Những nàng tiên cá thời hiện đại

Thứ Tư, 07/06/2017, 07:54
Từ thời còn đi nhà trẻ, Caitlin Nielsen đã nhiều lần nói với cô giáo của mình rằng, lớn lên cô muốn trở thành nàng tiên cá. Nghe được điều này, đám bạn cùng lớp mẫu giáo của Caitlin đã hè nhau trêu chọc cô. Nhưng Caitlin Nielsen không hề từ bỏ ước mơ của mình.

Nay đã 32 tuổi, Caitlin không những đã thực hiện mơ ước của thời ấu thơ mà cô còn tìm được những người bạn có cùng niềm đam mê đáng yêu ấy.

Cách đây 2 năm, Caitlin Nielsen từ bỏ công việc trong một công ty nghiên cứu các sản phẩm hóa sinh để trở thành hội viên của một hội quy tụ những người đều tự nhận mình là người cá (Merfolk) và chỉ dành phần lớn thời gian ở dưới nước cho thỏa niềm đam mê. Trong cộng đồng người cá này, Caitlin có tên mới là Cyanea.

Ngoài thời gian luyện tập dưới nước cùng các hội viên khác, cô kiếm sống bằng cách làm ra những chiếc đuôi cá tuyệt đẹp bằng silicon và bán chúng cho những người có mơ ước giống mình. Những chiếc đuôi cá giả được trang trí công phu hệt như đuôi cá của mỹ nhân ngư trên phim ảnh có giá lên đến 3.500 USD và người đeo nó phải mất ít nhất một năm tập luyện mới có thể bơi lội như một người cá thực thụ.

Trở thành “nàng tiên cá” cũng đem lại cho Cyanea cơ hội giảng dạy. Là một cựu sinh viên ngành sinh học và có cha mẹ là các nhà sinh học biển, cô đã sử dụng kiến thức của mình để truyền dạy cho mọi người việc bảo vệ đại dương. Caitlin hiện nay dành thời gian đăng tải các video và ảnh của mình lên mạng và giao lưu với “cộng đồng người cá” đang phát triển ở Seattle.

Bà Cora, mẹ của Cyanea, đã chấp nhận niềm đam mê của con gái, dù mấy chục năm qua nhiều khi bà đã buồn lòng cho rằng con gái mình vì quá mê nàng tiên cá trong truyện cổ tích mà đâm ra hoang tưởng. Cyanea không hoang tưởng, cô cũng có một người chồng bình thường. Kim Lomman, chồng cô lại rất tự hào về vợ mình và luôn khoe với mọi người rằng, anh đã lấy một nàng tiên cá!

Bé Lauren cùng “nàng tiên cá” trong mơ.

Bạn bè của Cyanea, Ed Brown và Tessie LaMourea, cũng là những người cá. Tessie trước đây rất tự ti về hình thể “phì nhiêu” của mình. Khoảng 3 năm trước, khi cô tham gia vào một lớp học về người cá ở Philippines, được đeo vào mình chiếc đuôi cá và trở thành tiên cá thì điều kỳ diệu đã xảy ra, mọi căng thẳng lo lắng, tự ti của Tessie dường như biến mất, thay vào đó, cô chỉ còn thấy hạnh phúc.

Tessie LaMourea nói: “Tôi thường bất an về cơ thể mình, nhưng khi tôi đeo đuôi cá, tôi cảm thấy điều đó không còn là vấn đề. Mọi người chỉ tập trung vào việc tôi là một nàng tiên cá mà thôi”. Còn Ed Brown là một người phi giới tính. Khi trở thành người cá, Ed Brown dường như đã thoát khỏi đau khổ về giới tính của mình. Anh không còn bị ám ảnh về các vấn đề liên quan đến tình dục và lo âu trước định kiến xã hội về vấn đề giới tính của mình.

Trong năm 2016, hàng trăm người cũng tự nhận là người cá, đã tụ họp về Greensboor, bang Bắc Carolina, Mỹ, để tham dự một hội nghị lớn nhất thế giới trong cộng đồng người cá.

Lauren Barnett là một cô bé 8 tuổi xinh xắn có mái tóc xoăn màu hạt dẻ. Cô bé sống cùng gia đình ở Barrhead nước Anh. Sau khi chào đời được 27 tuần, bố mẹ Lauren đã phải đưa cô bé đi kiểm tra sức khỏe và các bác sĩ chẩn đoán Lauren bị mắc bệnh “Hội chứng ruột ngắn”. Từ đó, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của cô bé.

Lauren được bố mẹ kể cho rất nhiều truyện cổ tích và nhân vật mà cô yêu thích nhất đó là nàng tiên cá. Cô bé chia sẻ với mẹ mình rằng ước mơ lớn nhất của mình là được gặp nàng tiên cá một lần trong đời. Mong ước dễ thương của cô bé đã được Quỹ Rays of Sunshine - một quỹ từ thiện chuyên thực hiện giấc mơ của các bệnh nhi tại nước Anh biết đến và ban tổ chức Quỹ đã quyết định giúp Lauren.

Ngày 2-10-2016, Lauren và gia đình được đón từ nhà và được đưa đến công viên hải dương, nơi có Linden - “nàng tiên cá” đến từ Los Angeles đang đợi để trò chuyện cùng cô bé. Sau chuyến gặp mặt “nàng tiên cá”, mẹ của Lauren cho biết: “Tôi không thể diễn tả được cảm xúc mà chúng tôi đã trải qua. Dù sau này có chuyện gì xảy ra thì chúng tôi sẽ luôn luôn nhớ mãi kỷ niệm về buổi gặp này, hình ảnh bé Lauren chạy về phía “nàng tiên cá” và vẻ mặt hạnh phúc rạng ngời của bé khi được trò chuyện cùng nhân vật trong mơ của mình. Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều!”.

“Nàng tiên cá” Lu Shanshan sinh năm 1991 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, bộc lộ niềm đam mê với múa ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp khoa múa của một trường nghệ thuật, Lu nhận công việc đóng vai nàng tiên cá tại một công viên hải dương ở tỉnh Sơn Tây. Lu đã có 5 năm kinh nghiệm trong công việc. Cô có thể xoay cơ thể một cách duyên dáng khi bơi dưới nước ở độ sâu vài mét.

Theo Lu, giữ nhịp thở là kỹ năng cơ bản nhất để trở thành một “nàng tiên cá” chuyên nghiệp. Cô có thể nín thở trong khoảng 1 phút hoặc lâu hơn. Thời gian làm việc của Lu bắt đầu từ 10 giờ sáng tới 17 giờ. Tuy nhiên, trong dịp tết, cô gái biểu diễn nhiều hơn và đóng vai nàng tiên cá tới hơn 20 lần trong một ngày. Mỗi bài biểu diễn của Lu thường gồm 6 động tác nhào lộn và diễn ra trong 5 phút. “Công việc này đòi hỏi người biểu diễn phải có thể lực cũng như tâm lý tốt”, Lu nói.

Sau mỗi ngày lao động, Lu thường dùng mỹ phẩm để bảo vệ làn da sau hàng giờ ngâm mình dưới nước. Những lúc này, cô mới cảm thấy những cơn đau nhức sau những suất biểu diễn, đặc biệt những khi trời đổ mưa. Lu tâm sự rằng, dù vất vả nhưng cô rất yêu công việc bởi cô có thể thỏa sức bơi lội cùng nhiều loài cá dưới nước.

Pan Gaojie, cũng là người Trung Quốc, cao 1,7 m, ngoại hình đẹp với đôi mắt sâu đầy bí ẩn, mái tóc suôn dài, thân hình mảnh mai. Pan cho biết cô luôn mơ ước được làm nàng tiên cá, giống như trong bộ phim hoạt hình “The Little Mermaid and Splash”. Mong muốn đó của Pan cuối cùng cũng trở thành hiện thực khi vào năm 2015, cô được một công ty mời đóng giả tiên cá và biểu diễn bơi lội.

Pan cho biết, cô rất thích cảm giác tự do và không trọng lượng khi ở dưới nước. Vì không thích bộ trang phục mà ông chủ giao cho, Pan đặt một người bạn làm thợ may ở Vân Nam may cho mình chiếc đuôi cá để phục vụ công việc và sau này, Pan còn tự tay làm những bộ trang phục cho riêng mình.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.