Những chiếc xe ngựa cuối cùng ở Nam bộ

Thứ Hai, 15/06/2015, 07:30
Đối với nhiều người được ngồi trên xe ngựa lắc lư thả hồn theo tiếng vó câu trên những nẻo đường quê là cả một nỗi háo hức, tò mò gợi nhớ về một thời xa vắng của vùng sông nước phương Nam. Thế nhưng, những tiếng gõ nhịp lốp cốp trên đường cùng tiếng nhạc ngựa leng keng ngày nào dường như chỉ còn trong ký ức.

Thời huy hoàng của xe ngựa

Theo cố học giả Vương Hồng Sển, chiếc xe ngựa đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn vào những năm 1868 - 1870. Khi ấy các nhân vật dân sự cao cấp của Pháp sang Sài Gòn làm ăn, họ mang theo những chiếc xe song mã mui trần để tiện đi lại. Chuyên chở công cộng thì có xe ngựa bốn bánh, xà ích là những tay râu rậm người Ấn. Còn các sĩ quan Pháp thì tự đánh xe độc mã đi tuần tra. Khoảng thời gian này, Sài Gòn có gần 100 chiếc.

Đầu thế kỷ XX, Sài Gòn bắt đầu du nhập xe thổ mộ từ Mã Lai. Loại xe này có hai bánh và dùng một ngựa nên rất phù hợp với đường sá Sài Gòn khi ấy. Lúc mới du nhập, chủ xe và xà ích đều là người Mã Lai. Mỗi xe chở được khoảng 6 người, ngồi co ro đối diện nhau. Trên mui và hai bên hông xe buộc thêm hàng hóa. Xà ích ngồi toòng teng ngoài càng xe, nhạc ngựa leng keng suốt dọc đường.

Cha của ông Trần Văn Tài (Sáu Tài, 74 tuổi) ở ấp Đông Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, TP HCM, ngày xưa là một xà ích nổi tiếng ở vùng Hóc Môn. Đó là vào những năm 1935 - 1936, để có được chiếc xe thổ mộ đầu tiên trong vùng cha ông Tài phải sang tận Mã Lai tậu về. Khỏi phải nói phương tiện đi lại và thủ tục nhập cảng lúc ấy nhiêu khê cỡ nào, còn giá bạc hồi ấy ông Tài cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng nó tương đương cỡ 5 - 7 lượng vàng.

Hồi ấy gia đình nào sở hữu một chiếc xe ngựa đều được xếp vào hàng giàu có trong vùng. Ông Tài còn nhớ vài năm sau trong xóm mới có thêm 2 chiếc nữa của ông Năm Quầy. Mãi đến gần chục năm sau, các ông Trần Văn Ký, Tư Hoành, Năm Lâm, Sáu Kịp mới "học lỏm" được nghề đóng xe ngựa (được xem là ông tổ của nghề), nhưng các ông ở bên thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Khỏi phải nói chính quyền thuộc địa lúc ấy cưng các ông như thế nào. Chỉ biết hàng ngày các ông được ăn ngon, mặc ấm, có người chăm sóc sức khỏe để đóng xe cho các quan trên tỉnh…

Ông Sáu Tài từng một thời gắn bó với ngựa xe - đây cũng là tấm ảnh duy nhất của xe ngựa sài gòn được in lên bưu thiếp.

Cho đến thập niên 50 của thế kỷ trước, xe ngựa mới bắt đầu thịnh ở vùng Hóc Môn, Bà Quẹo. Kể từ thời điểm đó cho đến năm 1975, bến xe ngựa Hóc Môn có đến hàng trăm xe ngựa đậu dọc hai bên đường sắt, đây cũng là ga chót của tuyến xe điện Sài Gòn - Hóc Môn. Ở đây còn có tuyến xe ngựa đi Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi, Bà Chiểu, Chợ Lớn và Cầu Muối. Bấy giờ xe ngựa chủ yếu dùng chở đồ hàng bông, trầu cau và hành khách ra chợ.

Xe ngựa ở Việt Nam thường thấy có 5 loại. Xe kiếng: đây là loại xe 4 bánh, dùng một ngựa, có mẫu mã, ví (trục), nhíp được nhập từ Pháp. Loại xe này có vào đầu những năm 30, nay vẫn còn thấy xuất hiện trong một số bộ phim cổ điển của phương Tây. Kế đến là loại xe cá đôi: cũng là xe 4 bánh, dùng 2 ngựa, xuất hiện nhiều vào những năm 1930 - 1933 ở chợ Cầu Muối (Sài Gòn), dùng để chở cá, hàng nông sản. Sau khi thấy xe cá đôi cồng kềnh, các thợ mộc cải tiến thành xe cá chiếc, 2 bánh, dùng một ngựa, mui trần, dùng để chở các hàng hóa nông sản từ trong ruộng rẫy ra chợ.

Lúc bấy giờ những tay quý tộc hoặc có chức phận thay vì đi xe kéo họ chuyển sang đi xe lá liễu dùng một ngựa kéo, có mui xếp, yên nệm sang trọng hơn nhiều. Ngoài những loại xe trên, tùy từng nơi còn có xe thổ mộ (có mui khum khum như nấm mồ), loại xe này cũng từng một thời được thông dụng, vì nó nhỏ gọn, phù hợp với đường sá nông thôn Việt Nam vào thời kỳ chưa phát triển.

Ông Sáu Tài nhớ vào khoảng giữa năm 1960, cha ông là Trần Văn Bang giải nghệ, giao xe ngựa lại cho ông. Khi đó một chiếc xe ngựa nuôi 6, 7 miệng ăn còn dư dả. Đây cũng được coi là khởi đầu thời kỳ vàng son của xe ngựa. Lúc này tại bến xe Hóc Môn có trên 300 chiếc, chợ Bà Điểm và Củ Chi mỗi nơi có khoảng 200 chiếc.

Hàng ngày, những chiếc xe có mui khum khum như nấm mồ rong ruổi trên những con đường đất đỏ, rồi đường được rải đá, trải nhựa. Những chú ngựa gầy gò, nhỏ con ngày hai buổi cần mẫn nện móng lốp cốp đi về cùng với tiếng nhạc leng keng, một thời là phương tiện vận chuyển thông dụng của nhiều người. Phương tiện vận chuyển ấy vừa rẻ, vừa tiện lợi, nó có thể dừng bất cứ đâu để khách lên, xuống mà chỉ tốn chừng vài xu lẻ.

Chiếc xe của hoài niệm

Cái thời vàng son của xe ngựa chỉ kéo dài hơn chục năm, ông Sáu Tài nói. Những chiếc xe ngựa dần được thay bằng những chiếc xe lam, xe lôi, rồi xích lô… Xe ngựa trượt dốc không phanh.

Đến những năm đầu sau giải phóng, xăng dầu khan hiếm, xe ngựa được trọng dụng trở lại. Khi ấy một chiếc xe ngựa được định giá tương đương với một chiếc xe hơi! Bấy giờ Hóc Môn còn giữ được hàng trăm chiếc xe ngựa.

Những tưởng xe ngựa thắng thế, ôtô trở thành sắt vụn! Nhưng không, nền kinh tế thị trường bắt đầu khởi sắc, xăng dầu được khai thông, xe máy chạy đầy đường. Nhiều người cho rằng ôtô "hí" chạy bằng cỏ chăm sóc cực hơn ôtô chạy bằng xăng dầu, một lần nữa tiếng vó ngựa lại chùng xuống.

Ông Sáu Tài bảo cả Sài thành này cho đến năm 2010, chỉ còn lại mỗi mình ông đánh xe ngựa chở khách ra chợ. Sáng nào ông cũng chở trầu cau từ ấp Đông Lân ra chợ Bà Điểm, Hóc Môn. “Trước đó, nhiều lần tui định bán nhưng mấy chú ở xã động viên giữ lại, gọi là còn lưu giữ chút hồn quê của vùng Bà Điểm. Hơn nữa, đây là chiếc xe do cha tui để lại. Chiếc xe này trước năm 1975, từng một thời đưa đón rất nhiều cán bộ nằm vùng ở 18 thôn vườn trầu. Sau năm 1975, xe này cũng từng tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có bộ phim lịch sử “Mười tám thôn vườn trầu” mà tui vừa là diễn viên, vừa là nhân chứng lịch sử" - ông Sáu Tài tâm sự.

Nhưng rồi, điều gì đến cũng phải đến. Cuối năm 2010, ông Sáu Tài bán nốt cả xe lẫn ngựa - "một báu vật" của TP HCM cho người khách lạ ở miền Tây với giá 5 triệu đồng. Giờ đây mỗi khi nhớ lại ông thấy tiếc, bởi với ông, ngoài phương tiện mưu sinh nó còn là kỷ niệm gắn bó từ thời cha ông để lại, nó cũng là chiếc xe ngựa duy nhất ở Sài Gòn được in lên bưu thiếp bán cho khách lãng du.

Cách đây mấy hôm, tâm sự với chúng tôi, ông tỏ ra tiếc rẻ cho biết UBND xã Bà Điểm đã có vài lần tìm đến nhà gặp ông, đề nghị hỗ trợ tài chính nếu ông sắm lại xe ngựa để cho thuê đóng phim và chở trầu cau cho bà con ra chợ Bà Điểm. Ông nói mình còn đang phân vân, vì sắm mới cả xe và ngựa bây giờ không dưới 100 triệu đồng. Bởi vay thì dễ, còn phương án trả nợ bằng chính cách thu "tiền lẻ" của người trồng trầu bán ở chợ quê thì đến bao giờ mới trả xong được nợ?

Chiếc Carlleche của ông Hai Sộp, giờ đây phục vụ cho du khách và đám cưới.

Dẫu biết rằng xã hội ngày một đi lên, các phương tiện vận tải khác đang phát triển và tỏ ra ưu việt hơn hẳn xe ngựa. Song, cũng phải nói rằng đây là phương tiện giao thông bộ lâu đời ở Việt Nam, trải qua gần thế kỷ mà ít nhiều vẫn còn hữu dụng, quả là một kỳ tích hiếm có. Trong thời buổi xe hơi dư thừa, xe ngựa ngày càng hiếm nên đây còn là phương tiện phục vụ du lịch khá hấp dẫn, chịu khó "chăn" thì cũng hái ra tiền, ông Sáu Tài nói vui.

Xe ngựa lên phim

Ngược lại với hình ảnh ông Sáu Tài, ở tuổi ngoài 70 mà chiều nào cũng tựa cửa nhìn xa xăm, hoài vọng về một thời xe ngựa vàng son. Ông Trần Văn Hai (Hai Sộp) ở xã Hưng Định, Thuận An, Bình Dương, cũng đã ngoài thất thập, gia đình có truyền thống nhiều đời kinh doanh xe ngựa nhưng trông ông có vẻ nhàn nhã hơn nhiều. Ít ai biết ông Hai Sộp từng là bác sĩ nha khoa nổi tiếng ở Lái Thiêu.

Cách đây 25 năm, không biết do duyên nợ hay số phận cuộc đời đã khiến ông rẽ lối sang ngang. Đó cũng là khoảng thời gian tình cờ tôi biết ông qua màn ảnh, vai xà ích trong bộ phim nổi tiếng “Người tình” (The Lover) của đạo diễn người Pháp Jean - Jacques Annaud. Bộ phim dựa theo nguyên mẫu tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras, người sinh năm 1914, tại Sài Gòn - Gia Định.

Cuộc tình nồng nàn và lãng mạn giữa bà và chàng trai người Hoa giàu có, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ trên chuyến phà "định mệnh" nối Vĩnh Long - Sa Đéc của 85 năm trước. Khi ấy bà mới 15 tuổi rưỡi và chàng trai Huỳnh Thủy Lê, 27 tuổi - con trai út của đại điền chủ Huỳnh Cẩm Thuận ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Mối tình này về sau trở thành chất liệu để Duras viết nên tiểu thuyết “Người tình”, xuất bản năm 1984, đã nhanh chóng trở thành best - seller, cùng năm đó tiểu thuyết đoạt luôn giải thưởng Goncourt.

Bộ phim khởi quay tại Việt Nam năm 1986, hoàn thành năm 1990. Phim lấy bối cảnh chính là Sa Đéc, Sài Gòn, Hà Tiên… những năm 1929 - 1930, trong đó căn nhà của nhân vật chính “Người tình” Huỳnh Thủy Lê (được công nhận Di tích nghệ thuật cấp quốc gia năm 2009) được tái hiện lại nhiều lần trong "thiên tình sử" Thủy Lê - Duras. Phim có kinh phí được cho là lên đến 400.000 USD. Các vai diễn trong phim hầu hết là người nước ngoài, chỉ có vài diễn viên quần chúng, lái xe, người giúp việc do người Việt thủ vai.

Trong số ít ỏi diễn viên người Việt vinh dự có mặt trong phim, ông Sộp vào vai xà ích. Lúc ấy ông đang độ tứ tuần, trông bụi bặm chứ không già xọp như bây giờ. Bởi trước khi thủ vai "quốc tế" này, ông là một bác sĩ nha khoa kiêm kinh doanh xe ngựa khá nổi tiếng trên đất Thủ, Bình Dương.

Ông Hai Sộp bên chiếc xe thổ mộ.

Ông nói xưa nay quê tui vẫn được coi là cái nôi đóng xe ngựa ở miền Nam. Cha của ông là Trần Văn Ký - một trong những "ông tổ" đóng xe ngựa của vùng đất Thủ, Bình Dương. Vào thời điểm xăng dầu khan hiếm sau giải phóng, một chiếc xe ngựa đổi lấy chiếc ôtô, khi ấy gia đình ông có đến 146 chiếc ôtô "hí", khối tài sản khổng lồ và trở thành người sở hữu xe ngựa nhiều nhất Việt Nam. Hiện tại ông còn gần chục chiếc, chủ yếu phục vụ đóng phim, đám cưới, du lịch.

Nhắc lại vai diễn đầu tiên trong đời, ông nhớ đó là năm 1989, khi đang làm bác sĩ nha khoa, ông bỏ nghề ở nhà chăn ngựa. Hàng ngày cặm cụi chăm sóc bầy ngựa, nghiên cứu bản vẽ, đục đẽo… Lần lượt 9 chiếc xe ngựa 4 bánh có tên Carlleche ra đời, giống y chang cataloge của đạo diễn Jean - Jacques Annaud gửi sang.  Đến lúc này người ta mới giật mình biết ông chuẩn bị đóng phim. Suốt 9 tháng rưỡi theo “Người tình”, ông chỉ đóng vai người đánh xe ngựa. Cái vai khiêm tốn nhưng đến giờ nhớ lại ông vẫn còn thấy "sướng". Bởi ngoài số tiền cát sê 180 triệu đồng, kết thúc vai diễn ông còn được "phó đạo diễn ôm hôn ngay tại trường quay, giờ nhớ lại vẫn thấy còn nóng mặt".

Thành công ở phim “Người tình”, ông được mời tham gia tiếp phim “Miền Nam thời xa xưa”, cũng do đạo diễn Pháp sản xuất. Ngoài vai đánh xe ngựa, ở phim này ông còn cung cấp cho nhà sản xuất 10 xe ngựa các loại: xe kiếng, xe cá đôi, xe cá chiếc, xe thổ mộ, xe lá liễu.

Sau hai phim trên, ông Hai Sộp trở thành diễn viên "bất đắc dĩ" không thể thiếu trong các phim lịch sử: “Ông Hai Cũ”, “Bình minh châu thổ”, “Chân trời nơi ấy”, “Người Bình Xuyên” và hàng loạt phim hài, phim ca nhạc khác. 

“Giờ tuy đã nhiều lần "rửa tay gác kiếm", nhưng các hãng phim đối với mình tình cảm quá, hơn nữa giao cho các con thế vai không đạt nên tui chưa bỏ nghề được” - ông Hai Sộp tâm sự. Bởi người điều khiển ngựa thua "ngựa phải buồn", ngựa thắng ngẩng cao đầu, lục lạc khua vang, điều này các con ông chưa làm được.

Kỳ Phương
.
.