Những bức tranh cổ động vô giá tại mặt trận Điện Biên Phủ

Thứ Tư, 08/05/2019, 14:10
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), các nghệ sĩ thuộc thế hệ tiền bối của nền Mỹ thuật Việt Nam cũng rời bỏ “tháp ngà nghệ thuật” lên chiến khu theo kháng chiến.

Họ tham gia kháng chiến bằng nhiều cách khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là vẽ tranh cổ động tuyên truyền. Và đáng quý thay nhiều người trong số họ đã thu thập được nhiều “chất liệu cuộc sống” để làm nên một giai đoạn rực rỡ của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam 1954-1964.

1. Giữa hàng trăm bức tranh cổ động giai đoạn kháng chiến 9 năm còn được lưu giữ có 4 bức tranh đặc biệt được in trên báo, vẽ tại ngay mặt trận Điện Biên Phủ. Bốn bức tranh này phản ánh các giai đoạn của cuộc chiến là Xây dựng quyết tâm chiến đấu; Tổ chức tấn công đợt 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tác giả của 4 bức tranh là họa sĩ Nguyễn Bích, lúc đó đang công tác tại báo Quân đội nhân dân, chúng tôi đã gặp được nhân chứng là đồng nghiệp của ông để tìm hiểu thêm về câu chuyện xung quanh những bức tranh quý này.

Cầm trên tay tập kỷ yếu (được in lại theo tỷ lệ 1:1 so với bản gốc) 33 số báo của báo Quân đội nhân dân được viết, in và phát hành trực tiếp tại Mặt trận Điện Biên Phủ, chúng tôi phải dí sát mắt để đọc những con chữ. Chữ rất nhỏ nhưng nhiều bài báo hay, tái hiện sinh động chuyện chiến trường rất thú vị.

Báo có nhiều tranh châm biếm, tranh minh họa, nhiều bức chỉ to bằng ngón tay. Mấy nét tưởng đơn giản nhưng lại rất “sát nội dung” dễ thấy người minh họa rất hiểu bài, hiểu câu chuyện chiến trường, có nhập tâm để họa. Tổng cộng có 4 lần báo dành cả trang để in một bức tranh cổ động với ba màu đen, đỏ, vàng.

Được biết, 33 số báo này xuất bản từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1954, cả tòa soạn báo có 5 người, tất nhiên cũng có cộng tác viên “nằm” trên toàn tuyến mặt trận.

Có những tay viết vào thời đó đã thành danh như Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Huy Dư, Đại Đồng… ấy thế nhưng vẫn bị tòa soạn nhắc bằng một dòng in trên mục Hộp thư của báo một câu thế này: “Mẩu sinh hoạt, chuyện anh dũng, thơ đã nhận đủ. Xin nhắc thơ cần chọn lọc và ngắn”. Mới thấy “đất” trên 33 số báo rất quý. “Đất” quý vậy nhưng vẫn để cả trang để in nguyên một bức tranh cổ động, thì bức tranh ấy phải quý đến thế nào?

Biểu ngữ trên tranh cho biết ba bức tranh cổ động này được vẽ vào các thời điểm quan trọng của Chiến dịch, đó là xây dựng Quyết tâm đánh chắc, tiến chắc; Đợt 2 tấn công vào tập đoàn cứ điểm; Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Có thể thấy đây là những bức tranh có giá trị về mặt nghệ thuật, lịch sử và đặc biệt có sức cổ vũ tinh thần rất lớn.

Đến nay, sau 65 Chiến thắng Điện Biên Phủ ngắm nhìn lại những những bức tranh ấy mà nhiều người vẫn cảm nhận được sự lay động, truyền cảm. Điều đáng tiếc là giống như nhiều bức tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bốn bức tranh cổ động cũng không được ký tên tác giả.

2. Chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Phú Bằng, sinh năm 1929, 1 trong 5 nhà báo của báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ để hỏi thăm.

Cụ nói: “Các bức tranh này đều do họa sĩ Nguyễn Bích vẽ, không chỉ có vậy, tất cả những bức biếm họa, minh họa trên số báo này đều do ông vẽ. Có người cho rằng còn có họa sĩ Mai Văn Hiến nữa, nhưng theo tôi biết hai người chỉ vẽ chung với nhau một bức, chính là tấm huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” mà chúng ta vẫn thấy”. 

Chúng tôi biết một chi tiết thế này: Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều họa sĩ coi việc vẽ tranh là phục vụ kháng chiến, nên coi công sức của mình nằm trong công sức của nhiều người, cho nên đã chủ động không ký tên vào tranh.

Hậu quả cho đến nay, ngay cả những bảo tàng mỹ thuật lớn chỉ đề là tranh khuyết danh. Điều này là rất sai và làm giảm giá trị của bức tranh đi rất nhiều. Còn một giả thuyết khác, nhiều họa sĩ không coi tranh cổ động là một loại “tác phẩm nghệ thuật” (do tính chất phải nhân nhiều bản, phục vụ tuyên truyền) nên họ đã từ chối “đứa con tinh thần” của mình. Vậy ba bức tranh của họa sỹ Nguyễn Bích rơi vào trường hợp nào?

Cụ Phú Bằng kể: “Theo tôi lúc đó anh Nguyễn Bích rất coi trọng tác phẩm của mình, nhưng chủ trương của báo là không ghi tên, bởi vì lúc đó nhiều người không nghĩ đến chuyện bản quyền, hay tác quyền sau này. Tất cả đều hướng tới mặt trận, vì mặt trận, cứ chiến thắng là vui rồi, có ai nghĩ gì đến công sức cá nhân. Chính nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng cũng không đề tên vào tác phẩm của mình. Nhưng tôi chắc chắn đó là ba bức tranh do Nguyễn Bích vẽ”.

Cụ Phạm Phú Bằng thời ở Mặt trận Điện Biên Phủ mới có 25 tuổi, họa sĩ Nguyễn Bích 29 tuổi nhưng cũng kể như là “đồng trà”, anh em thanh niên sinh hoạt chung một lán nên thường tâm sự với nhau. Họa sĩ Nguyễn Bích giỏi nhiều môn thể thao, đặc biệt ông nhào lộn rất giỏi, và thích chỉ dẫn cho người khác.

Ông nhiều lần lộn cuộn vòng trên không, tư thế rất nguy hiểm khiến người phụ trách báo phát sợ, cấm họa sĩ bày cho bọn trẻ. Đó là lúc toà soạn báo Quân đội nhân dân đóng ở gần Sở chỉ huy Chiến dịch trong rừng Mường Phăng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Sau này tòa soạn lui xuống dưới đồi Ngựa Hí cách trụ sở cũ mấy cây số, tại đây có thể nhìn bao quát lòng chảo Điện Biên Phủ. Có thể bức tranh cổ động thứ 2 với bố cục góc cao nhìn xuống được quan sát, và lấy cảm hứng từ chính địa điểm này.

3.Họa sĩ Nguyễn Bích mê hội họa từ nhỏ và ông đến với nghệ thuật tạo hình một cách rất tự nhiên. Qua lời kể của cụ Phú Bằng, họa sĩ từng tâm sự rằng do hồi bé hay nghịch ngợm nên thường bị bố nhốt trong nhà.

Trong nhà chỉ có bút, giấy nên ông cứ quan sát qua ô cửa sổ, thấy gì vẽ nấy, kỹ năng hội họa từ đó mà hình thành. Sau này, ông tự học vẽ bằng cách gửi tập vẽ cho thầy (người Pháp) để nhận lại thư nhận xét tác phẩm. Mỗi tháng hai lần, gửi tác phẩm và nhận lời nhận xét. Do sẵn có năng khiếu cộng với được “chỉ dạy từ xa” đã giúp ông rất nhiều trong việc hoàn thiện kỹ năng hội họa.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Bích được nhiều họa sĩ cùng thời đánh giá là chắc về bố cục, tạo hình và đường nét. Ông vẽ tranh với chiếc bút lông nhỏ xíu nên hình ảnh được trau chuốt, mềm mại. Được biết, trước khi trở thành họa sĩ trình bày của báo Quân đội nhân dân ông đã làm họa sỹ vẽ tranh tuyên truyền và làm báo cho Tỉnh đội Tuyên Quang.

Bốn bức tranh cổ động của Nguyễn Bích đăng trên 33 số báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ được vẽ theo phong cách trau chuốt này. Có thể thấy sự trùng khớp trong cách vẽ gương mặt anh chiến sĩ Điện Biên (vẽ năm 1954, trên báo Quân đội nhân dân) với gương mặt Bác Hồ trong bức tranh cổ động nổi tiếng của ông (vẽ năm 1975, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Cũng với phong cách trau chuốt, mềm mại tới từng chi tiết đó, sau này ông đã thể hiện bộ truyện tranh “Sát Thát” (NXB Kim Đồng), giành  Huy chương Bạc tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế, CHDC Đức, năm 1971.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Bích.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những bức tranh châm biếm, đả kích của họa sĩ Nguyễn Bích vẽ đăng trên 33 số báo này. Có thể nói tranh của ông chạm tới mọi khía cạnh trong cuộc sống của con người nơi chiến trường. Từ hình ảnh bộ đội ta ngủ nghỉ, đào hầm, bắn máy bay thả dù, bắn xe tăng cho tới lính Pháp bị đói khát, sợ hãi khốn đốn trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cụ Phú Bằng kể: “Tranh biếm họa của anh Nguyễn Bích rất được bộ đội tán thưởng. Có anh còn tô lại nét vẽ  để làm tranh vui, báo tường ở đại đội. Khi đến lấy tin ở đơn vị cơ sở, rất nhiều anh đã hỏi tôi rằng ai là người vẽ những bức biếm họa đó. Vẽ ở đâu mà “thật” đến thế, trúng tim đen thằng Pháp đến thế. Tòa soạn cũng đánh giá cao những bức biếm họa này nên ở nhiều số báo anh Lê Liêm (người phụ trách báo) dành hẳn những góc đẹp trên báo cho tranh châm biếm”.

Đến bây giờ người cựu chiến binh của Mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa còn cười òa khi nhớ lại bức tranh “Cảnh tây khổ”, “Pháp xin hàng”, “Thiếu chỗ…ị”,… Những bức tranh này dựa trên  câu chuyện hoàn toàn có thật diễn ra trong suốt chiến dịch mà họa sĩ Nguyễn Bích nghe được từ chiến sĩ ta kể lại trong những lần thâm nhập thực tế. Anh em ta quan sát, chứng kiến kể lại cho họa sĩ để họa sĩ phóng tác thành tranh.

Có một điều hơi tiếc cho họa sĩ Nguyễn Bích dù rất ham đi thực tế, nhưng do tính chất công việc của ông phải ở gần với  tòa soạn báo (trình bày, vẽ minh họa) nên cơ hội ông đi thực tế hơi ít. Việc này cũng nhiều khi làm họa sĩ bức xúc và phải to tiếng với người phụ trách. Cuối cùng người phụ trách phải chịu thua, để cho ông đi thực tế với điều kiện phải có người bảo vệ cẩn thận bởi họa sĩ là “nhân vật quan trọng” của tòa soạn, chẳng ai thay thế được.

Tổng kết lại, trong 33 số báo ở Điện Biên Phủ, Nguyễn Bích đã vẽ hơn 10 sơ đồ, bản đồ chiến sự; lô gô, mũ trang, mũ nhiều chuyên mục; hơn 10 bức tranh biếm hoạ và minh hoạ; 4 bức tranh cổ động chiến trường được in màu như một phụ lục, kín cả trang báo.

Ông cũng đã vẽ tranh minh hoạ Stalin trên số báo ngày 5-3 trong bối cảnh báo Quân đội nhân dân ở Điện Biên Phủ ngày đó chưa có ảnh và cũng chưa có công nghệ in ảnh. Những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Bích đã phản ánh được khí thế hào hùng, lạc quan của quân dân ta trong những ngày máu lửa nhưng cũng đầy vinh quang ấy.

Nguyễn Phong
.
.