Những di sản thế giới tuyệt mỹ
- Từ "bến tàu nô lệ" thành di sản thế giới
- Lời kêu cứu của các di sản thế giới
- Giữ bình yên vùng đất có hai di sản thế giới
Đảo san hô vòng Aldabra
Aldabra ở Ấn Độ Dương là đảo san hô lớn hàng thứ hai trên thế giới, một nơi không có người ở và rõ ràng là chưa có bất cứ sự tác động nào của con người. Đảo là nhà của quần thể rùa khổng lồ lớn nhất thế giới, biến nơi đây thành địa điểm bảo tồn cực kỳ có giá trị.
Trong thập niên 1700, người Pháp đến đảo để săn rùa khổng lồ và đến thập niên 1900 thì giống rùa nơi đây rơi vào tình trạng bị tận diệt. Đảo Aldabra – nơi sinh sống của nhiều sinh vật lạ và hiếm - được tuyên bố là di sản thế giới vào năm 1982.
Tượng Phật Di Lặc khổng lồ
Bức tượng được khắc trên mặt vách đá nơi 3 con sông Minjiang (sông Dân hay sông Mân), Dadu và Qingyi gặp nhau ở tỉnh Tứ Xuyên miền Nam Trung Quốc. Một nhà sư Trung Quốc tên là Haithong (năm 713) cùng với nhiều phật tử bỏ ra 90 năm để hoàn thành bức tượng và ngày nay nó vẫn còn được coi là tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới, với chiều cao 71m và rộng 28m.
Do dòng nước nơi 3 con sông gặp nhau này rất nguy hiểm, thường đánh đắm tàu bè qua lại, nên nhà sư Haithong nghĩ một tượng Phật trấn giữ nơi đây sẽ đem lại sự bình an. Nhưng trên thực tế, đá được dời đi để khắc tượng bị rơi xuống sông đã vô tình ngăn cản dòng chảy và đem lại thanh bình cho vùng nước.
Ngày nay tượng Phật Di Lặc bị ô nhiễm năng do hàng ngàn du khách đổ xô đến viếng thăm mỗi năm. Chính quyền đã ra lệnh đóng cửa những nhà máy gần đó nhằm giảm bớt sự tác dộng nguy hại cho tượng.
Hatra
Hatra nằm ở phía tây bắc thành phố Baghdad của Iraq, được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước CN bởi người Arập dưới thời Đế chế Parthia của Iran. Hatra là thủ đô của vương quốc Arập đầu tiên và là pháo đài biên giới quan trọng chống lại sự xâm lược của người La Mã. Những hoàng thân Arập cai trị thành phố phải cống nạp cho đế quốc Iran trước khi người Iran chiếm thành phố bằng bạo lực năm 241.
Hatra là một trong những thành phố cổ Parthia được bảo tồn tốt nhất nên nhiều cấu trúc của nó vẫn còn đứng vững, bao gồm những bức tường thành bảo vệ bên trong và bên ngoài, nhiều tháp canh và đền thờ những vị thần của những nền văn hoá khác nhau như thần Nergal của Babylon và Akkad, thần Hemes của Hy Lạp, thần Atargatis và Baal Shamayn của Aram, thần Allat và Shamiyyah của Arập và thần Shamash của Mesopotamia.
Tu viện Alcobaca
Tu viện Alcobaca ở miền Trung Bồ Đào Nha do vua Afonso Henriques thành lập năm 1153 và mất 99 năm để hoàn thành. Đây là công trình kiến trúc gothic đầu tiên ở Bồ Đào Nha và vẫn còn là nhà thờ lớn nhất nước này, do đó không có gì ngạc nhiên khi nó trở thành một trong những tu viện Trung cổ quan trọng nhất châu Âu.
Các thầy tu sống suốt đời trong tu viện để suy ngẫm về tôn giáo và tạo ra nhiều bản thảo giá trị và lập nên một trong những thư viện Trung cổ lớn nhất. Tu viện được chọn làm nơi mai táng nhiều vua chúa trong hai thế kỷ 13 và 14 với những ngôi mộ lộng lẫy thể hiện phong cách điêu khắc Trung cổ của châu Âu.
Monte Albán
Thành cổ Monte Albán nằm trong dãy núi ở miền Nam Mexico. Đây là một trong những khu vực thuộc Trung Mỹ và phía nam Bắc Mỹ (gọi là Mesoamerica) thời tiền Colombus được coi là tồn tại ít nhất vào năm 500 trước CN. Di chỉ khảo cổ cung cấp một cái nhìn đại khái về lịch sử và văn hoá người Zapotec.
Tại trung tâm của khu thánh địa Monte Albán là quảng trường chính (300 x 200m) và bao quanh là những ngôi nhà cư dân và nhà nghi lễ cũng như nhà ở của giới thượng lưu. Trong khu vực thành cổ Monte Albán có lối đi nhiều bậc thang, hàng trăm ngôi mộ và trên 300 danzante (vũ công) được chạm khắc trên đá.
Tất cả những danzante này đều là nam giới nhưng thật ra họ là những tù binh bị tra tấn và hiến tế và nhiều người trong số đó là thủ lĩnh của các bộ lạc đối địch. Ngoài ra, ở trung tâm Monte Albán còn có hơn 40 phiến đá khắc tên và chi tiết những vùng đất mà người Zapotec chinh phục.
Thành phố Lalibela
Lalibela nằm ở miền Bắc Ethiopia, một trong những thành phố thánh linh thiêng nhất nước này và là trung tâm của các cuộc hành hương. Thành phố có 13 nhà thờ được tạc trong đá nguyên khối và tất cả được nối liền với nhau qua một mê cung.
Tất cả những nhà thờ này được xây dựng theo lệnh của Thánh Gebre Mesqel Lalibela, hoàng đế của Ethiopia. Trong đó Bet Madhane Alem được coi là nhà thờ bằng đá nguyên khối lớn nhất thế giới hiện nay; còn Bete Maryam là nhà thờ cổ nhất trong số đó và Bete Golgotha được tin là nhà thờ nơi chôn cất vua Lalibela. Năm 1978 Lalibela được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Hang động Ellora
Ellora là quần thể hang đá tráng lệ xây dựng từ năm 400 sau CN và được coi là đền đài Phật giáo, Ấn giáo (Hindu) và Kỳ na giáo (Jain) - tất cả được xây gần với nhau thể hiện tính hoà hợp tôn giáo trong khu vực thời đó. Trong thời gian xây dựng tất cả khoảng 200.000 tấn đá được di dời bởi nhiều thế hệ người xây dựng.
Một số hang động nổi tiếng là đền thờ Phật Vishvakarma. Indra Sabha là hang Kỳ na giáo với một đền thờ bằng đá nguyên khối. Còn Kailasanatha là nơi thờ Shiva (Thần huỷ diệt) được Krishna I xây dựng khoảng năm 760 sau CN. Quần thể Ellora gồm 34 hang động, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1983.
Wadi Al-Hitan (Thung lũng Cá voi)
Thung lũng Cá voi tìm thấy ở sa mạc Fayoum, Ai Cập, nơi chứa hoá thạch cho thấy sự tiến hoá của cá voi từ động vật có vú trên cạn thành sinh vật đại dương như ngày nay. Các hoá thạch thuộc phân bộ Archaeoceti như là Basilosaurus và Dorudon khá phổ biến nơi đây, nhưng ngoài ra cũng có bộ xương của những loài khác như là bò biển Siberia, voi Moeritherium, cá sấu, rùa biển và rắn biển.
Chất lượng hoá thạch được bảo tồn tốt đến mức người ta tìm thấy trong dạ dày của chúng có cả nhiều loài khác nhau, giúp các nhà khoa học có thể xây dựng lại điều kiện môi trường và sinh thái khu vực cũng như từ đó giúp giải mã bí ẩn sự tiến hoá của cá voi.
Rừng mưa nhiệt đới Sumatra
Khu rừng tạo thành 3 công viên quốc gia trên đảo Sumatra ở Indonesia và được UNESCO chọn là di sản thế giới do vẻ đẹp khác thường cũng như môi trường sống tự nhiên của nhiều loài của nó. Tất cả 3 công viên quốc gia đều có môi trường sống khác nhau cho phép tạo nên tính đa dạng sinh học cho các quần thể thực vật và động vật.
Các công viên là nhà của Rafflesia Arnoldi (loài hoa lớn nhất thế giới), Amorphophallus Titanum (loài hoa cao nhất thế giới) cũng như 174 loài động vật có vú và 380 loài chim (trong đó 16 loài được xếp vào loài đặc hữu và 73 loài đang bị đe doạ tuyệt chủng).
Những loài như Orang-utan (đười ươi), tê giác Sumatra, mèo rừng lớn Borneo, heo vòi châu Á, voi Sumatra và rùa lưng da – tất cả đều có mặt ở rừng nhiệt đới Sumatra này. Hiện nay khu rừng – một điểm bảo tồn đa dạng và quan trọng nhất thế giới - đang bị đe doạ bởi sự xâm lấn và phá hoại của con người.
Hang động Lascaux
Lascaux là một nhóm hang động ở miền Tây Nam nước Pháp với những hình vẽ hang động thời đồ đá cũ cách đây 17.300 năm. Lascaux được mở cửa đón du khách năm 1948 nhưng đến năm 1955 buộc phải đóng cửa do khí carbon dioxide thoát ra từ con người gây hư hại cho những hình vẽ. Hình ảnh phần lớn là động vật sống trong khu vực thời đó, nhưng cũng có hình ảnh về con người và những dấu hiệu trừu tượng.
Nhiều nhất là những hình vẽ về con ngựa, sau đó là hươu, bò, bò rừng châu Âu, mèo, chim, gấu và tê giác. Có nhiều lý thuyết cho rằng nghệ thuật ở Lascaux thể hiện biểu đồ ngôi sao, ví dụ hai chòm sao Taurus (Kim Ngưu, hay Trâu Vàng) và Pleiades cũng có trong hang động.
Cũng có những lý thuyết nói Lascaux là nơi chốn thiêng liêng để tiếp xúc với thần thánh, một nơi tụ họp để lên kế hoạch đi săn hay thậm chí là nơi ăn mừng chiến tích săn bắn. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ biết được ý nghĩa đích thực của những hình ảnh này nhưng chúng cung cấp cho chúng ta cái nhìn về quá khứ. Lascaux trở thành di sản thế giới của UNESCO năm 1979.
Takht-e-Jamshid
Takht-e-Jamshid, được biết đến phổ biến với tên gọi Persepolis, nằm ở miền Nam Iran và là thủ đô Đế chế Achaemenid của Ba Tư. Công cuộc xây dựng bắt đầu khoảng năm 515 trước CN theo lệnh của Cyrus Đại đế, nhưng các kiến trúc ấn tượng nhất được hoàn thành bởi Darius Đại đế và Xerxes Đại đế vào khoảng năm 470 trước CN. Một trong những cấu trúc nổi bật nhất là Điện Apadana, nơi nhận những cống phẩm của đế chế.
Điện được chống đỡ bởi những cột to cao 20m với phần đỉnh được khắc hình con thú như sư tử hay bò. Takht-e-Jamshid bao gồm nhiều toà nhà hội đồng, khu quân sự, ngân khố hoàng đế, hệ thống tháo nước, bể chứa nước, những ngôi mộ hoàng gia, nhiều cung điện, và tất cả đều được chạm khắc công phu.
Thành phố bị phá huỷ năm 330 trước CN bởi Alexander Đại đế nhằm báo thù cho vệ thành ở Athens bị phá huỷ trước đó. Mặc dù vậy phế tích vẫn còn đó với nhiều công trình điêu khắc tuyệt mỹ, chứng tích của một thời đế chế Ba Tư giàu có và hùng mạnh.
Hoá thạch Họ người của Sterkfontein
Nổi tiếng với tên gọi “Cái nôi của loài người”, đây là quần thể bao gồm trên 30 hang động đá vôi ở tỉnh Gauteng, phía tây bắc thành phố Johannesburg, Nam Phi.
Bên trong những hang động này, các nhà khoa học khám phá một số lượng khổng lồ những hoá thạch họ người có niên đại hơn 3,5 triệu năm với một hang chứa dựng hơn một phần ba trong tổng số hoá thạch họ người. Trong quần thể hang động Sterkfontein cũng có những dấu hiệu cho thấy có người ở – như là số công cụ bằng đá cũng như sự sử dụng lửa có niên đại cách đây hơn 1 triệu năm.
Giới khoa học tìm thấy hộp sọ còn nguyên của một loài mới được đặt tên là Australopithecus Africanus và xét nghiệm tia X cho thấy đây là người gần trưởng thành. Một phát hiện kỳ thú khác là Little Foot (Chân nhỏ) – bộ xương còn hoàn hảo ước tính có tuổi từ khoảng 2,5 đến 3,3 triệu năm.
Cho đến nay tổng cộng người ta tìm thấy 500 Họ Người. Sterkfontein được coi là nổi tiếng nhất trong quần thể hang động đá vôi “Cái nôi của loài người” và được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1999.