Những bộ phim vẫn công chiếu khi diễn viên đột ngột ra đi...

Thứ Ba, 08/03/2016, 20:00
Trong lịch sử điện ảnh thế giới có nhiều bộ phim đang thực hiện thì diễn viên tham gia bỗng đột ngột từ trần, gây ra bao khó khăn cho đoàn làm phim. Sự việc càng trầm trọng hơn, một khi đấy là những diễn viên thuộc hàng siêu sao danh tiếng. Xin đơn cử những trường hợp dưới đây.

Natalie Wood (1938-1981), nữ diễn viên nổi tiếng qua vai cô bé Maria trong bộ phim ca nhạc "West Side Story" (Câu chuyện phía Tây), mất cuối tháng 11-1981 khi đang đóng dở cuốn phim "Brainstorm" (Động não), khiến các nhà làm phim cũng như các công ty bảo hiểm gặp phải những vấn đề nan giải, cả về kỹ thuật lẫn tài chính. Bất cứ siêu sao màn bạc nào qua đời dù đang đóng vai phụ, cũng có thể gây nên một cú sốc lớn cho hãng sản xuất. Vấn đề gay cấn nhất là làm sao vẫn tiếp tục được những cảnh đã quay một cách có hệ thống… Nhiều khi bắt buộc phải viết lại kịch bản phim, mà điều này rất dễ làm cho phim mất đi phần "ăn khách"…

Vậy là mọi người phải ra tay. Giới sản xuất, nhà đạo diễn, người viết kịch bản, đội ngũ hóa trang, các chuyên viên kỹ thuật quyết chí cho tác phẩm điện ảnh dang dở được hoàn thành, với một nhân vật "giống y chang" người quá cố. Với cái chết của Natalie Wood, Hãng Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) đã mất đứt 25 triệu USD. "Dù rằng phần lớn cảnh trong "Brainstorm" đã được quay - nhà làm phim John Forman giải thích - Nỗi bất hạnh nằm ở chỗ là còn 3 cảnh quay rất quan trọng phải có Wood hiện diện. Chúng tôi bàn bạc với đạo diễn Douglas Trumbull, người kiên quyết giữ những cảnh còn lại. Chúng tôi không thể quay những "người hùng" từ đằng sau lưng hoặc trong cảnh "tranh tối tranh sáng", bởi như vậy sẽ làm phật lòng công chúng. Natalie Wood là một siêu sao khác biệt, ngay cả người có dáng dấp và khuôn mặt như "chị em sinh đôi" với cô ta cũng không thể thay thế hoàn hảo được…".

J. Dean cùng siêu minh tinh Liz Taylor (1932-2011) trong phim "Giant".

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố trong quá trình kiến tạo một tác phẩm điện ảnh, vì thế cho nên các nhà làm phim luôn áp dụng các biện pháp bảo hiểm phòng trước. Còn các công ty bảo hiểm thường không dám ký hợp đồng với những diễn viên mắc bệnh tim hay parkinson (liệt rung)… Như trường hợp của nam tài tử kiêm ca sĩ người Pháp Andre Bourvil (1917-1970), trong những ngày cuối đời luôn bị các nhân viên bảo hiểm "theo sát gót". "Họ theo dõi tôi như là một tên tội phạm", anh than thở với khuôn mặt xám ngoét do cái chết gần kề. Rồi A. Bourvil vẫn đóng xong phim "Le Cercle rouge" (Vòng tròn màu đỏ) và mất 2 tháng sau đó, vào cuối tháng 9-1970.

Nhưng "người bạn lớn" của A. Bourvil là siêu tài tử Fernand Joseph Desire Contandin (1903-1971), nổi tiếng qua nghệ danh Fernandel lại không có được sự may mắn đó, anh mất khi đang đóng dở phim "Don Camillo" (Hầu tước Camillo) của đạo diễn người Italia Luigi Comencini (1916-2007). Cuốn phim đành bỏ dở, bởi không một nhà quay phim nào, một chuyên gia hóa trang nào, không một xảo thuật màn bạc nào có thể thay thế nổi Fernandel, vì anh là một nhân vật "độc nhất vô nhị".

Không ai có thể thay thế được siêu tài tử người Pháp Fernandel trong bộ phim "Don Camello".

Những cuốn phim bị ngừng quay giữa chừng có số phận thật buồn thảm. Ví dụ như với kiệt tác cuối cùng có sự góp mặt của "Người đàn bà đẹp nhất hành tinh" Marilyn Monroe (1926-1962) - bộ phim "Something's Got to Give" (Đã có điều gì đó để cho). Những cảnh quay đành phải bỏ dở, kịch bản buộc phải thay đổi, để một năm sau thành cuốn phim "Move Over, Darling" (Di chuyển khắp nơi, hỡi người yêu dấu) tiếp nối với nữ  diễn viên Doris Day. Thật ra đa phần những thước phim đã quay đều được người ta tận dụng, kể cả khi kịch bản đã thay đổi, với sự "ráp nối" rất thiện nghệ. Do vậy nhiều tác phẩm điện ảnh gặp "sự cố" vẫn được duy trì, qua thủ thuật tinh xảo cùng "lối thoát" cuốn hút hơn, khiến khán giả quên đi thực tại…

Đôi khi các hãng phim tự thoát ra khỏi nỗi bế tắc một cách kỳ lạ. Như với trường hợp của siêu tài tử người Mỹ James Dean (1931-1955) chẳng hạn. Anh mất vào tháng 9-1955, khi mới 24 tuổi. J. Dean mất khi vừa đóng xong kiệt tác bi tráng "Giant" (Chàng khổng lồ) - bộ phim đã đưa anh lên đài danh vọng, trở thành thần tượng của thế hệ trẻ Mỹ đương thời, cho dù James Dean đã quá cố. J. Dean đã giữ đúng lời hứa "hoàn thiện xong cuốn phim mới chịu… yên nghỉ".

Diễn viên N. Wood trong phim "Brainstorm".

"Giant" được giữ nguyên các cảnh quay, chỉ còn vấn đề "ráp nối" các màn đối thoại: giọng của J. Dean được thay bằng âm sắc của nam tài tử Nick Adams (1931-1968). Còn đạo diễn gạo cội người Italia Federico Fellini (1920-1993) đã dùng mọi biện pháp kỹ thuật, nhằm "lấp khoảng trống" của siêu sao Ettore Manni (1927-1979) bị nạn bất ngờ khi đang lau chùi bộ sưu tập vũ khí cá nhân. Hơn 3 tháng hè làm việc cật lực dưới bầu trời Rome oi ả, nhọc nhằn vật lộn với những cảnh trong phim "City of Women" (Thành phố của đàn bà) tưởng chừng đi tong… Nhưng nhờ sự biến hóa tài tình của đạo diễn tài ba, song song là việc sửa lại kịch bản chút ít, khiến "City of Women" được hoàn chỉnh tới mức chỉ có những chuyên gia trong nghề mới biết được sự "vắng bóng" của E. Manni.

Cách đây nhiều thập niên, do kỹ thuật điện ảnh chưa phát triển hoàn thiện như  bây giờ nên người ta bắt buộc phải bỏ dở những cuốn phim đúng ra là sẽ chiếm nhiều kỷ lục nhất. Năm 1958, đạo diễn King Vidor (1894-1982) gặp trở ngại lớn với diễn viên chính của phim "Solomon and Sheba" (Vua Solomon và Hoàng hậu Sheba), nam tài tử Tyrone Power (1914-1958) bị nhồi máu cơ tim khi đang đóng cảnh đấu kiếm và trút hơi thở cuối cùng ít phút sau đó.

Bản poster hy hữu về cuốn phim "Something's Got to Give" dang dở với M. Monroe.

Sự mất mát trong vấn đề tài chính thật lớn lao, bởi phim hầu như sắp quay xong, còn kịch bản dựa theo Thánh kinh nên không thể thay đổi được. Đạo diễn Vidor bắt buộc phải cho quay lại từ đầu với diễn viên mới Yul Brynner (1920-1985). Tuy họ có tận dụng những cảnh đã quay với Power, nhưng rất mờ nhạt. Do vậy tên của Power - một trong những siêu tài tử sáng giá nhất của Hollywood - không được ghi trên bảng danh sách các diễn viên tham gia đóng bộ phim sử thi lãng mạn này. T. Power chỉ được công chúng nhớ tới qua các kiệt tác điện ảnh khác mà thôi.

Trong một cảnh quay của bộ phim Con quạ (The crow-1994), Brandon Lee (Lý Quốc Hào, con trai của Lý Tiểu Long) - đã bị bắn chết bởi một khẩu súng cỡ nòng 0,44 magnum. Trong cảnh quay bắn nhau mà anh tham gia đóng chính, các khẩu súng đạo cụ chỉ có thuốc súng, không có đạn. Tuy nhiên, không biết các kỹ thuật viên vũ khí sơ suất thế nào mà một khẩu súng không lấy đạn ra và đạn từ nó đã bắn vào bụng Lee. Anh chết ngay trên phim trường.

Bộ phim "Con quạ" cũng đen đủi như chính tên phim. Vào ngày đầu tiên khởi quay, ngày 1-2-1993, một người thợ mộc đã bị sốc và bỏng nặng khi chiếc xe cẩu anh ta lái chạm vào đường dây điện cao áp. Ngày 13-3, một cơn bão to đã phá hủy một số bộ phận của đoàn phim gây ra sự chậm trễ. Sau đó, một người thợ mộc vì không được trả công xứng đáng nên tức giận lái xe đâm vào studio của hãng phim.

Sau cái chết của Brandon Lee, một diễn viên đóng thế tên là Chad Stahelski phải thay thế Lee trong một số cảnh để hoàn thành bộ phim. Một hiệu ứng kỹ thuật số đặc biệt được sử dụng để khuôn mặt của Lee và diễn viên đóng thế trùng lên nhau. Diễn viên tài năng nhưng đoản mệnh Brandon Lee được chôn cất ngay bên cạnh cha mình - huyền thoại Lý Tiểu Long.

Cái chết của Bruce Lee (Lý Tiểu Long) đã gây ra bao rắc rối cho đạo diễn bộ phim "Game of Death" (Trò chơi tử  thần) đang quay dở vào giữa năm 1973. Nhân vật huyền thoại trong các phim võ hiệp của điện ảnh Hồng Kông qua đời vì một căn bệnh kỳ lạ, khiến nhà làm phim Raymond Chow (Châu Văn Hoài) định bỏ cuộc.

Nhưng trước đòi hỏi của công chúng muốn phim được trình chiếu, Chow đã đi tới một quyết định khác sau nhiều lần thay đổi kịch bản. Còn Lý Tiểu Long (1940-1973) thì không thể  "bị chết" trên phim, bởi khán giả chỉ muốn xem tài tử này múa võ thôi. Vì vậy, trong kịch bản mới phải "bịa" ra cảnh người hùng Lý Tiểu Long bị các thành viên thuộc Hội Tam Hoàng ám sát hụt, nhân vật chính chỉ "lấp ló" trên phim với người quấn đầy băng từ đầu tới chân.

Lý Tiểu Long (phải) với lần xuất hiện cuối cùng trong "Game of Death".

Riêng phần cuối của "Game of Death" đạo diễn phải dùng đến 2 người giống Lý Tiểu Long y hệt - sau một cuộc tuyển chọn lớn. Một là tay sư tổ của trường phái võ karate, nhưng lại không có khả năng đóng ngay cả những vai đơn giản nhất trong điện ảnh; còn người kia tuy là một diễn viên màn bạc thực thụ nhưng lại không biết tí võ vẽ gì. Người đầu được quay những cảnh đấm đá lớn, còn người sau là các pha đối thoại và cận cảnh… Rồi ghép nối với những phần mà Lý Tiểu Long đã đóng.

Khi "Game of Death" được công chiếu ở Manila (Philippines), hàng vạn khán giả không tin rằng Lý Tiểu Long đã mất. Cho tới tận bây giờ rất nhiều người vẫn cho rằng anh đang "ở ẩn" đâu đó… Bởi công chúng luôn tin rằng các "thần tượng" của họ là bất tử. Phải chăng đó là sức cuốn hút lớn nhất của bộ môn nghệ thuật thứ 7?

Thu Hường (tổng hợp)
.
.