Những VĐV đặc biệt của Olympic 2012

Thứ Năm, 16/08/2012, 10:15

Olympic London 2012 đã chứng kiến không ít vận động viên khuyết tật dám thách thức chính bản thân trong thế giới thể thao của những người lành lặn. Đó là chàng cung thủ mù, "cô nàng bóng bàn" một tay hay "người không chân" trên sân điền kinh. Tạo hóa không công bằng với họ nhưng bằng ý chí và nghị lực đáng khâm phục, họ đã làm nên những chiến tích tuyệt vời nhất. Dù không được trao huy chương nhưng họ đã thể hiện một tinh thần thể thao, tinh thần Olympic chân chính.

"Người không chân" trên sân điền kinh

Khi mới sinh, Oscar Pistorius đã không có xương mác và hai chân dưới đầu gối của anh bị cắt cụt lúc mới 11 tháng tuổi. Tuy nhiên, từ bé Oscar Pistorius đã được gắn cặp chân giả làm bằng sợi thủy tinh nhân tạo. Với đôi chân này, anh lao vào tập luyện trên đường chạy dành cho người khuyết tật và bắt đầu dự giải quốc tế từ năm 2007. Pistorius đã trở thành vận động viên khuyết tật chạy nhanh nhất thế giới khi anh giành 4 huy chương vàng và 1 huy chương đồng ở Paralympic Athens.

Năm 2012, dù hai lần đạt chuẩn A Olympic nhưng Pistorius thất bại trong hai đợt chạy thử để đạt mức thành tích tuyển chọn của Liên đoàn Điền kinh Nam Phi. Tuy nhiên, anh vẫn có mặt trong danh sách đăng ký thi đấu 400m và 4x400m tiếp sức của Nam Phi vài tuần trước khi Olympic khởi tranh. Với Pistorius, đây được coi là khoảnh khắc tự hào nhất trong cuộc đời anh.

Mục tiêu của Pistorius chỉ là tự phá kỷ lục của chính mình, chứ anh chưa hề mơ tới một tấm huy chương trên đường chạy của những con người bình thường. Chí ít anh đã chứng minh cho cựu vô địch Olympic, Michael Johnson, về những nghi ngờ của ông xung quanh việc anh có thể chiếm ưu thế nhờ sử dụng đôi chân nhân tạo.

"Cô nàng bóng bàn" một tay

Dư luận sửng sốt vì sự xuất hiện của "cô gái một tay" Natalia Partyka ở môn bóng bàn của Olympic. Tay vợt người Ba Lan đã quyết định không thi Paralympics để cùng thi đấu với những đối thủ lành lặn. Partyka là một cô gái xinh đẹp nhưng lại thiếu may mắn khi không có cánh tay phải từ lúc mới chào đời. Ấy vậy nhưng, cô gái trẻ 23 tuổi này vẫn tự tin tranh tài với quyết tâm tiến sâu vào vòng trong ở nội dung đơn nữ.

Nhìn tay vợt bóng bàn này quật ngã những đối thủ lành lặn để thẳng tiến vào vòng 1/16, nhiều người không khỏi xúc động và khâm phục. Natalia Partyka có đủ điều kiện dự các kỳ Paralympics cho người khuyết tật nhưng cô quyết định chọn cho mình đấu trường chông gai nhất.

Partyka cho biết cô bắt đầu đam mê bóng bàn lúc mới 7 tuổi, và mục tiêu bấy giờ của cô chỉ là đánh bại chính người chị gái. Năm 11 tuổi, Partyka đại diện Ba Lan tham dự Paralympics 2000 tại Sydney, trở thành vận động viên trẻ nhất tại một kỳ thế vận hội giành cho người khuyết tật. Cô giành huy chương vàng ở nội dung cá nhân tại Paralympics 2004, 2008 và huy chương bạc ở nội dung đồng đội. Năm 2008, lần đầu tiên Partyka tham dự Olympic, trở thành nguồn cảm hứng và tiêu điểm cho truyền thông trong suốt thời gian Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra.

Dù chỉ giành vé vào đến vòng 3 nhưng mỗi trận đấu ở Olympic 2012 chẳng khác gì những kỳ công phi thường nhất. Thật vậy, chỉ với một cánh tay để chơi bóng và phải giao bóng bằng khuỷu tay nhưng Partyka đã đánh bại hai tay vợt khác ở Olympic 2012 trước khi dừng bước. Natalia Partyka thất bại trước đối thủ mạnh hơn, nhưng cô tiến về khán đài và nở nụ cười với vị thế một người chiến thắng.

Chàng cung thủ mù và hai kỷ lục Olympic

Dư luận tiếp tục sửng sốt về câu chuyện cung thủ 29 tuổi người Hàn Quốc Im Dong-hyun. Anh đang được coi là hiện tượng của thế vận hội với biệt danh "cung thủ mù" khi đôi mắt trái chỉ có thị lực 20/100 và đôi mắt phải là 2/100.

Để nhìn rõ một vật, anh phải đứng gần hơn 10 lần so với một người sở hữu đôi mắt sáng bình thường. Tuy nhiên, trong sự nghiệp thi đấu của mình, anh từng 2 lần giành huy chương vàng nội dung đồng đội tại Olympic 2004 và 2008 cũng như 4 lần vô địch thế giới. Anh cũng 2 lần là á quân thế giới, giành 3 huy chương vàng đồng đội, một huy chương vàng và đồng cá nhân tại giải thể thao châu Á ASIAD.

Tại vòng loại môn bắn cung Olympic 2012, Im Dong-hyun đã phá kỷ lục thế giới với thành tích 699 điểm sau 72 mũi tên để phá kỷ lục thế giới và giành huy chương vàng cá nhân đầu tiên tại một kỳ Olympic. Tiếp đó, ở nội dung đồng đội nam, bộ ba Im Dong-hyun, Kim Bubmin và Oh Jin-hyek tiếp tục phá kỷ lục thế giới với số điểm 2,087 sau 216 mũi tên, hơn kỷ lục cũ 18 điểm.

Im Dong-hyun không thể nhìn thấy bia mục tiêu và tất cả những gì anh thấy chỉ là một mớ hỗn độn có nhiều màu sắc.  Im chia sẻ đó là khó khăn lớn nhất mỗi khi thi đấu, tuy nhiên anh vẫn bắn trúng mục tiêu nhờ vào "cảm giác" của một cung thủ để xác định tâm vàng của tấm bia. Đặc biệt, anh chưa từng phải nhờ tới sự hỗ trợ của kính mắt, và chỉ phải đeo kính khi cảm thấy mệt mỏi hay đọc sách.

Im có vẻ khó chịu với biệt danh báo giới đặt cho anh. Anh cho biết nếu thực sự bị mù thì anh đã chuyển sang thi đấu ở Paralympics khi mà cơ hội giành huy chương vàng lớn hơn rất nhiều. Dù phá kỷ lục nhưng Im vẫn luôn rất khiêm tốn, thận trọng và chưa từng coi thường đối thủ

Thùy Dương - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.