Những ngày khởi nghiệp của The Beatles

Thứ Ba, 14/05/2019, 14:39
Bất chấp lo ngại và cảnh báo của bố mẹ về việc sẽ phá sản, thất nghiệp nếu theo nghiệp ca hát, các thành viên nhóm nhạc huyền thoại Anh The Beatles quyết tâm theo đuổi đam mê và đã đi vào lịch sử rock and roll thế giới.

Thông tin mới trên do bà Julia Baird, em gái của John Lennon tiết lộ trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh DailyMailTV. Cuộc phỏng vấn cho thấy cái nhìn rất khác về những ngày chật vật của "Bộ Tứ" khi họ thực hiện gần 300 hợp đồng biểu diễn từ năm 1961 đến 1962 tại câu lạc bộ The Cavern - địa điểm ở Liverpool, Anh từ lâu được coi là nơi sinh của nhóm nhạc.

Khởi đầu bấp bênh của ban nhạc đã được kể lại trong một bộ phim tài liệu mang tên "The Cavern: The Beat Goes On" do bà Julia Baird sản xuất để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập câu lạc bộ The Cavern.

Nhóm The Beatles tại The Cavern.

Bà Baird cho rằng chính niềm tin của người quản lý ban nhạc Brian Epstein đã thay đổi toàn bộ tương lai của The Beatles. Chỉ có sự hậu thuẫn của Epsteain mà bố của Paul và dì của John mới không bắt họ đi làm việc toàn thời gian và không cấm họ chơi nhạc rock.

Những ngày mà The Beatles chơi tại The Cavern, John, Paul, Ringo và Gergeo Harrison đã tạo ra nguồn năng lượng mạnh mẽ trên sân khấu. Dù vậy, những buổi biểu diễn sống gây ấn tượng của họ chưa nhận được một hợp đồng thu âm nào cũng như chưa có gì đảm bảo an ninh tài chính vào cuối năm 1961. Điều đó khiến gia đình John và Paul lo lắng, thúc giục họ xem lại tương lai. Bà Mimi khi đó nói với John: "Chiếc guitar rất tốt, John, nhưng cháu sẽ không bao giờ kiếm sống được bằng nó". Bà Mimi lo John sẽ bỏ trường đại học nghệ thuật. Còn bố mẹ Paul thì muốn con làm giáo viên.

Thời đó, trẻ em trưởng thành rất nhanh và nếu không tiếp tục đi học để vào đại học, các em sẽ đi tập sự, đi làm việc. Paul sắp trở thành giáo viên tiếng Anh. John thì đã xong một năm đại học với tư cách sinh viên nghệ thuật và sẽ làm trong ngành nghệ thuật thương mại.

Bà Baird kể: "Bố mẹ của Rod Davis, một người bạn thân của John ở nhóm nhạc The Quarrymen phối hợp với hiệu trưởng trường John học để đưa ông vào Đại học Cambridge". Vậy là Rod sau này trở thành giáo viên ngôn ngữ thay vì một thành viên The Beatles. Bố mẹ Rod không ủng hộ Rod làm bất kỳ điều gì khác. Còn với Colin Hanton, tay trống ban đầu của nhóm, bố mẹ anh này để ban nhạc chơi và thậm chí để họ luyện tập trong nhà Colin vào chiều thứ bảy. Nhưng khi Colin 16 tuổi, anh bị bắt rời nhóm nhạc và đi học làm thợ mộc rồi trở thành một thợ mộc tự làm ăn riêng.

Năm 1961, The Beatles đã biết rằng cần phải biến thú vui thành công cụ kiếm sống. Trên sân khấu tại The Cavern, John khẳng định đó là thời gian hạnh phúc nhất của ông khi "Bộ Tứ" ở Liverpool cháy hết mình. The Cavern cho họ một ngôi nhà và một căn cứ, John cảm thấy đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời họ.

Khi nhóm nhạc Sex Pistols ra mắt giữa những năm 1970, John ngay lập tức bắt tay thu âm vì nói rằng ông ghen tị với họ. Ông ghen tị vì họ tự do và có thể lên sân khấu biểu diễn hết mình và nổi loạn. Với The Beatles, The Cavern là một nơi trong thành phố của riêng họ. Họ lên xe buýt vào thành phố, mang theo nhạc cụ và chơi ở The Cavern.

Lo lắng của gia đình John và Paul cũng là mối lo của khán giả tại The Cavern. Trước khi ban nhạc thu âm và tự sáng tác, họ chỉ đi hát lại các ca khúc. Khi Paul hát lại bài Long Tall Sally, khán giả phàn nàn: "Đây không phải thứ chúng tôi đến để nghe". Quản lý The Cavern từng nói với nhóm nhạc: "Nếu các anh định tiếp tục hát những thứ rác rưởi rock and roll đó, các anh sẽ phải ra đi". Tuy nhiên, xu hướng thực sự thay đổi vì nhạc jazz được thổi vào nhạc rock and roll và sau đó xuất hiện trong mọi thứ khác. Rock and roll đang được khai sinh thời đó.

Các cô cậu tuổi teen thường vào quán để nghe ban nhạc biểu diễn vào giờ ăn trưa. Họ hào hứng, nhảy múa. Đó là chất kích thích của tuổi trẻ khi được nghe thứ âm nhạc tuyệt vời. Không khí đó bao trùm thành phố. Ai đã từng trải qua thì sẽ quay lại để trải nghiệm tiếp.

Khi ban nhạc có khán giả và thuyết phục được Epstein, ông đã đảm bảo với nhóm của John và Paul rằng họ có một tương lai. John từng nói nếu không có Epstein, sẽ không có The Beatles. Epstein tới nghe The Beatles hát tại The Cavern và ký hợp đồng với họ. Ông xuất thân từ tầng lớp trung lưu trong một gia đình Do Thái sống ở Liverpool và sống ở một khu vực rất tốt. Điều đó đã gây ấn tượng với bà Mimi.

Bà Baird cũng phải thừa nhận rằng may mắn đóng một vai trò lớn để nhóm nhạc trở thành ban nhạc lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 27 tháng ký hợp đồng tháng 12-1961. Buổi ra mắt của họ trong chương trình The Ed Sullivan hồi tháng 2-1964 đã được 73,7 triệu người xem, một con số kỷ lục, khởi đầu cho cơn sốt The Beatles. Bà Baird nói: "Đôi khi bạn cần vận may, cơ hội, đúng người, đúng thời điểm, nếu không tài năng có thể trượt qua".

Buổi chiếu phim về câu lạc bộ The Cavern là một sự kiện mà bà Baird tri ân "cái nôi nhạc pop Anh", nơi chứng kiến nhịp đập trái tim âm nhạc Liverpool trở thành câu lạc bộ nổi tiếng nhất thế giới. Nhiều câu lạc bộ xuất hiện rồi biến mất, là nơi toàn người nổi tiếng, không phải là nơi mà người bình thường có thể đến đắm mình trong không khí nhiều thế hệ. Còn The Cavern như thể có phép màu.

Năm 2018, Paul đã xuất hiện bất ngờ và biểu diễn tại The Cavern. Lần đó, ông đã hát và nhảy điên cuồng. Bà Baird nói: "Ông ấy rõ ràng không biểu diễn vì tiền, ông ấy làm vì ông ấy thích tương tác với khán giả. Đó là cách ông ấy biểu diễn trong những ngày tháng ở The Cavern".

Thông tin mới về những tháng ngày chật vật của The Bealtes được bà Baird đưa ra 50 năm sau khi The Beatles có buổi biểu diễn cuối cùng với tư cách là một ban nhạc tại nóc tòa nhà Apple ở London năm 1969. Bộ phim tài liệu "The Cavern: The Beat Goes On" đã được trình chiếu tại sự kiện BritWeek 2019 ở Los Angeles.

Nhật Minh
.
.