"...Như hạt cát thổi bay ngang trời”
- Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Giọt nước mắt trong veo
- Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời
- Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “lên đồng” với “Xúc xắc mùa thu”
1. Giờ thì ông đã bay về một cõi khác, ở đó không còn những muộn phiền của đời sống. Ở đó, ông được ngao du, rong ruổi đọc thơ. Còn độc giả, những người trân quý ông, đã từng một lần nghe ông đọc thơ sẽ không bao giờ quên được chất giọng tựa như có lửa ấy. Ông đã sống một cuộc đời không lặng lẽ, khi đến tận những ngày cuối đời, giữa những cơn đau và bất an về bệnh tật, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn tham gia các cuộc trò chuyện về thơ. Ông mất khi mọi người vẫn chờ ông đến trong một cuộc nói chuyện về văn hóa đọc. Thế nhưng, người thơ sôi nổi, nhiệt thành ấy lại ra đi trong lặng lẽ, tại nhà riêng.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong một buổi giao lưu gần đây. |
Nhà thơ Việt Chiến nói, có lẽ Hoàng Nhuận Cầm đã dự báo cho cuộc ra đi của mình từ 30 năm trước. “Một mai chết thật âm thầm/ Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru/ Một mai chết hết hận thù/ Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi/ Một mai chết thật buồn cười/ Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ/ Một mai chết thật tình cờ/ Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay.../ Một mai chết thật hao gầy/ Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh/ Một mai chết hết tội tình/ Một mình mình hát, một mình mình nghe/ Một mai đi chẳng trở về/ Rượu buồn đổ đắng vỉa hè buồn thiu/ Một mai chết thật đìu hiu/ Má lằng lặng tái, môi dìu dịu say/ Một mai ngủ lá phủ đầy/ Miền tâm tư vỡ tháng ngày thật xa/ Một mai nằm xuống bao la/ Buồn ơi, chào nhé! Khóc òa vầng trăng/ Một mai chết thật ăn năn/ Tôi nằm xuống đất không cần thở than”. (Bài thơ “Một mai”).
Ông cũng từng viết “...Tờ lịch hát một câu lặng lẽ/ Ta buông tay mắc tội với thơ mình/ ...Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/ Nghĩa trang mang tên xóm bụi đời/ Giấu mẹ nhé không thì mẹ mắng/ Nếu còn tiền mua rượu cho tôi”... (Bài thơ “Tốt hơn, đừng chết”).
Có thể nói, Hoàng Nhuận Cầm là một thi sĩ đích thực, một tài năng thơ bẩm sinh. Ông ngoài đời sống khắc khổ, cô đơn. Tôi nhớ mãi cái dáng gầy gò, liêu xiêu, áo quần xộc xệch như không có một điểm tựa nào của ông. Đời sống khốn khó, hôn nhân lận đận, tiền bạc chưa bao giờ dư giả. Nhưng, khi ông lên sân khấu đọc thơ thì cả hội trường bị cuốn theo, họ khóc, cười theo những câu thơ của ông. Và tôi đã chứng kiến khả năng truyền lửa của Hoàng Nhuận Cầm khi ông đứng trên bất cứ sân khấu nào. Những lúc đó, ông mới đúng là mình, một Hoàng Nhuận Cầm yêu thơ, mê thơ trong từng hơi thở. Thế gian cũng nhiều người yêu thơ. Nhưng, yêu đến độ đắm đuối và truyền được sự đắm đuối đó cho người khác, chắc không có nhiều. Hoàng Nhuận Cầm là một trong số ít đó.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, người gắn bó với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong những năm tháng cuối đời chia sẻ: “Chỉ có Hoàng Nhuận Cầm mới thức dậy vào lúc nửa đêm, có thể là 2 hay 3 giờ sáng để leo lên gác xép, tìm cho bằng được một cuốn thơ rất cũ của bạn văn tặng anh, lôi ra từ cuốn ấy bài thơ anh muốn để đưa nó cho tôi, cho vào tuyển tập mà tôi với anh cùng biên soạn. Một trong những bài thơ như thế là “Tháng Ba” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu”.
Nhà văn Thiên Sơn, một người có nhiều năm gần gũi với Hoàng Nhuận Cầm cho rằng: “Trong con người Hoàng Nhuận Cầm có đủ cả sự giản dị đến tận cùng, sự bừng lóe đến chói sáng. Đào hoa lắm. Khổ đau nhiều. Can trường và mơ mộng. Những phẩm chất tưởng chừng trái hẳn nhau ấy, lạ lùng lại tồn tại song hành trong con người anh, tạo nên những vỉa quặng phong phú của thế giới tinh thần và một bút lực đa diện trong nhiều lĩnh vực sáng tác, mà trước hết là thơ. Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ được đúc nên bởi tài năng thiên bẩm, mà đáng nói là giọng thơ đẹp, vang như tiếng hót của một loài chim quý. Trời phú cho anh giọng thơ sang trọng, trong trẻo, dư ba. Một khi giọng thơ ấy vút lên, lập tức được chú ý”.
Ông xuất hiện cách đây hơn 40 năm, khi một chùm thơ của ông đạt giải nhất trong cuộc thi thơ trên Báo Văn nghệ (1972-1973). Ông gây ấn tượng bởi những câu thơ tràn đầy nhạc tính, vang vọng. Hơn 100 bài thơ của ông được in trong 4 tập, “Thơ tuổi 20”, “Những câu thơ viết đợi mặt trời”, “Viên xúc xắc mùa thu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”. Thơ ông có thể chia thành 2 mảng lớn: Thơ về chiến tranh và thơ tình yêu. Mảng thơ tình yêu của Hoàng Nhuận Cầm được chú ý hơn nhưng mảng thơ chiến tranh cũng rất độc đáo. Với cả hai mảng thơ này, chất trẻ trung, tươi mới, hào hoa thấm đẫm trong từng câu thơ, từng hình ảnh, khiến thơ anh lung linh, được giới trẻ đặc biệt yêu thích.
Ở mảng thơ về tình yêu, thơ Hoàng Nhuận Cầm đi vào từng cuốn sổ tay của các thế hệ học trò... Những “Chiếc lá đầu tiên”, “Viên xúc xắc mùa thu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Mây rất thờ ơ”... có thể coi là những bài thơ vào loại hay nhất cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Họ đi qua tuổi trẻ bằng những câu thơ của ông. Ông trở thành thần tượng cho những người trẻ yêu thơ, “Em thấy không tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vào trong mắt lắm say mê/ Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/ Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/ Tiếng ve tiên tri vô tâm báo trước/ Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu...” (Chiếc lá đầu tiên). Những cảm xúc ấy, đến bây giờ, chúng tôi mỗi lần đọc lại vẫn rưng rưng xúc động.
2. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ Hà Nội, bố ông là nhạc sĩ Hoàng Giác. Hoàng Nhuận Cầm trở thành sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, học xong năm thứ nhất, ông nhận lệnh nhập ngũ, sau đó được điều vào thành cổ Quảng Trị. Trở về, ông tiếp tục theo học những năm còn lại tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi công tác ở Hãng Phim truyện Việt Nam với tư cách là một nhà biên kịch. Thế nên gia tài ông để lại còn là những kịch bản nổi tiếng “Mùi cỏ cháy”, “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa đông 1946”...
Nhà thơ Hoàng Nhuận cầm trong căn nhà nhỏ của mình. |
Ông được đánh giá là một trong những nhà biên kịch xuất sắc. Nhưng, điều làm nên tên tuổi của Hoàng Nhuận Cầm trong lòng công chúng lại chính là thơ. Ông tâm sự: “Với Cầm, không còn làm thơ được nữa tức là không thể thở, là sẽ chết dần, chết mòn, héo úa, hết màu xanh”.
Cuộc sống của ông lận đận. Bôn ba. Có dạo, hãng phim hết việc, ông xoay ra làm thêm ở truyền hình, ông làm cả biên kịch, kiêm diễn viên. Hình ảnh "Bác sĩ Hoa súng" đã từng trở nên quen thuộc một dạo. Rồi xu thế cổ phần hóa điện ảnh, ông cũng là một trong những người đầu tiên cùng bạn bè lập hãng phim tư nhân Điệp Vân, với mong muốn tìm một lối đi cho mình và cho điện ảnh. Thế nhưng, cuộc đời ông cứ quăng quật với những vất vả, lận đận ấy. Dù luôn cố gắng, làm việc quên ngày đêm, cuộc sống của ông cũng không thoát khỏi nhọc nhằn. Dường như ông chẳng ăn nhập gì với đời sống kinh tế thị trường, với thời buổi cơm áo gạo tiền.
Duy chỉ có một điều, Hoàng Nhuận Cầm vẫn không ngừng viết. Thơ ông có những đoạn buồn nhưng không bi lụy và tuyệt vọng. “Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn/ Có lẽ/ Lại buồn hơn” (Bài thơ “Nỗi buồn để sống”)... Ông chung sống với nỗi buồn và coi nó như một phần máu thịt của mình. Vì thế, càng về sau, thơ ông càng thấm nỗi buồn, sự cô đơn của kiếp người.
Nhà văn Thiên Sơn chia sẻ: “Nghe anh đọc một số bài tâm đắc, cảm giác thơ anh đã đằm sâu hơn, thấm vào mọi lẽ nhân sinh và đôi khi như hé lộ nỗi bơ vơ kiếp người. Biên độ của cảm xúc và suy nghĩ vì thế cũng được mở rộng hơn”.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong Liên hoan Phim năm 2012. |
Không buồn sao được khi ông đi qua 3 cuộc hôn nhân nhưng vẫn sống một mình. Con cái trưởng thành đã có cuộc sống riêng. Tuổi già, ông lụi cụi trong căn nhà bé nhỏ, ẩm thấp. Bữa ăn tiết kiệm từng đồng. Vì thế, ông càng gầy mòn, ốm yếu. Tiến sĩ văn học Đỗ Anh Vũ kể: “Những năm tháng cuối đời, anh Cầm bỏ hẳn rượu, bia cũng gần như không. Anh chỉ uống trà thường xuyên và đôi khi vẫn hút thuốc lào, mặc cho những cơn ho rũ rượi kéo đến. Hằng ngày, anh sống một mình trong căn phòng tập thể cũ, nhỏ, sách vở kịch bản chất đầy, cầu thang dẫn lên gác xép cũng dành một nửa cho sách vở. Phải chăng, cô đơn vẫn gắn với nhiều thi sĩ như một định mệnh, trong đó có anh?”.
Khi mất, ông vẫn còn những dự định dang dở, một tập thơ do chính ông viết tay, gồm 27 bài, trong đó có nhiều bài chưa công bố. Một tập bản thảo đã hoàn thành mà chưa kịp in, mang tên “Cùng bạn đọc thơ”, gồm những bài thơ hay và lời bình do chính ông viết. Ông cùng tiến sĩ Đỗ Anh Vũ đang dự định làm một ấn phẩm thơ dạng tuyển tập về chủ đề “Mưa”...
“Ta như hạt cát bay ngang về trời”, giờ hạt cát ấy đã bay vào hư không, để lại một khoảng trống trên văn đàn Việt Nam. Hạt cát ấy, dù buồn, dù cô đơn, chật vật nhưng không ngừng lao động và sáng tạo, không ngừng yêu cuộc đời này. Và có lẽ, như một câu thơ ông viết: “Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn muốn chết/ Vì tình yêu cuộc sống tràn đầy/ Nếu phải chết cho tôi xin được chọn/ Cái chết nào/ Lập tức/ Phục sinh ngay”. (Bài “Thơ Phục sinh”).