Những dự án cạnh tranh phát triển du lịch ở biển Caspian

Thứ Ba, 15/05/2012, 17:20

Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) có tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới (828m) với chi phí xây dựng là 1,69 tỉ USD. Còn Arập Xêút có tòa tháp Kingdom đang xây dựng ở Jeddah, dự kiến sẽ cao 1.000m với chi phí khoảng 1,2 tỉ USD. Azerbaijan cũng có tham vọng riêng với dự án "thành phố trên biển" xây dựng trên cụm đảo nhân tạo được đặt tên là Khazar ở biển Caspian, phía tây bắc thủ đô Baku của Azerbaijan.

Công ty đứng đằng sau dự án "thành phố trên biển" chiếm diện tích 30.000m2 này là Tập đoàn Avesta. Ngoài các tòa nhà cao 25 tầng, những khu vực doanh nghiệp và trung tâm thương mại, "thành phố trên biển" còn bao gồm cả tòa tháp cao hơn 1.000m (185 tầng) gọi là tháp Azerbaijan. Tổng chi phí cho dự án là 100 tỉ USD, trong đó 2 tỉ dành cho tháp Azerbaijan, tức nhiều hơn GDP (tổng sản lượng nội địa) của Azerbaijan. 

Để cạnh tranh, quốc gia Kazakhstan giàu dầu mỏ cũng phát triển dự án trên vùng bờ biển Caspian, nhưng được đánh giá là "khiêm tốn hơn". Dự án Kenderli, với tổng trị giá 2,8 tỉ USD, bao gồm 23 khách sạn, 4.000 biệt thự và chung cư, có sức chứa 22.000 người. Chính quyền Kazakhstan hy vọng dự án sẽ thu hút khoảng nửa triệu du khách mỗi năm. Kenderli sẽ chiếm diện tích 1.700 hécta, trong đó 700 hécta thuộc sở hữu tư nhân.

Còn ở Turkmenistan, dự án "Khu du lịch quốc gia Avaza" cũng đang được ráo riết thực hiện bao gồm 60 khách sạn, với tổng chi phí 5 tỉ USD. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn suy thoái kinh tế như hiện nay, người ta cảm thấy hoài nghi về những dự án khổng lồ này. Liệu Azerbaijan có tính toán đến việc sinh lợi từ cụm đảo nhân tạo Khazar? Một phép tính đơn giản: với tiền lương trung bình chỉ khoảng 460 USD (khoảng 350 euro)/ tháng, một người dân Azerbaijan có lẽ phải nhịn ăn nhịn uống trong hơn 70 năm mới có thể sở hữu một căn hộ có diện tích 100m2 ở cụm đảo. Liệu Azerbaijan có thể thu hút được 1 triệu du khách nước ngoài giàu có...

Dự án cụm đảo nhân tạo ở biển Caspian của Azerbaijan.

Còn ở Turkmenistan, khu du lịch Avaza được coi là đáp ứng được nhu cầu của người dân. Song tính khả thi của dự án cũng gặp sự chỉ trích, bởi không thể dự kiến được lượng du khách tìm đến Avaza để nghỉ mát, hơn nữa thu nhập bình quân đầu người lại thấp nên dự án là không khả thi. So sánh với hai quốc gia láng giềng thì dự án của Kazakhstan có vẻ thực tế hơn, cho dù nước này có một số biện pháp kích thích du lịch như là hủy bỏ visa để thu hút du khách nước ngoài. Nhưng vấn đề là sinh thái của 40km đường bờ biển.

Hơn thế nữa, sau 20 năm độc lập, không kể đến sự xây dựng thành công thủ đô mới, Kazakhstan không thực hiện được bất cứ công trình nào trị giá hàng tỉ USD. Thậm chí trong suốt nhiều năm Kazakhstan - một quốc gia dầu mỏ - cũng không xây dựng nổi một nhà máy lọc dầu mà chỉ hài lòng với những cơ sở hạ tầng thời Xôviết để lại. Như vậy, với một dự án trị giá hàng tỉ đôla như vậy, đối với Kazakhstan có là điều phi thực tế?

An An (tổng hợp)
.
.