Những đôi đũa lệch

Thứ Ba, 11/11/2014, 10:45

Lúc Long đem về và lúc vừa nhìn thấy tô phở, cô vợ cáu kỉnh: "Anh sống với em mấy năm rồi mà anh không biết sao? Em không ăn nước béo, không ăn gân…" rồi cô quay lưng bước vào phòng sau khi bồi thêm một câu: "Anh mua theo ý thích của anh thì anh nuốt hết đi". Chả trách nhiều đêm, đã 10 giờ rưỡi mà Long vẫn điện thoại cho tôi, rủ ra quán nhậu vì "vô nhà mà như vô địa ngục, em chịu hết xiết".

1. Bây giờ, cứ mỗi lần nghe ai đó nhắc đến câu "vợ chồng như đôi đũa lệch…" thì Diệu (tên đã được thay đổi) lại lắc đầu ngao ngán. Tốt nghiệp đại học, tìm được một việc làm đúng khả năng chuyên môn, thu nhập khá, có nhiều "cái đuôi" săn đón nhưng chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Diệu lại "bập" vào một anh chàng "nửa thầy, nửa thợ". Diệu kể: "Em biết ảnh trong dịp đi chơi chung với nhóm bạn. Thấy ảnh hiền lành, ăn nói hoạt bát, mặt mũi cũng dễ nhìn nên quen một thời gian, tụi em yêu nhau".

Tôi gặp Diệu khi cô đến phòng khám của Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM để nhờ bác sĩ (BS) Thái tư vấn về tâm lý vì cô có dấu hiệu trầm cảm. Lúc ấy, BS Thái đang bận khám cho những bệnh nhân lấy số thứ tự trước nên cô phải ngồi chờ. Và bởi vì nghe tôi gọi BS Thái bằng thầy, xưng em, lại thấy BS Thái trao đổi với tôi một số biểu hiện của chứng cuồng ghen, cô tưởng tôi cũng là người "trong nghề" nên sau vài câu chào hỏi, cô tỉ tê dốc bầu tâm sự.

Theo lời Diệu, hơn một năm sau ngày yêu nhau, Diệu và người yêu tổ chức đám cưới. Mặc dù biết chồng mình có một số khuyết điểm, nhưng Diệu hy vọng cuộc sống chung sẽ làm anh ta thay đổi những khuyết điểm ấy. Cô nói: "Lúc còn yêu nhau, em để ý thấy ảnh có tật nói quá hơn một chút - mà bạn bè ảnh thường kêu là "nổ" - để chứng tỏ rằng mình là người hiểu biết nhưng em nghĩ chuyện đó vô hại nên em bỏ qua. Hơn nữa, đời này có mấy ai vẹn toàn đâu, được cái này thì mất cái khác…".

Một trong những chuyện "nói quá hơn một chút" là khi còn yêu nhau, chồng Diệu chỉ là người làm thuê cho một tiệm Internet trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP HCM nhưng khi kể với Diệu, lúc nào anh ta cũng tự hào: "Không ai rành về mạng ADSL hơn anh. Nếu không có anh, tiệm đó đóng cửa là cái chắc".

Mà đúng là tiệm đó "đóng cửa" thật! Nhưng đóng cửa do không cạnh tranh nổi với những tiệm lân cận chứ không phải vì "không có anh". Diệu kể tiếp: "Nghe tin ảnh nghỉ việc, mà ảnh nói nguyên nhân là rất nhiều lần ảnh đề nghị chủ tiệm thay máy chủ để tăng dung lượng đường truyền nhưng họ cứ lờ đi, em cũng không lo lắng gì lắm vì em nghĩ người có tài như ảnh, công chuyện làm ăn thiếu gì, tìm đâu chẳng được!".

Đám cưới xong, Diệu mới biết sau khi nghỉ việc ở tiệm net, chồng cô thất nghiệp. Lúc Diệu có bầu, anh ta trở thành tài xế - nghĩa là sáng chở cô đến chỗ làm, chiều đón về, thời gian còn lại anh ta la cà ở mấy quán cà phê hoặc ngồi nhà, chúi đầu vào máy tính luyện game. Diệu nói: "Cũng may là lúc ấy, hãng em làm có nhiều chuyện phải nhờ đến dịch vụ nên em bàn với ảnh mở công ty, ảnh là giám đốc rồi em đem việc về cho ảnh làm".

Thế nhưng, khi trở thành giám đốc, chồng cô lại càng "nổ" dữ hơn: "Nhiều lần giao hồ sơ xuất nhập khẩu cho ảnh, em hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể thì ảnh nạt em, rằng bộ em tưởng ảnh ngu lắm hay sao mà phải dạy ảnh trong lúc ảnh làm 10 bộ thì sai hết 9".

Đỉnh điểm của chuyện "nổ văng miểng" là trong bữa tiệc mừng sinh nhật ông tổng giám đốc nơi Diệu làm, và khi nghe mọi người bàn tán về dịch bệnh Ebola, chồng Diệu phán một câu như đinh đóng cột: "Bây giờ "Si-bê-ri-a" là nguy hiểm nhất, mấy ngàn người chết". Cả bàn tiệc bỗng im phăng phắc rồi mãi lát sau, mới có người rụt rè hỏi: "Ủa, Ebola lây qua Siberia hồi nào vậy anh?". Chồng Diệu điềm nhiên: "Thì mới phát hiện ra đó. Bộ không đọc báo hả". Biết chồng nói hớ, Diệu khẽ ghé vào tai chồng: "Liberia chứ hổng phải Siberia đâu anh. Siberia ở Nga, còn Liberia ở châu Phi".

Những tưởng ông chồng sẽ sớm nhận ra là mình hố. Nhưng không, Diệu vừa nói xong thì anh ta quát: "Em im đi, không biết thì đừng bày đặt". Chưa hết, tối hôm ấy về đến nhà, Diệu còn lĩnh nguyên cả quả bom tấn khi chồng cô chỉ thẳng vào mặt cô: "Em định hạ nhục anh trước mặt bạn bè em hả? Đừng có tưởng cái công ty này em lập ra rồi em muốn xúc phạm anh lúc nào là được đâu".

2. Diệu chỉ là một trong 1.001 trường hợp những cặp vợ chồng lấy nhau rồi sau một thời gian, họ nhận ra họ là đôi đũa lệch. Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Vân nói: "Lệch ở đây không phải là lệch về thể hình, chồng thấp vợ cao, chồng mập vợ ốm, vợ xấu chồng đẹp mà là lệch về tuổi tác, tính cách, nhận thức, quan điểm sống và đặc biệt nhất là lệch về phương diện tình dục".

Theo bác sĩ Vân, chị đã từng tư vấn cho một phụ nữ vì người này không thể chịu nổi việc chồng mình mở đèn sáng rực mỗi lúc  "quan hệ". BS Vân nói: "Trong xã hội Việt Nam, rất nhiều phụ nữ được hấp thụ một nền giáo dục có hệ thống về chuyện "chăn gối" từ những người đi trước như mẹ, cô, dì… nên họ rất khó thích ứng với những gì nằm ngoài "hệ thống" ấy, nhất là nếu họ gặp phải những ông chồng sành đời thì lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng "lệch pha". Từ chỗ lệch pha, chuyện tình dục vợ chồng sẽ trở thành bi kịch".

Một trong những hiện tượng "lệch pha" thường xảy ra nhất là lệch pha tuổi tác. Ngày ấy, Nhi mới 18 tuổi, quê ở một tỉnh miền Trung, vào TP HCM luyện thi đại học. Giáo viên phụ trách môn Hóa cho lớp cô là Long, 34 tuổi. Cao ráo, đẹp trai, có năng khiếu sư phạm, lại thêm 4 năm du học ở Anh quốc nên thầy Long giảng rất hay. Chả trách chỉ sau khoảng một tháng, Nhi đã thầm yêu trộm nhớ ông thầy. Sợ có người khác sẽ cướp mất "người tình lý tưởng", Nhi chủ động tấn công bằng cách nay nhờ thầy chở giùm về chỗ trọ vì xe bị hư, mai đến nhà thầy để xin phụ đạo thêm vì "em chưa hiểu hết".

Về phía thầy Long, bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hồn nhiên, tính tình nhí nhảnh, dễ thương của cô gái 18, Long quên hẳn vị trí thầy trò. Thế rồi khi lớp luyện thi chưa kịp kết thúc thì Long đã đến gặp tôi, báo tin đám cưới và nhờ tôi làm… chủ hôn vì Long chỉ còn một mẹ già, đầu óc đã lẫn. 

Những ngày đầu sau đám cưới, cuộc sống của vợ chồng Long tràn ngập tiếng cười. Để vợ ở nhà lo cơm nước, Long lao vào dạy thêm cho nhiều trung tâm luyện thi, có ngày dạy tới 12 tiết, thu nhập hàng tháng không dưới 30 triệu đồng. Long nói: "Dần dà, em nhận ra sự cách biệt tuổi tác dẫn đến cách biệt nhận thức. Nhiều tối dạy về, em mệt rã rời, giọng khan, cổ rát nhưng vợ em lại cứ muốn em chở đi ăn kem, đi uống cà phê, thậm chí kêu em chở đi vòng vòng ngoài phố mà chẳng có mục đích gì".

Thoạt đầu, chiều vợ, anh Long cố làm theo ý thích của vợ nhưng dần dà, dấu hiệu của sự "lệch pha" càng rõ nét, nhất là khi Nhi có bầu thì tính tình cô càng đỏng đảnh hơn: "Bữa đó về nhà, em thấy bếp núc lạnh tanh. Hỏi vợ em, cô ấy nói chóng mặt, buồn nôn quá nên cô ấy không nấu được rồi kêu em đi mua tô phở".

Lúc Long đem về và lúc vừa nhìn thấy tô phở, cô vợ cáu kỉnh: "Anh sống với em mấy năm rồi mà anh không biết sao? Em không ăn nước béo, không ăn gân…" rồi cô quay lưng bước vào phòng sau khi bồi thêm một câu: "Anh mua theo ý thích của anh thì anh nuốt hết đi". Chả trách nhiều đêm, đã 10 giờ rưỡi mà Long vẫn điện thoại cho tôi, rủ ra quán nhậu vì "vô nhà mà như vô địa ngục, em chịu hết xiết".

Vái lạy vì ông chồng cả ngày chúi đầu vào máy tính chơi game! Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia tâm lý, xã hội học, sự "lệch pha" trong cuộc sống vợ chồng thường thể hiện dưới 4 dạng chính. Đó là lệch pha tri thức, nhận thức, lệch pha tuổi tác, lệch pha kinh tế (chồng - hoặc vợ kiếm ra tiền nhiều hơn) và lệch pha tình dục.

BS Thái phân tích: "Như trường hợp chồng cô Diệu chẳng hạn, do ý thức rằng mình kém vợ về trình độ học vấn, khả năng kiếm tiền nhưng vì là "chồng" nên cái sĩ diện đã khiến anh ta không chấp nhận rằng mình thua kém vợ về nhiều phương diện. Mỗi lúc đuối lý, anh ta lại đem cái quyền "làm chồng" của mình ra, lấn át vợ. Để giữ hạnh phúc, người vợ chọn cách chịu đựng nhưng về lâu về dài, vì người vợ không biết phải giải tỏa những nỗi ấm ức với ai nên sinh ra trầm cảm".

BS Vân kể: "Có một anh đến gặp tôi, cho biết anh ta mới chỉ vừa lấy vợ được hơn một tháng nhưng trong đêm tân hôn, anh ta quá sốc vì cô vợ chủ động thực hiện những động tác "y như phim". Rồi anh ta hỏi là phải chăng trước khi lấy nhau, cô ấy đã từng "quan hệ" với nhiều người nên mới… rành rẽ?".

Trước những thắc mắc này, BS Vân khuyên người chồng bình tĩnh, đừng để những hiện tượng cảm quan lấn át lý trí: "Tôi mở cho anh ta xem một số trang web, trong đó nhan nhản những bài viết, chẳng hạn như "làm thế nào để đưa chàng lên đỉnh", "Cách quan hệ bằng miệng khi bạn gặp đèn đỏ", "10 tư thế khiến chồng không bao giờ ngoại tình"… rồi giải thích, rằng có thể trước khi lấy nhau, do muốn giữ hạnh phúc thông qua chuyện chăn gối nên cô ấy đã tìm đọc những bài viết với nội dung tương tự rồi đưa vào thực hành bởi lẽ về khía cạnh tâm lý, đa số những cô "vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề" khi có người yêu hoặc khi lấy chồng, họ thường giả bộ ngu ngơ, e lệ, mắc cỡ, còn nhanh nhảu như vợ anh thì chỉ là nhanh nhảu đoảng mà thôi".

Với vợ chồng thầy giáo Long, BS Thái nhận xét: "Do có sự lệch pha về mặt tuổi tác nên anh Long cưng chiều vợ là chuyện hiển nhiên, còn với cô vợ thì sự cưng chiều ấy là điều ắt phải có. Lâu dài, về mặt tâm lý, anh Long mặc nhiên mang trên vai một gánh nặng vô hình khiến đôi lúc anh không hiểu là mình đang làm chồng, làm anh hay… làm cha vì cái tính đỏng đảnh của cô vợ trẻ! Một lúc nào đó, khi sự chịu đựng của anh đã đến mức "tới hạn", thì đổ vỡ hoặc ngoại tình là điều khó tránh khỏi".

3. Đến đây, chắc hẳn sẽ có không ít người phản đối, rằng nếu nói như trên thì không lẽ những cặp vợ chồng lệch pha về tuổi tác, tri thức, kinh tế, tình dục đều đổ vỡ hết hay sao bởi lẽ rất nhiều cặp vợ chồng "lệch pha thấy rõ" nhưng vẫn sống với nhau rất hạnh phúc. BS Thái cho rằng: "Vấn đề quan trọng nhất là cả hai đều phải biết cách dung hòa những dị biệt, bỏ qua những khuyết điểm nhỏ nhặt. Nếu thấy phải góp ý thì nên dùng lời lẽ nhẹ nhàng thay vì chỉ trích, nhất là chỉ trích ngay giữa chỗ đông người".

Theo BS Vân, độ tuổi chênh lệch mà con người có thể hòa hợp cả về tâm lý lẫn sinh lý là từ 6 đến 10 tuổi đối với đàn ông: "Một người chồng 60 tuổi vẫn có khả năng đáp ứng tình dục cho người vợ 50 tuổi nhưng với phụ nữ, độ tuổi này chỉ nên cách biệt từ 2 đến 5 tuổi vì nếu người vợ 55 tuổi thì không thể thỏa mãn cho ông chồng 45 tuổi do họ đã mãn kinh hoặc bắt đầu bước vào tuổi mãn kinh".

Về phương diện kinh tế, theo BS Thái thì dù vợ - hoặc chồng kiếm ra tiền nhiều hơn, cũng không nên thể hiện vị trí "làm chủ" gia đình vì điều ấy sẽ dẫn đến sự tự ti, mặc cảm cho người kia. Anh Nghĩa, kỹ sư cơ khí, làm việc tại một gara ôtô, lương tháng chỉ hơn 5 triệu trong lúc vợ anh là trình dược viên cho một hãng dược phẩm nước ngoài, thu nhập không dưới 30 triệu/tháng nên có lần lúc đưa tiền lương cho vợ, vợ anh đã cười rồi bảo rằng "thôi anh cất đi, anh đưa hết cho em thì tiền đâu cà phê thuốc lá, chưa kể thỉnh thoảng còn ăn nhậu với bạn bè". Dẫu có thể là vợ nói đùa nhưng Nghĩa vẫn cảm thấy lòng tự trọng của mình bị xúc phạm.

BS Vân cho biết: "Trong thâm tâm, anh Nghĩa cho rằng qua câu nói ấy, vợ anh đã thể hiện sự xem thường anh vì là đàn ông, là chồng mà không kiếm nổi tiền nuôi vợ". Để phản ứng, hằng tháng Nghĩa lẳng lặng đặt toàn bộ tiền lương vào ngăn kéo chung của vợ chồng, và không đụng đến một đồng nào. Theo BS Vân, phản ứng ấy xét cho cùng chỉ là phản ứng tiêu cực vì vẫn có thể xử lý bằng nhiều cách khác.

Nói tóm lại, lệch pha là hiện tượng có thật, thường xuyên diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của nhiều cặp vợ chồng. Vấn đề là người ta có biết cách giải quyết sao cho sự lệch pha ấy, không ảnh hưởng lắm đến hạnh phúc hay không mà thôi…

Vũ Cao
.
.