Những kỷ lục “khó với” trên văn đàn 5 châu

Thứ Ba, 27/03/2018, 19:12
Nữ văn sĩ Agatha Christie (1890-1976) là nhà văn có sách được dịch nhiều nhất. Trong Niên giám thống kê năm 2017 của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), cho thấy chỉ riêng năm 2016 trước đó đã có 279 dịch giả của 24 quốc gia dịch và chuyển ngữ các tác phẩm của bà.

Tác phẩm đồ sộ nhất mọi thời

Kỷ lục này thuộc về bộ bách khoa toàn thư “Yongle Dadian” (Vĩnh Lạc đại điển) của Trung Quốc, được biên soạn theo lệnh của Hoàng đế Minh Thành Tổ (1360-1424), bao gồm 22.973 đề mục viết tay tổng cộng lên tới 50 triệu chữ, được chia thành 11.095 tập (400 tập với 700 đề mục còn lưu giữ được cho đến nay); nếu đem xếp chồng lên nhau sẽ chiếm thể tích 40m3.

Để hoàn thiện bộ sách đồ sộ này, hơn 2.000 học giả Trung Hoa đã cần mẫn làm việc trong suốt 6 năm ròng - từ đầu năm 1403 đến hết năm 1408.

Cuốn sách nhỏ nhất

Đó là một đầu sách thiếu nhi, có tựa đề “Old King Cole” (Ông vua già nua), ra mắt độc giả lần đầu vào năm 1985 ở Paisley (Scotland), với kích thước chiều rộng cũng như chiều dài đều bằng đúng 0,9mm.

Kích thước cuốn sách siêu mini “Old King Cole” trên đầu ngón tay.

Nhà xuất bản khuyến cáo độc giả nên dùng đầu kim khâu để lật giở các trang trong cuốn sách siêu mini này.

Bức thư ngắn nhất

Đến nay vẫn chưa ai phá được kỷ lục này của Đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) cùng Nhà xuất bản Hurst & Blackett ở London (Anh). Tuy đang đi nghỉ, nhưng Hugo nóng lòng muốn biết kết quả việc bán cuốn tiểu thuyết “Les Misérables” (Những người khốn khổ) dịch sang tiếng Anh, nên ông liền cầm bút ghi: “?”. Nhà xuất bản trả lời: “!”.

Cuốn nhật ký dài nhất

Tác giả là Đại tá người Anh Ernest Achey Loftus (1884-1987). Ông bắt đầu ghi nhật ký vào năm 1896 khi mới 12 tuổi và viết đều đặn hàng ngày trong suốt 91 năm liền cho tới khi mất trong năm 1987, thọ 103 tuổi.

Một đầu sách cuốn hút về Billy Bunter của F. Richard - văn sĩ có sự nghiệp sáng tác đồ sộ nhất.

Thiên trường ca dài nhất

Đó là Thiên trường ca dân gian “Manas” của Kirgyzstan (một nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây). Bộ sử thi đồ sộ được in lần đầu trong năm 1958, bao gồm hơn nửa triệu câu thơ.

Cuốn sách được in bán nhiều nhất

Đó là cuốn Thánh kinh với số lượng 36 tỉ bản và cũng là ấn phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất - hơn 2.000 thứ tiếng, trong đó 1/4 là các ngôn ngữ thuộc “lục địa Đen” Phi châu. Tác giả của cuốn sách kỷ lục này vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi. “Chỉ có Chúa mới biết nổi rằng ai đã viết ra Thánh kinh”, nhưng số nhà xuất bản trên khắp thế giới từng in Thánh kinh thì liệt kê không xuể.

Xếp thứ 2 là cuốn “Mao ngữ lục” hay “Hồng bảo thư”, là đầu sách tuyển chọn một số câu nói trong trước tác của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (1893-1976), với hơn 1,8 tỉ bản đã ấn hành. Được bán hay phát không? Thậm chí Sách Kỷ lục Guinness cũng chẳng xác định nổi. Đứng thứ 3 là cuốn “The Truth leads to eternal life” (Sự thật dẫn đến cuộc sống vĩnh hằng), do Nhà xuất bản Watchtower Bible & Tract ở New York (Mỹ) phát hành.

Trong vòng 23 năm từ năm 1968 đến 1991, nhà xuất bản này đã in bán tới 107.073.279 cuốn. Bản thân “Guinness” cũng là một ấn phẩm được xếp thứ 4, với hơn 100 triệu bản đã được bán ra và luôn được coi là cuốn best-seller (bán chạy nhất) của mọi thời.

Ấn bản đắt giá nhất

Kỷ lục không thể vượt qua nổi thuộc một ấn bản dày 226 trang của Công tước xứ Saxony Henry the Lion (1129-1195), lúc sinh thời ông là một trong những vị Hoàng tử Đức quyền lực nhất trong lịch sử. Ấn bản được bán đấu giá ở London đầu năm 1983 với 8,14 triệu bảng Anh.

Cuốn sách được in máy đầu tiên

Đó không phải là cuốn Thánh kinh do nhà phát minh người Đức Johannes Gutenberg (1389-1468)  in vào đầu năm 1454 như xưa nay người ta vẫn tưởng; mà là cuốn sách chỉ có 28 trang in những bài thơ từ thời Nhà Tần (221-206 Tr.CN), hiện được bảo quản tại thư viện Trường đại học Tổng hợp Yonsei ở Hàn Quốc. Cuốn sách này được in năm 1160 bằng chữ in kim loại.

Còn theo những nghiên cứu mới nhất, xếp thứ 2 là một ấn bản ngữ pháp Latin của Aelius Donatus - một nhà ngữ văn học và giáo sư tiếng La Mã giữa thế kỷ IV) - được in trong năm 1450.

“Vua sách bỏ túi” J. Inove.

Nhà văn được trả thù lao cao nhất

Kỷ lục thuộc về tiểu thuyết gia người Mỹ Stephen King, chuyên viết về thể loại tiểu thuyết giả tưởng và kinh dị nay đã 71 tuổi. Trong năm 1989 cây bút lão luyện này được ứng trước 26 triệu bảng Anh (36,5 triệu USD) cho 4 đầu sách sắp viết. Tuy người ta có đề cập đến cuốn tiểu tuyết trinh thám “Lack of Love” (Thiếu tình thương) của tác giả Tom Clancy (1947-2013), rằng dạo tháng 8-1992, Nhà xuất bản Putnam ở New York đồng ý trả 14 triệu USD để được quyền phổ biến cuốn sách này trên thị trường Hoa Kỳ.

Đây có lẽ là số tiền đặc cọc cao nhất cho một ấn phẩm từ trước tới nay. Nhưng đồng thời S. King cũng không chịu “ngồi yên”, ông còn kiếm thêm gấp bội nhờ các tác quyền chuyển thể sang kịch bản điện ảnh và phim truyền hình cho những sáng tác của mình.

Nhà xuất bản lớn nhất

Đứng đầu là Nhà xuất bản Time Warner ở New York (Mỹ), với 9.600 nhân viên cùng doanh số xấp xỉ 3 tỉ USD/năm về sách báo và tạp chí. Nhưng Nhà xuất bản Progress (Tiến bộ) ở Moscow (Nga) vẫn dẫn đầu về số lượng sách phát hành.

Kể từ khi thành lập vào năm 1931 đến năm 1989, Nhà xuất bản Progress đã đạt tới “đỉnh cao” qua việc ấn hành 750 đầu sách/năm, với mỗi đầu sách đều được in bằng 50 thứ tiếng khác nhau.

Thư viện lớn nhất thế giới

Kỷ lục là Thư viện Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington D.C, bao gồm 88 triệu ấn bản, tàng thư, đầu sách (trong đó có 26 triệu ấn bản in), với 856km ngăn kệ và trải trên một diện tích rộng 26 ha.

Nơi có mật độ các hiệu sách dày đặc nhất

Đó là Reodio, một ngôi làng hẻo lánh trong vùng Ardennes phía nam Vương quốc Bỉ, với 24 hiệu sách trên tổng số 300 cư dân. Tính ra trung bình hơn 12 người dân có 1 hiệu sách.

Kỷ lục về sách tiểu sử

Đứng đầu là nhà văn Bỉ George Simenon (1903-1989) chuyên viết bằng Pháp ngữ, với 22 cuốn sách tiểu sử tự thuật về cuộc đời mình. Nhưng kỷ lục về tiểu sử dài nhất lại thuộc về cố Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965) do A. Randolph chấp bút: trải dài hết… 23.932 trang.

Nhà văn có sách được dịch nhiều nhất

Đó là một nữ văn sĩ - bà Agatha Christie (1890-1976) người Anh, từng được tôn vinh là “Nữ hoàng của truyện trinh thám”. 

“Nữ hoàng trinh thám” A. Christie là tác giả có sách được dịch nhiều nhất.

Trong Niên giám thống kê năm 2017 của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), cho thấy chỉ riêng năm 2016 trước đó đã có 279 dịch giả của 24 quốc gia dịch và chuyển ngữ các tác phẩm của bà.

Tác giả được đăng và trích dẫn nhiều nhất

Đó là tác giả Augustine of Hippo (354-430) người từng được phong tước hiệu Thánh của giáo hội Thiên chúa giáo La Mã. Các lời văn của ông ngày nào cũng được rao giảng, hoặc đăng tải trên các phương tiện truyền giáo đại chúng.

Văn sĩ viết nhiều nhất

Đó không phải là nhà hài kịch Lope de Vega người Tây Ban Nha (1562-1635) với 2.200 vở kịch và truyện văn; mà là cây bút gạo cội người Anh Charles Hamilton (1876-1961), nổi tiếng qua bút hiệu Frank Richards là “cha đẻ” của Billy Bunter - một nhân vật “người hùng” thiếu nhi.

Toàn bộ sáng tác của ông bao gồm từ 72-75 triệu âm tiết, với sức viết trung bình 80.000 từ/tuần hay hơn 11.400 âm tiết/ngày.

Cuốn tiều thuyết được bán nhiều nhất

Lại một nữ văn sĩ: bà Jacqueline Susann người Mỹ (1921-1974), với cuốn tiểu thuyết có tựa đề “Valley of the Dolls” (Thung lũng búp bê) - pha tạp giữa bạo lực, thuốc phiện và chuyện ái tình, được in lần đầu trong năm 1966 và đã bán được cả thảy 28,75 triệu bản, vượt cả tác phẩm bất hủ “Gone with the Wind” (Cuốn theo chiều gió) của cây bút đồng hương Margaret Michell (1900-1969), bán được khoảng 28 triệu ấn bản.

2 trang viết tay thuộc bộ “Vĩnh Lạc đại điển”.

Tác giả viết nhiều sách bỏ túi nhất

Không phải là Epicurus (341-270 Tr.CN) gạo cội; mà là José Carlos Ryoki de Alpoim Inove, một nhà văn Brazil sinh năm 1946 gốc lai giữa Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Ông viết tới tập thứ 1.100 của cuốn “Pablo Escobar đâu rồi?” qua bút hiệu Ryoki Inoue. Trước đó ông là tác giả của 665 truyện ngắn, 112 truyện phản gián, 73 truyện về đề tài quân sự, 70 truyện hình sự, 63 tiểu thuyết tình cảm và 21 cuốn sách khoa học viễn tưởng…

Văn sĩ này “thống trị” tới 90% thị trường sách bỏ túi của Brazil - quốc gia lớn nhất châu Nam Mỹ. Nhưng J. Inove vẫn nghèo. Lý do: số lượng phát hành rất ít ỏi cùng với bản quyền tác giả quá khiêm nhường. Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận J. Inove là “nhà văn viết nhiều sách bỏ túi nhất thế giới”.

Kể từ lúc bắt đầu sự nghiệp cầm bút vào năm 1986 khi đã 40 tuổi đến nay, ông đã cho xuất bản tới 1.075 đầu sách bỏ túi dưới tên riêng của mình, hoặc bằng 39 bút danh khác nhau.

Đầu sách “Valley of the Dolls” của J.Susann là tiểu thuyết bán được nhiều nhất.

Nhà văn viết nhanh nhất

Kỷ lục này thuộc về một văn sĩ người Mỹ: Erle Stanley Gardner (1889-1970), “Vị chuyên gia về các tiểu thuyết hình sự”- như giới đồng nghiệp từng tôn vinh. Lúc sinh thời tác giả E. Gardner có khả năng viết tới 7 cuốn tiểu thuyết cùng một lúc, với sức viết trung bình 80.000 từ/tuần hay hơn 11.400 âm tiết/ngày.

Tác giả có sách được dựng phim nhiều nhất

“Kỷ lục của mọi thời” vẫn thuộc về Đại văn hào bất hủ người Anh William Shakespeare (1564-1616). Đã có hơn 350 bộ phim được dàn dựng dựa theo các tác phẩm kinh điển của ông, chưa kể nhiều cuốn phim cải biên khác.

Nhân vật tiểu thuyết được đưa lên màn bạc nhiều nhất

“Nhà vô địch tuyệt đối” là Sherlock Holmes. Chỉ tính trong vòng nửa thế kỷ từ năm 1960 đến năm 2010, hình ảnh nhân vật thám tử nổi tiếng này do văn sĩ người Anh Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930) hư cấu, đã 287 lần xuất hiện trên các bộ phim khác nhau do 81 diễn viên thủ vai - kể cả một nghệ sĩ người da đen(!)

Thu Hường (tổng hợp)
.
.