Nhức nhối nạn mất cổ vật chốn tâm linh

Thứ Tư, 10/06/2020, 08:07
Mất cổ vật không còn là chuyện mới nhưng chuyện cũ này vẫn tái diễn và các đối tượng trộm cắp ngày càng táo tợn hơn. Lợi dụng dịch COVID-19 ít người đến chốn tâm linh thờ tự, bọn trộm đã lẻn vào lấy đi những cổ vật có giá trị văn hóa lâu đời.

Chỉ trong thời gian ngắn từ Tết Nguyên đán đến nay, đã có cả trăm cổ vật bị đánh cắp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ xảy ra tình trạng chảy máu cổ vật. Tại nhiều di tích, cổ vật đã được cất đi và đại chúng cũng không thể chiêm bái. Vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn chặn tình trạng mất cổ vật và việc bảo quản bằng cách cất cổ vật liệu có lỗi với tiền nhân và ai là người chịu trách nhiệm chính về vấn đề này?

Hàng trăm cổ vật bị mất trong khu di tích tâm linh

Từ hàng chục năm nay, người ta vẫn nói nhiều đến thú chơi đồ cổ và đặc biệt là việc sưu tầm cổ vật, một loại hàng hóa đặc biệt thường chỉ có ở nơi văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Có cung ắt có cầu. Những cổ vật có niên đại hàng trăm năm qua dòng chảy của lịch sử, như một chứng tích của thời gian, đó có thể là những bản sắc phong cho ngôi đình, ngôi đền. 

Hoặc đó là những bức khán thờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối cổ... Những cổ vật không chỉ có giá trị về văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Người ta sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua về một hiện vật quý có niên đại lâu năm, điều đó cũng làm cho bọn đạo chích không ngần ngại tăm tia nơi tâm linh và sẵn sàng chôm của.

Nhiều năm về trước, cổ vật ở những nơi tâm linh tín ngưỡng bị mất nhiều và tình trạng này vẫn không ngừng tái diễn. 

Điển hình mới đây nhất vào giữa tháng 2, khi người dân đang e dè vì COVID-19 thì tại Nam Định cũng mất trộm hàng loạt cổ vật. Đình làng Hạ Xá, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản trong một đêm kẻ gian đã đột nhập lấy đi toàn bộ 16 đạo sắc phong bản gốc, bỏ lại các bản sắc phong photo tại hiện trường. Ngay cạnh đấy, tại địa bàn xã Tân Khánh, đình làng Nhị Thôn, cũng bị kẻ gian đột nhập lấy mất 10 đạo sắc phong. Mặc dù những đạo sắc phong đã qua 3 lần khóa vẫn bị bọn đạo tặc phá tan hoang.

Giữa tháng 3, đúng dịch COVID-19, nhiều di tích đình, chùa tại huyện Thanh Oai, các khu di tích đình, chùa liên tục bị mất cắp cổ vật.  Như tại chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, kẻ gian phá cửa lấy mất pho tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng màu đen, chiều cao khoảng 70 cm. 

Chùa Bối Khê trong tháng 3 năm nay bị mất pho tượng Thích Ca bằng đồng.

Ngay sau đó, ngày 16/3, đình Đại Định, xã Tam Hưng, bị bọn trộm đột nhập lấy đi nhiều hiện vật có giá trị: 2 bộ chấp kích gồm 16 chiếc, 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng, một bình sứ cổ. 

Tiếp theo, ngày 29/3, tại chùa Dư Dự, xã Thanh Thủy, ngay tại tòa Tam bảo bị mất 2 bát hương và 1 chuông đồng. Sự việc chưa dừng lại ở đấy,  ngày 11/4, chùa Từ Châu, xã Liên Châu tiếp tục bị kẻ gian lấy trộm 1 chuông đồng cổ có chiều cao 1m, đường kính 0,6m.

Sự việc trộm cắp cổ vật ở nơi tâm linh thờ tự hoàn toàn không phải là mới. Tỉnh Bắc Giang cách Thủ đô Hà Nội 50 km là nơi có nhiều cụm di tích lịch sử đình, đền, chùa đã được xếp hạng và cấp bằng di tích. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc có nhiều cổ vật có giá trị đang hiện hữu tại nơi đây, cũng là miếng mồi để bọn đạo chích để ý và hoành hành. Khoảng hơn chục năm nay, Bắc Giang xảy ra gần 50 vụ mất cắp tại di tích. Kẻ gian lấy đi hàng trăm di vật, cổ vật: tượng thờ, sắc phong có ở đình, câu đối cổ, chuông đồng, chấp kích, lư hương,...

Chùa Bổ Đà có không gian rộng và cổ vật quý, bị kẻ gian nhòm ngó.

Trước đó, chùa Bổ Ðà, thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên trong giai đoạn chờ đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2016) đã bị lấy cắp pho tượng Quan Âm gỗ có liên đại lâu năm. Sau đó cũng tại huyện Việt Yên, bọn trộm đột nhập đình Thổ Hà vào năm 2018, lấy đi nhiều cổ vật, di vật giá trị, trong đó có một bộ chấp kích cổ 8 chiếc, 1 kiếm thần, 1 nồi hương, 1 đôi hạc đồng...

Năm 2018, tại đình Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng là ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, bọn trộm đột nhập và lấy đi bức khán cổ Thánh Mẫu Liễu Hạnh có niên đại 200 tuổi. May thay, cách đây hơn nửa năm, Công an huyện Cát Hải qua việc xử lý vi phạm giao thông đã bắt được một nhóm trộm cắp cổ vật và trao trả những đồ đã mất cho đình Hoàng Châu. Hay như ngôi chùa cổ Phù Lưu nằm tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội bị mất chiếc chuông đồng 103 kg và nhiều đồ thờ quý giá.

Hiện tượng mất cổ vật không chỉ xảy ra ở các tỉnh phía Bắc mà ngay cả miền Trung và miền Nam, tình trạng này cũng không khá hơn. Chùa Kim Long ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị mất cắp nhiều pho tượng quý, có niên đại 300 năm. Di tích kiến trúc, nghệ thuật đình Khánh Hội (quận 4, TP Hồ Chí Minh) đã 2 lần bị trộm đột nhập đánh cắp hiện vật, vào tháng 10 năm 2018 và tháng 3 năm 2019 gồm: 1 tượng bà Nguyệt, 1 tượng ông Nhật, 1 tượng cá hóa long. Tổng số hiện vật bị mất quy ra tiền ở ngôi đình này lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Giải pháp nào bảo vệ an toàn cổ vật?

Liên tục mất cổ vật trong nhiều năm từ khắp các khu di tích tâm linh tín ngưỡng, chính vì vậy mà nhiều nơi đã cẩn thận cất thật kĩ cổ vật từ những pho tượng cổ ở các chùa cho đến sắc phong vua ban cho các ngôi đình. 

Điển hình đình Yên Bình, thôn Yên Bình, huyện Gia Lâm, Hà Nội, những sắc phong vua ban cho ngôi đình có dấu triện được nhà đình cất giữ cẩn thận, chỉ đem trưng bày những bản photo. Vào những ngày lễ lớn như hội đình, hội làng thì những bản sắc phong nguyên gốc ấy mới được trưng bày cho mọi người chiêm bái. Hiện tượng này xảy ra ở hầu khắp các ngôi đình, đền.

Đình Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) từng bị mất cắp cổ vật.

Tượng của chùa cổ cũng bị cất đi như ở chùa Chài, hay còn có tên gọi là Bạch Sam Tự (huyện Đông Anh, Hà Nội). Chùa có 3 pho tượng cổ, 2 bức tượng độc nhất vô nhị Shiva và “Bà mẹ xứ sở” được xem là cổ vật quý của nhà chùa không thấy đâu từ nhiều năm nay. Và, người đến lễ Phật cũng không còn trông thấy bức “Thánh Tổ đề tôn” khoảng 4 năm. Chúng tôi hỏi thì sư thầy trả lời: “Đã cất kĩ lắm rồi, nếu mất thì không đền được”.

Tôi đem thắc mắc hỏi tiến sĩ tôn giáo học, Đại đức Thích Quảng Tiếp (Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam -  Phó trưởng Ban Phật giáo tỉnh Hòa Bình), sư thầy lý giải: “Hiện nay sự mất cắp của cổ vật đã trở thành một vấn nạn. 

Nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu di tích lịch sử có diện tích rộng mênh mông bể sở thì nhà chùa cũng không có khả năng để đảm bảo an toàn cho cổ vật. Bọn trộm cắp đồ cổ có nhiều mánh khóa nên cần phải phối hợp giữa cơ quan quản lý của Nhà nước và các khu di tích để làm sao đảm an toàn cho cổ vật. Tình trạng ở một số di tích đem cổ vật cất đi, không mấy ai được xem, dịp nào quan trọng thì mới được chiêm bái, còn bình thường thì không được ngắm, đấy là một hạn chế”.

Đình Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang, năm 2018 bị kẻ gian đột nhập và lấy đi nhiều cổ vật quý.

Đại đức Thích Quảng Tiếp lấy ví dụ: Chùa Minh Khánh, tỉnh Hải Dương, có 9 viên xá lợi Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Rất nhiều người muốn về đây chiêm bái nhưng đại chúng đến chùa lại không được nhìn thấy vì những người quản lý sợ mất. Bởi vì đây là vấn đề tâm linh, đại chúng mong muốn đến chùa để được chiêm bái, cảm thấy rất thiêng liêng. Bây giờ hỏi thì sư trụ trì bảo: “Phòng Văn hóa của huyện giữ... hay muốn chiêm bái cần phải được Sở đồng ý...”.

Hay như bản sắc phong gốc cất đi chỉ treo bản photo thì không còn giá trị lịch sử và giá trị tinh thần. Giải pháp mỗi năm một lần hội làng, hội đình, mới đem ra trưng bày là bất đắc dĩ.

Theo đại đức Thích Quảng Tiếp: “Ban quản lý của đình ở thôn do thôn bầu ra, thanh niên có sức khỏe thì người ta phải đi làm. Ban quản lý thì toàn các cụ về hưu, chả có người nào ngủ ở đấy, mà nếu có ngủ thì cũng chỉ có cụ từ già yếu làm sao mà trông nom được? Nếu cơ sở thờ tự không được lắp đặt hệ thống camera, khóa chống trộm đặc hiệu, hay chuông báo động khẩn cấp và nhiều thứ thiết yếu khác để trông nom bảo quản hiện vật cổ thì rất dễ bị kẻ gian đánh cắp”.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Từ những vụ mất cắp cổ vật, hiện vật thời gian qua cho thấy, nguyên nhân cơ bản là trách nhiệm và biện pháp trông coi tại các di tích chưa cụ thể và rõ ràng. Không thể quy định hết trong các văn bản là công trình phải lắp đặt hệ thống an ninh. 

Đã có nhiều nơi hiện vật quý để vào khu vực có nhiều tầng cửa có khóa cẩn thận nhưng cũng có những di tích mặc dù có cửa nhưng rất dễ bị phá, ít người trông nom vì chưa làm được công tác phân công cụ thể. Để bảo vệ được tốt các cổ vật hơn cả là ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội. Người dân nên từ chối mua bán hiện vật nghi là của di tích. 

Ông Thành cũng khẳng định: “Tôi tin khi cộng đồng cùng tham gia có trách nhiệm bảo vệ di tích trên địa bàn mình sinh sống, lực lượng công an vào cuộc mạnh mẽ thì hiện tượng mất cắp cổ vật sẽ giảm đáng kể”.

Luật sư Hoàng Anh Tuấn, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Luật Di sản văn hóa không quy định rõ khi để mất cổ vật trách nhiệm sẽ thuộc về ai. Nhưng, theo Chỉ thị 05/2002/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích, yêu cầu UBND cấp xã, phường, thị trấn thành lập các tổ chức an ninh tự quản tại các thôn, làng để canh gác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm di tích, quy định trách nhiệm cụ thể của UBND cấp xã, phường trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn, không “khoán trắng” cho nhân dân địa phương hoặc người trông coi. UBND thành phố Hà Nội cũng quy định rõ trách nhiệm của ban quản lý di tích trong công tác bảo vệ, phòng ngừa và khi để xảy ra vi phạm pháp luật tại di tích”.

Từ lâu nay tình trạng những cổ vật quý bị mất nhưng hầu như không ai đứng ra chịu trách nhiệm chính và bị xử lý. Khi cổ vật quý đã rơi vào tay kẻ gian thì người trông coi di tích giải trình với cơ quan chức năng và rút ra bài học kinh nghiệm, còn chính quyền xã, phường cũng chỉ đi lấy lời khai và gần như ở ngoài vòng trách nhiệm. Vì thế mọi chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Trần Mỹ Hiền
.
.