Những di sản thế giới mới

Thứ Tư, 11/07/2018, 07:33
Ốc đảo Al-Ahsa ở Arabie Saoudite được mô tả như “một vùng đất đang phát triển văn hóa rực rỡ ở phía đông Bán đảo Arab”. Với 2,5 triệu cây chà là, đây là ốc đảo lớn nhất thế giới, mang tính độc đáo về địa lý, văn hóa, lịch sử và là ví dụ đặc biệt về cách con người tương tác với thiên nhiên và môi trường xung quanh.

1. Thành phố cổ Medina Azahara ở Tây Ban Nha

Một trong các đại diện của châu Âu là những tàn tích của thành cổ Medina Azahara gần Cordoba, Tây Ban Nha.

Thành phố này được Caliph Abd al-Rahman III thành lập vào khoảng năm 940 - 941. Sau cuộc nội chiến năm 1009 - 1010, đế chế Caliph Abd al-Rahman III sụp đổ khiến thành phố này trở nên hoang tàn.

Tàn tích còn lại ở thành phố này bao gồm những con đường, cây cầu, tòa nhà, hay các đồ vật trang trí, từng bị lãng quên 1.000 năm cho đến khi được tái phát hiện vào đầu thế kỷ 20.

2. Ngôi đền cổ nhất thế giới Gobekli Tepe của Thổ Nhĩ Kỳ

Đền Gobekli Tepe nằm tại vùng Lưỡng Hà và được xác định khoảng 11.000 năm tuổi, tức là niên đại 7.000 năm trước sự ra đời của vùng Lưỡng Hà.

Theo UNESCO, Đền Gobekli Tepe bao gồm các cột bằng đá xếp vòng tròn, với 2 cột đá cao hơn 4m nằm ở giữa và các cột đá nhỏ hơn xếp xung quanh.  Hình khắc động vật hoang dã trên các cột đá có thể "cung cấp cái nhìn rõ hơn về cuộc sống và tín ngưỡng của cộng đồng sinh sống tại vùng Lưỡng Hà Thượng vào khoảng 11.500 năm trước".

Đền Gobekli Tepe là di sản thế giới thứ 18 của Thổ Nhĩ Kỳ trong danh sách của UNESCO.

3. Công viên Quốc gia Chiribiquete của Colombia

Công viên quốc gia Chiribiquete là vườn quốc gia lớn nhất tại Colombia với diện tích 2,7 triệu ha và có hệ sinh thái đa dạng đại diện cho hệ động thực vật của Amazon, trong đó có nhiều loài quý hiếm chỉ còn sinh sống tại khu vực này, như loài chim ruồi Chiribiquete với màu lông ngọc lục bảo đặc trưng hay loài báo đốm.

Đây cũng là khu vực linh thiêng đối với người dân bản địa. Công viên Quốc gia Chiribiquete là di sản thứ 9 của Colombia.

4. Ngôi chùa cổ của Hàn Quốc

Một trong những cụm di tích được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới lần này là 7 ngôi chùa cổ của Hàn Quốc, bao gồm chùa Seonamsa, Daeheungsa, Beopjusa, Magoksa, Tongdosa, Bongjeongsa, Buseoksa.

7 ngôi chùa này đều được xây trong thời kỳ Tam quốc kết thúc vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Các ngôi chùa này đều được xây trên núi, đặt tại các vị trí cao được núi rừng bao bọc và nhìn ra khung cảnh tuyệt đẹp bao quanh.

5. Các tòa nhà theo phong cách Art Deco ở Mumbai, Ấn Độ

Mumbai được cho là thành phố tập trung số lượng các tòa nhà theo phong cách nghệ thuật Art Deco lớn thứ hai thế giới, chỉ sau thành phố Miami của Mỹ.

Ước tính có khoảng hơn 200 tòa nhà Art Deco tại trung tâm tài chính của Ấn Độ. Phần lớn những tòa nhà này được xây vào giai đoạn đầu những năm 1930 đến đầu những năm 1950 và tập trung chủ yếu tại khu vực phía nam thành phố, tạo ra một hình ảnh tương phản với các kiến trúc Victorian Gothic vốn là đặc trưng của Mumbai.

6. Khu vực săn bắn của người Inuit giữa băng và biển ở Aasivissuit - Nipisat (Đan Mạch)

Nằm ở phía bắc của Vòng Bắc Cực, khu vực này có tàn tích 4.200 năm lịch sử nhân loại.

Cư dân đã định hình một cảnh quan văn hóa dựa trên săn bắn động vật biển và trên cạn, kiểu di cư theo mùa và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, được bảo tồn, bao gồm khí hậu, điều hướng và y học.

7. Nhà thờ Naumburg (Đức)

Nằm ở phần phía đông của lưu vực Thuringian, nhà thờ Naumburg, bắt đầu xây dựng vào năm 1028, là một bằng chứng đặc biệt cho nghệ thuật và kiến trúc của thời Trung Cổ.

Nhà thờ Naumburg trước đây là nhà thờ của giáo phận Naumburg-Zeitz cho đến năm 1615. Hiện nay, nhà thờ là một phần của tuyến đường du lịch Roman ở bang Sachsen-Anhalt.

8. Thành phố cổ đại Qalhat ở Oman

Thành phố từng đóng vai trò là bến cảng chính ở bờ biển phía đông Arab từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV.

Ngày nay, nơi đây mang dấu ấn kiến trúc độc nhất minh chứng cho sự giao thương giữa Arab, Đông Phi, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á

9. Quần thể khảo cổ biên giới Hedeby và Danevirke (Đức)

Một địa danh khác của Đức cũng được đưa vào danh sách Di sản thế giới là Hedeby và Danevirke.

Hedeby là một địa điểm khảo cổ có chứa phần còn lại của một trung tâm thương mại vẫn còn ghi dấu vết của các đường phố, tòa nhà, nghĩa địa và một cổng có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Do vị trí độc đáo giữa đế quốc Frankish ở phía Nam và Vương quốc Đan Mạch ở phía Bắc, Hedeby trở thành một trung tâm giữa lục địa châu Âu và Scandinavia và giữa Biển Bắc và Biển Baltic.

10. Ivrea, thành phố công nghiệp của thế kỷ 20

Nằm ở vùng Piémont, Ivrea (Italia) là thành phố công nghiệp điển hình, nơi còn lưu giữ nhiều công trình quan trọng của quá trình phát triển công nghiệp châu Âu trong suốt thế kỷ 20.

Trong thời tiền sử, khu vực này đã từng là một hồ nước lớn và ngày nay chỉ còn là 5 hồ nước nhỏ hơn nằm xung quanh thị trấn là các hồ Sirio, San Michele, Pistono, Nero và Campagna. 

Ivrea từng là nơi sản xuất máy đánh chữ, máy tính cơ học và máy tính để bàn. Nó bao gồm một nhà máy lớn, các tòa nhà hành chính và các tòa nhà dành riêng cho các dịch vụ xã hội và nhà ở.

Được thiết kế bởi các nhà hoạch định và kiến trúc sư hàng đầu của Italy, chủ yếu từ những năm 1930 đến những năm 1960, Ivrea phản ánh tư tưởng của Phong trào Cộng đồng.

11. Ốc đảo Al-Ahsa ở Arabie Saoudite

Ốc đảo Al-Ahsa ở Arabie Saoudite được mô tả như “một vùng đất đang phát triển văn hóa rực rỡ ở phía đông Bán đảo Arab”.

Với 2,5 triệu cây chà là, đây là ốc đảo lớn nhất thế giới, mang tính độc đáo về địa lý, văn hóa, lịch sử và là ví dụ đặc biệt về cách con người tương tác với thiên nhiên và môi trường xung quanh.

Ở đây có nhiều khu vườn, con kênh, dòng suối, giếng nước, hồ chứa nước, tòa nhà cổ, thánh đường Hồi giáo, nghề dệt vải truyền thống và kiến trúc đặc trưng.

12. Khu khảo cổ Sassanid ở Iran

Khu khảo cổ Sassanid là nơi lưu trữ những di tích của thời kỳ đế quốc Sassanid (224–651 TCN) hay gọi là đế quốc Tân Ba Tư hay đế quốc Ba Tư thứ hai.

Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Fars, Iran, 8 địa điểm khảo cổ này nằm ở 3 khu vực địa lý: Firouzabad, Bishapour và Savestan.

Những đường nét kiến trúc, cung điện và đô thị... cho thấy đế quốc Sassanid muốn mở rộng khu vực này.

13. Quần thể Thimlich Ohinga, Kenya

Quần thể Thimlich Ohinga, nằm ở phía tây bắc thành phố Migori, Kenya.

Theo UNESCO, tòa nhà có các bức tường do các khối đá xếp lên nhau này nhiều khả năng được xây dựng vào thế kỷ XVI. Đây cũng là quần thể lớn nhất và được bảo tồn nguyên vẹn nhất trong số những di tích thuộc loại này còn sót lại.

14. Các nhà thờ và địa điểm Cơ đốc giáo tại khu vực Nagasaki (Nhật Bản)

Nằm ở phía tây bắc của đảo Kyushu, 12 yếu tố của nơi đây bao gồm 10 làng, lâu đài Hara và 1 nhà thờ, được xây dựng giữa thế kỷ XVII và XIX.

Toàn thể phản ánh các hoạt động lâu đời nhất của những người truyền giáo và định cư Kitô giáo ở Nhật Bản.

15. Khu Bảo tồn thiên nhiên Fanjingshan, Trung Quốc

Nằm trong chuỗi Wuling núi ở tỉnh Quý Châu (Tây Nam, Trung Quốc), Fanjinshan đặc trưng bởi độ cao thấp dần từ 2.570m đến 500 mét so với mực nước biển, với sự tồn tại của các loại thảm thực vật rất đa dạng.

Fanjinshan là nơi có rừng sồi nguyên sinh lớn nhất và liên tục nhất trong khu vực cận nhiệt đới.

16. Chuỗi địa điểm kiến tạo cao của Puys - Faille de Limagne, Pháp

Dãy núi bao gồm 80 ngọn núi lửa "đang ngủ" từ hơn 8.000 năm nay và các nhà khoa học không loại trừ khả năng chúng sẽ "thức giấc".

Cao nhất là đỉnh Dome 1.465 mét. Đây là Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên trên lãnh thổ lục địa Pháp được UNESCO công nhận.

17. Núi Makhonjwa, Nam Phi

Nằm ở đông bắc Nam Phi, bao gồm 40% là đá xanh lục Barberton, một trong những cấu trúc địa chất lâu đời nhất trên hành tinh của chúng ta.

Dãy núi Barberton Makhonjwa đại diện cho sự liên tục được bảo tồn tốt nhất của các loại đá núi lửa và trầm tích có niên đại từ 3,6 đến 3,25 tỷ năm trước, khi các lục địa đầu tiên bắt đầu hình thành trên vùng đất nguyên thủy.

18. Khu dự trữ sinh quyển Pimachiowin Aki, Canada

Cảnh quan này trải dài qua sông, rải rác với hồ, đầm lầy và rừng phương bắc. Pimachiowin Aki là một phần của lãnh thổ của tổ tiên người Anishinaabeg, người dân bản địa sống nhờ câu cá, săn bắn.

Đây là một ví dụ đặc biệt của truyền thống văn hóa Ji-ganawendamang Gidakiiminaan, tôn vinh những món quà của Đấng tạo hóa, tôn trọng mọi sự sống và duy trì mối quan hệ hài hòa với những người khác.

19. Thung lũng Tehuacán-Cuicatlán, Mexico

Thung lũng Tehuacán-Cuicatlán, một phần của vùng Mesoamerican, là khu vực khô cằn hoặc bán khô hạn đa dạng sinh học nhất ở Bắc Mỹ.

Nơi này là một trong những trung tâm chính của đa dạng hóa của họ xương rồng, đang bị đe dọa ở cấp độ thế giới. Các bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy một quá trình tiến hóa kỹ thuật phản ánh sự thuần hóa sớm của thực vật.

Yên Bình (theo ParisMatch)
.
.