Những mảnh ghép không lành lặn

Thứ Tư, 19/04/2017, 15:52
Nếu được lựa chọn, có lẽ ai cũng muốn sinh ra và lớn lên lành lặn, khỏe mạnh, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có những người sinh ra không phải như điều ước đó, họ đã phải chấp nhận số phận của mình, chấp nhận một cơ thể không lành lặn, bị khuyết tật và phải mang nó đi suốt cuộc đời.

Nhưng điều quan trọng hơn cả, là họ đã không lùi bước trước những khó khăn, trước những thử thách, họ vẫn tìm cho mình được một con đường để đam mê, theo đuổi. Tôi đang muốn nói đến 4 trong số những người như thế. Họ là 4 họa sĩ trẻ từ những miền quê khác nhau tụ hội về trong nhóm “Khát vọng ngày mới”: Nguyễn Tấn Hiền (1978 - Đà Nẵng), Lê Thị Mỹ Bình (1981 - Yên Bái), Đỗ Trọng Minh (1984 - Quảng Ninh), Lưu Xuân Thành (1985 - Hải Dương).

Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), họ đã mở cuộc triển lãm tranh mang tên “Những mảnh ghép tình yêu” tại Không gian văn hóa Đông Tây, 99 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội, từ ngày 16-4 đến 20-4.

Cắt lát

“Những mảnh ghép tình yêu” là triển lãm nhóm lần thứ 2 của nhóm họa sỹ khuyết tật “Khát vọng ngày mới”, đánh dấu chặng đường sáng tác của nhóm trong 2 năm qua kể từ ngày thành lập. Qua bộ tranh, họ truyền đạt tới người xem, nghị lực và đam mê hội họa của 4 họa sỹ. Họ đã cùng nhau vượt qua được những tháng ngày khó khăn, đầy nước mắt vì số phận không may mắn của mình để tìm được một niềm đam mê cho tâm hồn được tung tẩy, ước mơ và khát vọng.

Lê Thị Mỹ Bình sinh năm 1981 tại Yên Bái. Bình bị liệt 2 chân do di chứng viêm tủy cắt ngang từ năm 1993, lúc đó Bình đang học lớp 6, không đứng và không đi lại được. Nỗ lực vượt lên số phận, sau một thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị lại tiếp tục học đến hết lớp 9 rồi nghỉ học và tìm cách học vẽ để kiếm sống.

Bình chia sẻ rằng, chị khao khát được đến trường, cũng như bao chúng bạn, rồi sẽ học hết cấp ba đi học đại học và có một công việc mình say mê, theo đuổi và nếu có thể, thì có lương để giúp đỡ bố mẹ đã vất vả chăm sóc Bình bao nhiêu ngày tháng qua. Nhưng rồi, ước mơ tưởng chừng đơn giản ấy dang dở vì nhiều điều kiện không cho phép. Nghỉ học, như một sự bù đắp của số phận, chị đã mày mò với việc tự học vẽ.

Từ trên xuống, trái qua: Đỗ Trọng Minh, Nguyễn Tấn Hiền, Lưu Xuân Thành, Lê Thị Mỹ Bình.

Trước khi tìm đến với màu vẽ, Bình thường làm các bức tranh ghép giấy được sử dụng từ những tờ lịch cũ được mẹ xin ở chùa. Chủ đề chị chọn thường đa dạng và màu sắc của những bức tranh ghép giấy rất tinh xảo. Do những hạn chế về tài chính nên Lê Bình thường không dám mua nhiều màu và những vật liệu vẽ. Nhưng chính điều đó lại kích thích chị sáng tạo trong cách sử dụng chất liệu như dùng bút dạ bảng, nhọ nồi... để tạo ra những hiệu ứng ấn tượng.

Bây giờ, chủ đề chính của Bình là vẽ tĩnh vật và cỏ cây hoa lá. Có lẽ bởi tình yêu non tơ đầy trong trẻo của mình với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm bạn, nên tranh của Bình đầy trong sáng và đậm chất thơ.

Bây giờ Lê Thị Mỹ Bình thường sáng tác các tác phẩm acrylic trên toan về chủ đề tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Ngoài vẽ tranh, chị đi vẽ thuê và dạy vẽ để kiếm thêm thu nhập cùng góp phần lo cho gia đình. Bình cũng đã tham gia nhiều triển lãm tranh, như “Ngày mới” cùng nhóm họa sĩ khuyết tật tổ chức tại Huế (năm 2013), tháng 8-2014 triển lãm khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc tại Bắc Cạn. Triển làm tranh cùng nhóm “Khát vọng ngày mới” (năm 2014).

Tháng 11-2015 Bình tham gia sự kiện trình diễn thời trang “Tôi đẹp, bạn cũng thế” dành cho người khuyết tật, nâng cao quyền năng và sự tự tin cho phụ nữ khuyết tật tại Hà Nội. Và lần triển lãm này “Khát vọng ngày mới” (năm 2017), Bình đã mang đến cho khán giả những ấn tượng khó phai về những tác phẩm tĩnh vật neo vào lòng người những ám ảnh về sự không tròn trịa, mất mát, nhưng vẫn toát lên sự ấm áp, sáng trong của một tâm hồn nhạy cảm và mơ mộng.

Cũng như Bình, họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền, sinh năm 1978 tại Đà Nẵng có nhiều bức tranh mang cùng một cái tên: “Con của anh”. Anh từng là người lính ở Lữ đoàn pháo phòng không 573, Bình Định. Năm 2002, anh xuất ngũ và thi đậu vào khoa Toán, trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Thế nhưng, một tai nạn đã làm anh liệt hết tay chân, 10 năm nay không rời khỏi chiếc xe lăn.

Nhìn dáng vẻ thư sinh, hiền lành của anh, khiến người ta liên tưởng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Anh chia sẻ rằng, niềm đam mê vẽ của mình bắt đầu được ươm mầm khi đang ở trong viện để điều dưỡng và phục hồi chức năng. Do tay quá yếu, phải nhờ người cột bút vào tay, một thời gian khá lâu sau đó anh mới có thể tự cầm cọ.

Năm 2009, Hiền tự học pha màu và vẽ màu nước. Năm 2010, vẽ màu acrylic với đề tài chủ yếu là phong cảnh phố cổ, tĩnh vật để bán, trang trải viện phí, sau đó anh bắt đầu vẽ tranh về chủ đề gia đình, con người. Giờ đây, thời gian của anh hầu hết là ở bên giá vẽ. Vẽ tranh vừa là niềm vui vừa phụ giúp vợ trong việc lo kinh tế cho gia đình.

Anh cũng chia sẻ rằng, nhờ có hội họa, anh như được tái sinh thêm một lần nữa. Những bức tranh, những ý tưởng như một người bạn, như một người yêu, nâng cánh cho ước mơ của anh, những giấc mơ tưởng chừng bị trói chặt trong chiếc xe lăn bốn bánh...

Đỗ Trọng Minh, một trong những người tham gia triển lãm lần này đã cho tôi xem bức tranh “Nước mắt mẹ”. Một bức tranh tự sự về hình bóng người mẹ yêu thương đã khóc cạn nước mắt những tháng ngày con bị tai nạn và tưởng chừng không thể qua khỏi. Đó là một nỗi đau xé lòng và đầy ám ảnh.

Minh sinh năm 1984 tại Quảng Ninh. Minh bị tai nạn gãy 8 xương sườn và chết 2 đốt sống D9, D10 dẫn đến liệt tủy, mất hoàn toàn cảm giác và vận động từ rốn xuống 2 chân, hiện tại Minh di chuyển bằng xe lăn và đến nay vẫn chưa bình phục. Minh không thể ngồi lâu quá 1 giờ liên tục. Minh tìm đến hội họa từ tháng 2/2014, sau khi bắt đầu phục hồi và đôi tay có thể cử động trở lại được vài phần sau một quá trình tập luyện không mệt mỏi.

Minh kể: Khi vẽ tranh, em đã giải tỏa được rất nhiều nỗi đau trên thể xác và tinh thần. Trò chơi của những mảng màu đã giúp Minh có được một niềm tin trong cuộc sống. Không chỉ vẽ theo bản năng, Minh còn mua sách về nhà đọc và học hỏi thêm. Minh đã sáng tác tranh và vẽ thuê để có tiền mua dụng cụ và màu vẽ.

Đến tháng 2 năm 2016, Minh được đưa đi làm nẹp chân để hỗ trợ tập đứng, nhưng do chân bị co cứng các khớp chưa thể đeo nẹp nên lại nằm viện để phục hồi chức năng, tập mềm các khớp chân để có thể đeo nẹp tập đứng. Điều hạnh phúc nhất của Minh là toàn bộ chi phí làm nẹp chân và đi bệnh viện phục hồi chức năng trong 4 tháng được chi trả bằng thu nhập có được nhờ công Minh đi vẽ thuê và bán tranh gần 2 năm.

Hiện tại, Minh đã có thể đeo nẹp tập đứng được để cải thiện sức khỏe và tiếp tục sáng tác tranh, vẽ tranh thuê với mong muốn có thể theo đuổi đam mê vẽ và tự lo được cho bản thân về mọi mặt.

Lưu Xuân Thành trẻ nhất trong nhóm, sinh năm 1985 tại Hải Dương. 15 năm Thành đứng trên đôi nạng gỗ vẽ trong những cơn đau quặn thắt do bệnh tật, chàng trai tưởng như đã tàn phế nay trở thành họa sĩ trẻ. Thành chia sẻ, Thành bị chẩn đoán phôi hóa các khớp, tình trạng hiện nay đi lại khó khăn cứng toàn thân, sức khỏe yếu 2 tay yếu từ năm 1996. Lúc đó, Thành có cảm giác rằng cuộc sống từ đây coi như mọi cánh cửa đều khép lại với mình.

Có đôi khi Thành muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi nhờ bố mẹ động viên, chăm sóc từ bữa ăn giấc ngủ, động viên mọi lúc mọi nơi, Thành cũng dần bình tâm và gắng gượng sống tiếp dù suy nghĩ sẽ chẳng thể làm được gì cho bố mẹ và cho chính bản thân vẫn luôn thường trực. Nhưng dường như, ông trời luôn không lấy của ai tất cả. Cuộc đời vốn luôn đầy những bất ngờ. Trong một dịp xem tivi, Thành thấy một anh họa sĩ khuyết tật vẽ tranh.

“Từ đó tôi luôn nghĩ tại sao mình lại không vẽ như anh ấy? Đó là khoảng thời gian 5 năm sau khi bị những cơn đau hành hạ”. Rồi Thành nhờ cậu em đi mua 2 cuốn sách dạy hình họa về và tự học. Hội họa đã bắt đầu giúp Thành vượt qua mọi cơn đau để vẽ lên tương lai cho mình.

Với quyết tâm phải làm một điều gì đó để thoát khỏi chán nản, Thành bắt đầu tập vẽ từ đó. Dù đôi tay co cứng, vận động khó khăn, anh vẫn kiên trì trên đôi nạng gỗ, vụng về cọ những nét vẽ đầu tiên. Không ai biết rằng, cũng từ đây, anh bắt đầu hành trình vẽ nên tương lai đời mình từ những cơn đau thắt hành hạ. Với Thành, vẽ đã trở thành niềm đam mê duy nhất. Vẽ là cách để quên đi tất cả đau đớn, bệnh tật. Niềm đam mê ấy đã dần đưa Thành đi tới con đường hội họa chuyên nghiệp với những tác phẩm nghệ thuật chứa đầy sức sống mãnh liệt.

Tác phẩm “Bình yên” (sơn dầu), “Hiếu thảo” (sơn dầu) và “Ký ức” (sơn dầu).

Vào tháng 3-2015, Thành cùng 4 họa sĩ trẻ đến từ các nơi trên cả nước đã tổ chức triển lãm tranh “Khát vọng ngày mới” và nhận được sự đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như những người yêu nghệ thuật. Tấm gương của chàng trai trẻ đã trở thành động lực và cũng là bài học cho nhiều bạn trẻ vươn lên trong cuộc sống.

Tâm sáng

Có một câu chuyện kể về người thầy giáo khuyết tật người Nhật - Hirotada Ototake đã khiến cả thế giới xúc động bởi những nỗ lực tưởng chừng như phi thường của anh. Sinh ra với một cơ thể không lành lặn, mất cả tứ chi nhưng Ototake đã vượt lên số phận nghiệt ngã và trở thành thầy giáo - như đúng ước mơ của anh. Anh là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “No One’s Perfect” (Không ai hoàn hảo) và trở thành biểu tượng cho thanh niên Nhật Bản.

Câu nói nổi tiếng của Ototake dường như đã là châm ngôn của người khuyết tật trên khắp thế giới rằng: “Khuyết tật không có gì là bất hạnh, khuyết tật chỉ là sự bất tiện”. Nhìn những gương mặt trẻ trong cuộc hội ngộ “Những mảnh ghép tình yêu” lần này, tôi bỗng có cảm giác rằng, trên trong những chiếc xe lăn, những đôi nạng gỗ kia là cả một thế giới đầy biến động của những tâm hồn khao khát sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Chị Nguyễn Quỳnh Hoa, một người trẻ sinh năm 1981 tại Hà Nội, người đã có công sức gây dựng nhiều năm nay dự án “Khát vọng ngày mới” (năm 2014) và đã tổ chức thành công 2 triển lãm: “Khát vọng” - năm 2012 và “Ngày mới” - năm 2013, dành cho các họa sỹ khuyết tật.

Hoa chia sẻ rằng, chị đã có duyên với những người khuyết tật và mong muốn gắn kết với họ để có thể tạo nên một cộng đồng những người có một tiếng nói chung chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và cả những ý tưởng trong tương lai. Bởi vì, những người khuyết tật, đặc biệt là những người bị chấn thương cột sống, đây là những người chịu ảnh hưởng nặng nề về thể chất vì mất khả năng vận động, phải ngồi xe lăn.

Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào người trợ giúp, do đó dễ gây cảm giác mặc cảm vì ít được tiếp xúc với cộng đồng. Chị mong muốn dự án có thể lớn mạnh để có thêm nhiều bạn khuyết tật khác được hỗ trợ từ những tấm lòng nhân văn của cộng đồng.

Tôi đã có dịp ngắm nhìn những bức tranh của “Những mảnh ghép tình yêu” và trong sự ám ảnh về những sắc màu hội họa, tôi cho rằng, những người đang ngồi trên chiếc xe lăn kia, và những bức tranh vẽ những số phận khác nhau ấy, là những mảnh ghép hoàn hảo...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.