Những con đường đẹp nhất Việt Nam

Thứ Ba, 22/02/2011, 19:40
1. Câu chuyện về "những con đường đẹp nhất Việt Nam" bắt đầu quanh bàn trà vào một buổi sáng của một ngày cuối năm Canh Dần. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), nói: "Hệ thống đường giao thông thủy, bộ ở BR-VT đã cho chúng tôi rút ra một bài học. Đó là muốn kinh tế phát triển thì giao thông phải đi trước một bước. Nó cho phép khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị...".

Tôi nghe ông Tuấn Minh nói, thấy sao đơn giản quá. Nhưng suốt hai ngày ngang dọc trên toàn bộ các tuyến giao thông ở địa bàn BR-VT để tìm hiểu thực tế mới biết sự "đi trước một bước" không phải là chuyện dễ dàng. Năm 1991, tỉnh BR-VT được tái lập trên cơ sở Đặc khu Vũng Tàu, Côn Đảo.

Ông Nguyễn Minh Ninh, nguyên Thiếu tướng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, nhớ lại: "Khi tái lập tỉnh, con đường đẹp nhất TP Vũng Tàu là đường Hạ Long, chạy dọc theo bờ biển, dài 3,8km nhưng trong đó chỉ có khoảng gần 800m mặt đường tráng nhựa là khá tốt. Còn lại là đường đá dăm, đường ổ gà gồ ghề, lồi lõm". Muốn thu hút du khách và tạo ra những dịch vụ đa dạng phục vụ khách du lịch, thì không thể không nâng cấp, cải tạo con đường này. Nhưng tiền ở đâu ra khi mà mỗi năm, ngân sách Nhà nước chỉ rót về cho tỉnh 30 tỉ đồng và một trong những mục tiêu cấp bách nhất của tỉnh lúc bấy giờ là phải xóa các lớp học "ca ba".

Vậy là chủ trương "đổi đất lấy hạ tầng" ra đời. Ông Nguyễn Minh Ninh nói: "Trước khi giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, tôi là Chỉ huy trưởng Đặc khu Vũng Tàu, Côn Đảo, làm nhiệm vụ bảo vệ các công trình dầu khí, bao gồm nhiều đơn vị như hải quân, tên lửa, phòng không, bộ đội địa phương... Hồi ấy, kinh phí có hạn nên chuyện ăn, ở của anh em khó khăn lắm. Tính đi tính lại mãi, tôi lấy một phần đất của đơn vị đổi cho một cá nhân làm nghề xây dựng, để họ xây lại cho chúng tôi trụ sở làm việc, các cơ sở hậu cần...".

Được bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT khi đang dẫn quân đi diễn tập quân sự ở Hà Bắc, ông Nguyễn Minh Ninh, nói tiếp: "Trở thành Chủ tịch tỉnh, tôi thường xuyên phải đưa các đoàn khách trong, ngoài nước đi thăm cơ ngơi. Và không thể nào chấp nhận được một thành phố có cảnh quan biển đẹp như thế mà con đường lớn nhất chỉ có hai làn xe, vừa chớm mưa đã ngập, chưa kể triều cường, sóng biển, năm này qua năm khác, phá nát hạ tầng".

Với mong muốn cải tạo hệ thống giao thông đường bộ càng nhanh càng tốt, nên khi được Chính phủ cho phép làm thí điểm, thì theo lời ông Nguyễn Minh Ninh: "Quá mừng". Sự "quá mừng" ấy dẫn đến một số khuyết điểm như vừa thiết kế, vừa thi công mà không tính đến trình tự xây dựng cơ bản. Năm 1992, cả TP Vũng Tàu như một đại công trường với gần 30 dự án - phần lớn đều là đường giao thông. Khi đó, hễ ai có tiền, đến nhận công trình là tỉnh ký hợp đồng cắt đất ngay.

Và mặc dù có sai phạm (theo quan điểm lúc ấy) nhưng lãnh đạo tỉnh BR-VT đã hoàn thành việc quy hoạch lại tổng thể TP Vũng Tàu nói riêng, và tỉnh BR-VT nói chung. Chả thế mà khi trao đổi với tôi, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh, đã nói: "Bài học về phát triển mạng lưới giao thông được rút ra ngay từ hai nhiệm kỳ đầu tiên kể từ khi tỉnh được xác lập".

Đoạn đường Mỹ Xuân Ngãi Giao là một trong hai con đường đẹp nhất Việt Nam.

2. Song song với việc sửa chữa, nâng cấp đường Hạ Long lần thứ nhất, những nhà lãnh đạo tỉnh BR-VT đồng thời bắt tay vào việc cải tạo mạng lưới giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Trọng Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, kể: "Hồi ấy, đường Mỹ Xuân, Ngãi Giao từ huyện Tân Thành đi Châu Đức, Bà Tô, Xuyên Mộc, mùa mưa phải mất cả ngày mới đến nơi vì chỉ có thể đi bằng xe bò kéo, máy cày hoặc xe gắn máy Minsk do Liên Xô (cũ) sản xuất trong lúc đây là vùng đất đỏ bazan, 1 hécta cây công nghiệp cho lợi nhuận bằng 30 hécta lúa".

7 năm trước, tôi đã từng đi trên con đường này và hôm nay - ngày 24 tháng Chạp năm Canh Dần, tôi quay trở lại rồi ngỡ ngàng trước sự thay đổi không ngờ. Trước kia, giao thông không thông suốt dẫn đến sản xuất trì trệ, kinh tế ách tắc, giá cả hàng hóa phụ thuộc những thương lái tìm vào được tận nơi. Lấy thí dụ như vùng Bình Giã, khi đó là vùng ba không: Không đường, không điện, không nước sạch, hoặc như thị xã Bà Rịa khang trang, sầm uất bây giờ, hồi đó còn được gọi là thị xã nghĩa địa bởi lẽ có hàng nghìn ngôi mộ, trong đó có 13 mộ của người Pháp.

Suốt mấy tháng trời, ông Nguyễn Trọng Minh cùng ông Trần Cao Đề, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh BR-VT cùng một số cán bộ chuyên môn, xắn quần lội bùn hoặc ngồi trên máy cày, càn rừng khảo sát tuyến. Vậy mà đã suôn sẻ đâu. Nghe tin Nhà nước làm đường, linh mục Ngô Kỷ, cai quản các xứ đạo vùng Bà Rịa, Xuyên Mộc hỏi ông Nguyễn Trọng Minh: "Mấy ông nói thật hay nói chơi?". Chừng biết đây là quyết tâm của tỉnh, linh mục Ngô Kỷ vận động bà con giáo dân chấp hành chủ trương giải tỏa và ngay cả khi cổng nhà thờ bị ủi để làm đường, linh mục Ngô Kỷ cũng không hề nói đến chuyện đền bù.

Ông Nguyễn Trọng Minh kể tiếp: "Chúng tôi mời đại diện Lãnh sự quán Pháp đến, cho họ thấy 13 ngôi mộ của đồng bào họ vẫn còn nguyên vẹn rồi giải thích cho họ chủ trương mở đường giao thông. Thế là họ vui vẻ để chúng tôi bốc mộ, hỏa thiêu, rồi đem tro cốt về".

21h một ngày cuối năm 1997, khi cầu dao điện được kéo lên đóng điện, cả một vùng thị xã Bà Rịa sáng rực, đến nỗi khá nhiều người tưởng là có cháy nhà nên hò nhau đem thùng, đem thang ra... chữa cháy! Bây giờ, thị xã Bà Rịa đã là một đô thị khang trang, đẹp đẽ và sầm uất. Đường Mỹ Xuân, Ngãi Giao, Châu Đức, Bà Tô, Xuyên Mộc nay đã là đường cấp 4 đồng bằng với 2 làn xe, và đã được Bộ GTVT bình chọn là một trong những con đường giao thông nông thôn đẹp nhất Việt Nam. Hay như đường 51C, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần giảm tải cho nội đô Vũng Tàu, đồng thời hạn chế tai nạn giao thông.

Nếu như trước đây, muốn đi từ TP Vũng Tàu sang xã Phước Tỉnh - là một trong những cảng cá nhộn nhịp nhất BR-VT - thì phải ra Bà Rịa rồi vòng ngược lại 16km, mất hơn 1 tiếng đồng hồ vì đường xấu, thì bây giờ, với cầu Cửa Lấp, thời gian rút ngắn chỉ còn 20 phút. Trước kia, qua bán đảo Long Sơn, cách duy nhất là đi bằng đò, thì bây giờ, đã có cầu Long Sơn với 6 làn xe. Hay như cầu Núi Dinh, dẫn đến một khu du lịch mà trong tương lai sẽ là “Đà Lạt” của Vũng Tàu.

Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh BR-VT, nói: "Sắp tới, khi cầu Chà Và đi vào hoạt động, thì thế cô lập của bán đảo Long Sơn sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, tạo tiền đề cho nhà máy lọc hóa dầu sắp được xây dựng trong tương lai". Còn nếu kể thêm thì không thể không nhắc đến đường liên cảng dài 21,5km mà hiện nay, đang được thi công. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, nó không chỉ phục vụ cho cảng Cái Mép Thị Vải mà còn là cửa ngõ kết nối giữa tỉnh BR-VT, TP HCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia, Thái Lan trong việc vận tải hàng hóa bằng đường thủy.

Ông Vũ Ngọc Thảo nói tiếp: "Đường liên cảng được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015 mà trong đó, khi cầu Phước An hoàn thành, sẽ rút ngắn cự ly từ BR-VT đến TP HCM 30km, giảm áp lực cho Quốc lộ 51, nhất là với xe vận chuyển hàng container. Dự kiến khi hoàn thành, mỗi năm sẽ có khoảng 260 triệu tấn hàng hóa đi qua cảng Thị Vải, Cái Mép". Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Cảng Thị Vải Cái Mép có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 130 nghìn tấn. Và từ đó nếu vận chuyển hàng hóa đến bờ biển miền Tây nước Mỹ, chỉ mất 14 ngày".

Cầu Long Sơn.

3. Bây giờ, lại quay trở lại với đường Hạ Long, con đường mà năm 2002 đã được Bộ GTVT bình chọn là đường đô thị đẹp nhất Việt Nam. Sau khi Chính phủ có kết luận, rằng chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là đúng đắn, cần được triển khai thì BR-VT như có thêm sức mạnh. Ông Trần Cao Đề, nguyên Giám đốc Sở GTVT, nhớ lại: "Để làm đường Hạ Long, tỉnh đồng ý cho chúng tôi đổi 2 hécta đất. Sau đó, trong quá trình thi công, chúng tôi lại lấn biển được 2 hécta. Coi như không mất tí đất nào".

Khởi đầu từ ngã ba Thùy Vân - Phan Chu Trinh và kết thúc tại ngã ba Quang Trung - Trương Công Định, đường Hạ Long có tổng chiều dài 3,8km. Sau khi cải tạo lần 1, Sở GTVT tỉnh BR-VT tiến hành cải tạo lần 2 với các hạng mục nâng cấp mặt đường, vỉa hè, đèn chiếu sáng, gia cường kè chắn sóng để kịp thời phục vụ cho Festival biển năm 2006. Ông Trần Cao Đề nói: "Khi thiết kế vỉa hè, chúng tôi trình lên HĐND, UBND tỉnh phương án lót bằng đá granit vì độ bền của nó có thể đến cả trăm năm, và đã được chấp thuận".

Để lấy ý kiến người dân, Sở GTVT đã đề nghị các doanh nghiệp tham gia cung cấp đá granit, đem mẫu sản phẩm của mình ra trưng bày tại Cầu Đá, mỗi doanh nghiệp trưng bày một đoạn 5 hoặc 10m. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đô thị BR-VT (UDEC) - đơn vị trúng thầu thi công vỉa hè đường Hạ Long, kể: "Cuối cùng, mẫu đá của chúng tôi được người dân bình chọn là đẹp nhất, và giá cũng rẻ nhất".

Thế nhưng, vẫn chưa phải là xong. Vỉa hè đang thi công thì có ý kiến cho rằng Sở GTVT chơi sang, lãng phí, rằng lát vỉa hè bằng đá granit sẽ trơn trượt, gây té ngã cho khách bộ hành, khách du lịch mỗi khi trời mưa, đường ướt, mặc dù mẫu đá lấy ở Phước Hòa do một cơ sở trong tỉnh cung cấp, giá 400 nghìn/m2 trong khi mẫu đá của UDEC, đem từ Bình Định vào chỉ có 252 nghìn đồng/m2.

Ông Trần Cao Đề nói: "Trước những ý kiến ấy, một số cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND đã xuống tận nơi, kiểm tra thực tế". Hóa ra đá granit khác hẳn gạch ceramic. Nếu như đá granit dùng để ốp tường nhà, được mài bóng 12 lần thì granit làm vỉa hè ở đường Hạ Long chỉ mài bóng 2 lần. Hơn nữa, granit là loại đá "ngậm nước". Khi có nước, độ ma sát của đá tăng lên. Kết quả là trong chuyến đi kiểm tra thực tế, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh BR-VT cũng như tất cả mọi người dân, du khách hàng ngày qua lại trên đoạn vỉa hè này, đều công nhận rằng nó không hề trơn trượt ngay cả khi ướt sũng nước.

Ông Phạm Quang  Khải, Phó Bí thư Thường trực tỉnh BR-VT, nói: "Đường đã đẹp rồi nhưng chúng tôi không tự mãn, mà ngày càng phải làm cho nó đẹp hơn, an toàn hơn". Chả thế mà một số địa phương như Kiên Giang, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM..., sau khi đến tham quan, đã về áp dụng cách lót vỉa hè bằng đá granit.

4. "Có đường, có điện là có phát triển. Một loạt các khu công nghiệp, cảng biển, khu du lịch, các vùng kinh tế dân sinh ở BR-VT thịnh vượng như hiện nay là nhờ mạng lưới giao thông thủy, bộ", ông Nguyễn Tuấn Minh, nói. Còn theo ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh, thì: "Giao thông không tốt, sẽ mất khả năng cạnh tranh". Điều này có thể chứng minh bằng một ví dụ cụ thể: Căn cứ vào lượng khách đã đặt phòng lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, thì mấy ngày tết năm nay, chỉ riêng lĩnh vực du lịch thôi, BR-VT sẽ đón khoảng nửa triệu lượt người...

Vũ Cao
.
.