Những con số buồn sau kỳ nghỉ lễ
- "Phượt thủ" mất lái đâm vào xe khách tử vong ở Lâm Đồng
- Sương mù, “phượt thủ” mất lái lao xuống vực
- “Phượt thủ” tử nạn trên đường lên Đà Lạt
Có vô số ý kiến mang màu sắc cực đoan cho rằng đa số chúng ta chưa biết sắp xếp thời gian vui chơi phù hợp, cho đến khi hở ra khoảng nghỉ thừa ngắn thiếu dài thì tất cả kéo nhau lên rừng xuống biển “hành xác” lẫn lộn vui chơi trong một đám đông hỗn loạn. Cơ bản là không còn vui nữa, bức xúc với ùn ứ giao thông tại các cửa ngõ thành phố cho đến phân vân hoài nghi đến từng bữa ăn ngoài kia là tại sao giá đĩa rau, con gà luộc bỗng dưng lại có thể đắt đỏ đến vậy.
Tất nhiên luôn có vài niềm vui nhỏ nhoi đủ phủ lấp phần nào các vấn đề đó. Sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài luôn có một con số đáng buồn cần lưu ý khác, đó là con số thương vong bởi tai nạn giao thông. Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay trên cả nước xảy ra hơn 100 vụ tai nạn giao thông làm 79 người thiệt mạng và gần 80 nạn nhân bị thương. Trung bình mỗi ngày có 20 người thiệt mạng và tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường. Riêng ngày cuối đợt nghỉ, cơ quan chức năng ghi nhận cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn, làm chết 27 người và 33 người bị thương.
Cũng theo bản thống kê này, các chỉ số thương vong tăng như leo dốc từng ngày, CSGT đường bộ xử lý trên 25.000 trường hợp vi phạm giao thông, phạt hành chính gần 14 tỷ đồng và tạm giữ 4.500 phương tiện vi phạm.
Nhóm “phượt thủ” trẻ tuổi trải nilon ngủ la liệt bên vệ đường tại một khu vực đèo dốc được cho là ở Quảng Bình. |
Bên cạnh đó, phần lớn người điều khiển xe máy tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm các lỗi phổ biến như nồng độ cồn, quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường...
Câu chuyện về văn hóa giao thông cùng các hành vi ứng xử không đúng mực trên đường luôn là vấn đề nổi cộm. Trong một đoạn clip gây chú ý trên mạng xã hội dịp nghỉ vừa qua ghi lại tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, trong đó có 3 nhân vật là 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm và 1 cảnh sát cơ động.
Việc vi phạm của 2 thanh niên trẻ tuổi, xăm trổ kín tay là rất rõ ràng khi đi xe máy vào đường cấm, gây nguy hiểm cho rất đông khách bộ hành và bị cảnh sát nhắc nhở. Thay vì chấp hành xuống xe dắt bộ, họ căng họng ra chửi bới lẫn thách thức người thi hành công vụ với những lời lẽ vô cùng thiếu giáo dục trước khi tiếp tục di chuyển lẫn vào dòng người đi bộ.
Người ta thường nói không nên đánh giá người khác qua bề ngoài, nhưng trong trường hợp này thật khó có thể mong chờ được cái gọi là ứng xử có văn hóa hay văn minh đối với hai chàng trai trẻ. Như thường lệ, cộng đồng mạng lại tiếp tục vào chửi bới, mạt sát hành vi này với những lời lẽ kinh khủng không kém cạnh.
Tâm lý trên nằm trong đầu của không ít người tham gia giao thông. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt về các hành vi vi phạm, họ còn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí chống đối điên cuồng. Việc biết đứng thẳng trên hai chân, điều khiển phương tiện giao thông với ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, mà không ít người lại thiếu cả hai yếu tố này.
Trong một bức ảnh khác cũng có độ lan truyền không kém cạnh trên Facebook, đó là một nhóm “phượt thủ” trẻ tuổi trải nilon ngủ la liệt bên vệ đường tại một khu vực đèo dốc được cho là ở Quảng Bình. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh kiểu ngủ bờ bụi để tỷ thí sinh mạng kiểu này.
Mỗi năm trôi qua, vô số cái chết thương tâm thuộc về những nhóm người trẻ thích dịch chuyển, du lịch bụi đều để lại nhiều tiếc thương cho gia đình và bạn bè. Trước hết bởi họ còn quá trẻ và có thể nói rằng rất thương tâm bởi sự thiếu hiểu biết, cũng như ứng xử chưa đúng mực trong chấp hành luật giao thông. Tâm lý đám đông, thích thử những cảm giác mạnh vượt quá kỹ năng thường dẫn đến những hậu quả rất đáng buồn.
Việc thành lập hội nhóm quen nhau qua mạng Internet để đi chơi xa có những nhược điểm nhất định, đó thiếu hụt sự gắn kết và thấu hiểu lẫn nhau. Việc di chuyển tốc độ cao trên những cung đường xa lạ, kẻ trước người sau rượt đuổi để không bị tách đoàn cũng là một nguyên nhân tai nạn đứng đầu.
Kỳ nghỉ đã đi qua, chúng ta đang quay trở lại với công việc và cuộc sống bên gia đình. Câu chuyện về giao thông luôn là vấn đề nan giải và luôn cần đáng nói, nói nhiều cũng được, nhắc đi nhắc lại. Những số liệu về thương vong do tai nạn, lời cảnh báo, biện pháp phòng ngừa được đề xuất bởi luôn cần sự chung tay của cả cộng đồng vì văn hóa giao thông vẫn là điều gây nhức nhối, cần có sự nhìn nhận và suy xét nhiều.
Để có thể thay đổi ứng xử phù hợp từ những việc nhỏ nhất trên đường. An toàn giao thông là cho mình, cho gia đình, người thân và cả những người xa lạ trong xã hội. Và ở những kỳ nghỉ lễ dài, khi một đám đông ùn ùn kéo ra mọi ngả đường lại là lúc càng nên cẩn trọng gấp nhiều lần.