Những nạn nhân của khuynh hướng báo lá cải

Thứ Tư, 04/12/2013, 07:00

Theo con số thống kê, tại Việt Nam hiện có hơn 800 báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình và hàng trăm báo, trang tin điện tử. Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay, phong cách báo lá cải đang lấn sân một cách mạnh mẽ đến đời sống báo chí, trở thành một “trào lưu” giật tít câu view, bàn chuyện hậu trường showbiz, tán chuyện riêng tư của người nổi tiếng...

Trong phiên trả lời chất vấn ngày 21/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định: “Đối với Nhà nước ta hiện nay, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội, là cơ quan ngôn luận của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của nhân dân nên phải khẳng định trong xã hội chúng ta không có báo lá cải. Tuy nhiên có tờ báo trong một thời kỳ, thời điểm nào đó đã không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Đây là hiện tượng thể hiện khuynh hướng báo lá cải chứ Việt Nam không có báo lá cải”.

Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, những người đã ít nhiều là “nạn nhân” của phong cách “báo lá cải”.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tránh những điều bất nhẫn

Là người làm báo lâu năm, nếm trải cũng nhiều những va vấp trong nghề báo, nhưng tôi phải thừa nhận rằng, báo chí ngày nay, đặc biệt là một số  mạng thường khai thác chuyện giật gân, câu khách rất quá đà. Thậm chí, có những tờ báo ngang nhiên dựng toàn bộ chuyện của người khác tới mức khó có thể tin được. Bản thân tôi nhiều năm làm Tổng biên tập Báo Tiền Phong, cũng là người mạnh dạn đổi mới nhiều chuyên mục để phù hợp với xu thế, nhưng vẫn luôn nhắc nhở các phóng viên, biên tập viên làm báo phải có lương tâm nghề nghiệp, phải biết giới hạn của những bài viết để viết thế nào vẫn có độc giả quan tâm mà không phạm vào nỗi đau của nhân vật.

Ở nước mình, những luật định về việc khai thác hình ảnh cá nhân chưa rõ ràng, nhưng ở nước ngoài thì việc này được quy định rất rõ. Tôi còn nhớ, trong cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt lần thứ nhất, có một số phóng viên đến phỏng vấn các người đẹp là công dân nước ngoài thì rất tò mò hỏi chuyện về nhà cửa ở đâu, gia đình, bố mẹ, họ hàng của người ta như thế nào... ở ta việc đó là bình thường nhưng ở nước ngoài thì đó là bí mật riêng tư… Các thí sinh đã rất ngạc nhiên và phản ứng với ban tổ chức, vì việc các nhà báo quan tâm khai thác đời tư, điều mà luật pháp và văn hóa nước họ không cho phép.

Tôi còn nhớ, lần tôi sang Pháp để viết về Hoa hậu Thu Trang là hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn, trong bài viết phản ánh của mình tôi có tả cho mọi người biết hiện bà đang ở phố nào, ngôi nhà ra làm sao, khi tôi trở lại Pháp tặng bà số báo, bà đã "nhắc nhở": bà có thể kiện tôi vì tiết lộ bí mật thông tin đời tư khi chưa được sự cho phép. Đấy, chỉ một chi tiết nhỏ có thể cho thấy phương Tây họ bảo vệ quyền lợi cá nhân rất chính đáng.

Bản thân tôi nhiều năm làm Trưởng ban Tổ chức các cuộc thi hoa hậu Việt Nam cũng đã "lãnh đủ" những "đòn" oan của một số tờ báo theo hướng lá cải. Chẳng hạn như trong cuộc thi Hoa hậu năm 2008, có tờ báo còn nói một điều ngớ ngẩn là tôi chọn Hoa hậu Thùy Dung là chọn vợ cho con trai mình.

Dù đã lường trước những hệ lụy của nó, song sự "bịa chuyện" của một số mạng nhằm câu khách là điều khó có thể chấp nhận được. Nguy hại nhất là một số tờ báo mạng thường cứ nói "lấy được" mà không quan tâm đến những phản ứng mà "nạn nhân" sẽ gặp phải, điều này rất bất nhẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói rằng, nước ta không có báo lá cải, điều này đúng, bởi vì luật pháp không cho chúng ta ra báo tư nhân mà nguyên tắc là luôn có cơ quan chủ quản và trực thuộc sự quản lý của Nhà nước, có xu hướng chính trị rõ ràng.

Về phương pháp quản lý những thông tin mang tính "lá cải" thì có lẽ cần  có chế tài hợp lý. Bởi vì, nói thì đã nói rất nhiều, nhưng làm được đến đâu cũng còn phải cần có thời gian, điều tôi muốn nói là lương tâm của các nhà báo.

Nhà văn Di Li: Tiêu đề của "báo lá cải" là một trò cười

Đôi khi chúng tôi vẫn lấy những tiêu đề của báo lá cải ra để làm chuyện cười với nhau đấy. Có bận tôi lạc vào một trang báo mạng thấy có cái tít "Mẹ hoang dâm với bạn trai của con gái", cũng tò mò nhảy vào xem, hóa ra là chuyện… Võ Tắc Thiên và Thái Bình công chúa.

Còn có tờ báo giật cái tít dài dặc: Ở tuổi 90, Tô Hoài tiết lộ chuyện tình trai với Xuân Diệu. Thực chất là một lát cắt trong hồi ký của nhà văn. Đọc những tiêu đề này rất mắc cười, cười xong lại buồn, đến Võ Tắc Thiên và cụ Tô Hoài còn bị lôi ra để câu view nữa là người nổi tiếng trong showbiz lộ bí mật bạn trai mới quen, lộ ảnh nóng, lộ nội y.

Thực ra thì con người ai cũng có tật tò mò. Nhiều năm nay tôi cố gắng cai được vụ báo mạng, bởi mình cũng là con người, thấy tiêu đề giật gân câu khách cũng khó mà kiềm chế, rồi cứ lang thang hết trang nọ trang kia mất thời gian lắm. Thông tin thời sự thì tôi nhờ bạn bè, gia đình đọc được cái gì hay sẽ thông báo. Tôi chỉ vào mạng một lần xem những thông tin ấy thôi.

Thực ra làm báo lá cải cũng là một trong những xu hướng chung trên thế giới. Các nước tiên tiến đều tồn tại báo lá cải, chỉ có điều nếu số lượng báo lá cải lấn át những tờ báo chân chính thì dân trí của chúng ta có vấn đề. Có nhiều tờ báo cứ nói "lấy được" mà không quan tâm đến những cay đắng của nạn nhân, những nỗi cực khổ mà gia đình người ta phải hứng chịu.

Nhiều người đã đặt ra vấn đề đã đến lúc cần một chế tài cụ thể để hạn chế những tổn thương thuộc về con người trong những trường hợp này. Tuy nhiên, chế tài về chữ nghĩa, về việc đâu là ngôn ngữ được phép, đâu là không được phép cũng khó lắm. Giống như chế tài đã từng trở nên phi lý về việc quy định cách ăn mặc của nghệ sĩ biểu diễn ấy. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao lương tâm và nhận thức của người làm báo.--PageBreak--

Đôi khi chúng ta vẫn cố gắng bảo tay trái đây là tay phải nhưng ai cũng biết nó là tay trái, từ bác xe ôm đến chị bán cá. Báo lá cải, phim giải trí, nhạc thị trường, tiểu thuyết tình ái là xu hướng tất yếu của những xã hội phát triển. Mặc dù nghe qua có vẻ nghịch lý nhưng đời sống càng cao thì càng lắm xu hướng nghe nhìn để phục vụ các đối tượng công chúng đa dạng.

Thay vì cấm, ta nên đối diện sự thật là có những thứ không thể cấm, không thể hạn chế, chỉ có điều quản lý thế nào cho phù hợp và nâng cao nhận thức của người làm nghề mà thôi. Chứ nếu phủ nhận báo lá cải là trốn tránh sự thật. Có những đề tài vẫn nóng bỏng và được nhiều người tìm đọc, mong được đọc, nhưng liệu người viết có dám viết hay không thôi, hoặc có những phóng sự người viết có đủ yêu nghề, đủ kiên nhẫn và đủ hy sinh để thực hiện nó không. Vì đôi khi tiền nhuận bút vẫn ngần ấy, nhiều nhà báo nghĩ chẳng dại gì phải lóc cóc đi đâu xa, chẳng dại gì mà tìm tòi ý tưởng cho mệt, cứ ngồi nhà lướt Facebook xem người nổi tiếng có hở ra câu gì không để bình luận.

Đôi khi tôi vẫn cho rằng các tờ báo nên có chế độ trả nhuận bút cho những bài đinh gấp 3, 4 lần bài bình thường khác để người viết có thêm tinh thần sáng tạo.

Nhà thơ Bùi Thị Kim Anh: Điêu đứng vì… lá cải!

Tôi và gia đình đã từng điêu đứng vì là nạn nhân của cái gọi là phong cách báo lá cải. Những sai phạm thì thôi đã có luật pháp đứng ra phân xử, còn đứng về góc độ con người, tôi thiết nghĩ, những nhà báo dù có cần phải câu khách đến đâu cũng nên có lương tâm để đặt những điều nhân văn lên đầu tiên trước mỗi trang viết.

Không nên viết theo cảm tính, nghe ngóng mà không có sự sát thực, bởi vì câu chữ mình buông xuống, có khi đã vô tình gây nên những nỗi đau khủng khiếp cho gia đình, cho những người thân, cho cả một thế hệ con cháu họ.

Bây giờ đọc báo, tôi thấy nhiều nhà báo khai thác khía cạnh hậu trường một cách đậm đặc quá đà, đành rằng họ câu được rất nhiều view nhưng họ phải hiểu được rằng, đằng sau những tội ác, đằng sau những kẻ mất nhân tính còn có một gia đình, bố mẹ, con cái họ, mình không nên dùng những lời lẽ quá đà gây tổn thương tới lòng tự trọng của họ. Làm thế nào để cho con cái, gia đình họ thấy rằng, người thân mình làm việc sai trái, nhưng mọi người vẫn mở lòng, xã hội vẫn còn những tấm lòng bao dung, tốt đẹp mới là điều quan trọng.

Tôi là một nhà thơ, một người đầy nhạy cảm, trước nỗi đau tưởng khó qua khỏi thì may vẫn còn bè bạn và thơ ca để vững vàng làm điểm tựa cho gia đình trước những sóng gió. Một trong những bài thơ tôi rất thích viết tặng con gái khi thiên hạ đồn thổi, thêm thắt, đặt điều là con tôi trước những tai ương giáng xuống gia đình đã… tự tử!

Bài thơ ban đầu tôi lấy tựa đề là "Thiên hạ đồn con gái mẹ tự tử" nhưng sau khi in vào tập tôi đã đổi thành "Vỉa hè" in trong tập "Bán không cho gió": “Lời đồn thổi qua loa/ Chiều dài loa tính từ lòng người ra miệng/ Miệng người biến dạng/ Lòng người khúc đặc khúc rỗng/ Lê quán nước vỉa hè/ Qua miệng khách văn chương thành chuyện thực giữa ban ngày/ Chòng chành/ Thiên hạ hai bên quăng lời sống chết/ Phổng phang/ Hơi nhạo cười khóc mướn/ Ngửa cổ giữa trời/ Than ôi/ Cúi mặt lệ rơi/ Hỡi ôi…”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Thảm họa câu view

Hằng ngày, nhất là trong thế giới phẳng về thông tin toàn cầu hôm nay, ta có thể đọc ti tỉ thứ trên các loại hình báo in, báo nói, báo mạng, báo hình, mà trong đó có vô số thông tin được chế biến một cách rất… lá cải! Đặc biệt là báo mạng.

Không phải ngẫu nhiên, việc thông tin về hậu trường hay hiện trường của giới nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam hôm nay đã được chính báo chí phê phán và đích danh gọi là thảm họa báo mạng. (Tôi vừa đọc chùm bài phê phán này trên Báo Tuổi trẻ cách đây không lâu và năm 2011, đã đích thân tham gia viết một trong chùm bài phê phán này, cũng trên Báo Tuổi trẻ, ngày 24, 25, 26/6/2011, với tên chung loạt bài là "Truyền thông những chuyện không tử tế".

Tôi khẳng định rằng, báo mạng mà hằng ngày rất nhiều người xem, click vào, là nơi tập trung cao độ tính chất lá cải, bởi nó giống như/bị coi là một thứ "sân sau" của giới showbiz với cách giật tít câu view, với nội dung thông tin nhiều phần nhảm nhí, soi mói, moi móc cuộc sống riêng tư của nghệ sĩ, những chuyện phiếm vô bổ và vô nghĩa, kiểu buôn dưa lê… là những điều mà nhiều trang báo mạng đang hằng ngày hằng giờ sử dụng để cung cấp cho những độc giả thừa thời gian tò mò tìm đến. Có cung thì có cầu. Cả hai bên đều cùng thích và cùng thấy có lợi. Cho dù việc này, với báo chí nước ngoài không có gì mới lạ và báo lá cải thậm chí được thừa nhận và có tên gọi hẳn hoi.

Đối với báo chí nước ta, khi cách làm báo lá cải đang đầy rẫy trong đời sống báo chí và đang là một hiện trạng đã được phân tích phê phán, song sự phân tích và phê phán này quả thực chưa đến nơi đến chốn, chưa đạt hiệu quả, cho nên, vấn đề "lá cải hóa" báo chí đã dẫn đến thảm họa báo mạng như một loại hình báo chí tiêu biểu, cho dù, về nguyên tắc, báo chí Việt Nam không cho phép và không thừa nhận sự xuất hiện báo lá cải theo cách chính thống.

Bản thân tôi nhiều năm trong nghề báo cũng đã bị gặp vài nhà báo "lá cải" cho mình "lên thớt" để phục vụ mục đích riêng bằng những bài phỏng vấn bị xuyên tạc, bị cắt cứa, xé vụn ra để phục vụ cho ý tưởng bài viết của họ mà không tuân thủ nguyên tắc hành nghề là phải cho người được phỏng vấn xem lại, biên tập cho đúng với ý kiến của mình, để chịu trách nhiệm cá nhân (dù đã nói trước).

Để khắc phục những "thảm họa lá cải" như thế, tôi cho rằng, cần có chế tài rất cụ thể để xử lý, nhằm giảm bớt tối đa tính lá cải, để có thể ngăn ngừa cái gọi là tầm thường hóa văn hóa đọc báo ở một thế hệ độc giả, nhất là độc giả trẻ và hơn hết, là để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hành nghề báo chí của đội ngũ nhà báo hôm nay…

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.