Nhớ Hồ Kiểng!

Chủ Nhật, 02/08/2015, 10:15
Tôi nhớ cách đây mấy năm, chúng tôi gặp ông vào một buổi chiều cuối tháng 4 âm lịch, trong căn phòng cũ nát nằm cạnh bãi giữ xe của chung cư trên đường Cao Thắng, Q.3, TP HCM. Nơi đây vốn trước kia dùng để máy phát điện của chung cư. Mọi hoạt động từ tiếp khách, ăn, ngủ, sáng tác… đều diễn ra ngay trên chiếc giường ngủ ọp ẹp của người nghệ sĩ mà có đến 2 lần đạt kỷ lục Guinness.

Chúng tôi chưa kịp nói gì, ông giở áo cho xem quả tim nhân tạo, ông nói nó đập 41 nhịp/phút, trong khi bác sĩ nói phải 60 - 64 nhịp/phút mới đảm bảo sự sống. Rồi ông khoe sáng nay lên Bệnh viện Nguyễn Trãi thay tim, bác sĩ kiểm tra sức khỏe xong hẹn tuần sau thay tim mới. Quả tim này tính đến nay đúng 7 năm, thời hạn quy định thay tim mới. 7 năm trước, Hội chữ thập đỏ quốc tế và một số anh em văn nghệ sĩ tặng quả tim này, nghe đâu khoảng 35 triệu đồng. Còn lần này, không có người tặng tim - ông nói, nhưng có người tặng tiền để thay tim.

Trong đó, gia đình NSƯT Lý Huỳnh tặng 25 triệu đồng, Công ty Tôn Phương Nam tặng 25 triệu đồng và một số nghệ sĩ trẻ tặng 14 triệu đồng. Chưa biết thay tim chi phí bao nhiêu, nhưng ông tỏ ra rất vui với số tiền quí báu của “ân nhân” tặng, giúp ông có thêm thời gian cống hiến cho nghệ thuật.

Chuyện đời…

Ông bảo cuộc đời của mình từ nhỏ đến giờ không ham nhà cao cửa rộng, hay bạc tiền, danh vọng xa hoa. Rồi ông chỉ chiếc giường mình đang ngồi chất đủ thứ đồ: tủ thuốc uống, sách báo, đồ nghề đi diễn… rồi tâm sự: chỗ ở tuy chẳng ra gì, nhưng cũng được cái nắng mưa không tới, đời vậy là vui rồi. Còn hơn nhiều người có đất phải lo giữ đất, canh tác; người có nhà lầu, ở không hết, cho thuê phải tính toán dữ lắm, tính toán quá làm cho cái đầu "chật" hết đâu còn chỗ cho cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, làm sao mà sáng tác, làm sao mà diễn hay được. Triết lý của ông tuy đơn giản nhưng luôn là thực tế, hợp với tính cách của ông lúc nào cũng lạc quan, vui nhộn.

NSƯT Hồ Kiểng đang đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Đời tôi”.

Ông kể, có lần một vị cán bộ có trách nhiệm của TP HCM hứa cho chỗ ở để vui tuổi già, chờ hoài không thấy nhà cửa gì hết ráo. Càng buồn hơn, trong một lần họp mặt họ "Hồ", một doanh nhân của tộc họ này hứa trước gần 500 đại biểu, rằng sẽ tặng cho một căn nhà. Nghe vậy trong lòng mừng khấp khởi, phen này ta có nhà rồi chăng? nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đâu.

Ông nói, ông không tin vào số phận (số không nhà - NV), nhưng sao vẫn thấy "ấm ức" vì không giải mã được đời mình. Cái tuổi Dần của người khác không biết có lận đận hay không, chứ cái tuổi Dần của ông (SN: 1926, mất tháng 4/2013) sao nó ba chìm bảy nổi long đong cực kỳ. Đang lúc trong lòng lo nghĩ về số phận thì ông nói may sao - đó cũng là vào những ngày gần cuối đời của một kiếp người lận đận, long đong - ông cũng được nhà nước cấp cho một căn hộ chung cư, để gọi là an ủi tuổi già và xóa đi cái "số không nhà". Có được nhà mới những tưởng ông đại thọ, nhưng rồi không lâu sau đó bệnh tim tái phát đã bắt ông từ giã thế giới nghệ thuật mãi mãi để sang thế giới "vô hình" ở tuổi 88.

Ông kể, năm 1954, rời quê hương Đồng Khởi, tập kết ra Bắc. Tổ chức thấy ông có năng khiếu văn nghệ nên cho đi học Trường Nghiệp vụ Sân khấu Điện ảnh. Bốn năm sau, ông vào vai Túc - một người lính bất mãn trong phim "Lửa trung tuyến" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Tuy là vai diễn đầu tiên nhưng ông diễn hay đến nỗi khi xem phim xong Bác Hồ gặp, hỏi: “Chú không biết bất mãn sao nhập vai bất mãn hay đến thế?”.

Cho đến cuối đời ông có hơn 50 năm tuổi nghề và một di sản đáng được kính trọng trong thế giới nghệ thuật: thủ 204 vai diễn trong phim, 304 vở kịch, 12 vai tuồng cải lương, lồng tiếng thú cho 16 phim, 19 bài thơ được giải thưởng, 2 lần được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam về "Diễn viên đa tài đóng được nhiều vai phản - chính diện nhất" (1992); "Diễn viên đóng nhiều vai phụ nhất" (2006)…

Thế nhưng, ông nói tất cả không phải là tài sản của ông, bởi ông đã tặng nó cho đời. Mà tài sản của ông chỉ có hai thứ: đó là cả một vali thư từ khán giả gửi trực tiếp cho ông. Bức thư nào cũng gọi ông là "Nghệ sĩ nhân dân" (NSND). Điều này theo ông không phải nhầm lẫn mà có nguyên do của nó. Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng NSƯT. Đến năm 2005, ông là một trong số 5 nghệ sĩ được Hội đồng xét duyệt của TP HCM đề nghị trung ương tặng danh hiệu NSND.

Ông tỏ ra ngậm ngùi: Lúc đó tui mừng lắm, nhưng rồi không hiểu sao tui bị "bát" vào phút chót. Từ đó đến giờ chưa được đề cử lại lần nào, tui băn khoăn tự hỏi: 19 tuổi theo cách mạng, hơn 60 năm tuổi Đảng, gần trọn đời cống hiến cho nghệ thuật, chưa một lần bị kỷ luật mà sao chưa được NSND? Đối với tui, danh hiệu không là mục đích cuối cùng nhưng đôi lúc ngẫm cũng thấy buồn. Và kể từ lần "mừng hụt" này, báo chí, thư từ của khán giả cứ gọi tui là NSND. Ngay cả một số giấy khen của cơ quan nhà nước tặng cho tui cũng ghi là "NSND Hồ Kiểng", chứ không phải NSƯT Hồ Kiểng. Nhiều lúc tui tự an ủi, thôi thì nhà nước không phong tặng thì nhân dân phong tặng vậy, danh hiệu nào cũng có "nhân dân" hơi đâu mà buồn! 

Thứ tài sản quí báu còn lại là hơn 600 bài thơ, 200 bài ca cải lương (cả hai chưa có tiền in - NV), 16 bài viết trong tập san báo Thiếu niên nhi đồng và khoảng vài chục bài báo đăng trên các báo trung ương và địa phương. Ông coi chúng như báu vật, bọc kỹ trong túi nilon, gối trên đầu giường. Thật ra không phải ông "giữ của", mà trong căn phòng chật chội có vài mét vuông (lúc chưa được cấp nhà), muốn để chỗ khác cũng không được.

Chuyện nghề

Trong số mấy trăm vai diễn của ông, từ bợm nhậu, già dê, gián điệp, ăn mày, nông dân… gần như vai nào cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Những người bạn diễn của ông luôn kính trọng ông ở tính chịu khó, thái độ lao động nghiêm túc, lạc quan… trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Tuy vậy, có những vai ông nói "đến chết cũng không quên". Đó là vai ông già ăn cá sống trong phim "Những nẻo đường phù sa".

Chiếc kính không tròng này đã theo ông đến hàng trăm phim.

Một lão nông nghèo, không ruộng vườn, nhà cửa, sống bằng nghề nôm cá. Trong một lần đi nôm cá bị địa chủ bắt được. Tên địa chủ gian ác cho rằng, "cá trong đồn điền ông ta là của ông ta, nôm cá tức là ăn trộm cá". Tên địa chủ hỏi cắc cớ: Nôm cá để làm gì? Ông tỏ ra thật thà, nói để ăn. Thế là tên địa chủ bắt ông phải ăn cá tại chỗ, nếu không ăn được thì phải làm giấy nợ. Ông đành lấy cá trong giỏ ra và cắn ngon lành, nhưng chỉ được vài miếng thì không thể… đành phải làm giấy nợ. Sau khi phim công chiếu, đi đâu ông cũng được gọi trìu mến bằng biệt danh "ông già ăn cá sống".

Hay ông Ba Ngù trong phim "Đất phương Nam" cũng ấn tượng không kém. Ông Ba Ngù là một nông dân nghèo, tốt bụng, chỉ có cái tật suốt ngày say xỉn. Ông tỏ ra tâm đắc ở cái đoạn cứu bà Tư Ù ra khỏi đám lửa ngùn ngụt cháy. Ông vào vai này lúc đó nặng có 54 kg, còn bà Tư Ù (diễn viên Mai Thanh Dung) nặng đến 83 kg. Khi vào vai ông nói nhỏ với bà Tư Ù: "Tao ốm hơn mầy, tao không dìu nổi mầy đâu, mầy phải chòi đạp phụ tao chớ không cả hai cùng chết cháy đó". Ông cho biết, ngoài đời bà Tư Ù là cháu, còn trong phim là bạn - ông "dê bả" nhưng "bả" chê say xỉn không ưa. Thật ra, ngoài đời ông là một người sống rất chuẩn mực, không hề uống rượu hay hút thuốc.

Trong phim "Cát bụi hè đường", trong vai ăn mày, ông nhập vai thành công đến nỗi người đi đường tưởng ăn mày thật, họ cho ông 262.000 đồng và hai ổ bánh mì. Đến khi đoàn quay phim xuất hiện họ mới biết ông không phải ăn mày mà là diễn viên.

Rồi hàng loạt vai diễn để đời khác, vai nào ông cũng nhập tâm, diễn bằng cả trái tim và khối óc của một người nghệ sĩ đa tài. Chính vì vậy mà mỗi khi đạo diễn phân vai gì ông cũng nhận, kể cả vai nguy hiểm cũng không từ chối. Chính cái sự "mê diễn" này mà ông suýt chết nhiều lần vì tai nạn. Đó là những lần vào vai tên đồn trưởng gian ác trong phim "Rừng xà nu", bị ngựa đá gãy xương sống, phải qua Liên Xô thay 3 đốt sống; vai ông già bắt rắn trong phim "Đêm săn tiền", bị rắn cắn chết lâm sàng 3 ngày 3 đêm tưởng sẽ về với tổ tiên; rồi vai ông già dê trong phim "Cảnh sát hình sự", bị "bồ" của cô chủ quán xinh đẹp xô ngã đập đầu vào tường phải vào bệnh viện Chợ Rẫy mổ não…

Ông bảo tất cả những lần tai nạn trên đều do yêu nghề. Ông nghĩ: người chiến sĩ hy sinh trên chiến trường, còn người nghệ sĩ chết trên phim trường có gì đâu mà sợ! Sau những lần bị tai nạn nghề nghiệp, nhiều người tưởng ông bỏ nghề, còn bác sĩ khuyên ông không nên làm việc nặng, nhưng vì quá yêu nghề ông vẫn cố nên có lần ông bị chứng trụy tim.

Chuyện tình

Đó là con đường nghề. Còn trên con đường tình, trước sau ông vẫn không nhận mình là người có số đào hoa, cho dù ông có đến 4 đời vợ. Ông tâm sự: Trong nghề nghiệp 4 lần suýt chết, còn trên đường tình thì cũng qua 4 lần… gãy gánh. Tuy vậy, ông nói chưa bao giờ trong lòng gợn lên chút căm ghét phụ nữ. Mà đối với ông phụ nữ là người dễ thương nhất trên đời! Trong 4 lần "gãy" ông nhận mình là người có lỗi.

Một trong những tập thơ của NSƯT Hồ Kiểng đã được in.

Ông bộc bạch: Nghiệp diễn viên mà, có lúc bỏ nhà đi cả tuần, có lúc theo máy quay đi biền biệt 4, 5 tháng không về. Thử hỏi có mấy người phụ nữ chịu đựng nổi? Hơn nữa, 4 "bà" không ai cùng nghề nên khó tìm được sự đồng cảm. Vì vậy mà chuyện đổ vỡ hạnh phúc gia đình là tại tui tất cả. "Gãy" lần cuối cùng là vào năm 1992, đến giờ tui vẫn sống một mình, không dám đèo bòng thêm lần nào nữa, chỉ sợ chuốc khổ cho người khác. Bởi vậy nhiều lúc buồn, nhớ mấy "bả" tui ca cải lương cho đỡ buồn. Nhưng hết ca vẫn thấy buồn, do nhà vắng vẻ quá…

Hôm ấy, trước khi chào từ biệt để ra về, ông bảo tôi nán lại để nghe ông đọc trọn bài thơ "tổng kết cuộc đời" được ông làm cách đó chưa lâu. Bài thơ có tên "Đời tôi", trong đó có đoạn: “... Nghệ thuật nuôi cuộc đời/ Bầu trời thay nhà ở/ Trần gian chưa hết nợ/ Ngang trái hóa sân chơi...”. Suy gẫm thấy "cay cay" cho số phận của ông.

Thế giới nghệ thuật giờ đây đã chia tay ông, một chiến sĩ, một nghệ sĩ gần trọn cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, với ông không có vai chính hay vai phụ, chỉ có vai đóng đạt hay không đạt mà thôi. Và với công chúng, có lẽ còn lâu lắm mới tìm thấy một nghệ sĩ trông bề ngoài lúc nào cũng khắc khổ, nhưng đa tài và có tính hài hước bẩm sinh đã để lại cho đời những vai diễn đầy góc cạnh, vai diễn ấy thường chỉ có ở những nghệ sĩ chân chính.

Kỳ Phương
.
.