Những chú gà trống trên đồ gốm sứ

Thứ Năm, 26/01/2017, 11:25
Có lẽ khác với loài người với quan niệm phụ nữ được mệnh danh là "phái đẹp", loài gà thì khác hẳn: những chú gà trống mới là biểu hiện của sắc đẹp, kiêu sa và mạnh mẽ. Trong kho tàng di sản nghệ thuật của người Việt, gà cũng có mặt trên đồ đất nung, đồ đồng, đồ ngọc, đồ gỗ và đồ gốm sứ và chủ yếu cũng là gà trống. Gà trống có mào to, đuôi dài, chân và cựa to khỏe, nhất là bộ lông sặc sỡ có sức quyến rũ gà mái.

Trong các hình tượng gà được thể hiện trên các chất liệu, thì những con gà được vẽ trên đồ gốm sứ là những con gà đẹp nhất và sinh động nhất.

Các nhà khảo cổ đã thấy một số thạp gốm hoa nâu thời Trần có hình tượng gà khá đẹp. Một đàn gà được trang trí nối tiếp nhau trong một băng hoa văn chạy quanh thân dưới của thạp. Những chú gà chân cao, đuôi dài, cổ đang nhìn ngoái lại. Băng hoa văn trang trí hình gà đã là băng hoa văn chủ đạo. Làm nền cho băng hoa văn động vật này là các băng hoa văn hoa dây, hoa 6 cánh khá đẹp. Trên vai thạp lại có một băng hoa văn cánh sen đắp nổi, được coi là loại hoa văn của Phật giáo rất phổ biến trong thời kỳ này. Toàn thân thạp lại được tráng một lớp men màu nâu điển hình cho sắc gốm thời Lý Trần.

Cảnh chọi gà trên đĩa gốm trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm.

Thạp hoa nâu còn trang trí một số hình gà trống nữa. Trên một cái thạp gần giống chiếc thạp vừa mô tả, có vành hoa văn đắp nổi cánh sen ở vai, lại có một chú gà trống cổ cao, lông đuôi dài. Cả một băng trang trí rộng chỉ có hình một con gà trống như vậy đã làm cho người chiêm ngưỡng thạp có được một "bức chân dung" gà khá trọn vẹn và sắc nét. Một con gà khác trên thạp hoa nâu lại cho thấy dáng vẻ hùng dũng của nó như đang trong tư thế chiến đấu: đầu hơi cúi xuống, chân cao, móng và cựa gà sắc nét, mào gà và lông cổ dựng đứng.

Hình ảnh này chứng tỏ nghệ nhân đã tả chân tư thế của một con gà chọi và liên hệ đến thú chơi chọi gà trong thời Trần - thời mà người ta rất ưa chuộng thạp gốm hoa nâu - như một đoạn ghi lại trong tác phẩm "Hịch tướng sĩ" mà Trần Hưng Đạo khuyên răn quân sĩ đừng "lấy chọi gà làm vui, hoặc lấy đánh bạc làm thú, hoặc chăm chút vườn ruộng để nuôi gia đình" mà quên việc đánh giặc, dẫn đến nguy cơ "Nếu có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Vào thời Lê, thế kỷ thứ 15, hình tượng của gà lại được vẽ trên gốm Chu Đậu, một lò gốm nổi tiếng ở Hải Dương. Gốm Chu Đậu được "đóng hàng" xuất khẩu đi muôn nơi, đến tận cả vùng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Cận Đông. Một trong những chuyến tàu chở gốm Chu Đậu không may bị chìm ngoài khơi Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam).

Các nhà khảo cổ đã khai quật con tàu đắm này từ tháng 5-1997 đến tháng 6-1999. Đấy là một con tàu lớn, chuyên chở hàng hóa: dài 29,4m rộng 7,2m. Nằm dưới độ sâu 70-72m, xác tàu được bảo quản khá tốt và được làm bằng gỗ tếch. Số đồ gốm mà tàu chất chứa lên đến 240.000 chiếc gồm chủ yếu là gốm Chu Đậu, ngoài ra còn có một ít đồ gốm Trung Quốc và Thái Lan. Trong cái không may tàu bị chìm, tàu còn giữ lại cho hậu thế một kho đồ cổ còn nguyên vẹn cho các bảo tàng trong nước. Một số trong bộ sưu tập cổ vật này được đem bán đấu giá tại Hoa Kỳ vào năm 2000.

Hình gà trên thạp gốm hoa nâu đời Trần.

Sau hơn một thập kỷ nghiên cứu đồ gốm của con tàu đắm này, các nhà khoa học đã dựng nên một bức tranh lịch sử đương thời và bước đầu giải mã được một số vấn đề liên quan đến số phận con tàu. Dường như thời gian con tàu bị đắm không còn  là điều tranh luận khi căn cứ vào so sánh đồ gốm của tàu với những đồ gốm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân. Đó là vào khoảng nửa cuối của thế kỷ 15.

Khi đó là đất nước Đại Việt, là triều Lê Sơ mà mở đầu là Lê Lợi. Vừa qua được cuộc chiến tranh giành độc lập với giặc Minh, đất nước đã hồi sinh mạnh mẽ. Nghề gốm cũng phát triển mạnh, không còn tự cung tự cấp nữa mà đã xuất khẩu. Thậm chí xuất khẩu với một số lượng lớn đến hơn 24 vạn đơn vị chỉ trong một chuyến hàng. Vậy thì, đấy là những tín hiệu của một thời thịnh trị: gốm Việt Nam đã có thương hiệu, một số quốc gia xa xôi đã "ăn hàng" của Đại Việt. Quả là đáng tự hào trong lịch sử thương mại ngàn năm. 

Cũng còn cần nói thêm về con tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Hiện tại chưa có nhiều tài liệu để nói về chủ nhân của con tàu bạc mệnh này. Là người Việt, người Hoa hay người Thái Lan? Nhưng căn cứ vào đồ dùng hàng ngày, có thể đoán định thủy thủ đoàn là người Hoa, người Chăm hoặc người Thái. Hoặc cũng có thể là gồm nhiều người của các quốc gia cùng tham gia đi biển.

Cũng còn chưa thật chắc chắn lắm về nguyên nhân tàu chìm, nhưng có ý kiến cho là hỏa hoạn đã xảy ra cũng là một nguyên nhân được xem xét hàng đầu. Đáng chú ý là trong số vô vàn đồ gốm từ các lò Chu Đậu và Thăng Long của Đại Việt, có một chiếc đĩa gốm tuyệt đẹp trang trí hình vẽ hai con gà đang trong tư thế chọi nhau. Đĩa có hình tròn, mép đĩa trang trí hình hoa văn sóng nước, trong lòng đĩa có hoa văn cánh sen. Giữa lòng đĩa có hình 2 con gà trống đang trong tư thế đối đầu nhau, chân co như chuẩn bị lao vào đá nhau, gà xù lông và đuôi dài dựng đứng. Đặc biệt, hai con gà đều có cựa dài, móng nhọn. Làm nền cho cảnh chọi gà là một số hoa văn cây cỏ, cành tùng rất quen thuộc trong thể loại tranh thủy mặc. Chiếc đĩa trang trí men lam này đã bị mất gần hết lớp men ngoài do bị ngấm nước biển lâu ngày, nhưng hình ảnh hai chú gà chọi vẫn sắc nét.

Trong nhiều hình tượng gà trong hội họa và tượng tròn của di sản Việt Nam thì có lẽ đây là hình ảnh cuộc chọi gà đẹp và sống động nhất. Niên đại con tàu đắm Cù Lao Chàm vào khoảng thời Lê. Đây cũng là thời mà thú chơi chọi gà phổ biến khắp kinh thành cho đến thôn quê. Đến nỗi mà dưới thời Vua Lê Huyền Tông, triều đình phải ra "lệnh chỉ" vào năm 1665 "nhắc lại lệnh cấm chọi gà, đánh cờ, đánh bạc và các việc đồng cốt, sư sãi”. (Đại Việt sử ký toàn thư).

Hộp men trắng trang trí hình gà bằng men nhiều mÀu từ con tàu đắm Cù Lao Chàm.

Trên con tàu đắm còn có một số hộp có nắp bằng sứ trắng được chế tạo từ các lò gốm nổi tiếng của Trung Quốc cũng được vẽ hình các con gà trống đuôi dài từ men nhiều màu khá đẹp.

Hình tượng các chú gà trống đẹp mã đã đọng lại trên một loại sản phẩm cao cấp thời xưa là gốm sứ. Gà trống còn "đậu" trên các bức chạm gỗ đình làng Việt, trên tranh dân gian Đông Hồ… Ngoài biểu tượng cái đẹp thuần túy, gà còn là con vật biểu tượng cho sự yên bình làng quê, sự vinh hoa phú quý trong mắt những người dân làm ruộng nước. Gà đã trở nên một trong những "người bạn" thân thiết nhất của nhà nông suốt từ bốn ngàn năm nay.

PGS.TS Trịnh Sinh
.
.