Những ai có quyền quyết định các giải thưởng Oscar?

Thứ Năm, 14/03/2013, 19:30

Xin thưa, đó chính là gần 6.000 thành viên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), đang sinh sống và làm việc tại kinh đô điện ảnh Hollywood và các vùng phụ cận. Vậy AMPAS gồm những ai và cách thức bình chọn giải thưởng ra sao?

Trước hết đó là những nhà chuyên môn đầy uy tín trong kỹ nghệ sản xuất phim trường, những người sẽ quyết định xem ai xứng được trao bức tượng Oscar danh giá bằng đồng mạ vàng cao 31cm và nặng 4kg trong đêm trao giải. Từ nhiều năm nay, phương thức bầu chọn vẫn không đổi.

Đầu tiên Ban lãnh đạo AMPAS với trụ sở đặt tại quận Beverly Hills ở thành phố Los Angeles (tiểu bang California), sẽ gửi tới mọi thành viên bản danh sách các bộ phim, đã và đang được trình chiếu trên màn ảnh lớn tại các rạp chiếu bóng trên toàn nước Mỹ trong năm qua. Đến cuối tháng 1 hàng năm, các đại diện của tất cả những ngành nghề thuộc bộ môn nghệ thuật thứ 7 phải gửi về AMPAS tờ phiếu bình chọn những người xuất sắc nhất. Với nghi thức ai làm trong lĩnh vực chuyên môn nào thì đề cử người được trao giải cho lĩnh vực ấy, riêng với danh hiệu của phim hay nhất trong năm thì tất cả mọi thành viên AMPAS đều tham gia bình chọn.

Tới khoảng đầu tháng 2, danh sách đề cử chính thức cho 26 chuyên ngành điện ảnh khác nhau sẽ được công bố, rồi các phim được bình chọn tiếp tục "so tài" trong suốt gần 3 tuần lễ liền tại các rạp ở Los Angeles và vùng phụ cận, để mọi thành viên thuộc AMPAS đều có dịp xem chúng. Rồi mỗi người lại phải gửi đến phiếu bình chọn mới của mình với thời hạn chót là ngày 20/2.

Tất cả các phong bì đựng phiếu bầu được bảo quản cẩn mật trong két sắt tại trụ sở AMPAS, chỉ được mở ra kiểm đếm vào buổi chiều trước đêm trao giải với sự trợ giúp của máy điện toán. Tên tuổi của những người đoạt giải được đem tới địa điểm cử hành lễ trao giải Oscar trong những phong bì niêm phong kỹ lưỡng.

Độ tuổi trung bình của các thành viên hiện thời thuộc AMPAS là 62 năm, "tương đương lứa tuổi xứng được đãi ngộ hưu trí" như lời bình luận đầy hài hước trên tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ The New York Times; chỉ có 14%  thuộc lớp người dưới 50 tuổi mà thôi. Trong số 5.829 thành viên AMPAS thì người da trắng chiếm tới 94%, người Mỹ gốc Latinh chiếm 4% và 2% còn lại thuộc về người Mỹ gốc Phi.

Sự "phân chia giới tính" trong AMPAS cũng mang tính "áp đảo", với tỉ lệ nam giới chiếm 77% và phụ nữ là 23%. Đặc biệt có một thành viên dạng "lão làng"  thuộc AMPAS là một nữ tu sĩ, hiện là chủ một hiệu sách tôn giáo ở ngoại vi Los Angeles. Bà này đã từng tình nguyện tham gia vào đội Hòa bình Mỹ hoạt động ở nước ngoài.

Điều thú vị gây bất ngờ nhất đối với công chúng 5 châu chứng kiến trực tiếp lễ trao giải Oscar lần thứ 85 vừa qua hay theo dõi qua màn ảnh nhỏ, hiển nhiên là sự xuất hiện của đương kim đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama tại phần trao giải quan trọng nhất trong những giờ phút cuối cùng. Qua màn hình lớn trên sân khấu được truyền qua vệ tinh từ Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C, bà M. Obama  vẫn mặc chiếc váy sành điệu sản phẩm của nhà thiết kế gạo cội người Mỹ gốc Ấn Độ Naeem Khan, bởi đệ nhất phu nhân vừa dự tiệc khoản đãi các thống đốc tiểu bang về hội kiến tại Tòa Bạch ốc.

"MC nghiệp dư" M. Obama thoắt trở thành người đồng dẫn chương trình cho phần trao giải phim hay nhất của năm cùng với nam diễn viên kỳ cựu Jack Nicholson 76 tuổi. Sau khi xướng tên lần lượt danh sách cả 9 phim được đề cử cho giải thưởng danh giá này, đồng thời không quên ca ngợi mỗi phim đều là một kiệt tác nghệ thuật, đệ nhất phu nhân đã mở phong bì nêu đích danh phim được trao là "Argo" của đạo diễn người Mỹ 41 tuổi Ben Affleck, cũng là diễn viên chính trong bộ phim tái hiện một sự kiện lịch sử khó quên về việc giải cứu 6 nhân viên ngoại giao bị cầm giữ làm con tin trong tòa Đại sứ Mỹ, xảy ra ở Tehran (Iran) vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước

Quang Long (tổng hợp)
.
.