị thu hồi hai ô là: ô đất mầm non A8NT1, diện tích 2.159m2 và ô đất mầm non A9NT3, diện tích 1.060m2.

3 ô đất tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng do HUD làm chủ đầu tư, gồm: ô đất mầm non B13NT3, diện tích 3.909m2; ô đất tiểu học B13TH1, diện tích 14.000m2; ô đất THCS B13NT2, diện tích 10.870m2.

Với hy vọng được nghe quan điểm của chủ đầu tư 2 KĐT Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2 trước đề xuất của chính quyền huyện Từ Liêm và quận Hoàng Mai, ngày 8/8 vừa qua, chúng tôi đã liên hệ làm việc. Khi liên hệ với ông Cầm Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HUD, ông Chánh văn phòng cho biết việc này phải làm việc với ông Tuấn, Giám đốc Ban QLDA. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông giám đốc Ban QLDA thì ông này cho biết đang đi công tác xa nên "có gì đầu tuần sau anh liên hệ lại".

Tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng, khi nghe chúng tôi trình bày mục đích đến làm việc, sĩ quan trực ban mang quân hàm Thiếu úy sau một hồi cầm giấy giới thiệu của phóng viên đi trình lãnh đạo quay xuống cho biết hiện toàn bộ lãnh đạo Tổng công ty đều đang đi công tác, vì vậy anh này đề nghị photo lại giấy giới thiệu và ghi lại số điện thoại của phóng viên để báo cáo và sẽ liên hệ lại sau. Vì vậy chúng tôi sẽ lại tiếp tục phải chờ…

Nguyễn Thiêm
.
.