Những ai phải chịu trách nhiệm về vỡ đường ống nước Sông Đà?

Thứ Tư, 13/08/2014, 23:45

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1) của Vinaconex, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm để xảy ra sự cố này?
>> Xây dựng đường ống số 2 nước sông Đà: Vì sao lại vẫn là Vinaconex?

Đường ống được sản xuất bằng dây chuyền, thiết bị Trung Quốc

Trong văn bản trả lời phỏng vấn của PV Chuyên đề ANTG, trả lời câu hỏi phải chăng Vinaconex đã lắp đặt cả ống không đạt chuẩn nên mới xảy ra sự cố, ông Phạm Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại - Pháp chế Vinaconex cho biết, toàn tuyến đường ống bao gồm khoảng 5.100 sản phẩm ống và phụ kiện các loại, được sản xuất tại Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex -  Viglafico; Viglafico được thành lập năm 2004 và bắt đầu sản xuất sản phẩm cho dự án năm 2005.

Trước khi sản xuất, Viglafico đã cử các cán bộ kỹ thuật sang Trung Quốc học tập nhận chuyển giao công nghệ tại bên cung cấp thiết bị, cử các cán bộ công nhân kỹ thuật đi đào tạo tại Trung tâm Pholymer của Đại học Bách khoa. Ngoài ra, để đảm bảo về mặt kỹ thuật Viglafico đã thuê một chuyên gia Trung Quốc (bên chuyển giao thiết bị và công nghệ) sang ở tại nhà máy công ty kiểm soát quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm từ năm 2005 đến 2007.

Ống và phụ kiện cung cấp cho dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 1 của Hiệp hội Công trình nước Hoa Kỳ, các quy định của Bộ Y tế đối với vật tư, thiết bị dùng cho ống dẫn nước sạch, gioăng cao su theo tiêu chuẩn ASTM F477. Mỗi một sản phẩm ống và phụ kiện đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu kiểm tra nguyên liệu đầu vào, đến kiểm soát các công đoạn sản xuất, thử áp lực.

Các chỉ tiêu của ống được kiểm tra tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất ANSI/AWWA C950-1 gồm: độ bền kéo hướng vòng; độ bền kéo hướng trục; độ bền nén hướng trục và độ bền nén hướng trục được kiểm tra theo lô sản xuất; riêng độ kín thủy tĩnh được kiểm tra đối với từng ống.

Một góc nhà máy nước sạch sông Đà.

Các chỉ tiêu trên được kiểm tra tại Phòng thí nghiệm của Viglafico. Ngoài ra, các các chỉ tiêu trên còn được kiểm tra xác suất tại đơn vị kiểm định độc lập là Trung tâm Kỹ thuật 1 và Phòng thí nghiệm trọng điểm đường bộ 1.

Đối với thí nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm: sản phẩm ống và phụ kiện có lớp lót tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước, vì vậy trong công nghệ sản xuất ống, Viglafico đã dùng loại nhựa cấp thực phẩm Isophthalic polyester để tạo lớp lót trong. Ngoài ra, công ty đã thử nghiệm mẫu lớp lót tại Viện Dinh dưỡng và đã được công nhận đảm bảo.

Khi bàn giao ống và phụ kiện xuất ra khỏi kho của Viglafico đều có đại diện của Ban Quản lý dự án kiểm tra nhận và giao lại cho nhà thầu, đại diện nhà thầu kiểm tra và nhận ống. Mỗi ống và phụ kiện khi giao nhận đều có chứng chỉ xuất xưởng.

Về việc thi công, lắp đặt đường ống, ông Sơn cho biết theo báo cáo của Ban Quản lý dự án, các bước thi công lắp đặt ống được thực hiện như sau:

Đào mương đặt ống độ dài tối thiểu bằng 2 lần chiều dài cây ống sẽ lắp đặt, chiều rộng đáy mương đào bằng đường kính ống cộng thêm 1,2 m (mỗi bên 60 cm).

Lớp cát lót đáy ống dày 20 cm phải được đầm chặt K 90 trước khi đặt ống.

Trước khi lắp gioăng, nối ống, hai đầu ống được nối với nhau và 2 gioăng cao su đều phải được rửa sạch, lau khô.

Nối, lắp ống bằng cách kéo ống bằng tời cáp vải, chèn cố định ống đã lắp bằng các bao tải cát đã chuẩn bị sẵn.

Sau khi nối ống và ống đã được chèn cố định phải thử áp khoang giữa 2 gioăng ở đầu ống, áp lực thử 9kg/cm2, yêu cầu không tụt áp trong 10 phút.

Hai bên thành ống chỉ được đệm bằng cát đầm chặt. Trên ống được lấp cát dày 30cm từ đỉnh ống và đầm chặt K90, sau đó được lấp đất đầm chặt K80 đến cao độ thiết kế. Đầm các lớp trên đỉnh ống phải dùng đầm cóc, không được dùng máy lu.

Sau khi lấp cát đến đỉnh ống, thử áp khoang giữa 2 gioăng cao su một lần nữa vẫn với áp lực 9kg/cm2 nhằm kiểm tra xem ống có bị xê dịch trong quá trì lấp cát, đầm chặt gây hở mối nối hay không. Thử áp xong phải tháo đầu nối cấp nước vào khoang giữa 2 gioăng, bịt lại bằng một nút bịt.

Chủ đầu tư đã tổ chức thi công mẫu một đoạn ống để hướng dẫn các đơn vị thi công về kỹ thuật thi công lắp đặt và nghiệm thu đường ống, đồng thời rút kinh nghiệm bổ sung, hoàn chỉnh quy trình lắp đặt sau đó mới triển khai thi công lắp đặt đại trà.

Lãnh đạo Vinaconex tại buổi lễ ký bàn giao và tiếp nhận hệ thống cấp nước khu vực Tây Nam Hà Nội.

Đối với lắp đặt ống trên nền đất yếu, Viện Khoa học công nghệ xây dựng là đơn vị tư vấn thiết kế lắp đặt 3,4 km ống qua các khu vực nền đất yếu trên đường Láng - Hòa Lạc. Giải pháp của Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng là lắp các đoạn ống ngắn (từ 2 đến 6m) thay cho các ống 11,7m thông thường để sử dụng độ lệch trục cho phép của ống (do đầu nối ống lắp 2 gioăng) trong trường hợp nền đất lún kéo theo ống lún xuống. 

Ở những chỗ tài liệu khảo sát không nêu là nền đất yếu nhưng khi thi công qua các ao, hồ có chiều sâu lớp bùn, đất yếu hoặc khi đào đến chiều sâu mương đặt ống phát hiện thấy nền đất yếu cục bộ, Ban Quản lý dự án đều yêu cầu phải vét hết lớp bùn đất yếu thay thế bằng cát trộn xi măng với tỷ lệ xi măng từ 5 - 8% đến cao độ đáy ống.

Ông Sơn khẳng định các bước thi công đều được tiến hành và kiểm tra nghiệm thu đúng quy định về quản lý chất lượng, yêu cầu kỹ thuật thi công lắp đặt ống của dự án.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tất cả những trả lời này có đúng với thực tế hay không? Bởi trong Thông báo số 15 của Bộ Xây dựng kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống, đã kết luận:

Ống composite cốt sợi thủy tinh có chất lượng không đồng đều, thể hiện ở các hiện tượng: Mẫu ống thí nghiệm lấy từ các ống bị sự cố có hiện tượng bong rộp, tách lớp. Kết quả thí nghiệm chỉ tiêu độ cứng vòng của mẫu bị vỡ ở cấp nén B (biến dạng 15%) không đạt yêu cầu thiết kế. Qua báo cáo của các bên có liên quan cho thấy một số khuyết tật của ống như: bong rộp, tách lớp đã được phát hiện trong quá trình kiểm tra ống trước khi lắp đặt (các đoạn ống này đã không được nghiệm thu).

Quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính của các lớp vật liệu cấu tạo ống, về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống giai đoạn khai thác sử dụng (ví dụ: ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu một số tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh; một số dị vật lẫn trong lớp cát đệm xung quanh ống có thể tác động bất lợi lên thành ống).

Ống composit cốt sợi thủy tinh được sản xuất bằng dây chuyền, thiết bị Trung Quốc.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của tuyến ống như: ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến Đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian (trong khi không có kết quả thí nghiệm chứng minh độ bền lâu của vật liệu chế tạo ống).

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) đã khẳng định việc "đổ lỗi" cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác.

Theo ông Trung, tuyến đường có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau, trong đó có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m. Khi làm đường, đơn vị thi công đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… khi nền ổn định mới xây dựng công trình. Trong khi đó, đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5m, độ sâu từ 4-6m so với mặt đất tự nhiên, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường.

"Tôi khẳng định đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, do đó cũng không thể nói nền đường Đại lộ Thăng Long gây sụt lún ảnh hưởng vỡ đường ống. Hơn nữa, độ rung từ mặt đường cao tốc do ôtô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không. Khi hai dự án cùng thực hiện (đường Láng - Hòa Lạc và đường ống nước sạch sông Đà), không dưới 5 lần tại các cuộc họp tôi đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Tuy nhiên, họ không nghe mà vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu".

Vì sao Hà Nội vẫn cho Vinaconex làm tiếp đường số 2?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều ngày 31/7 vừa qua, việc đường ống nước sạch sông Đà liên tục vỡ mà Vinaconex vẫn được UBND TP Hà Nội tín nhiệm cho làm tiếp đường ống số 2 đã được đặt ra với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên.   

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Chính phủ rất quan tâm và đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành xem xét những công việc theo chức năng được giao. Hiện nay thẩm quyền xử lý vấn đề này là của Bộ Xây dựng và TP Hà Nội. Có những dấu hiệu vi phạm pháp luật nên Cơ quan CSĐT đã vào cuộc.

Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đưa ra 4 lý do để Hà Nội cho Vinaconex triển khai giai đoạn 2:

Đây là một trong các giải pháp để khắc phục sự cố vỡ ống nước giai đoạn 1 mà trách nhiệm thuộc về Vinaconex, để kịp thời cung cấp ổn định nước sạch cho nhân dân.

Thực hiện theo đúng chủ trương và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vinaconex cam kết tự bỏ vốn đầu tư đảm bảo tiến độ thời gian (ngân sách thành phố không phải đầu tư), trình tự, thủ tục về đầu tư triển khai nhanh nhất đáp ứng nhu cầu bức xúc của nhân dân.

Đảm bảo sự đồng bộ của cả dự án do Vinaconex làm chủ đầu tư gồm nhà máy và tuyến ống, sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và vận hành, sử dụng sau này.  

Tuy nhiên, do Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước (giai đoạn 1), nên UBND TP Hà Nội kiến nghị với Chính phủ việc Vinaconex triển khai giai đoạn 2 của dự án phải được xem xét cụ thể về năng lực, các điều kiện để thực hiện dự án và quy định của pháp luật.

"Trường hợp Vinaconex không được phép tiếp tục triển khai dự án, UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP thực hiện các cơ chế đặc thù, chỉ đạo Công ty Nước sạch của thành phố triển khai dự án trong thời gian sớm nhất và theo đúng quy định".

Ông Nguyễn Sĩ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải) khẳng định nguyên nhân sâu xa là do người thiết kế và nhà thầu thi công chưa xử lý móng của tuyến ống, để nó chạy trên nền đất yếu. Vật liệu của ống lại là composite, là vật liệu mới được áp dụng gần như đầu tiên ở Việt Nam, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi móng của đường ống không đều, tuyến ống sẽ vỡ.

Đường ống liên tục bị vỡ là do sự cẩu thả và vô trách nhiệm trong việc thi công. Nhà thầu làm cho xong, còn chủ đầu tư, đơn vị nghiệm thu cho qua. Không thể đặt đường ống một cách vô tư, cẩu thả trên tất cả các địa hình mặc dù đã được cảnh báo từ trước.

Thông báo số 15 của Bộ Xây dựng kết luận giám định nguyên nhân vỡ đường ống truyền tải nước sạch sông Đà đã xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan bao gồm: Chủ đầu tư, nhà thầu sản xuất và cung cấp ống cốt sợi thủy tinh, các nhà thầu thi công xây dựng lắp đặt tuyến ống, nhà thầu giám sát thi công xây dựng, nhà thầu thiết kế của Dự án.

Chủ thể thì đã rõ, nhưng cụ thể là những cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Câu hỏi này có lẽ phải chờ kết luận chính thức của Cơ quan điều tra.

Nguyễn Thiêm
.
.