Những bất cập làm ngành chăn nuôi heo “vỡ trận”

Thứ Ba, 09/05/2017, 10:00
Từ cuối năm 2016 đến nay, người chăn nuôi heo cả nước lâm vào cảnh thê thảm, điêu đứng vì giá bán giảm sâu từng ngày, khiến người chăn nuôi nợ nần chồng chất, đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân chính là do thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng thu mua heo Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

Cụm từ “giải cứu” đàn heo lại vang lên thê thảm hơn nhưng lần ế dội hàng trước đây như vụ dưa hấu ở Quảng Ngãi, hành tím ở Sóc Trăng, trái Thanh Long ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An... và giờ đây, đến lượt người chăn nuôi heo khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ kêu cứu khản cả giọng vì đang đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần chồng chất.

Treo chuồng, chồng nợ bởi heo rớt giá kịch đáy

“Vương quốc heo” tại tỉnh Đồng Nai, nơi dẫn đầu cả nước với tổng đàn trên 2 triệu con những ngày này bao trùm bởi bầu không khí nặng nề, bất ổn do giá heo hơi tụt xuống đáy chưa từng xảy ra trong suốt 10 năm qua. Đến thời điểm hiện nay, giá heo hơi có nơi chỉ còn 15.000 - 20.000 đ/kg mà chẳng ai thèm mua, người chăn nuôi phải ôm khoản lỗ thâm kim ước khoảng 2-2,5 triệu đồng/con heo loại cân nặng khoảng 100 kg trở lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai (Sở NN&PTNT) cho biết: toàn tỉnh có 483 trang trại được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 4 trang trại chăn nuôi đạt chuẩn VietGAHP. Tình hình nông hộ chăn nuôi cũng đã có 23 tổ hợp tác với 402 hộ thành viên ước tính tổng đàn trên 30.000 con heo thịt sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAHP phục vụ cho thị trường. Hiện nay giá bán heo VietGAHP khoảng 30.000đ/kg, được coi là “có giá” cao nhất.

Người chăn nuôi heo phải “treo chuồng” vì giá thấp.

Người chăn nuôi heo không chỉ Đồng Nai mà hầu hết các tỉnh Đông, Tây Nam bộ đang khóc ròng vì từng ngày, từng giờ đối mặt với nguy cơ phá sản, nợ nần đầm đìa. Nguyên nhân do đâu? Chi cục trưởng chăn nuôi - thú y Đồng Nai, ông Trần Văn Quang cho biết: lượng heo tồn cao, giá do thương lái mua ép xuống cực thấp không chỉ từ việc thương lái Trung Quốc ngưng thu mua heo, mà còn do chính người chăn nuôi tràn lan, thiếu quy hoạch, cung vượt xa cầu tự gây ra.

Do giá bán khá ổn định trong nhiều năm qua trên dưới 50.000 đ/kg heo hơi, nên “nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo”, tăng đàn, mở rộng quy mô, đầu tư từ tổng đàn 1,7 triệu con năm 2015, tăng lên trên 2 triệu con vào năm 2016. Đến cuối năm 2016, thương lái Trung Quốc mua heo theo đường tiểu ngạch đột ngột ngưng thu mua heo Việt Nam. Tổng đàn heo tiêu thụ thị trường trong nước chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc khiến người chăn nuôi hụt hẫng, trở tay không kịp.

Trước thực trạng đó, ngành chăn nuôi và Bộ NN&PTNT đã phát đi cảnh báo về tỷ trọng cung vượt cầu quá cách biệt. Thêm vào đó là tình trạng thịt heo ngoại đang nhập khẩu tràn lan chiếm thị phần đáng kể tại các siêu thị, trung tâm thương mại đã đẩy người chăn nuôi heo nội địa rơi vào thế hiểm, tiến thoái lưỡng nan như hiện nay. Người chăn nuôi phải đối mặt với những khoản nợ vay từ ngân hàng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi và nợ tạm ứng thức ăn cho heo từ các đại lý phân phối, đại lý thuốc thú ý, con giống...

Ông Nguyễn Văn Ren, xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) chua chát cho biết: mỗi lứa heo nuôi khoảng 3 tháng xuất chuồng, tổng chi phí cho mỗi con khoảng 3-3,5 triệu đồng. Nếu bán với giá thấp tè như hiện nay trên dưới 20.000 đ/kg heo hơi, lỗ mỗi con khoảng 2 triệu cầm chắc. Đàn heo ông đang nuôi tại nhà khoảng 1.200 con, mỗi lứa khoảng 300 con trên dưới 100kg. Nợ dâng cao ngập đầu từ tiền vay ngân hàng, tiền tạm ứng thức ăn, thuốc thú y...

Một số đại lý thức ăn gia súc có nguy cơ phá sản vì người chăn nuôi không trả nổi nợ và không còn người mua nên đã siết heo, siết tài sản của người chăn nuôi theo kiểu “được chút đỉnh còn hơn không” đã và đang gây hoang mang, bất ổn, mất an ninh trật tự tại những địa phương  chăn nuôi có tổng đàn heo lớn như: Đồng Nai, Bến Tre, Hậu Giang, Bình Định...

Người chăn nuôi đã phải “treo chuồng” là một thực tế đang diễn ra. Bà Lê Thị Linh ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) mắt đỏ hoe kể lại: Năm 2015 gia đình bà vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng đầu tư khu trang trại khang trang, rộng 3.100m2 với hy vọng sẽ đầu tư chăn nuôi đàn heo sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng nay đành phải “treo chuồng” vì thất bại thua lỗ gần cả tỷ đồng.

Tương tự hoàn cảnh trên, anh Đặng Văn Lư, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) sau đợt xuất chuồng cuối năm 2016, bị thua lỗ gần 800 triệu đồng do giá bán quá thấp, giờ đây anh gọi người đến mua giùm bán heo “bán mão” như bán trái cây vườn với giá chung 100.000đ/6 kg và buồn rã ruột đi vận động người thân dịp lễ 30-4, hùn nhau mua heo mần thịt ăn lễ.

Theo anh, mỗi ngày “ngâm” chuồng, tiền thức ăn cho heo sẽ tốn thêm, nếu để lâu thì thịt sẽ nhiều mỡ bán càng lỗ nặng. Bao nhiêu hy vọng trả nợ vay ngân hàng, nợ đại lý thức ăn gia súc, đại lý thuốc thú y và sửa lại căn nhà che mưa nắng của vợ chồng anh giờ đã tan thành mây khói.

Sổ đỏ đất đai đang cầm ở ngân hàng còn sổ trại heo thì cầm đại lý cám thức ăn gia súc, là tình cảnh của nhiều người chăn nuôi đang kêu trời khản giọng. Do đó, người chăn nuôi bế tắc chỉ còn cách rao bán đất vườn nhà với giá rẻ mạt để trả nợ. Theo ước tính sơ bộ, tại Đồng Nai hiện có khoảng 30-40% hộ chăn nuôi nhỏ đang treo trại, bán trại, bán đất để trả nợ.

Trong số này có không ít các chủ đại lý thức ăn siết nợ người chăn nuôi. Vì chủ các đại lý, cũng là người gặp vạ lây từ nợ mà người chăn nuôi thua lỗ, không thể trả nổi. Chưa kể đến hàng loạt hệ lụy, hậu quả từ việc “tạm ứng” của người chăn nuôi trong lúc tập trung, dồn sức vào đàn heo chờ ngày xuất chuồng.

Người nông dân trồng cây hoa quả, nuôi heo, cá dường như quanh năm luẩn quẩn trong vòng xoáy cung - cầu và lợi ích trước mắt đã không tính đến việc quy hoạch lâu dài và thiếu những giải pháp bền vững.

Giải cứu đàn heo cần có giải pháp bền vững

Giải cứu đàn heo, giúp người chăn nuôi heo... là những cụm từ được rất nhiều người dân và các cơ quan truyền thông, báo chí thường xuyên nhắc đến trong những ngày này. Các hiệp hội chăn nuôi, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ chủ quản có những giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua thời khắc khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan Bộ, Ngành sớm xúc tiến đàm phán thương mại với các đối tác nước ngoài để tìm đầu ra cho đàn heo đạt chuẩn xuất khẩu, theo đường chính ngạch, ổn định lâu dài. Việc giải cứu đàn heo, hỗ trợ người chăn nuôi trong nước đang tiến hành chỉ là giải pháp cấp thời, vì số lượng tiêu thụ sẽ không nhiều.

Công tác quản lý thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc phòng chống buôn lậu hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chấn chỉnh giá mua bán, mà trung tâm nút thắt là các đầu nậu trung gian, gian thương. Trong khi giá heo hơi bị ép xuống thấp tận đáy đẩy người chăn nuôi vào muôn vàn khốn đốn thì cũng là lúc giá thịt heo trên các sạp chợ, siêu thị chỉ giảm vài ngàn đồng/kg và dao động ở biên độ từ 80.000 -100.000 đ/kg. Chỉ có người chăn nuôi sa vào khốn đốn, nợ nần và người tiêu thụ thiệt thòi móc hầu bao phải mua giá cao, làm giàu cho những gian thương, đầu nậu.

Giá heo tại chuồng thì thấp nhưng giá heo tại chợ chỉ giảm nhẹ.

Bên cạnh việc bấp bênh, đầy bất cập từ thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay, mà người nuôi heo trong nước đang điêu đứng còn vì hàng ngàn tấn thịt heo đông lạnh nhập khẩu từ các nước ồ ạt tiến vào các siêu thị, trung tâm thương mại Việt Nam. Thống kê của Tổng Cục Hải quan cho biết: năm 2016, Việt Nam đã nhập 94 tấn đuôi heo đông lạnh với giá 139.000USD tương đương khoảng 3.155 tỷ đồng.

Theo tính toán của Vụ thị trường, Bộ Công thương: nguyên nhân chính làm giá heo giảm là do phía Trung Quốc ngưng nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi nguồn cung trong nước vượt cầu quá xa. Dự kiến năm 2017, sản lượng thịt heo cả nước ước đạt 3,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa ước đạt 3,5 triệu tấn, dư thừa 200.000 tấn. Cộng với sản lượng thịt heo nhập ngoại thì con số dư dôi sẽ rất cao, do đó người chăn nuôi trong nước khóc ròng là điều khá dễ hiểu.

Giúp đỡ người chăn nuôi heo trong lúc này, bằng cách mở thêm nhiều chuỗi cửa hàng bán thịt heo giá rẻ hiện đang là cách làm của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai. Nhưng không phải bao giờ mọi việc cũng được dễ dàng, thuận lợi tại những nơi mà tình hình an ninh trật tự phức tạp. Một chủ sạp thịt heo ở thị xã Dĩ An, Bình Dương đã bị những kẻ xấu kéo đến hành hung, đập phá vì  dám “bán thịt heo sạch” khiến cho nhiều sạp khác ế ẩm.

Hoàng Châu
.
.